ĐUA THU HÚT FDI, VIỆT NAM PHẢI NHANH CHÂN HƠN.

ĐUA THU HÚT FDI, VIỆT NAM PHẢI NHANH CHÂN HƠN.

Mặc dù được đánh giá cao về tiềm năng, lợi thế, nhưng trong bối cảnh cuộc đua thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đang “nóng” lên tại ASEAN, nếu không “nhanh chân” và có những giải pháp đột phá, Việt Nam có thể mất cơ hội đón đầu dòng vốn đầu tư đang dịch chuyển.

“Việt Nam và Singapore có chương trình khuyến khích tương tự nhau, nhưng chúng tôi sẽ giành được các dự án cho mình với nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào, thị trường khổng lồ, hiệu quả kinh tế và sự lãnh đạo của Indonesia”, ông Nurul Ichwan, Ban điều phối đầu tư Indonesia, đã nói như vậy với tờ Bloomberg.

Các công ty như Amperex, LG Chem hay Tesla đang được Indonesia tích cực mời gọi đầu tư, bởi cái đích mà nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á đang nhắm tới là các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất pin và xe điện, hai lĩnh vực sản xuất đang trong thế kỷ 21.

Trong khi đó, thông tin cho biết, hai tuần trước đây, Philippines cũng đã công bố kế hoạch ban hành chính sách thuế mới lấy “cảm hứng” từ Singapore, với trọng tâm là giảm thuế thu nhập doanh nghiệp từ 30% xuống 25% đối với các tập đoàn lớn và 20% đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ. Song song đó, quốc gia này cũng đã tiếp tục một loạt cải cách, bao gồm việc cấp thêm quyền cho Tổng thống trong việc đưa ra những ưu đãi phi tài khóa cho doanh nghiệp và điều phối hoạt động của 13 cơ quan xúc tiến đầu tư hoạt động độc lập.

Tất cả những động thái này cũng là nhằm đón được dòng vốn FDI đang dịch chuyển mạnh mẽ trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến rất phức tạp, khiến nhiều tập đoàn đang đẩy nhanh chiến lược đa dạng chuỗi cung ứng ngoài Trung Quốc.

Không chỉ Indonesia hay Philippines, cả Thái Lan, Malaysia, thậm chí cả Lào, Campuchia cũng đang tích cực triển khai nhiều biện pháp nhằm tăng cường thu hút FDI. Hai năm gần đây, Thái Lan là một trong những quốc gia nhanh chân nhất trong việc tung ra một loạt chính sách nhằm thu hút đầu tư, bao gồm gói chính sách mang tên “Thailand Plus”, giảm thêm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp trong 5 năm cho các dự án quy mô lớn trong những ngành công nghiệp mũi nhọn. Cuộc đua thu hút FDI ở khu vực ASEAN ngày càng nóng!

Việt Nam cũng đang tăng tốc trong cuộc đua thu hút FDI ở khu vực ASEAN. Thậm chí, hơn một năm nay, kể từ khi Covid-19 bùng phát trên toàn cầu, Việt Nam luôn được đánh giá cao và được coi là một điểm đến an toàn và hấp dẫn, một sự lựa chọn tốt khi các tập đoàn muốn đa dạng chuỗi cung ứng.

Thành công trong ngăn chặn dịch bệnh Covid-19 là lý do khiến Việt Nam được lựa chọn nhiều hơn. Chính tờ South China Morning Post (Trung Quốc), dựa trên một cuộc khảo sát, mới đây cũng đã đưa ra nhận định rằng, được coi là một trong số những phương án thay thế cho Trung Quốc trong khu vực, Việt Nam duy trì được vị trí của mình trong suốt năm 2020 đầy biến động. Vào đầu năm 2021, Việt Nam được 25% số công ty được hỏi trên toàn cầu vinh danh là thị trường cung ứng hàng đầu.

Trong khi đó, ông Nakajima Takeo, Trưởng đại diện Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại Hà Nội cho biết, theo kết quả khảo sát của JETRO về xu hướng đầu tư, kinh doanh 1-2 năm tới của doanh nghiệp, thì hầu hết đều cho rằng, mở rộng hoạt động mở rộng sản xuất – kinh doanh là khó. Dù vậy, Việt Nam vẫn là một trong những đất nước nằm trong top đầu của ASEAN.

Và quả thực, vốn FDI vẫn đang đổ vào Việt Nam. Tuy nhiên, nhìn nhận một cách công bằng, có vẻ như, FDI vào Việt Nam đã không tăng trưởng như kỳ vọng. Năm 2020, Việt Nam đã thu hút được 28,5 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài, giảm 25% so với năm ngoái. Còn 4 tháng đầu năm nay, con số là 12,25 tỷ USD, bằng 99,3% so với cùng kỳ năm 2020.

Đánh giá về các con số này, ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) luôn khẳng định, đây là một kết quả tích cực trong bối cảnh FDI toàn cầu sụt giảm.

Năm ngoái, theo Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD), FDI toàn cầu năm 2020 đã giảm tới 42%, còn 859 tỷ USD so với mức 1.500 tỷ USD năm 2019. FDI vào khu vực ASEAN giảm 31%. Nếu đứng trên góc độ này, thì đúng là, thu hút FDI vào Việt Nam vẫn là khả quan.

Ở khối sản xuất, hàng loạt nhà đầu tư lớn cũng gia tăng hoạt động đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam. Một trong số đó có thể kể đến, đó là dự án sản xuất, gia công máy tính bảng và máy tính xách tay của Foxconn tại Bắc Giang, vốn đăng ký 270 triệu USD. Chưa kể, còn dự án 200 triệu USD của Công ty TNHH Công nghệ Everwin Precision Việt Nam ở Nghệ An.

Nhìn vào các động thái quan trọng của các tập đoàn lớn trong thời gian gần đây thì càng thêm tin tưởng vào nhận định này. Chẳng hạn, việc Tập đoàn SK (Hàn Quốc) ký thỏa thuận với Tập đoàn Masan để mua lại 16,26% cổ phần của VinCommerce mà công ty này đang nắm giữ, với trị giá 410 triệu USD, hay việc Tập đoàn Tài chính Sumitomo Mitsui công bố chi 1,37 tỷ USD mua 49% vốn của FE Credit qua Công ty Tài chính Tiêu dùng SMBC.

Ngoài ra, Tập đoàn Intel cũng đã mở rộng đầu tư thêm 475 triệu USD và đang lên kế hoạch đầu tư cho giai đoạn II. LG Display thì cũng đã tăng vốn thêm 750 triệu USD. Trong khi đó, các tên tuổi công nghệ lớn, như Foxconn, Luxshare, Pegatron, Winstron… cũng liên tục dốc vốn vào Việt Nam. Và mới đây, Tập đoàn AT&S (Áo) cũng đã đến Việt Nam để khảo sát địa điểm để đầu tư một dự án công nghệ cao trị giá 1,8 tỷ USD.


Tuy vậy, câu hỏi đặt ra là, Việt Nam có hụt hơi trong cuộc đua thu hút FDI hay không?

Đầu năm nay, khi UNCTAD công bố số liệu đầu tư toàn cầu, dư luận không khỏi giật mình. Bởi bất chấp FDI toàn cầu sụt giảm và đi ngược với mọi dự báo rằng, FDI đang rời khỏi Trung Quốc, thì nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này vẫn đứng đầu về thu hút FDI, vượt cả nước Mỹ. Năm 2020, Trung Quốc đã thu hút được 163 tỷ USD vốn FDI, tăng 4% so với năm trước.

Trong khi đó, Ủy ban Điều phối Đầu tư Indonesia (BKPM) cho biết, tổng vốn đầu tư thực hiện trong quý I/2021 đã đạt 219.700 tỷ rupiah (15,1 tỷ USD), tăng 4,3% so với cùng kỳ năm trước và tăng 2,3% so với quý IV/2020.

Mọi sự so sánh là khập khiễng, bởi Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và bất kể thế nào, các tập đoàn “không thể tách rời” nhà cung ứng lớn nhất thế giới này, còn Indonesia là nền kinh tế lớn nhất ASEAN. Nhưng rõ ràng, FDI vào Việt Nam đang giảm, còn FDI vào hai thị trường này vẫn tăng. Và đây là điểm rất đáng lưu ý.

Báo cáo Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng đã ít nhiều nhắc đến mối lo ngại khi dòng vốn FDI vào Việt Nam đang tiếp tục xu hướng giảm.

Bốn tháng đầu năm, vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam xấp xỉ cùng kỳ năm ngoái phần nhiều được bù đắp bằng các dự án lớn, như Điện khí 3,1 tỷ USD ở Long An, Nhiệt điện Ô Môn II, 1,31 tỷ USD ở Cần Thơ, hay dự án tăng vốn 750 triệu USD của LG Display Hải Phòng. Còn thực tế, xét về số lượng, thì lượt dự án đăng ký mới trong 4 tháng qua giảm 54,2%; lượt dự án điều chỉnh vốn giảm 21,5%, còn lượt góp vốn, mua cổ phần giảm 64,1% so với cùng kỳ.

-> Đại dịch Covid-19 rõ ràng đã ảnh hưởng khá lớn tới dòng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

FDI toàn cầu được UNCTAD dự báo là sẽ tiếp tục giảm, thậm chí là có thể sẽ “chạm đáy” trong năm nay. Tình hình chỉ có thể được cải thiện vào năm 2022, và nguyên nhân vẫn xuất phát từ những yếu tố không chắc chắn về diễn biến của đại dịch Covid-19. Sự bùng phát dữ dội của đại dịch Covid-19 tại Ấn Độ trong thời gian gần đây và những diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-10 tại Việt Nam trong vài tuần gần đây đã cho thấy điều này.

Nhưng khi mà “miếng bánh” không những không tăng, mà thậm chí còn nhỏ đi, thì cạnh tranh thu hút FDI sẽ gay gắt hơn. Dù hiện tại, Việt Nam đang có nhiều lợi thế và cơ hội đón dòng đầu tư từ xu hướng “Trung Quốc +1”, song nếu không có sự chuẩn bị sẵn sàng, cơ hội để trở thành trung tâm sản xuất mới ở Đông Nam Á có thể sẽ vuột đi…

Chính Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng nhiều lần nhấn mạnh rằng, dòng vốn đầu tư sẽ “không tự nhiên mà đến”. Chính phủ Việt Nam cũng đang rất nỗ lực để có thể đón đầu dòng vốn đầu tư dịch chuyển, từ chuẩn bị đất đai, nguồn năng lượng, nhân lực… song có vẻ như tất cả vẫn chưa được như kỳ vọng.

Cuối tháng 8/2018, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 50/NQ-TW về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030. Chính phủ. Tháng 4/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 58 để thực hiện Nghị quyết 50/NQ-TW, với nhiều nhiệm vụ cụ thể được giao cho các bộ ngành, địa phương.

Điểm tích cực lớn nhất là Luật Đầu tư sửa đổi đã ngay lập tức đưa vào điều khoản về ưu đãi đầu tư đặc biệt dành cho các dự án quy mô lớn, dự án công nghệ cao, đầu tư trong lĩnh vực R&D. Tuy nhiên, hiện nay, các nhà đầu tư vẫn đang “hóng” một nghị quyết chính thức của Chính phủ về vấn đề này.

Nhưng cho đến nay, nếu điểm lại, nhiều nhiệm vụ vẫn chưa hoàn thành, từ việc xây dựng Chiến lược thu hút FDI giai đoạn tới, đến việc xây dựng cơ chế ưu đãi mới, hay bổ sung cơ chế khuyến khích đối với các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, thực hiện tốt các nghĩa vụ, cam kết…

Thông tin cho biết, hiện nay, Dự thảo Quyết định về ưu đãi đầu tư đặc biệt hiện đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn thiện để trình Chính phủ thông qua. “Dự thảo Quyết định đã đề xuất 4 tiêu chí để xác định doanh nghiệp có được hưởng ưu đãi đặc biệt hay không. Đó là công nghệ cao, chuyển giao công nghệ, tỷ lệ doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi và giá trị sản xuất trong nước”, ông Đỗ Nhất Hoàng cho biết.

Nếu Chính phủ sớm thông qua Dự thảo Quyết định, có thể sẽ là cú hích để các nhà đầu tư lớn như Foxconn, AT&S, Intel… sớm đẩy nhanh các kế hoạch đầu tư vào Việt Nam, đồng thời kéo theo các “đại bàng” khác đến làm tổ.

Không chỉ là chính sách, một yếu tố được các nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm chính là nguồn nhân lực, nhất là khi trong lần dịch chuyển này, ưu thế đang thuộc về các dự án công nghệ cao.