HẬU COVID-19: CƠ HỘI NÀO CHO NGÀNH THUỶ SẢN?

HẬU COVID-19: CƠ HỘI NÀO CHO NGÀNH THUỶ SẢN?

Cơ hội cho xuất khẩu thủy sản của Việt Nam bứt tốc là rất lớn, nhưng trong hành trình ấy, vẫn có những thách thức không nhỏ.

Một sự đồng thuận rất lớn từ các chuyên gia tham dự Hội thảo Nhu cầu và Xu hướng thị trường thủy sản hậu Covid-19, do VASEP tổ chức mới đây, với sự hỗ trợ của BlueScope, đó là Việt Nam đang có cơ hội lớn để thúc đẩy xuất khẩu và phát triển ngành thủy sản. Thông tin cho biết, nửa đầu năm 2022 nhu cầu thủy sản thế giới đã khôi phục. Đặc biệt, người tiêu dùng Trung Quốc – một thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam – ngày càng ưa chuộng các sản phẩm thủy sản chất lượng cao, có giá trị gia tăng. Các thị trường Mỹ, châu Âu cũng vậy.

Chính vì thế, kể từ đầu năm tới nay, xuất khẩu thủy sản không ngừng tăng tốc. Tính chung 8 tháng, tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 7,557 tỷ USD, tăng 35,5% so với cùng kỳ năm trước. Theo báo cáo của VASEP, thị trường thủy sản thế giới 5 năm qua đã tăng trưởng 16%, với kim ngạch nhập khẩu mỗi năm khoảng 148,5 tỷ USD. Trong đó, tôm chiếm tỷ trọng cao nhất và tăng mạnh nhất, với 29%; cá hồi tăng 16%.

Trong 6 thị trường lớn, xuất khẩu sang Trung Quốc tăng đột phá nhất, tăng 87% sau 6 năm, đặc biệt từ năm 2017 do nhu cầu của nước này tăng mạnh cho cả tiêu thụ trong nước và cả hoạt động chế biến xuất khẩu. Năm ngoái, Việt Nam đã xuất khẩu hơn 1,1 tỷ USD sang thị trường này, trong khi con số của năm 2015 chỉ là hơn 615 triệu USD.

Thị trường Mỹ cũng vậy. Sau Covid-19, thị trường mở cửa, nhu cầu hồi phục mạnh đối với tất cả các sản phẩm thuỷ sản. Năm ngoái, Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ hơn 2 tỷ USD. Hiện Việt Nam là nguồn cung lớn thứ 5 chiếm 9% thị phần thủy sản ở Mỹ.

Dự báo, đến năm 2030, nhu cầu tiêu thụ thủy sản của thế giới sẽ tăng 18% (tương đương 28 triệu tấn) so với năm 2018. Trong đó, châu Á sẽ tiêu thị mạnh nhất, chiếm 71% (183 triệu tấn).

Không chỉ là nhu cầu lớn, mà theo bà Lê Hằng, Giám đốc truyền thông VASEP, sau hai năm Covid-19, một số xu hướng mới trong ngành thủy sản đã được định hình và có ảnh hưởng tích cực đến ngành thủy sản Việt Nam.

Chẳng hạn, xu hướng mua – bán online và thúc đẩy bán lẻ gia tăng; tăng nhu cầu các sản phẩm có giá vừa phải, phù hợp mặt bằng thu nhập đang sụt giảm; tăng thương mại hai chiều giữa các thị trường thành viên của các FTA song phương và đa phương; nhu cầu của Mỹ, EU và Trung Quốc tăng mạnh…

Một bức tranh khá tươi đẹp về cơ hội và tương lai của ngành thủy sản Việt Nam. Tuy nhiên, trên thực tế, không có bức tranh nào chỉ có gam màu sáng. Các thách thức, khó khăn của ngành thủy sản Việt Nam cũng đã được các doanh nghiệp, các chuyên gia nhắc tới.

Lớn nhất, theo bà Lệ Hằng, nhu cầu thuỷ sản toàn cầu đã đạt đỉnh và sẽ giảm trong nửa cuối năm 2022. Đồng USD tăng giá cũng sẽ làm giảm nhu cầu ở nhiều thị trường trong đó có EU, Nhật Bản.

Cùng với đó, lượng hàng tồn kho tăng khiến nhà nhập khẩu hạn chế mua hàng và tìm cách hạ giá hàng nhập khẩu. Đó cũng là nguyên nhân khiến giá xuất khẩu thủy sản không duy trì được mức cao như nửa đầu năm.

Dự báo về tình hình xuất khẩu thủy sản cuối năm, Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cũng cho rằng tồn kho cao, lạm phát, nhu cầu tiêu thụ ở thị trường Mỹ giảm khiến xuất khẩu thủy sản sang thị trường này sẽ khó khăn hơn trong giai đoạn cuối năm 2022. Dẫu vậy, thị trường Trung Quốc có thể là điểm sáng trong nửa cuối năm 2022 khi quốc gia này có dấu hiệu mở cửa trở lại nền kinh tế.

Theo ông Lực, hiện chi phí vận chuyển 1 container tôm (khoảng 15 tấn) từ Việt Nam đến Mỹ khoảng 20.000 USD, trong khi đó, chi phí vận chuyển 1 container từ Ecuado đến Mỹ chỉ khoảng 5.000 USD. Như vậy, chỉ tính về cước vận chuyển, 1 container tôm Việt Nam cao hơn 15.000 USD, tương đương 1 kg tôm “gánh” thêm 1 USD so với tôm Ecuado. Điều này cũng “làm khó” doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt.

Chi phí logistic chỉ là một trong những vấn đề khiến năng lực cạnh tranh của thủy sản Việt Nam bị “giảm điểm”. Theo ông Lực, thì dự báo nhu cầu thủy sản tiếp tục tăng trong dài hạn cũng thúc đẩy các quốc gia khác có chính sách thúc đẩy ngành tôm bao gồm tăng nuôi, tăng sản lượng, nâng cao trình độ chế biến, sách lược thị trường làm tăng áp lực canh tranh quốc tế. Trong bối cảnh ấy, Việt Nam cũng phải có các đầu tư thích đáng với ngành thủy sản, để gia tăng năng lực cạnh tranh.

Chế biến sâu lại chính là một trong những thách thức không nhỏ của ngành nông, lâm, thủy sản Việt Nam, chứ không riêng ngành thủy sản. Với riêng ngành này, vấn đề bảo quản sản phẩm cũng là một vấn đề lớn, chứ chưa nói tới việc đầu tư cho máy móc, công nghệ chế biến. Bảo quản sản phẩm hiện vẫn đang là điểm yếu của ngành sản xuất, chế biến nông sản, thủy sản của Việt Nam.

Liên quan đến vấn đề này, bà Lâm Tố Trinh, Phó tổng giám đốc Sáng tạo Đổi mới và Phát triển kinh doanh NS Blue Scope Việt Nam cho biết, để giải bài toán này, các doanh nghiệp phải nâng cao điều kiện sản xuất để đáp ứng các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Ngoài yếu tố bảo quản, các chuyên gia cũng cho rằng, để tạo sự đột phá trong xuất khẩu thủy sản, về lâu dài, các doanh nghiệp phải đảm bảo định hướng bền vững, tính minh bạch, truy xuất nguồn gốc, trách nhiệm xã hội, trách nhiệm môi trường của chuỗi sản xuất sản phẩm bởi các thị trường sẽ gia tăng hoặc siết chặt các quy định liên quan đến chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, môi trường, lao động…


Bình luận