Sự phát triển của ngành điện tử Việt Nam trong những năm gần đây được chú ý bởi dòng vốn đầu tư lớn của các tập đoàn đa quốc gia từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc) đổ vào mảng sản xuất linh kiện điện tử. Trong xu hướng đón nhận làn sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu, các doanh nghiệp nội địa cần lực đẩy từ chính sách và cuộc tái cơ cấu để gia tăng năng lực cạnh tranh.
Để thoát ra khỏi “cái bóng” của chính mình trong vai trò gia công, lắp ráp vài công đoạn trong chuỗi sản xuất sản phẩm điện tử, khắc phục tình trạng tỷ lệ nội địa hóa thấp, chỉ cung cấp các sản phẩm đơn giản với hàm lượng công nghệ thấp, bản thân doanh nghiệp trong nước phải mạnh hơn, thiết lập được hệ sinh thái công nghiệp hỗ trợ và đủ sức bắt tay với các tập đoàn công nghệ quốc tế.
Đây là nội dung các chuyên gia, nhà quản lý chuyển tải tại Diễn đàn CEO có chủ đề “Đón nhận làn sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng ngành điện tử” do tạp chí Kinh tế Sài Gòn phối hợp cùng Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam (VEIA): và nhãn hàng Tôn Colorbond® thuộc Công ty TNHH NS BlueScope Việt Nam tổ chức vào ngày 4-10 tại Hà Nội.
Trong bài tham luận của mình, ông Phạm Tuấn Anh, Phó cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương, cho biết ngành điện tử Việt Nam những năm qua đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận. Các sản phẩm điện tử đáp ứng được phần lớn nhu cầu trong nước và xuất khẩu đi một số quốc gia trên thế giới.
Thời gian qua, ngành điện tử phát triển chủ yếu do thu hút được dòng vốn đầu tư từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc) vào lĩnh vực sản xuất kinh kiện điện tử. Năm 2021, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng điện thoại và linh kiện đạt hơn 57,5 tỉ đô la Mỹ, máy vi tính sản phẩm và linh kiện điện tử đạt gần 51 tỉ đô la Mỹ…
Hiện tại, công nghiệp điện tử được đánh giá là ngành công nghiệp mũi nhọn và xuất khẩu xếp thứ 12 trên thế giới và xếp thứ 3 khu vực ASEAN. Tuy nhiên, ông Tuấn Anh cho hay, có đến 95% kim ngạch xuất khẩu thuộc khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Ngành điện tử vẫn dừng ở công đoạn lắp ráp. Năng lực của các doanh nghiệp nội địa trong ngành còn nhiều hạn chế, chất lượng mẫu mã sản phẩm chưa đáp ứng được yêu cầu cao của thị trường. Một số doanh nghiệp điện tử nội địa có tiếng trước đây phát triển chậm lại hoặc mất dần thương hiệu, chiếm thị phần nhỏ…
Bổ sung ý kiến của ông Tuấn Anh, ông Nguyễn Phước Hải, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam cho biết, đến năm 2020 hãng Apple có hơn 200 nhà cung cấp linh phụ kiện trên toàn cầu, trong số này chỉ có 21 nhà cung cấp tại Việt Nam. Song, toàn bộ các nhà cung cấp tại Việt Nam đều là các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), không có các doanh nghiệp trong nước.
Ông Tuấn Anh cho rằng, sau đại dịch Covid-19 và những biến động về chính trị – kinh tế – xã hội thế giới và khu vực, ngành điện tử Việt Nam đứng trước nhiều cơ hội đón làn sóng chuyển dịch đầu tư và tái cơ cấu chuỗi giá trị trong thời gian tới.
Khuyến nghị chính sách phát triển thời gian tới, ông Tuấn Anh cho rằng Việt Nam cần phải tập trung thúc đẩy chiến lược hài hòa về cả phần cứng và phần mềm. Cần xây dựng 1 chiến lược phát triển cho ngành điện tử. Cần phải tập trung hình thành các trung tâm nghiên cứu và phát triển cho cả phần cứng và phần mềm.
Vị chuyên gia này cho rằng cần đẩy nhanh hoàn thiện thể chế, luật pháp, khắc phục tình trạng thiếu tính hệ thống, mâu thuẫn chồng chéo giữa các văn bản pháp luật; giảm thiểu thủ tục hành chính rườm rà, chồng chéo, thời gian thực hiện quá dài gây tốn chi phí và thời gian.
Chính phủ cần ban hành chính sách ưu đãi hợp lý để khuyến khích các tập đoàn kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài liên kết theo chuỗi với các doanh nghiệp Việt Nam; hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ về tài chính, tín dụng ưu đãi để đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao trình độ quản trị doanh nghiệp, đào tạo nhân lực tay nghề cao để đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài về công nghiệp hỗ trợ, ông Nguyễn Mại nêu kiến nghị.
Người đại diện Công ty 4P, một doanh nghiệp nội địa đang cung cấp linh kiện cho tập đoàn LG (Hàn Quốc), đến với diễn đàn bằng những chia sẻ về câu chuyện đầu tư và cơ hội phát triển thị trường trong làn sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu.
Còn ông Liêu Văn Hán, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Điện tử Đài Loan tại Việt Nam cho rằng, ngành công nghiệp điện tử với linh kiện phức tạp và chủng loại sản phẩm đa dạng. Các doanh nghiệp Việt để có thể tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu không phải dễ dàng và thời gian ngắn là đạt được. Quá trình đạt được tiêu chuẩn chất lượng của chuỗi cung ứng toàn cầu rất phức tạp, nên ông cho rằng chính phủ Việt nam cần có chính cách thúc đẩy phù hợp.
Ngoài ra, ông Hán cho biết nhiều doanh nghiệp trong Hiệp hội doanh nghiệp Điện tử Đài Loan tại Việt Nam phản ánh không có đủ nhân lực am hiểu kĩ thuật công nghệ. Do đó ông cho rằng Chính phủ Việt Nam cần có những chương trình tăng cường đào tạo về nhân lực cho công nghiệp điện tử để thúc đẩy ngành này phát triển.
Chất lượng nhà xưởng là một trong những yếu tố thể hiện năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, đặc biệt khi các tiêu chuẩn quản lý, xuất nhập khẩu hàng hóa từ nhà đầu tư ngày càng tăng cao.
Trong tham luận tại sự kiện, bà Lâm Tố Trinh, Phó tổng giám đốc Sáng tạo đổi mới và Phát triển kinh doanh, Công ty TNHH NS BlueScope Việt Nam, cho rằng các nhà máy thường được đầu tư với định hướng lâu dài nên cần được chọn xây dựng bằng những vật liệu chất lượng và nhãn hiệu uy tín để đảm bảo hiệu quả cho cả vòng đời công trình. Việc định hướng đầu tư sản phẩm tốt, lâu dài cho nhà xưởng là cần thiết.
Bà Trinh đã giới thiệu giải pháp mới, mang tính đột phá nhằm hạn chế các khó khăn mà doanh nghiệp đang gặp phải trong việc xây dựng và duy trì nhà xưởng chất lượng cao cho ngành điện tử và linh kiện điện tử. NS BlueScope hiện đang cung cấp giải pháp mái che và vách ngăn cho nhà xưởng linh kiện điện tử, giúp đảm bảo cách nhiệt cho nhà xưởng, gia tăng độ bền, chống gỉ sét trong thời gian dài hơn so với các sản phẩm truyền thống. Thêm nữa sản phẩm cũng có màu sắc hài hòa thẩm mỹ và độ bóng vừa phải, không gây khó chịu cho các công nhân khi làm việc trong nhà xưởng.
Bình luận