ĐÓN DÒNG ĐẦU TƯ “TRÁNH” CHIẾN TRANH THƯƠNG MẠI

ĐÓN DÒNG ĐẦU TƯ “TRÁNH” CHIẾN TRANH THƯƠNG MẠI

Làn sóng dịch chuyển đầu tư sang Việt Nam vốn đã bắt đầu từ những năm trước lại đang tiếp tục gia tăng khi chiến tranh thương mại Mỹ – Trung bùng nổ.

Câu chuyện với Việt Nam là làm thế nào để đón thành công dòng vốn chuyển hướng ngay thời điểm này cũng như luôn giữ được sự hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư trong mọi hoàn cảnh.

DÒNG VỐN

CHẢY XUÔI VỀ NAM

Tại hội thảo: “Chiến tranh thương mại: Tương lai của doanh nghiệp sản xuất?” do Nhóm Thời báo Kinh tế Sài Gòn phối hợp cùng thương hiệu tôn Colorbond thuộc công ty Bluescope Việt Nam tổ chức mới đây, Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Đình Thiên, nguyên viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhận định, Việt Nam chịu tác động lớn bởi chiến tranh thương mại và các ảnh hưởng này đều có hai mặt. Bởi, cả Mỹ lẫn Trung Quốc đều là hai đối tác thương mại lớn của Việt Nam.

 

Trong số này, đáng chú ý là dòng vốn đầu tư từ các nước, vốn vào Trung Quốc, nay dồn về Việt Nam nhộn nhịp để tránh bị thuế cao khi xuất vào Mỹ. Tất nhiên, không ít trong các đầu tư này là của doanh nghiệp Trung Quốc với mục tiêu lấy xuất xứ Việt Nam tránh thuế Mỹ cũng như hưởng lợi các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam ký, đang hoặc chuẩn bị có hiệu lực.

Dòng đầu tư lớn không?

Ông Herb Cochran, Chuyên gia cao cấp về Tạo thuận lợi thương mại, Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Diễn đàn Hội nhập kinh tế quốc tế TPHCM 2018 chia sẻ, ngay từ năm 2013, trong chuyến công tác đến phía Nam Trung Quốc, ông đã nghe các doanh nghiệp Mỹ ở đây thể hiện mong muốn rời đi. Đến nay, năm 2018, con số doanh nghiệp ở khu vực này muốn rời hoạt động ra khỏi Trung Quốc lên đến 70%, nhất là khi Tổng thống Mỹ sẵn sàng tăng thêm trừng phạt thuế. Và Việt Nam là một trong những điểm đến được nhắm tới.

Ông Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam nói trên TBKTSG rằng, trong nhiều năm qua, chiến lược của Trung Quốc là chuyển dịch từ sản xuất sang dịch vụ, tiêu dùng, tránh thâm hụt lao động… Chi phí sản xuất tăng đã khiến nhiều nhà đầu tư đã dịch chuyển nhà máy từ Trung Quốc sang Việt Nam. Và chiến tranh thương mại Mỹ – Trung hay các FTA, trong đó Hiệp định CPTPP hiện nay là chất xúc tác đẩy nhanh dòng dịch chuyển này.

Đặc biệt, không chỉ nhà đầu tư các nước mà doanh nghiệp Trung Quốc cũng đang “nhắm” vào Việt Nam với nhiều hình thức, từ trực tiếp đến gián tiếp, mua cổ phần, hợp tác đến thâu tóm công ty trong nước.

Không chỉ nhà nước có cơ hội mà từng doanh nghiệp còn đang đứng trước nhiều cơ hội hợp tác, có thêm nhiều khách hàng lớn. Ông Hồ Đức Lam, Chủ tịch Hiệp hội Nhựa Việt Nam cho biết, trong thời gian qua đã tiếp nhiều công ty cung cấp hàng cho các nhà bán lẻ lớn như Walmart, IKEA… vốn lâu nay gia công ở Trung Quốc, tìm đến nhà sản xuất Việt Nam để tránh chiến tranh thương mại.

LỰA CHỌN

CỦA CHÍNH PHỦ

Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập, Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) tại hội thảo về chiến tranh thương mại cho rằng, cơ hội đón dòng đầu tư có ý nghĩa với cải cách kinh tế vĩ mô hơn là với doanh nghiệp. Càng có nhiều doanh nghiệp tham gia thị trường thì cạnh tranh càng lớn. Đặc biệt, dịch chuyển dòng vốn đầu tư khỏi Trung Quốc không chỉ sang Việt Nam mà còn nhiều nước khác. Do vậy, công việc của Chính phủ lúc này là cải thiện được môi trường đầu tư kinh doanh, làm một cách thường xuyên, tập trung hơn trong giai đoạn này khi các nước khác dường như đang chớp cơ hội tốt hơn.

Ông Hải nêu quan điểm, đây thời điểm Việt Nam có quyền lựa chọn các đầu tư kỹ hơn, định hướng lại các chính sách thu hút. Đây mới là cách làm bền vững bởi không có gì chắc chắn là năm năm nữa, các doanh nghiệp không dịch chuyển như đã làm với Trung Quốc. Bên cạnh đó, cần hỗ trợ doanh nghiệp nội địa, tạo thế cân bằng; các chính sách ưu đãi cần dành cho mọi thành phần kinh tế.

Đặc biệt, để bảo vệ các ngành sản xuất tránh nguy cơ trở thành đối tượng trừng phạt thuế của Mỹ nếu gian lận xuất xứ, ông Lam đề xuất, Chính phủ cần có nguyên tắc cấp phép đầu tư. Theo đó, nhất định không cấp phép cho những dự án không đảm bảo thực hiện hơn 2/3 quy trình sản xuất tại Việt Nam.

BƯỚC ĐI

CỦA DOANH NGHIỆP

Với dòng vốn đầu tư đang dịch chuyển mà không ít là của doanh nghiệp Trung Quốc, chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch trong một hội thảo mới đây lưu ý, bản thân doanh nghiệp Việt Nam phải ý thức về việc hợp tác, không vì lợi trước mắt mà tiếp tay, làm ảnh hưởng đến cả nền kinh tế.

Ông Lam chia sẻ, cơ hội thay thế Trung Quốc trở thành nhà gia công, cung cấp hàng cho các nhà bán lẻ lớn đang mở ra nhưng không nhiều doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng được do chưa đáp ứng được những điều kiện về sản xuất số lượng lớn, quản trị chất lượng vốn khắt khe của đối tác. Do vậy, các doanh nghiệp phải liên kết chuỗi sản xuất mới tận dụng được cơ hội. Và trong lúc đó thì nâng cấp quản trị, cải tiến sản xuất theo hướng tinh gọn; đa dạng hóa nguồn nguyên liệu đầu vào…

Ông Võ Minh Nhựt, Tổng giám đốc BlueScope Việt Nam nhìn nhận, “Để ứng phó với các sự biến động lớn về thị trường đặc biệt là trong ngành thép, chúng tôi sẽ càng phải chủ động phát triển và đưa ra các dòng sản phẩm mới khác biệt mang tính đột phá để thu hút khách hàng, song song với việc nhanh chóng tìm đến các thị trường xuất khẩu mới nhằm chủ động hơn về đầu ra, Đây là chiến lược bất biến để phát triển bền vững trong bối cảnh kinh doanh có nhiều thay đổi hiện nay”, ông Nhựt nói.


Bình luận


Đăng bình luận

Bài viết liên quan