CỔ PHIẾU NÔNG NGHIỆP SẠCH TĂNG MẠNH MẼ NÔNG NGHIỆP CÔNG NGHỆ CAO BẮT ĐẦU HÁI QUẢ NGỌT?

CỔ PHIẾU NÔNG NGHIỆP SẠCH TĂNG MẠNH MẼ NÔNG NGHIỆP CÔNG NGHỆ CAO BẮT ĐẦU HÁI QUẢ NGỌT?

Khoảng năm 2015-2016, nhiều doanh nghiệp lớn cấp tập đổ vốn cả nghìn tỷ đồng vào làm nông nghiệp. Thứ họ trông chờ đó là: Nông nghiệp công nghệ cao sẽ dần dần chiếm lĩnh thị trường, sản xuất quy mô lớn sẽ giúp doanh nghiệp đạt lợi nhuận cao đồng thời, xu hướng tiêu dùng sạch sẽ là đòn bẩy đánh bật các doanh nghiệp khác cùng ngành đang sản xuất với quy trình cũ.

Thế nhưng, sự thật không giống như mơ. Nông nghiệp sạch vẫn đúng như những gì doanh nghiệp kỳ vọng nhưng không đúng với sự kỳ vọng của nhà đầu tư. Thu hồi vốn quá lâu khiến nhiều nhà đầu tư lớn đành lắc đầu quay đi khiến cổ phiếu ngành nông nghiệp công nghệ cao trở nên rẻ như cho suốt nhiều năm liền.

Tình trạng cổ phiếu “rẻ như cho” dường như đã không còn đúng những ngày đầu năm 2019. Sau 4-5 năm đầu tư, nông nghiệp đang hái quả và cổ phiếu đang tăng mạnh mẽ.

Bước vào ngành nông nghiệp bằng hoạt động M&A vào khoảng năm 2015-2016, GTNfoods từng được nhiều nhà đầu tư quan tâm lớn bởi mấy chục ngàn héc ta chè, mấy chục ngàn con bò sữa đã thuộc sở hữu của công ty. Nhưng, sự quan tâm đó chóng qua đi bởi muốn tốt, GTNfoods sẽ phải đầu tư lớn để tái cơ cấu mô hình kinh doanh cũ thành mô hình tiên tiến, hiện đại.

Hoạt động tái cơ cấu cực kỳ ngốn tiền và đặc biệt là thời gian. Những nhà đầu tư không chờ đợi được đã dần rời bỏ GTNfoods, giá cổ phiếu rơi thảm thương chỉ còn 1/3 chỉ trong vài năm.

Dù vậy, GTNfoods vẫn kiên trì theo đuổi nông nghiệp sạch. Những đồi chè ngút ngàn của Vinatea giờ đây đã không còn trồng bằng kinh nghiệm dân gian, mỗi nhà một kiểu, chỗ trà sạch, chỗ trà… chưa sạch, chỗ thì con buôn tụ tập mua bán, tranh cướp hàng hoá, chỗ thì các cơ sở chế biến thô sơ, nhếch nhác nữa mà mọi thứ đồng nhất theo tiêu chuẩn quốc tế. Nhà máy sản xuất chè của Vinatea cũng được đầu tư xây dựng hiện đại và liên tục cho ra những sản phẩm chè cao cấp, đủ điều kiện xuất khẩu sang các thị trường quốc tế khó tính nhất.

Tương tự Vinatea, công ty con khác của GTNfoods ở vùng đất Mộc Châu là Mộc Châu Milk cũng đã trở mình phát triển mạnh mẽ. Với sự hợp tác của các chuyên gia nước ngoài, Mộc Châu Milk đã xây dựng quy trình sản xuất sữa đạt tiêu chuẩn Châu Âu, từ các khâu nguyên liệu đầu vào, chăm sóc bò đến khai thác sữa đều được tổ chức khép kín.

Hoạt động kinh doanh của GTNfoods dần ổn định và gặt hái thành quả. Song song với đó, những nhà đầu tư bền gan với cổ phiếu GTN của GTNfoods đã được nhìn sắc tím liên tục nhiều phiên. Giá cổ phiếu GTN tăng mạnh từ vùng 10.000 đồng/cổ phiếu lên ngưỡng 15.000 tương đương mức tăng 50% chỉ trong một thời gian rất ngắn.

Những người thạo tin trên thị trường chứng khoán đều nhớ cú tuột dốc không phanh của Hoàng Anh Gia Lai (HAG-HNG) mấy năm về trước. Vay nợ lớn để đầu tư vào nông nghiệp, Hoàng Anh Gia Lai đã rơi vào trạng thái báo động đỏ về tài chính khi mà sản phẩm chưa có đầu ra vững vàng. Vòng xoáy nợ nần đã kéo bộ đôi cổ phiếu HAG, HNG từ bluechips thành bộ đôi cổ phiếu “trà đá” trong suốt nhiều năm ròng.

Năm 2017, giữa khó, công ty đã quyết định đầu tư thêm vào trồng cây ăn trái nhằm tạo dòng tiền nhanh hơn các cây nông nghiệp dài ngày như cao su, cọ dầu.

Cú “rẽ ngang” đó đã giúp Bầu Đức vượt qua khó khăn. 2 năm qua trái cây trở thành điểm tựa của HAGL, đem lại nguồn tiền ổn định cũng như hiệu suất sinh lời cao. Tổng doanh thu từ trái cây của HAGL 2 năm qua đạt khoảng 4.461 tỷ đồng và lợi nhuận gộp từ trái cây là 2.514 tỷ đồng, tỷ suất sinh lời tới 56%.

Biên lợi nhuận từ trái cây cao là do HAGL có quy mô lớn, cho phép công ty bỏ qua nhiều khâu trung gian và bán trực tiếp cho các nhà phân phối lớn cũng như các chợ đầu mối ở Trung Quốc. Bên cạnh đó, giá bán cao hơn so với giá của nông dân nhờ khả năng cung cấp sản lượng lớn, ổn định, chất lượng đồng đều, nguồn gốc rõ ràng.

Đồng thời, việc nuôi trồng theo mô hình khép kín cho phép HAGL Agrico tận dụng tối đa các sản phẩm và phụ phẩm có được từ các ngành nghề, tối ưu hóa năng suất hoạt động.

Nhờ đi đúng hướng và vườn cây ăn quả bắt đầu gặt hái thành quả, cổ phiếu HAG, HNG từng bị nhà đầu tư “tẩy chay” trước đây đã quay góc 180 độ, tranh mua ồ ạt. Cặp đôi cổ phiếu HAG và HNG của bầu Đức đều đã tăng 30% trong 3 tháng qua.

Một trong những “case” điển hình khác phải kể đến nữa là Vinamilk (VNM). Vốn là một công ty sữa nổi danh đã lâu nên những gì về doanh nghiệp này đa phần mọi người đều đã biết. Tuy nhiên, xu hướng Nông nghiệp Sạch mới mà Vinamilk đang theo đuổi lại chưa được nhiều người hiểu cặn kẽ.

Theo chia sẻ của bà Mai Kiều Liên, Vinamilk nhận thấy xu hướng organic sẽ nhanh chóng lan toả ở Việt Nam và Vinamilk đã đầu tư mạnh vào mảng này.

Dù Vinamilk liên tục tăng trưởng những năm qua nhưng quá trình đầu tư, giai đoạn đầu của vận hành thì chi phí khấu hao thường đội lên cao. Nhiều nhà đầu tư ngắn hạn không chờ đợi được và nhìn thấy giá cổ phiếu VNM sụt giảm cũng không dám rót tiền mua cổ phiếu.

Sau chia sẻ của bà Mai Kiều Liên, nhiều người đã lý giải được nguyên nhân lợi nhuận của Vinamilk mấy năm gần đây chưa khiến họ hài lòng. Nhiều nhà đầu tư đã nhìn thấy người tiêu dùng khát khao sữa organic thế nào và quan trọng hơn, họ nhìn thấy tương lai của Vinamilk rộng mở thế nào khi trang trại sữa organic đã bắt đầu có lãi.

Cổ phiếu VNM của Vinamilk đã tăng một mạch ~30% chỉ trong vài tháng kể từ khi câu chuyện tương lai của Vinamilk được sáng tỏ. Cổ đông Vinamilk chính xác đã được hái quả ngọt nông nghiệp sạch mà doanh nghiệp dày công rót vốn.


Bình luận


Đăng bình luận

Bài viết liên quan