ÔNG PHAN MINH THÔNG, CHỦ TỊCH PHÚC SINH GROUP: MUA SÂM THÌ TỚI HÀN QUỐC, MUA CÀ PHÊ NGON THÌ ĐẾN VIỆT NAM

ÔNG PHAN MINH THÔNG, CHỦ TỊCH PHÚC SINH GROUP: MUA SÂM THÌ TỚI HÀN QUỐC, MUA CÀ PHÊ NGON THÌ ĐẾN VIỆT NAM

Từ một công ty chuyên xuất khẩu nông sản, đứng đầu về hồ tiêu rồi đến cà phê, gần đây Phúc Sinh “quay về” với thị trường nội địa bằng các sản phẩm cà phê rang xay. Mới đây, việc cho ra mắt sản phẩm cà phê Blue Sơn La theo xu hướng “From Farm to Cup” đã cho thấy sự tâm huyết và đam mê của ông chủ Phan Minh Thông với cà phê, với người tiêu dùng Việt.

Thực sự là tò mò vì nói đến cà phê người ta thường nói tới cà phê Tây Nguyên còn anh lại là cà phê Sơn La? Hơn nữa còn tâm huyết xây dựng nhà máy, làm thương hiệu, thiết kế mẫu mã bắt mắt cho thương hiệu này?

(Cười). Tôi biết bạn ngạc nhiên vì đó là một câu chuyện dài. Tôi làm xuất khẩu nông sản từ 2001 trong đó hồ tiêu đứng đầu thị trường, sau đó là cà phê. Mỗi tuần chúng tôi xuất khẩu khoảng 160 container tất cả các mặt hàng nhưng cà phê đã chiếm từ 80 – 100 container. Chúng tôi có các nhà máy ở Bình Dương, Đắk Lắk nhưng tôi cũng như bạn, chưa bao giờ biết đến cà phê Sơn La.

Tôi là người Hải Phòng nhưng chưa bao giờ tôi đi Sơn La. Cách đây vài năm, tôi và vài người bạn đến Sơn La, tôi vô cùng ngỡ ngàng là tại sao ở đây lại nhiều cà phê như vậy mà không hề có nhà máy nào hoàn chỉnh. Khi tìm hiểu tôi mới biết ở đây họ trồng cà phê 35 – 40 năm rồi, sản lượng khoảng 40.000 tấn/năm, tôi đã cực kỳ ấn tượng khi thử thì cà phê rất ngon nên tự nhủ: mình sẽ dành thời gian cho nó.

Sau đó chúng tôi dành thời gian nghiên cứu, cùng các chuyên gia đi khảo sát ở Sơn La, tất cả các chuyên gia đi khảo sát đều rất ấn tượng. Tiếp đó, chúng tôi mời khách hàng của Phúc Sinh ở Đức, Hà Lan… sang để khảo sát và họ nói rằng họ đến Việt Nam mua bán cà phê nhiều nhưng không nghĩ tới Sơn La, giống như bạn bè của tôi khi nghe tôi nói chuyện trao đổi thì họ cũng chỉ nói là biết đến Đà Lạt, Đắk Lắk chứ không hề biết gì đến Sơn La.

Từ đó tôi nhận ra đây chính là cơ hội cho mình bởi Phúc Sinh luôn luôn là người tiên phong. Chúng tôi quyết định đầu tư nhanh chóng và dự án được hỗ trợ nhiều của UBND tỉnh Sơn La nên chỉ trong vòng 8 tháng nhà máy đã xây xong với vốn đầu tư trên 100 tỷ đồng, dây chuyền sản xuất toàn bộ nhập từ Colombia. Chắc bạn ngạc nhiên tại sao lại là dây chuyền của Colombia? Chúng tôi đã khảo sát rất nhiều nơi, nhận thấy để sản xuất cà phê đặc biệt chỉ có dây chuyền của Colombia mới chế biến “ướt” được. Cuối 2018 khai trương nhà máy, tôi gửi thư mời đến 250 khách hàng ở Việt Nam cũng như thế giới đến Sơn La thì tất cả đều rất ngỡ ngàng, choáng ngợp và thích thú với cà phê ngon, vùng đất tươi đẹp…

Nhưng tại sao lại là Blue Sơn La chứ không phải nhãn hiệu nào trước đó của Phúc Sinh? Tại sao anh lại xác định rõ sản phẩm của mình là “From Farm to Cup”?

Tại sao lại Blue Sơn La? Việc Phúc Sinh xuất khẩu đứng số 1 có nhưng mới chỉ có số lượng nhưng chưa có tên nên tôi chọn Blue Sơn La làm thương hiệu cà phê cho mình. Từ 10 năm trước chúng tôi đã làm cà phê rang xay và 3 năm gần đây khi bán qua phin ở các siêu thị chúng tôi càng nhận thấy an toàn thực phẩm luôn là vấn đề trăn trở. Sản phẩm phải hướng tới người tiêu dùng theo xu hướng an toàn thực phẩm nên màu sắc bao bì cũng như tên gọi của Blue Sơn La đều mang ý nghĩa xanh và an toàn.

Giờ xu hướng người tiêu dùng khi uống cà phê, không chỉ trên thế giới mà ngay cả Việt Nam, họ rất muốn biết xuất xứ ly cà phê từ đâu, ai trồng, an toàn như thế nào nên mình rất tự hào là công ty đầu tiên tại Việt Nam trồng và sản xuất cà phê “From Farm to Cup”. Cụ thể mình phối hợp với nông dân thuê chuyên gia nước ngoài hướng dẫn họ canh tác, sử dụng phân bón đảm bảo vệ sinh an toàn ngay từ khi trồng cho đến khi thu hoạch và đưa vào nhà máy. Nhà máy sản xuất và chế biến cà phê Phúc Sinh tại Sơn La được đầu tư hiện đại đảm bảo các tiêu chuẩn về môi trường và sản xuất các sản phẩm cà phê đạt chuẩn UTZ và BRC – chứng nhận toàn cầu đảm bảo sản xuất một cách có trách nhiệm, mang thương hiệu Sơn La. Kiếm tiền nhưng phải đầu tư phát triển bền vững cho nhiều năm sau, đó là lý do chúng tôi kiên trì và đầu tư các sản phẩm cà phê theo xu hướng “From Farm to Cup”.

Tôi cho rằng nếu chúng ta thúc đẩy xu hướng “From Farm to Cup” thì người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi rất nhiều.

Khi xuất khẩu anh nói qua Đức nhiều nhất, vậy ở thị trường này xuất khẩu bằng thương hiệu Blue Son La hay thương hiệu nào khác?

Phúc Sinh đã phải đấu tranh dữ dội mới giữ được tên vì các nhà nhập khẩu họ muốn dán logo, đưa tên họ vào. Nên chúng tôi đã phải thuyết phục rằng: đây là sản phẩm rất đặc biệt, họ có thể mua các sản phẩm khác nhưng nếu muốn mua sản phẩm này thì phải gắn tên Blue Son La.

Được biết anh đang có “âm mưu” chinh phục người tiêu dùng nội địa đến và thưởng thức các sản phẩm cà phê nguyên chất mà Phúc Sinh xuất khẩu bao lâu nay ngay tại các cửa hàng cà phê của mình. Anh có thể “bật mí” thêm?

Đúng là mình đang xây dựng chuỗi cửa hàng cà phê mang thương hiệu “Kcoffee” tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Chuỗi cửa hàng này có 2 dạng: coffee house (quán cafe) là những cửa hàng lớn, quy mô từ vài trăm m2 trở lên. Đến đây khách hàng có thể thưởng thức tất cả các sản phẩm cà phê nguyên chất và đặc biệt của Phúc Sinh cùng nhiều loại bánh ngọt và mặn của các thương hiệu nổi tiếng trên thị trường. Dạng thứ 2 là Coffee Express có mặt bằng nhỏ dưới 100 m2 để phục vụ khách hàng có nhu cầu mang đi là chính.

Mục tiêu 2019 mình sẽ mở khoảng 30 cửa hàng trên toàn quốc và hiện đang thực hiện miễn phí franchise nếu ai có nhu cầu mở theo chuỗi trong năm nay.

Điều gì anh tâm đắc nhất trong suốt thời gian từ khi khởi nghiệp kinh doanh đến nay?

Mình nhận thấy nếu bạn thực sự có đam mê, khát vọng, dám nghĩ dám làm thì bạn sẽ hiện thực hoá được đam mê của mình.

Cảm ơn anh rất nhiều!

Long – Dương thực hiện.

Theo Congthuong.vn


Bình luận


Đăng bình luận