Hãy hình dung bạn đang lái xe đến công sở trên những cung đường thẳng băng, sạch sẽ, rợp bóng cây xanh, và hẳn nhiên, những cuộc họp của bạn với đối tác cũng sẽ diễn ra chính xác đến từng giây bởi ở đó nạn kẹt xe gần như vắng bóng. Tất cả những điều này và hơn thế nữa chính là tương lai của các đô thị thông minh (smart cities) – một khái niệm mới về chuẩn sống đô thị trong kỷ nguyên công nghệ số đang được nhiều quốc gia áp dụng để biến các thành phố của họ thành những nơi đáng sống xét về môi trường, giao thông, chăm sóc sức khỏe, an ninh công cộng… Đó là một Copenhagen xanh, sạch, đẹp với hệ sinh thái bền vững cùng kiểu kết hợp không gian làm việc với các tòa nhà xã hội, nhà hàng, rạp chiếu phim để tạo ra một thành phố đa chức năng giúp kết nối mọi người. Là một Singapore tiên phong trong việc xanh hóa đảo quốc trong từng ngóc ngách cùng các sáng kiến ứng dụng Internet vạn vật (IoT) vào việc quản lý giao thông, vận chuyển. Là một Ấn Độ với tầm nhìn sâu rộng để biến 100 thành phố của nước này thành các đô thị thông minh. Là một Trung Quốc với hơn 200 thành phố được chọn làm thí điểm cho các dự án thành phố thông minh, trong khi hơn 90% các tỉnh và thành phố của nước này đã coi IoT là một ngành công nghiệp trụ cột trong kế hoạch phát triển của họ. Vậy đâu là những yếu tố tạo nên một thành phố thông minh và đáng sống?
SMART CITY – NHỮNG CON SỐ BIẾT NÓI
Trong vài năm trở lại đây, khái niệm Thành phố thông minh (smart city) đang trở thành một trong những cụm từ được tìm kiếm nhiều nhất. Vào năm 2017, công ty nghiên cứu thị trường Juniper Research đã bình chọn top 20 đô thị thông minh trên toàn thế giới, dựa trên kết quả đánh giá các đô thị trong 4 lĩnh vực, gồm giao thông, chăm sóc sức khỏe, an ninh công cộng và năng suất lao động của công dân, trong đó Singapore là đô thị dẫn đầu, theo sau là Luân Đôn, New York, San Francisco, Chicago…. Ấn Độ đã cho thấy tầm nhìn sâu rộng để biến 100 thành phố của nước này thành các đô thị thông minh. Trung Quốc cũng đã chọn hơn 200 thành phố để thí điểm các dự án thành phố thông minh, trong đó có Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu và Hàng Châu, trong khi hơn 90% các tỉnh và thành phố của nước này đã coi IoT (Internet of Things – Internet kết nối vạn vật) là một ngành công nghiệp trụ cột trong kế hoạch phát triển của họ.
Sự bền vững là một nguồn lực mạnh mẽ cho sự thay đổi tích cực trong thế giới của chúng ta, giúp thúc đẩy sự chuyển đổi và cách tân trên tất cả các khía cạnh của xã hội. Không còn giới hạn trong việc bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, tính bền vững giờ đây bao gồm một loạt thách thức, từ tăng trưởng đô thị, giao thông, dấu vết carbon cho đến cả việc cân bằng cuộc sống & công việc của con người.
Khi dân số thế giới dự kiến sẽ tăng khoảng 33% trước năm 2050 và với gần 70% những người sống trong môi trường đô thị, tính bền vững đã trở thành tâm điểm của các thành phố tiên tiến. Cùng với đó, Internet of Things (IoT) và công nghệ thành phố thông minh là một trong những chìa khóa dẫn đến thành công trong lĩnh vực này. Trên thực tế, Gartner dự đoán rằng vào năm 2020, một nửa trong số các mục tiêu của thành phố thông minh sẽ tập trung vào thay đổi khí hậu, khả năng phục hồi và tính bền vững. Với tốc độ tăng trưởng dự kiến hơn 19% mỗi năm, thị trường thành phố thông minh toàn cầu được dự đoán sẽ đạt 3,6 nghìn tỷ đô la vào năm 2025, tăng từ 773 tỷ đô la trong năm 2016.
Các doanh nghiệp và thành phố sáng tạo nhìn thấy tiềm năng và đang cùng nhau thực hiện các chương trình để đáp ứng các mục tiêu bền vững toàn cầu. Thành phố thông minh được xây dựng trên nền tảng của các mạng kỹ thuật số phổ biến, kết nối công dân, chính phủ và các đối tượng, đồng thời gửi và nhận dữ liệu. Các ứng dụng phần mềm dựa trên thuật toán đám mây sẽ nhận, quản lý và phân tích dữ liệu này và biến nó thành trí thông minh thời gian thực để cuối cùng, sẽ giúp cải thiện cách chúng ta sống, làm việc, và giải trí.
NHỮNG THÀNH PHỐ THÔNG MINH TIÊN PHONG TRÊN THẾ GIỚI
Mặc dù thành phố thông minh vẫn cho thấy nhiều khát vọng hơn so thực tế, nhiều thành phố đã khởi xướng các chương trình và dự án để hiện thực hoá các kế hoạch xây dựng thành phố thông minh của mình. Liên minh châu Âu triển khai các dự án thành phố thông minh dưới sự bảo trợ của Chương trình nghị sự kỹ thuật số châu Âu, trong khi các sáng kiến tương tự cũng được ứng dụng ở các thành phố ở Bắc Mỹ, châu Á và Trung Đông.
Theo báo cáo đánh giá cạnh tranh thành phố thông minh của ABI Research (ABI Research’s Smart Cities Competitive Assessment), Singapore được đánh giá là thành phố thông minh nhất thế giới với điểm nhấn đặc biệt về Di động như là một dịch vụ (Mobility-as-a-Service – MaaS) và chuyên chở như là dịch vụ (Freight-as-a-Service – FaaS), các hệ thống giao thông tự động và các thử nghiệm, đề án giao thông, vận tải. Bên cạnh đó, sáng kiến quốc gia thông minh (Smart Nation) của Singapore giải quyết rất nhiều vấn đề đô thị liên quan đến mật động dân cư đông đúc.
Từ năm 2011, Vienna đã đặt ra các mục tiêu đầy tham vọng cho việc quản lý và tiêu thụ năng lượng, với sự nhấn mạnh vào việc giảm phát thải khí nhà kính. Toronto đang hợp tác với một công ty của Google để tạo ra một cộng đồng ở khu vực bờ sông phía đông, nơi sẽ sử dụng công nghệ được kết nối để cung cấp phương tiện tự lái và hệ thống năng lượng thân thiện với khí hậu. Năm 2014, sáng kiến Innovation Path of Paris đã được công bố với trọng tâm là con người, nhắm đến mục tiêu hoạch định, hiện đại hóa giao thông cùng các dịch vụ. Chính quyền Paris gần đây đã thu hút sự chú ý vì các sáng kiến của họ để thúc đẩy việc phủ xanh đô thị.
London triển khai một hệ thống chống ùn tắc giao thông nhờ phần mềm nhận dạng biển số xe. Cảnh sát ở Anh sử dụng công nghệ tương tự để vận hành hệ thống theo dõi xe trên toàn quốc. Các công ty đứng sau các hoạt động này cũng tích cực phát triển các công nghệ cảm biến và phần mềm cho thành phố thông minh thông qua hợp tác với Urban Systems Engineers @ Imperial College và các tổ chức khác để giải quyết các vấn đề đô thị. Nhận dạng biển số chỉ là bước khởi đầu – thuật toán cho phép máy tính nhận ra mọi thứ sẽ ngày càng trở nên quan trọng, giúp tăng tốc độ nhận dạng và phân tích tất cả các loại đối tượng.
Tokyo, nơi sẽ tổ chức Thế vận hội Olympic vào năm 2020, đã coi an ninh, hiệu quả năng lượng và công nghệ là mục tiêu chính của chương trình thành phố thông minh với sáng kiến liên quan đến việc di chuyển các tiện ích dưới mặt đất, cho phép nhiều không gian hơn cho quảng cáo, thông tin khẩn cấp, các hotspot và trạm điện cho các doanh nghiệp pop-up.
Berlin coi thành phố thông minh là một quá trình liên ngành, sử dụng các công nghệ thông tin và truyền thông để khiến thành phố trở nên hiệu quả hơn, lành mạnh hơn, bền vững hơn, dễ sống hơn và sạch hơn. Chiến lược thành phố thông minh của Berlin là một chương trình toàn diện liên quan đến nhu cầu duy trì không gian xanh.
Hồng Kông cũng đã tiên phong trong việc sử dụng chip nhận dạng tần số vô tuyến (RFID) trong thẻ thông minh. Công dân của xứ Cảng thơm truy cập giao thông công cộng và thanh toán tại các cửa hàng tiện lợi và nhà hàng thức ăn nhanh bằng thẻ thông minh Octopus được ra mắt vào năm 1997.Hồng Kông cũng tiên phong trong việc sử dụng thẻ thông minh để sử dụng trong thư viện, tòa nhà, bãi đỗ xe và các cơ sở khác.
Thượng Hải và Bắc Kinh cũng không đứng ngoài cuộc khi triển khai các công nghệ mới như đồng hồ đếm điện thông minh và điện lưới thông minh, áp dụng mô hình chia sẻ xe đạp, xe scooter điện, bãi đỗ xe thông minh và thẻ thông minh dù còn phải đối mặt với các vấn đề lớn như tắc nghẽn giao thông, ô nhiễm và nhiều vấn đề khác.
NHỮNG XU HƯỚNG ĐỊNH HÌNH DIỆN MẠO
THÀNH PHỐ THÔNG MINH TRONG 2019
Những mô hình giao thông mới
Nếu năm 2018 là năm của xe đạp, thì 2019 có thể sẽ là năm của các phương thức vận tải tiên tiến khác. Vào tháng 12, Boring Company của Elon Musk đã thông báo về đường hầm thử nghiệm hyperloop đầu tiên của mình ở Hawthorne, CA, còn Northeast Maglev kết nối Baltimore và Washington, DC sẽ là dự án đầu tiên được công bố trong năm nay.
Trong không gian di động cá nhân, năm 2019 có thể là năm cho những cách thức sáng tạo hơn để kết nối mọi người. Sự phát triển của xe đạp điện mới đang tăng tốc, với một số dòng sản phẩm dự kiến sẽ xuất hiện trên đường phố ở một số thành phố vào năm tới, trong đó, scooter hứa hẹn sẽ chiếm lĩnh vị trí thống soái hơn so với xe đạp. Lyft đã cam kết tung ra những chiếc xe scooter ở nhiều thị trường hơn, trong khi công bố những mẫu xe đạp mới. Jump cũng đã tìm cách vượt ra khỏi mảng xe đạp và tham gia vào lĩnh vực xe scooter, còn Spin đã loại bỏ hoàn toàn các dịch vụ xe đạp của mình và thay vào đó là đẩy mạnh mảng dịch vụ xe scooter trong tiếp thị.
Diện mạo của các bãi đỗ xe sẽ thay đổi
Nếu như trong năm 2018, con người trở nên ngán ngẩm với việc sử dụng xe hơi mỗi khi phải rời nhà đến công sở thì trong năm 2019, chức năng của cơ sở hạ tầng bãi đậu xe và sử dụng hiệu quả không gian lề đường đang trở thành vấn đề được quan tâm. Trên thực tế, một số thành phố đã chứng kiến sự thay đổi trong quy định xung quanh định mức tối thiểu về bãi đậu xe trong năm 2018, đáng chú ý nhất là ở San Francisco, thành phố lớn nhất loại bỏ các bãi đỗ xe để nhường chỗ cho phát triển nhà ở mới.
Bãi đỗ xe ô tô sẽ không bị xóa sổ hoàn toàn, nhưng có thể sẽ chuyển đổi trong năm mới khi hệ thống đỗ xe tự động và “bãi đỗ xe thông minh” trở nên phổ biến hơn. Một báo cáo gần đây cho thấy mức chi tiêu cho các sản phẩm và dịch vụ đỗ xe thông minh dự kiến sẽ tăng với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 14% và vượt 3,8 tỷ đô la vào năm 2023.
Thanh toán kỹ thuật số
Kỷ nguyên của điện thoại thông minh đã kéo theo sự thay đổi trong hành vi tiêu dùng, mở ra nhiều cơ hội mới cho các thành phố để cập nhật những tùy chọn thanh toán cho các hạng mục chi tiêu, từ giao thông đến công trình công cộng.
Nhiều thành phố bắt đầu thử nghiệm sự chuyển đổi này sang thanh toán kỹ thuật số vào năm 2018, đáng chú ý nhất là liên quan đến giá vé tàu điện ngầm và xe buýt. Các thành phố như Washington, DC đã thí điểm các tuyến xe buýt không tiền mặt, trong khi Los Angeles công bố các nền tảng như TAPforce để giới thiệu các phương thức thanh toán mới trên LA Metro.
Bình luận