TẬN DỤNG TỐI ĐA CÁC FTA, TÙY THUỘC RẤT LỚN VÀO KHẢ NĂNG CỦA TỪNG DOANH NGHIỆP Chuyên gia kinh tế Bùi Kim Thùy

TẬN DỤNG TỐI ĐA CÁC FTA, TÙY THUỘC RẤT LỚN VÀO KHẢ NĂNG CỦA TỪNG DOANH NGHIỆP Chuyên gia kinh tế Bùi Kim Thùy



Rất khó để kết luận ngành dệt may có thể hưởng lợi nhiều nhất từ FTA nào, do việc tối đa hóa lợi ích của FTA phụ thuộc phần lớn vào trình độ và khả năng đáp ứng của DN đối với các quy định trong mỗi FTA, khả năng tự chủ về nguồn cung hay nói cách khác là giá trị chuỗi cung ứng (value supply chain) và khả năng làm chủ công nghệ của DN.

Ví dụ: những DN thường xuyên có đơn hàng xuất khẩu đến các thị trường như Hàn Quốc và Nhật Bản, có thể tận dụng và hưởng ưu đãi thuế quan theo FTA ASEAN – Hàn Quốc hay ASEAN – Nhật Bản tuy nhiên đối với các FTA khác như CPTPP hay EVFTA, những DN này lại không được hưởng lợi do phần lớn các nguyên liệu đầu vào được nhập khẩu từ Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc… hay những nền kinh tế không phải là thành viên hiệp định, vì thế sẽ không được áp dụng quy tắc cộng gộp để được hưởng ưu đãi thuế quan.

Do đó, với mỗi FTA, nếu DN nắm vững được các quy định, làm chủ được công nghệ, làm chủ được giá trị chuỗi cung ứng, giá trị ngành hàng của mình thì FTA đó sẽ là thuận lợi, là cơ hội mang lại lợi nhuận cho DN.

Quy tắc xuất xứ luôn là vấn đề then chốt, cốt lõi của bất kỳ một Hiệp định/ Thỏa thuận Thương mại Tự do nào, trong đó có CPTPP và EVFTA. DN cần tập trung nhiều nhất vào Quy tắc xuất xứ để có thể tận dụng được tối đa các thuận lợi của CPTPP và EVFTA.

Đối với ngành dệt may, cần lưu ý đến một khái niệm mới được đề cập đến gần đây là “thuế chống lẩn tránh”. Đây là một loại thuế mới xuất hiện từ cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung do Mỹ áp lên các mặt hàng nhập khẩu vào Mỹ đối với các nền kinh tế có nền sản xuất tương tự Trung Quốc. Việt Nam hiện nay chưa có một FTA nào với Mỹ, trong khi 42% tổng kim ngạch dệt may Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ (Số liệu tháng 8, 2019 – VITAS). Về mặt bản chất, loại thuế này có liên quan chặt chẽ đến xuất xứ hàng hóa và nguyên liệu sử dụng để tạo ra hàng hóa đó, vì vậy các DN dệt may cần hết sức lưu ý về quy tắc xuất xứ và loại thuế này.

Tôi đồng ý với quan điểm này. Thứ nhất, Hiệp định EVFTA có yếu tố thuận lợi hơn CPTPP ở điểm cho phép cộng gộp bên thứ ba. Cụ thể cho phép nếu một nền kinh tế đồng thời cùng lúc có FTA với Việt Nam và EU, Việt Nam có thể cộng gộp các nguyên phụ liệu đầu vào từ nền kinh tế này khi xuất khẩu sang EU để hưởng ưu đãi theo EVFTA. Ví dụ Hàn Quốc và Singapore là hai nền kinh tế đồng thời có FTA với Việt Nam (ASEAN) và có FTA với EU, Việt Nam có thể cộng gộp vải có xuất xứ từ 2 nước này, khi xuất khẩu sang EU sẽ được hưởng ưu đãi theo EVFTA, mặc dù Singapore và Hàn Quốc không phải là thành viên của EVFTA. Điểm này thuận lợi hơn CPTPP vì hiệp định này không cho phép cộng gộp từ bất kỳ nền kinh tế nào không phải là thành viên hiệp định. Tuy nhiên trên thực tế việc cộng gộp từ hai quốc gia này rất hạn chế do hàm lượng nhập khẩu nguyên phụ liệu từ Singapore và Hàn Quốc là không cao.

Thứ 2, quy tắc xuất xứ từ vải trở đi là điểm linh hoạt hơn trong EVFTA, so với CPTPP là từ sợi trở đi. Theo CPTPP, tính từ sản xuất sợi, nghĩa công đoạn từ sản xuất sợi đến vải thô đến vải thành phẩm đến hàng may mặc thành phẩm phải diễn ra trong phạm vi của hiệp định, đây là công đoạn khó và hiện tại chưa có thành viên nào của hiệp định có thể thực hiện tốt được, vì vậy phải cần một hoặc nhiều bên thứ ba gia công/ sản xuất một/ một vài khâu trong chuỗi và không được hưởng ưu đãi từ CPTPP do nền kinh tế/ quốc gia này không là thành viên của hiệp định. Về điểm này, quy định quy tắc xuất xứ từ vải trở đi là một điểm linh hoạt trong EVFTA so với CPTPP.


<

Hậu kiểm là xu thế chung của toàn cầu và Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế này. Hậu kiểm giúp rút ngắn thời gian thông quan, còn việc kiểm tra sau thông quan có thể lên tới từ năm năm tới 10 năm.

Tự chứng nhận xuất xứ bản chất là cho phép nhà sản xuất, nhà xuất khẩu, nhà nhập khẩu được tự khai báo hàng hóa thuộc sở hữu của mình, hoặc được ủy quyền khai báo hàng hóa và tự chịu trách nhiệm về xuất xứ hàng hóa thay vì bên thứ ba cấp chứng nhận xuất xứ (Bộ Công thương, VCCI hoặc các đơn vị được Bộ Công thương ủy quyền). Nhiều doanh nghiệp lớn có quan điểm cấp tiến cho rằng, bản thân nhà sản xuất phải hiểu rõ quy trình, xuất xứ và sản phẩm của họ hơn bất kỳ bên thứ ba nào, nên việc tự chứng nhận xuất xứ là một xu thế tất yếu.

DN cần cập nhật thông tin liên tục thông qua các khóa đào tạo về các quy định của FTA, cần tham vấn với các đơn vị tư vấn chuyên nghiệp để có thể thực hiện tự chứng nhận xuất xứ, từ đó chủ động hơn, tiết kiệm được thời gian, nhân lực và chi phí logistics.

Thực tế hiện nay, phần lớn các doanh nghiệp tự chứng nhận xuất xứ là những DN lớn, còn lại những DN nhỏ do không đủ thông tin và nhân lực để tự thực hiện chứng nhận xuất xứ nên cần nhờ bên thứ ba. Việc này giúp DN thực hiện nhanh và chính xác các thủ tục nhưng lại không tạo ra động lực để DN cải tổ công ty. Vì vậy việc tự chứng nhận xuất xứ dễ hay khó phụ thuộc vào tư duy cũng như nguồn lực của chính DN đó.

Cơ chế này không chỉ song song trong EVFTA mà còn song song trong cả CPTPP, hiện nay cơ chế tự chứng nhận xuất xứ trong ASEAN đang được thực hiện thí điểm.

Như đã nêu ở trên, hiện tại chỉ có những DN lớn ở VN có thể thực hiện tự chứng nhận xuất xứ, mà 95% DN Việt Nam là các DN có quy mô vừa và nhỏ, do vậy việc bỏ hoàn toàn cơ chế cấp C/O vẫn cần một khoảng thời gian không ngắn để thực hiện, cho đến khi các DN có đủ khả năng tự thực hiện chứng nhận xuất xứ.

Theo phần lớn đánh giá từ các chuyên gia và báo chí, điểm yếu của các DN dệt may là chưa chủ động được yếu tố nguyên liệu đầu vào, do phải nhập khẩu từ nước ngoài, không là thành viên của FTA sẽ không được hưởng ưu đãi về thuế quan. Theo góc độ cá nhân, tôi cho rằng còn nằm ở chính tính kết nối chuỗi cung ứng trong ngành.

Ví dụ, một khu công nghiệp tổng hợp dệt may, tập hợp các đơn vị cung cấp toàn diện trong ngành, có khả năng làm từ công đoạn sản xuất đầu tiên đến cuối cùng sẽ trở thành một mô hình mẫu giúp việc sản xuất nhanh chóng và hiệu quả. Tính liên kết tốt sẽ giúp chúng ta có nguồn cung trong chuỗi cho nhau tốt mà không bị lệ thuộc quá nhiều vào việc nhập khẩu từ nước ngoài, DN có đủ thông tin, yên tâm đầu tư phát triển.

Ngành dệt may cần nhân rộng mô hình nguồn cung liên kết chuỗi trong ngành, giúp DN tìm được địa chỉ cung cấp nguyên liệu ngành phù hợp và nhanh chóng. Chính phủ có thể hỗ trợ bằng cách đưa ra các chính sách ưu đãi, đầu mối kêu gọi tập hợp các doanh nghiệp ngành dệt may hiện đang phân bố rời rạc ở nhiều địa phương có thể tập trung vào một khu vực, từ đó có thể giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung từ bên ngoài, trước mắt thuận lợi về logistics và lâu dài có thể thúc đẩy phát triển ngành.

Xin cảm ơn bà đã chia sẻ nhiều vấn đề hữu ích cho DN!


Bình luận