COVID-19: DOANH NGHIỆP CHUNG TAY VƯỢT QUA THỬ THÁCH

COVID-19: DOANH NGHIỆP CHUNG TAY VƯỢT QUA THỬ THÁCH

Theo giới chuyên gia, ảnh hưởng từ dịch Covid-19 đang bao trùm lên toàn bộ nền kinh tế thế giới và gây ra nhiều tác động hơn so với khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008. Chính vì thế, bên cạnh các nhận định về tình hình dịch bệnh cùng với các kịch bản ứng phó, những người đứng đầu doanh nghiệp đang nhìn lại bài toán chi phí, mô hình hoạt động, cơ cấu tổ chức, bài toán nhân sự và kể cả các mối quan hệ hợp tác, để có thể biến “nguy” thành “cơ” và hướng tới sự phát triển bền vững sau khi cơn bão mang tên Covid-19 đi qua.

Đây là những nội dung chủ yếu được trao đổi tại Tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Covid-19: Doanh nghiệp chung tay vượt qua thử thách” do Tôn COLORBOND® – Thương hiệu Tôn của BlueScope đồng tổ chức cùng VnExpress vào tối 20/3 vừa qua.

Theo nhận định của các chuyên gia, cuộc khủng hoảng này giúp DN có tư duy khác. Đó là tư duy bền vững và DN luôn phải có sự chuẩn bị sẵn sàng từ trước đó. Ông Võ Minh Nhựt, Tổng Giám đốc NS BlueScope Việt Nam cho rằng, DN muốn phát triển bền vững thì không nên đợi có khủng hoảng mới cải cách mà lúc nào cũng phải chuẩn bị sẵn phương án. Thứ nhất là DN phải quản lý dòng tiền tốt như quản lý hàng tồn, nợ khách hàng, nợ thanh toán với nhà cung cấp… Thứ hai là DN phải có bảng cân đối kế toán thật tốt, danh mục đầu tư phù hợp. Tức là khi xem xét đánh giá danh mục đầu tư chúng ta cần thận trọng trong việc tính toán chỉ số IRR (tỷ lệ hoàn vốn nội bộ) để đo lường mức độ rủi ro của khoản đầu tư trong tương lai. Bên cạnh đó, doanh nghiệp phải có phương án xây dựng thị trường mới, khách hàng mới để không bị động khi khủng hoảng xảy ra.

Sự chủ động của NS BlueScope cũng là cách mà Vissan thực hiện trong nhiều năm qua. Ông Phan Văn Dũng, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Việt Nam Kỹ Nghệ Súc Sản (Vissan) cho biết, hàng năm Vissan đều có sự chuẩn bị về nguyên liệu có thể sử dụng cho cả một năm và với mỗi sản phẩm công ty lựa chọn 2 – 3 nhà cung cấp để bảo đảm không bị gián đoạn trong sản xuất.

Có thể thấy, kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát tới nay đã gây không ít khó khăn, thiệt hại nặng nề cho DN. Để giảm gánh nặng do tác động từ đại dịch này, đã không ít DN chọn giải pháp cho nhân viên nghỉ việc, đẩy một lực lượng lao động lớn ra ngoài xã hội. Đơn cử như trường hợp của một DN da giày tại TP. Hồ Chí Minh mới đây đã tuyên bố cho hơn 1.000 lao động nghỉ việc do đơn hàng bị cắt giảm tới 70%.


Tôi sẽ không chọn phương án sa thải công nhân trong giai đoạn này” theo quan điểm của ông Võ Minh Nhựt, Tổng Giám đốc NS BlueScope Việt Nam. Khủng hoảng hiện nay chỉ mang tính ngắn hạn nên công ty đã đưa ra nhiều kịch bản và chỉ giải quyết những vấn đề trong ngắn hạn. Những giải pháp ngắn hạn của NS BlueScope Việt Nam trong thời gian này. Thứ nhất là bảo đảm an toàn cho nhân viên, gia đình của họ qua việc bố trí cho một số nhân viên làm việc tại nhà, một số tách làm 2 ca, cho giờ ăn khác nhau… Thứ hai là nếu doanh số giảm, người lao động và người sử dụng lao động tình nguyện cùng nhau giảm ngày phép chưa sử dụng hết hoặc có thể cho mượn trước ngày phép sang năm. Những giải pháp này sẽ ít ảnh hưởng tới đời sống của người lao động nhất. Thứ ba, trong ngắn hạn sắp tới, công ty này sẽ cắt giảm một số chi phí marketing và thay vì giảm nhân viên, sẽ không tuyển dụng mới hoặc thay thế nhân viên trong giai đoạn này.

Cùng chung ý kiến, ông Phan Văn Dũng, Công ty CP Việt Nam Kỹ Nghệ Súc Sản (Vissan) cho rằng dịch này ngắn hạn chứ không thể dài hạn và với cách quản lý tốt như Việt Nam, ông Dũng nghĩ sẽ sớm dập tắt dịch. Trong các kịch bản của Vissan, DN này đã tăng công suất với mảng thực phẩm chế biến do nhu cầu tăng cao và giảm nguồn cung thực phẩm tươi sống. Cùng với đó, Vissan đã chuyển lao động từ mảng tươi sống qua mảng chế biến. Dù số lao động này chưa thành thục nhưng đào tạo sẽ nhanh hơn so với tuyển mới bên ngoài.

Ông Phạm Phú Trường cho biết, mới đây Hội doanh nhân trẻ TP. Hồ Chí Minh đã thực hiện khảo sát nhanh về tác động của dịch Covid-19. Khảo sát cho thấy đa số các DN vừa và nhỏ chủ động đưa ra các đối sách với 58% giảm quy mô kinh doanh, 52% tìm thị trường mới và giảm quy mô đầu tư là 45%. Đánh giá chung có 90% nhận định từ 3 – 6 tháng dịch sẽ qua và họ đã sẵn sàng cho sự hồi sinh. Một điều đáng mừng là dù có những khó khăn nhưng 90% sẵn sàng hỗ trợ DN khác cùng vượt qua.


Các trung tâm thương mại giảm giá thuê trước dịch Covid-19

“Hiện hội DN trẻ đang bàn phương án mở ra những forum. Ở đó mọi người kết nối vượt khủng hoảng, tăng tinh thần đoàn kết giữa các DN. Đó là hoạt động, giống như chủ nhà giảm giá cho người thuê, người thuê giảm giá cho người mua… như vậy tinh thần đoàn kết cao để cùng vượt qua khó khăn”, ông Trường nói về những dự định mà hội sẽ thực hiện.

Khẳng định đoàn kết rất quan trọng và nó giúp DN có thể tiến xa hơn, ông Võ Minh Nhựt cho biết đã thực hiện nhiều giải pháp chia sẻ với khách hàng, đối tác. Cụ thể, đối với khách hàng làm về dự án công nghiệp, nhà đầu tư sẽ được công ty chia sẻ về bối cảnh kinh tế, tầm nhìn để từ đó họ có tinh thần lạc quan hơn, giúp họ không hoảng loạn Đối với DN trong phân khúc dân dụng, bán lẻ NS BlueScope đã phối hợp với họ trao hơn 10.000 hộp chống dịch tới người tiêu dùng…


Nhân viên tại BlueScope trích 1 ngày lương đóng góp hỗ trợ chiến dịch

“Chính phủ Việt Nam đang làm tốt công tác chống dịch nhưng một mình Chính phủ không thể làm được và cần sự chung tay của các DN, người lao động. Sự phối hợp chung tay này sẽ tạo ra một tiềm lực rất lớn cho nền kinh tế. Tại công ty chúng tôi có chương trình đóng góp 1 ngày lương, trích số tiền tương ứng với ngày lương nhân viên để đóng góp cho chiến dịch này”, ông Nhựt thông tin thêm.

Với lĩnh vực thực phẩm, theo ông Kao Siêu Lực: ngay khi ABC sáng tạo ra bánh mì thanh long thì đã có những DN trong ngành ngỏ ý chia sẻ công thức. Ông Lực đã sẵn sàng giúp họ vì việc này không chỉ riêng DN làm bánh tồn tại mà còn giúp cả người nông dân có đầu ra cho sản phẩm. “Mình làm vậy thì toàn bộ ngành mới có sự liên kết với nhau, cùng nhau phát triển”, ông Lực nói.


Bình luận