Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện Việt Nam đang đứng thứ 16 trong số 22 nước có ngành công nghiệp dược đang phát triển. Thống kê của BMI cũng dự đoán quy mô thị trường sẽ tăng lên mức 7,2 tỷ đô la Mỹ năm 2020 và tiếp tục tăng trưởng bình quân ít nhất 10% trong 5-10 năm tới. Chi tiêu tiền thuốc bình quân đầu người của Việt Nam đang là 33 USD/người/năm. Dự báo tới năm 2021, con số này sẽ lên tới 55 USD/người/năm.
Đánh giá về ngành dược, công ty chứng khoán KIS mới đây cũng cho rằng việc Việt Nam ngày càng có nhiều người tham gia bảo hiểm xã hội hơn cùng với việc nhận thức về sức khoẻ ngày càng được nâng cao là một “điểm cộng” cho tiềm năng ngành dược.
Triển vọng đầy cám dỗ của ngành dược đã kéo hàng loạt nhà đầu tư trong nước hoạt động ngoài ngành như Thế giới Di động, FPT Retail, Digiworld, Nguyễn Kim, thậm chí, cả tập đoàn Vingroup cũng đang đặt chân vào với những khâu chuẩn bị kỹ càng. Đặc biệt, các tập đoàn dược phẩm nước ngoài cũng tích cực tham gia vào khâu sản xuất tại Việt Nam như Sanofi, Taisho, Abbott… Tuy vậy, tăng trưởng của ngành dược có bền vững hay không vẫn đang là câu hỏi lớn khi mà, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp chưa thực sự phản ánh đầy đủ tiềm năng.
Cám dỗ là vậy nhưng mức độ bền vững của ngành dược đang còn phụ thuộc nhiều điều. Kết quả kinh doanh năm 2018 cho thấy, ngành dược phân hóa mạnh mẽ. Lý do sự phân hóa này nằm ở chỗ: công ty nào làm chủ được nguyên liệu đầu vào sẽ thắng và ngược lại.
Kể từ giữa năm 2018, giá thành phần hoạt chất dược phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc đã tăng mạnh từ 15% đến 80%. Trong khi đó, hiện tại, có rất nhiều doanh nghiệp ngành dược Việt Nam lại đang sử dụng nguồn nguyên liệu dược phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc chủ yếu nên đà tăng chóng mặt đó khiến lợi nhuận gộp của nhiều doanh nghiệp giảm sâu.
Thống kê 12 doanh nghiệp Dược đang niêm yết trên thị trường chứng khoán cho thấy, chỉ ¼ số doanh nghiệp đạt lãi tăng trưởng trên 2 con số, còn lại đều tăng trưởng nhẹ hoặc âm.
Điều đáng nói là, cả 3 doanh nghiệp tăng 2 con số năm qua đều là những doanh nghiệp có câu chuyện rất riêng biệt liên quan đến đầu tư đẩy mạnh sản xuất thuốc nội và tạo dựng nguồn nguyên liệu. Cụ thể:
Dược Trung Ương 3 (DP3) ghi nhận mức lãi tăng đột biến 110% năm qua.
Điều tạo ra thành công cho Dược Trung ương 3 đó là hai nhà máy GMP của công ty đều đã hoạt động với công suất tối đa và công ty may mắn khi tăng cường trữ được nguyên liệu hồi năm 2017 và tránh được cú sốc tăng giá nguyên liệu của năm 2018.
Là doanh nghiệp top 10 của ngành, Imexpharm (IMP) cũng đáng chú ý với mức tăng trưởng 18%. Nguyên nhân tăng trưởng được Imexpharm lý giải là do công ty đã đẩy mạnh quá trình đầu tư xây dựng nhà máy, vùng nguyên liệu suốt mấy năm qua và đây là thế mạnh giúp công ty tăng trưởng. Ngoài những nhà máy sản xuất thuốc công nghệ cao đạt tiêu chuẩn Châu Âu, Imexpharm đã xây dựng được bộ quy trình đánh giá nhà cung cấp (cả trong và ngoài nước) và quy trình đánh giá nhà sản xuất nghiêm ngặt để đảm bảo nguồn nguyên liệu đầu vào chất lượng cao, nổi tiếng trên thế giới tại Châu Âu và Mỹ. Với quy trình này, nguồn nguyên liệu đầu vào của công ty được cung cấp ổn định bởi những nhà sản xuất hàng đầu thế giới và không bị ảnh hưởng bởi những biến động ngắn hạn.
Ngay từ ngày thành lập, OPC đã định vị dòng sản phẩm chủ lực được bào chế từ thảo dược, trên nền tảng bài thuốc cổ truyền phương đông kết hợp công nghệ hiện đại nhằm tối ưu hoá chất lượng sản phẩm, giá cả hợp lý nên công ty đầu tư mạnh vào vùng trồng dược liệu cũng như nhà máy sản xuất thuốc. Trong mấy năm gần đây, OPC đã xây dựng được vùng trồng nguyên liệu Kim Tiền Thảo tại Bắc Giang, mở rộng dây chuyền sơ chế chế biến dược liệu. Chính vì thế, dù giá nguyên liệu dược từ Trung Quốc tăng mạnh mẽ nhưng công ty vẫn đạt tăng trưởng lợi nhuận 2 con số nhờ chủ động được phần lớn nguồn nguyên liệu đầu vào.
Thống kê tình hình kinh doanh trên cho thấy, dù ngành dược rất hấp dẫn nhưng thành công không dành cho tất cả dù “đầu ra” đã mở. Tuy đường cơ hội thênh thang, cửa phát triển rộng mở nhưng doanh nghiệp lại phải giải được bài toán đầu vào chính là nguồn nguyên liệu thì mới gọi là bền vững.
Trong định hướng phát triển ngành dược liệu Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo, việc phát triển vùng nguyên liệu cũng được ưu tiên số một.
– Phát triển công nghiệp dược với nguyên liệu là dược liệu trong nước phải là một chiến lược của ngành y tế.
– Phải đầu tư nghiên cứu khoa học công nghệ, tổ chức quản lý sản xuất theo chuỗi, chế biến sâu, bảo đảm chất lượng; tạo điều kiện thuận lợi, tháo gỡ khó khăn để phát triển các doanh nghiệp trong lĩnh vực dược liệu; đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu sản phẩm dược liệu.
– Các thành phố trực thuộc Trung ương và các địa phương có tiềm năng dược liệu thu hút đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến tại các vùng dược liệu quy mô lớn.
– Nghiên cứu hình thành các trung tâm kinh doanh và thu mua dược liệu tại các vùng miền Bắc, Trung, Nam và Tây Nguyên; xây dựng các chuỗi liên kết trong sản xuất, chế biến, bảo quản và phân phối dược liệu.
Theo đó, nhiều doanh nghiệp đã cấp tập tận dụng sự quan tâm hỗ trợ và phát triển nguồn nguyên liệu. Theo Traphaco, công ty đã tận dụng ưu đãi của Chính phủ và đã đầu tư vùng nguyên liệu trong nước để sản xuất dược phẩm, tránh các cú sốc giá nguyên liệu. Năm 2019, công ty dự kiến đạt mức lợi nhuận 228 tỷ đồng, tăng mạnh so với con số 175 tỷ đồng năm 2018.
Còn theo Dược Hậu Giang, công ty không ngừng đầu tư, lựa chọn nguồn nguyên liệu cũng như đối tác uy tín để hợp tác, nâng cao các tiêu chuẩn trong nhà máy, từ đó nâng cao chất lượng sản phẩm chất lượng quốc tế phục vụ người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu sang các thị trường khó tính. Công ty hiện đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng vào R&D, đặt mục tiêu nghiên cứu và phát triển thành công hàng loạt sản phẩm mới và đây chính là đòn bẩy lớn để công ty bước vào kỷ kinh doanh 2019.
Bình luận