Minh Bạch, Liêm Chính: Chìa Khoá Giúp Singapore Trở Thành Con Rồng Châu Á

Minh Bạch, Liêm Chính: Chìa Khoá Giúp Singapore Trở Thành Con Rồng Châu Á

Singapore hiện được thế giới biết đến như một trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại của khu vực Châu Á và cũng là quốc gia đáng sống nhất trên thế giới. Theo giới phân tích, thành công của Singapore được đóng góp bởi nhiều yếu tố mà một trong những yếu tố quan trọng là nhờ có bộ máy hành chính công hiệu quả, cũng như sự kiểm soát tham nhũng chặt chẽ.

Theo các báo cáo phân tích kinh tế, khi giành được độc lập vào năm 1965, Singapore là một quốc gia có thu nhập thấp, cơ sở hạ tầng yếu và thiếu, không có nhiều đầu tư và ít việc làm. Tham nhũng cũng là một vấn đề rất nghiêm trọng. Tuy vậy, chỉ vài thập kỷ sau, Singapore đã trở thành một trong những quốc gia giàu có nhất châu Á. Trong số các yếu tố làm nên sự thành công của Singapore, bộ máy hành chính công hiệu quả và sự kiểm soát tham nhũng chặt chẽ đóng vai trò hết sức quan trọng.

Nói về bộ máy hành chính công của Singapore, Ngài Kenneth Stowe, Nguyên Thư ký trường trực của Bộ Y tế và An sinh xã hội Vương quốc Anh (1981-1987) đã có so sánh khá thú vị “Dịch vụ công cộng hiệu quả và hợp lý sẽ như một cây dương cầm tốt, và Singapore đang có một bộ máy hành chính phát ra thứ âm nhạc tuyệt vời này”.

Năm 1995 Chính phủ Singapore đã bắt đầu thực hiện Kế hoạch cải cách “21st Century Public Service” (Dịch vụ công cộng thế kỷ XXI). Trong quá trình triển khai, Singapore đã sử dụng “phương pháp tham vấn” trong toàn bộ hệ thống quản lý nhà nước. Phương pháp tham vấn này tăng cường ý thức tham gia của người dân trong việc xây dựng, quản lý đất nước và chính sự tham gia của người dân góp phần không nhỏ vào sự chuyển đổi thái độ quản lý và cung ứng dịch vụ công trong công cuộc cải cách đất nước.

Ngoài ra, năm 2004, Singapore đưa ra chính sách “không có cửa nào là bất hợp lý” hay còn gọi là “không có cửa nào sai”, đã nhận được sự tham gia tích cực của người dân. Theo đó, khi nhận được sự phản hồi của người dân về thái độ cửa quyền, nhũng nhiễu của các công chức, cơ quan có thẩm quyền giải quyết phản hồi phải liên hệ với người gửi ý kiến, sau đó phối hợp với các cơ quan liên quan để khẩn trương giải quyết vụ việc. Điều này góp phần tạo thói quen cho công chức nhận thức được tầm quan trọng của “dịch vụ khách hàng là trên hết” để dịch vụ công ngày càng trong sạch và hiệu quả hơn. Việc chú trọng đến chế độ tài đức và đào tạo trong bộ máy hành chính của Singapore giúp cho các nhân viên thực hiện chính sách của Singapore có năng lực rất cao (Jones, 2016, trang 319).

Kết quả của việc phân tích và so sánh vai trò của bộ máy hành chính trong việc thực thi chính sách ở năm nước ASEAN (Singapore, Malaysia, Việt Nam, Philippines, và Indonesia) cho thấy Singapore là nước thực thi hiệu quả nhất nhờ vào bối cảnh chính sách thuận lợi, cũng như một bộ máy công quyền hiệu quả.

Không chỉ được ca ngợi là quốc gia có bộ máy hành chính công hiệu quả, Singapore còn được đánh giá là một quốc gia có một Chính phủ trong sạch. Ngay khi đảng Nhân dân Hành động (PAP) của Thủ tướng Lý Quang Diệu lên nắm quyền vào năm 1959, họ đã đề ra mục tiêu chống tham nhũng để đạt được mục tiêu phát triển. Theo đó, luật chống tham nhũng mới đã được ra đời, với 32 mục (thay vì 12 mục như trước đây). Luật mới có nhiều sửa đổi quan trọng như tăng án phạt, người nhận hối lộ phải trả lại hết tiền đã nhận. Một người có thể bị khép tội tham nhũng ngay cả khi người đó chưa nhận tiền hối lộ. Công dân phạm tội nhận hối lộ ở nước ngoài cũng bị xử như là một hành vi phạm pháp trong nước. Đặc biệt, Văn phòng điều tra tham nhũng (CPIB) cũng được tăng quyền hạn, với khả năng điều tra “mọi tài khoản ngân hàng” của những ai bị nghi có hành vi phi pháp. Việc thi hành luật chống tham nhũng trên thực tế cũng được đặc biệt chú trọng, áp dụng trong cả lĩnh vực công và tư, bao gồm cả các quan chức nhà nước.

Việc giữ cho hệ thống chính trị trong sạch không chỉ giúp cho nền kinh tế – xã hội của Singapore phát triển bền vững mà còn duy trì và bảo vệ uy tín quốc gia trong phạm vi quốc tế. Hiện Singapore đang là cảng container trung chuyển lớn nhất thế giới, được liên kết với hơn 600 cảng trên toàn thế giới. Đặc biệt, sân bay Changi Singapore được bình chọn là một trong những sân bay quốc tế tốt nhất thế giới phục vụ 65,5 triệu người năm 2018. Cuối cùng, giá trị thương mại của quốc đảo sư tử năm 2017 gấp 3,5 lần GDP của nó.


Bình luận


Bài viết liên quan