NĂM ĐIỂM SÁNG KINH TẾ VIỆT NAM TRONG NĂM 2024

NĂM ĐIỂM SÁNG KINH TẾ VIỆT NAM TRONG NĂM 2024

Sự ổn định về vĩ mô, những chỉ báo phục hồi rõ nét hơn cùng các xu hướng phát triển bền vững trong 9 tháng đầu năm 2023, giúp các chuyên gia đặt kỳ vọng vào sự phục hồi mạnh mẽ hơn trong năm 2024, đặc biệt ở một số nhóm ngành nghề, lĩnh vực.

Với con số 4,24% so với cùng kỳ năm ngoái, tăng trưởng GDP trong 9 tháng đầu năm 2023 tiếp tục phục hồi và có những gam màu sáng tối khác nhau, theo số liệu của Tổng cục thống kê.

Hiện nay, tốc độ tăng trưởng GDP cả năm 2023 được các chuyên gia dự đoán quanh mốc 5%, thay vì kỳ vọng 6% như trước đó. Tuy nhiên, thị trường cũng được cho là đã tạo đáy và đã đang bước vào giai đoạn phục hồi.

Một điểm sáng cần nhắc đến là yếu tố vĩ mô đang dần ổn định khi thanh khoản hệ thống ngân hàng dồi dào, tỷ giá duy trì ổn định, mặt bằng lãi suất huy động giảm giúp giảm dần chi phí vốn cho doanh nghiệp.

Số liệu cập nhật mới nhất từ Tổng cục thống kê, cho thấy tính riêng tháng 10 xuất khẩu tăng 5,9%. Trong 10 tháng đầu năm, một số mặt hàng tăng trưởng giá trị xuất khẩu cao gồm có nông sản (rau quả, gạo, sắn, hạt điều), xi măng – clinker, sắt thép, giấy, xơ sợi, điện tử, phương tiện vận tải và phụ tùng.

Hầu hết các nhà phân tích đều cho rằng nhìn từ số liệu tồn kho của các thị trường lớn, đặc biệt là Mỹ, đơn hàng xuất khẩu đang có tín hiệu phục hồi rõ nét hơn. Trong năm ngoái, các nhà bán lẻ Mỹ đã tích lũy quá nhiều hàng hóa nhưng chi tiêu đã không bùng nổ như mong đợi, ảnh hưởng đến xuất khẩu năm nay.

Do đó, một số ngành tiêu dùng như dệt may, thủy sản, hay gỗ kỳ vọng đơn hàng trở lại từ quí 4 năm nay khi nhu cầu quốc tế được cải thiện. Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực tiếp tục được đánh giá sẽ được hưởng lợi từ đà tăng giá của đồng USD, cũng như được hỗ trợ bởi chi phí đầu vào đã giảm so với thời điểm năm trước.

Một điều dễ thấy hiện nay là dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng vọt trong thời gian qua, đi cùng số lượng nhà máy mở mới ngày càng nhiều hơn, và bao trùm nhiều lĩnh vực, từ hóa dầu, logistics, sản xuất lốp xe, thiết bị điện tử, hàng tiêu dùng giải trí,…

Cập nhật báo cáo tháng 10 cho thấy tính đến ngày 20-10-2023, lượng vốn FDI (gồm đăng ký mới, điều chỉnh, mua cổ phần) đạt gần 25,76 tỉ USD, tăng 14,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, số vốn thực hiện đạt 18 tỉ USD, tăng 2,4%.

Trong năm 2023, sự kiện nâng tầm quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Mỹ và Việt Nam được kỳ vọng sẽ tiếp tục dẫn dòng vốn chảy mạnh hơn, đặc biệt sẽ tập trung vào các ngành công nghệ cao, bao gồm cả thiết bị bán dẫn. Mặt khác, Việt Nam cũng sẽ là điểm đến hấp dẫn các công ty ngoại sản xuất, để có thể xuất khẩu sang Mỹ, theo VinaCapital.

Theo khảo sát được công bố đầu tháng 10 của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), chỉ số niềm tin kinh doanh (BCI) trong quí 3 – 2023 đã tăng lên 45,1, từ mức 43,5 của quý trước, cho thấy khối ngoại đang lạc quan hơn vào thị trường Việt Nam.

Trên thực tế, một điểm dễ nhận thấy là lĩnh vực Logistics đã và đang có những chuyển động sớm trong bối cảnh Việt Nam đang trở thành điểm đến ngày càng hấp dẫn với khối ngoại.

Nhu cầu về khu công nghiệp (KCN) dự kiến sẽ phục hồi vào năm 2024, với kỳ vọng hoạt động cho thuê được dự báo tăng 20 – 25%, trong đó có không ít khách thuê nước ngoài lớn trong năm 2023. Theo Công ty chứng khoán SSI, nhu cầu thuê KCN ở miền Bắc tăng trưởng tích cực, do xu hướng chuyển dịch sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam, chủ yếu trong ngành điện tử và bán dẫn. Còn ở khu vực phía Nam sẽ phục hồi từ mức thấp trong năm 2023, chủ yếu các doanh nghiệp trong ngành xuất khẩu, logistics, sản xuất thực phẩm và đồ uống.

Ngành điện cũng là một ngành được nhắc đến nhiều trong thời gian qua khi khu vực miền Bắc có khoảng thời gian thiếu điện sản xuất. Kinh tế tiếp tục tăng trưởng cao đòi hỏi Việt Nam phải duy trì sản lượng điện thương phẩm đủ cho các hoạt động công nghiệp và tiêu dùng. Một điểm tích cực được nhắc đến trong thời gian qua là Quy hoạch điện VIII đã được thông qua. Cùng với hàng loạt khoản đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo, đây sẽ là nền tảng vững chắc cho động lực tăng trưởng nhu cầu điện các giai đoạn sắp tới.

Tính chung 10 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước. Tốc độ này giảm so với con số cùng kỳ năm 2022 là 20,8%, nhưng vẫn được đánh giá là không thấp.

Theo các chuyên gia, hoạt động bán lẻ tiêu dùng chậm lại là bình thường do người dân thắt chặt chi tiêu trong thời kỳ kinh tế khó khăn, doanh nghiệp cũng chưa có nhu cầu mở rộng kinh doanh. Dù vậy, niềm tin người tiêu dùng được kỳ vọng trở lại vào năm 2024 khi các đơn hàng xuất khẩu phục hồi trở lại.

Chuyên gia từ ngân hàng HSBC đánh giá sự tích lũy về mặt tài sản là yếu tố chính giúp sức tiêu thụ nội địa tại Việt Nam tăng dần trong thời gian qua, sẽ tiếp tục là động lực chính tiêu dùng giai đoạn tiếp theo, đặc biệt là khi người tiêu dùng lấy lại sự tự tin và lạc quan hơn trong năm 2024. Một ghi nhận khác từ SSI cho thấy các công ty sản xuất hàng tiêu dùng mới đây nói rằng vẫn sẽ tiếp tục mở rộng dù tốc độ chậm.

Một lĩnh vực tiêu dùng cần được chú ý nữa là y tế và chăm sóc sức khỏe. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp bán lẻ dược phẩm tiếp tục mở rộng chuỗi cửa hàng của mình như An Khang (thuộc Thế giới di động), Long Châu (thuộc FPT Retail), Pharmacity…

Theo Euromonitor, Việt Nam là một trong những thị trường hấp dẫn nhất trong khu vực với tốc độ tăng trưởng kép vào khoảng 9,2% về chi tiêu chăm sóc sức khỏe trong giai đoạn 2017 – 2022. Các công ty sản xuất dược cũng liên tục mở rộng hoạt động, xây nhà máy trong bối cảnh dự báo tổng chi tiêu chăm sóc sức khỏe năm 2031 đạt 107,6 tỉ USD, theo báo cáo ngành chăm sóc sức khỏe công bố hồi tháng 7-2023 của Công ty chứng khoán VPS.

Thực tế từ đầu năm đến nay có không ít thương vụ mua bán sáp nhập đến từ các nhà đầu tư ngoại trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe lẫn dịch vụ tài chính tiêu dùng. Do đó, thị trường bán lẻ nói chung sẽ còn tiếp tục được đẩy mạnh trong thời gian tới.

Từ đầu năm 2023 đến nay, các hoạt động liên quan đến phát triển bền vững, trong đó nhấn mạnh đến mô hình kinh tế tuần hoàn được đẩy mạnh. Quốc hội đã ban hành Nghị quyết cho phép TPHCM được thử nghiệm cơ chế đặc thù liên quan đến việc phát triển tài chính xanh cũng như thị trường tín chỉ carbon, trong đó Cần Giờ được lựa chọn là nơi xây dựng thí điểm.

Hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư lấy ý kiến góp ý về Dự thảo Nghị định về cơ chế thử nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn, thử nghiệm một số cơ chế đặc thù nhằm từng bước xây dựng khung pháp lý cho mô hình phát triển kinh tế tuần hoàn, xa hơn nữa là hướng đến kinh tế xanh. Bộ này cũng đặt ra mục tiêu đến năm 2030 sẽ có khoảng 40 – 50% địa phương có kế hoạch chuyển đổi các khu công nghiệp hiện hữu sang sinh thái, và 8 – 10% địa phương có định hướng xây dựng khu công nghiệp sinh thái mới.

Nhìn chung, các nhà máy mới sau này đều đặt yếu tố bền vững là yêu cầu tất yếu. Bên cạnh việc sử dụng công nghệ riêng trong từng lĩnh vực, các nhà máy này đều được “thiết kế đặc biệt” để tăng mức độ thân thiện với môi trường, hướng đến mục tiêu chung là “net-zero” của Việt Nam vào năm 2050.


Bình luận


Bài viết liên quan