NHÂN LỰC LAO ĐỘNG: BÀI TOÁN DÀI HƠI

NHÂN LỰC LAO ĐỘNG: BÀI TOÁN DÀI HƠI

Dù trạng thái “bình thường mới” đang được thiết lập sau khi Chính phủ ban hành quy định thống nhất về phòng chống dịch áp dụng cho cả nước, song không dễ để các doanh nghiệp quay trở lại nhịp sản xuất trước đây. Một trong những lý do chính là vì thiếu hụt lao động.

Dù kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may Việt Nam trong 9 tháng vẫn đạt 29 tỷ USD, tăng 13,2%, song ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may vẫn không khỏi lo lắng. “Nhìn con số thì thấy ổn, nhưng thực tế chúng tôi đang ở thực trạng bi đát”, ông Giang cho biết.

Theo đại diện của Hiệp hội Dệt may Việt Nam, 2 năm qua, chuỗi cung ứng dệt may đã trải qua 3 giai đoạn. Thời gian đầu, khi dịch bùng phát ở Trung Quốc, thì đứt gãy nguồn cung nguyên phụ liệu. Khi Âu, Mỹ bùng dịch, là đứt gãy đơn hàng. Còn bây giờ là đứt gãy sản xuất do thiếu hụt lao động.

Nhưng không chỉ là doanh nghiệp dệt may, vốn cần rất nhiều lao động, lo lắng. Hầu hết các doanh nghiệp, đặc biệt ở các địa phương vừa trải qua các đợt giãn cách xã hội kéo dài, cũng đang lâm vào cảnh này, ngay cả ở những nơi đang được kiểm soát dịch rất tốt, chuyện thiếu lao động cũng đang xảy ra. Nhìn làn sóng người lao động rời bỏ Hà Nội, TP.HCM trong thời gian gần đây là đủ thấy, áp lực thiếu lao động lớn thế nào đối với các doanh nghiệp trong bối cảnh muốn duy trì hoạt động sản xuất ổn định trong bối cảnh bình thường mới.

Không giống với câu chuyện thiếu lao động như thường thấy trước đây sau mỗi đợt lễ Tết, giờ đây, việc thiếu lao động còn trầm trọng hơn rất nhiều. Sau những biến cố đã xảy ra của đợt dịch Covid-19 kéo dài vừa qua, nhiều lao động đã lựa chọn con đường về quê. Nhiều người trong số họ có thể sẽ không quay trở lại các nhà máy mà tìm kiếm các kế sinh nhai khác. Xu hướng dịch chuyển lao động có thể sẽ không thuần túy theo con đường ra thành phố như trước đây nữa.

Đó cũng là một trong các lý do mà chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành cho rằng, lao động chính là vấn đề “đại sự” cho cả trước mắt và lâu dài trong bối cảnh Chính phủ đang muốn phục hồi kinh tế sau đại dịch.

Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, lực lượng lao động trong độ tuổi lao động tại thời điểm quý III/2021 ước tính là 43,2 triệu người, giảm 1,9 triệu người so với quý II/2021 và giảm 3 triệu người so với cùng kỳ năm 2020. Tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm trong độ tuổi lao động tăng cao nhất kể từ quý I/2020, với 2,91%.

Trong khi đó, theo ông Đoàn Thành Trung, Phó chủ tịch Liên đoàn Lao động TP.HCM, trước đây, sau các dịp nghỉ Tết, tình trạng thiếu hụt lao động thường ở mức 20-30%. Nhưng ở thời điểm hiện tại, tình trạng thiếu hụt lao động ở mức độ nặng nề hơn, khoảng 30-40%.

Theo các chuyên gia và theo các doanh nghiệp, thì trước mắt, phải có các chính sách cả ngắn hạn và dài hạn, như tiêm vaccine, làm sao đảm bảo an toàn cho người lao động, hỗ trợ tiền trọ… Ngược lại, chính quyền các địa phương cần có sự phối hợp để tạo thuận lợi cho người dân đi lại làm việc…

Với việc Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 128/NQ-CP quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, còn Bộ Y tế cũng đã ban hành hướng dẫn tiêu chí đánh giá cấp độ dịch, áp dụng thống nhất cho cả nước…, thì việc tạo thuận lợi cho người dân đi lại sẽ trở nên dễ dàng hơn. Tuy nhiên, đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vaccine cho người lao động vẫn là đề xuất nhất quán từ trước tới nay của doanh nghiệp.

Chia sẻ về phương cách giúp Samsung Việt Nam vượt qua đại dịch, ông Choi Joo Ho, Tổng giám đốc Samsung Việt Nam cho biết, đó là vì Công ty đã tuân thủ mọi biện pháp chống dịch của Chính phủ.

“Tất cả nhân viên của chúng tôi đều tuân thủ chặt chẽ quy định 5K và các quy định về duy trì khoảng cách. Chúng tôi cũng đã tạo mọi điều kiện để nhân viên yên tâm làm việc trong nhà máy an toàn như cấp khẩu trang KF94, xét nghiệm Covid định kỳ. Để giảm thiểu việc tiếp xúc với bên ngoài, cũng như đảm bảo sức khoẻ nhân viên, Công ty đã cung cấp miễn phí 3 bữa ăn mỗi ngày trong nhà ăn của công ty”

Ông Choi Joo Ho,

Tổng giám đốc Samsung Việt Nam

Ông cho biết thêm doanh nghiệp đã tích cực trao đổi và phối hợp với Chính phủ và chính quyền địa phương, thường xuyên báo cáo về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động, nhờ có được sự hỗ trợ đảm bảo sản xuất không bị gián đoạn từ Chính phủ mà Samsung đã có thể phục hồi sản xuất, và hiện tại đang duy trì hoạt động sản xuất ổn định, không bị gián đoạn ngay cả trong thời điểm dịch bệnh căng thẳng nhất. Trong 9 tháng, kim ngạch xuất khẩu của Samsung Việt Nam vẫn đạt 47 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ. Dự kiến, cả năm, con số sẽ là 61 tỷ USD. Nhờ vậy, dù vẫn gặp khó khăn vì Covid-19, nhưng Samsung vẫn đảm bảo không nhân viên nào phải nghỉ việc và vẫn trả đủ lương cho người lao động.

Trong khi đó, theo bà Hồ Uyên, Giám đốc Đối ngoại của Intel Việt Nam, trong bối cảnh dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp, ưu tiên hàng đầu của Intel vẫn là đảm bảo an toàn cho người lao động và người dân, duy trì hoạt động sản xuất và phát triển kinh tế.

“Ngoài việc kiểm soát công nhân tại nhà máy, chúng tôi cũng luôn dự phòng trường hợp có F0 thì sẽ được bố trí khu vực riêng để cách ly. Chúng tôi cũng đã ký hợp đồng với các bệnh viện để bố trí điều trị khi cần”, ông Nozaki Shuchi, Tổng giám đốc Công ty Juki Việt Nam cũng đã cho biết như vậy.

Thực tế, các doanh nghiệp đã bắt đầu áp dụng mô hình 4 tại chỗ: “ăn – ở – làm việc – y tế tại chỗ” nhằm bảo đảm thông suốt sản xuất mà không bị gián đoạn ngay cả khi có ca F0 trong nhà máy, đồng thời tạo niềm tin và sự an tâm cho công nhân trong quá trình làm việc.

Ngoài ra trước tình hình thiếu hụt nhân sự, nhiều doanh nghiệp đã xây dựng chế độ lương thưởng, phúc lợi và điều kiện làm việc thuận lợi để thu hút nhân sự mới song song với việc đưa người cũ trở lại để gấp rút tăng tốc cho thời điểm cuối năm nhằm hoàn thành các đơn hàng trong và ngoài nước.

Ngoài việc xử lý các vấn đề cấp bách hiện tại, để giải bài toán lao động theo đúng nghĩa là vấn đề “đại sự” của nền kinh tế sau đại dịch, có lẽ, cần những giải pháp mang tính chiến lược, lâu dài.

Trong một cuộc thảo luận gần đây liên quan đến vấn đề này, Ủy ban Xã hội của Quốc hội đã đề nghị Chính phủ nghiên cứu xây dựng chiến lược tổng thể, toàn diện, dài hạn về kinh tế – xã hội, nhất là về lĩnh vực lao động, việc làm, y tế, trợ giúp xã hội để thích ứng với tình hình dịch bệnh Covid-19, phục hồi nền kinh tế và các quan hệ lao động bị đứt gãy, gián đoạn do giãn cách xã hội. Trong đó, cần quan tâm xây dựng các tiêu chuẩn lao động và cơ chế điều chỉnh các quan hệ lao động mới phù hợp với tình hình dịch bệnh Covid-19.

Trên thực tế, khi xây dựng Dự thảo Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế giai đoạn 2022-2023, nhận rõ tính chất nghiêm trọng của không chỉ vấn đề thiếu lao động mà còn là làm sao nâng cao chất lượng lao động trong tình hình mới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã đề xuất một bộ giải pháp tổng thể về vấn đề này.

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, phát triển thị trường lao động và lực lượng lao động là một giải pháp trọng tâm để phục hồi kinh tế.

Đề xuất này ngay lập tức nhận được sự đồng thuận từ các chuyên gia kinh tế cả trong và ngoài nước. “Để phục hồi kinh tế, cần có các giải pháp căn cơ để giữ chân lao động, kéo họ về, đồng thời tái cấu trúc và đào tạo lao động, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực”, chuyên gia Võ Trí Thành đồng tình.

Trong khi đó, các chuyên gia của Công ty tư vấn hàng đầu thế giới BCG (Boston Consulting Group) cũng cho rằng, để nền kinh tế Việt Nam tiếp tục đi lên sau đại dịch, cần đẩy nhanh chương trình chuyển đổi số quốc gia. Hiện tại, nhiều nước trên thế giới cũng đã lựa chọn con đường này để đón đầu cơ hội phát triển sau đại dịch.

Trên thực tế, ngay cả không có áp lực thiếu lao động sau đại dịch, thì nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, theo kịp yêu cầu của cách mạng công nghiệp 4.0, cũng vẫn là một đòi hỏi sống còn của Việt Nam.

Việt Nam thời gian gần đây đã thu hút được một loạt đại gia công nghệ đến “làm tổ”, như Samsung, LG, Foxconn, Luxshare, Pegatron… Tuy nhiên, thiếu nhân lực chất lượng cao vẫn là điều được các doanh nghiệp này nói tới.


Bình luận


Bài viết liên quan