Phục Hồi Xanh Để Thúc Đẩy Kinh Tế

Phục Hồi Xanh Để Thúc Đẩy Kinh Tế

Những trận bão nhiệt đới cường độ mạnh, những đợt xâm nhập mặn và hạn hán gay gắt…, những kiểu thời tiết cực đoan do tác động của biến đổi khí hậu liên tiếp xảy ra trong năm 2020 đã khiến người dân nhiều khu vực ở Việt Nam, vốn đang chịu tác động nặng nề bởi đại dịch Covid – 19, càng thêm khó khăn. Tác động kép của đại dịch và thiên tai trong năm qua khiến phát triển xanh đã trở thành một lựa chọn bắt buộc và cần có sự chung tay hành động ngay của các bên liên quan.

Vào những ngày đầu tháng 12 năm 2020, hầu hết người Việt Nam phải đeo khẩu trang. Nguyên nhân không chỉ là nỗi sợ hãi về COVID-19, mà còn do không khí ô nhiễm. Ở các thành phố lớn của đất nước, ô nhiễm gấp 4 lần mức an toàn mà các cơ quan quốc tế khuyến cáo… Việt Nam vẫn dễ bị tổn thương bởi nhiều thảm họa về sức khỏe và môi trường. Ngoài ô nhiễm không khí, điều đang giết chết khoảng 60.000 người mỗi năm, đất nước ta còn phải đối mặt với xói mòn bờ biển, hạn hán, xâm nhập mặn và sạt lở đất”, báo cáo mới nhất với tiêu đề “Từ COVID-19 đến biến đổi khí hậu: Làm thế nào để Việt Nam trở thành quốc gia tiên phong trong phục hồi xanh” của Ngân hàng Thế giới (WB) đã mở đầu như vậy khi nói về những vấn đề mà Việt Nam đang phải đối mặt.

Tác động của thiên tai trong bối cảnh nền kinh tế, doanh nghiệp và người dân đang gặp những khó khăn do đại dịch Covid – 19 gây ra, là một đòn “bồi thêm”, khiến tổn thương càng thêm nặng nề.

Những tổn thất do thiên tai, môi trường cho thấy sự mong manh của con người trước thảm họa. Nó cũng tương tự như những gì đang diễn ra khi con đối diện với Đại dịch Covid – 19. Với cuộc khủng hoảng này, so với nhiều nước, Việt Nam đang có những thành công nhất định. Dự kiến GDP năm 2020 tăng gần 3%. Đây là mức tăng trưởng dương hiếm hoi ở châu Á trong bối cảnh Covid – 19 tàn phá các nền kinh tế.

Vấn đề đặt ra, theo báo cáo, Việt Nam đang đứng giữa ngã rẽ để phục hồi hậu Covid-19 và cần lựa chọn giữa lộ trình như trước đó hay lộ trình phục hồi xanh để giúp xử lý những tác động của dịch bệnh trong tương lai, của rủi ro thiên tai và khí hậu, và xây dựng một tương lai có khả năng chống chịu tốt hơn?

Bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam nhận định: “Việt Nam phải xử lý những thách thức về khí hậu và môi trường với tinh thần khẩn trương như đã làm với Covid-19 vì cái giá phải trả từ việc không hành động ngày càng tăng và khó có thể đảo ngược. Đợt bão lụt lịch sử tại miền Trung vừa qua và ô nhiễm không khí tăng lên ở các thành phố lớn trong nước là minh chứng rõ rệt về sự mong manh dễ tổn thương vừa được đề cập”.

Việc trở thành quốc gia tiên phong trong khôi phục xanh, theo báo cáo, sẽ giúp Việt Nam đạt được nhiều mục tiêu. Ngoài những lợi ích rõ rệt về môi trường gắn liền với phục hồi xanh, chính sách xanh và đầu tư xanh cũng sẽ tạo thêm nhiều việc làm, thúc đẩy các hoạt động kinh tế, và giúp khôi phục dư địa tài khóa. Đây cũng là quyết định thông minh vì nhiều tập đoàn đa quốc gia mà Việt Nam muốn thu hút đang ngày càng quan tâm đến các chính sách xanh, xuất phát từ trách nhiệm của doanh nghiệp này với khách hàng của họ.

Và WB khuyến nghị, những kinh nghiệm, bài học từ việc chống dịch Covid – 19 thành công cũng có thể được áp dụng để Việt Nam giải quyết vấn đề môi trường. Theo đó, khôi phục theo hướng xanh phải là ưu tiên hàng đầu của Việt Nam và “lời nói đi đôi với việc làm”. Chỉ khi xác định được như vậy, cũng giống như khi đối phó với đại dịch Covid-19, Chính phủ mới đưa ra được những hành động kiên quyết, kịp thời và nhận được sự ủng hộ của doanh nghiệp, người dân.

Phát triển xanh không chỉ ở tầm quốc gia mà cũng đang là yêu cầu từ chính người tiêu dùng. Báo cáo về môi trường và phát triển bền vững mang tên “Who Cares Who Does” do Công ty nghiên cứu thị trường Kantar Việt Nam công bố mới đây cho biết, có đến 44% số người tham gia khảo sát kỳ vọng nhà sản xuất ở ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) có hành động giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường. Trong khi tỷ lệ này với nhà bán lẻ chỉ là 3%.

Cũng theo nghiên cứu, rất nhiều người tiêu dùng (được gọi là nhóm quan tâm và có mức chi tiêu chiếm gần 40% doanh thu ngành FMCG cho tiêu dùng tại nhà) sẵn sàng từ bỏ các sản phẩm hay dịch vụ có tác động tiêu cực lên môi trường hoặc cộng đồng. Những người này cũng đặc biệt ủng hộ các công ty, doanh nghiệp thực sự hành động.

Phát triển xanh, phát triển bền vững, trước cả những khuyến nghị của WB với Chính phủ Việt Nam, đã là chiến lược được rất nhiều doanh nghiệp theo đuổi. Như tại HEINEKEN Việt Nam, biến đổi khí hậu được đánh là một trong những mối đe dọa nghiêm trọng đối với sinh kế của nhiều gia đình, của nền kinh tế Việt Nam nên doanh nghiệp này đã và đang nỗ lực hoạt động sản xuất, kinh doanh một cách bền vững, thông qua việc áp dụng tối đa mô hình kinh tế tuần hoàn.

Theo đó, hiện 5/6 nhà máy của HEINEKEN Việt Nam đã nấu bia bằng 100% năng lượng tái tạo. HEINEKEN Việt Nam đã tối ưu hóa tải trọng, sử dụng xe tải đạt chuẩn Euro IV và tận dụng vận chuyển bằng xe lửa. Đây là sáng kiến giúp cắt giảm hơn 2.000 tấn khí thải carbon. HEINEKEN Việt Nam cũng gần như không còn chất thải chôn lấp, nhờ tái sử dụng và tái chế tới 99% chất thải hoặc phụ phẩm trong sản xuất. Chai và két bia sau khi ra thị trường đều được thu hồi trở lại về nhà máy, trải qua quá trình khử trùng nghiêm ngặt, đảm bảo đạt tiêu chuẩn vệ sinh để có thể tái sử dụng.

Tại Unilever Việt Nam, chiến lược giảm một nửa tác động đến môi trường trong hoạt động sản xuất và kinh doanh đã được hiện thực hóa bằng rất nhiều hành động cụ thể. Các nhà máy của Unilever không xả thải ra môi trường, 100% khí thải từ nhà máy là carbon tích cực. Công ty cũng sử dụng 48% năng lượng tái tạo và giảm 43% lượng nước trong sản xuất.


Ông Võ Minh Nhựt, Tổng giám đốc Công ty NS BlueScope Việt Nam cho rằng, đã đến lúc các nhà lãnh đạo của doanh nghiệp cần tập trung hơn nữa vào việc xây dựng cho doanh nghiệp của mình một mục đích, thay vì chỉ tập trung vào vấn đề lợi nhuận. Điều đó không có nghĩa rằng, lợi nhuận không quan trọng nhưng nó phải và nên đến từ việc làm những điều đúng đắn, có trách nhiệm và tạo ra những giá trị bền vững cho cộng đồng, cho nền kinh tế cũng như cho hành tinh. Và vì vậy, phát triển xanh là trách nhiệm mà các doanh nghiệp cần phải làm để cùng chung tay, góp sức cho những mục tiêu trên.

Tại Tập đoàn BlueScope Steel cũng như NS BlueScope Việt Nam, những vấn đề của biến đổi khí hậu là một trong năm trụ cột chính để Hội đồng quản trị, ban giám đốc xây dựng nên chính sách phát triển bền vững. Tập đoàn BlueScope Steel đã thiết lập mục tiêu giảm 12% khí thải car-bon vào năm 2030 cũng như đã công bố đầu tư 20 triệu AUD hỗ trợ cho việc phát triển công nghệ mới trong sản xuất thép nhằm triệt tiêu lượng khí thải CO2 vào năm 2050. Tại Việt Nam, từ năm 2013, nhà máy BlueScope ở Bà Rịa – Vũng Tàu cũng đã theo đuổi kế hoạch giảm thiểu khí thải CO2 với mục tiêu giảm được hơn 6 triệu kg CO2 vào năm 2023 thông qua việc sử dụng năng lượng sạch, cải tiến quy trình sản xuất, áp dụng công nghệ tiên tiến.


Điều quan trọng không kém trong chiến lược phát triển xanh, theo ông Nhựt, là sự hợp tác chặt chẽ của nhiều bên, từ doanh nghiệp với doanh nghiệp, doanh nghiệp với Chính phủ đến Chính phủ với Chính phủ. Các doanh nghiệp rất cần những chính sách khuyến khích, hỗ trợ từ Nhà nước và trong rất nhiều trường hợp, chính doanh nghiệp cũng sẽ là những người đề xuất chính sách từ kinh nghiệm triển khai thực tế của mình. Đặc biệt, các doanh nghiệp tiên phong cần thể hiện được vai trò khuyến khích, truyền cảm hứng cho các doanh nghiệp nhỏ hơn để cùng hợp tác và hành động trong hành trình này.


Bình luận