XU HƯỚNG TIÊU DÙNG SẠCH LỰC ĐẨY CHO CÁC NHÀ SẢN XUẤT VIỆT NAM

XU HƯỚNG TIÊU DÙNG SẠCH LỰC ĐẨY CHO CÁC NHÀ SẢN XUẤT VIỆT NAM

Theo Tổng Cục tiêu chuẩn Đo lường chất lượng, hiện có 84% tổ chức thương mại sử dụng tiêu chuẩn trong hoạt động xuất khẩu, 80% lượng giao dịch thương mại quốc tế chịu sự tác động của tiêu chuẩn. Nhu cầu về tiêu dùng sạch đáp ứng các quy chuẩn đã tạo áp lực buộc các nhà sản xuất trong nước phải thay đổi.

XU HƯỚNG CỦA NGƯỜI TIÊU DÙNG
BUỘC CÁC NHÀ SẢN XUẤT PHẢI THAY ĐỔI






Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao (BSA) cho biết, người tiêu dùng đang ngày càng đặt ra những tiêu chí khắt khe hơn đối với những sản phẩm thực phẩm mà họ sử dụng, nếu doanh nghiệp không có sự thay đổi để đáp ứng chắc chắn sẽ bị bỏ lại phía sau trong sân chơi này.

Dẫn chứng cụ thể, bà Vũ Kim Hạnh cho biết, không chỉ tại thị trường quốc tế mà ngay ở nội địa, một khảo sát được BSA thực hiện và công bố hồi cuối tháng 2/2019 vừa qua cho thấy 90% người tiêu dùng nhận định rằng “sản phẩm đạt các chứng nhận tiêu chuẩn như ISO, VietGAP, GlobalGAP…” sẽ giúp họ yên tâm hơn khi sử dụng. Cuộc khảo sát này còn chỉ ra yếu tố chất lượng và tính an toàn khi sử dụng là hai yếu tố được người tiêu dùng hiện nay quan tâm hơn cả. Điều này cho thấy, các khi các nhà sản xuất, doanh nghiệp muốn chinh phục người tiêu dùng thì phải chú trọng đến việc áp dụng các chứng chỉ này để đưa vào quy chuẩn sản xuất.

Tương tự, một doanh nghiệp lớn trong ngành thực phẩm của TP. Hồ Chí Minh cho hay, trước yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, nếu không thay đổi tư duy sản xuất theo hướng “chất lượng ngon và sạch hàng đầu” thì khó mà cạnh tranh được trên thị trường. Đặc biệt, bắt đầu từ 14/01, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương – CPTPP đã chính thức có hiệu lực. Việc này sẽ mở ra sân chơi mới hay khép lại cơ hội của các doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn phụ thuộc vào việc các doanh nghiệp có bắt kịp xu hướng hay không.

Xuất phát từ nhu cầu và áp lực trên, nhiều doanh nghiệp đã thay đổi cách thức tiếp cận người tiêu dùng thông qua việc sản xuất theo đơn đặt hàng của nhà nhập khẩu. Điển hình như trường hợp của Nhà máy chế biến thủy sản CP Bến Tre, từ chỗ chỉ xuất khẩu cá tra đông lạnh vào thị trường Nhật Bản với số lượng khiêm tốn thì năm 2018 vừa qua nhờ sự cải tiến trong quy trình sản xuất, nhà máy này đã có sản lượng xuất khẩu đạt 1.000 tấn, tăng gấp 20 lần so với 2017. Dự kiến, năm 2019 CP Bến Tre sẽ xuất khẩu tăng lên 1.500 tấn, và tất cả đều đạt tiêu chuẩn chứng nhận ASC (Aquaculture Stewardship Council) – do Hội đồng quản lý nuôi trồng thủy sản cấp dựa trên 4 nền tảng chính là: môi trường, xã hội, an sinh động vật và an toàn thực phẩm.

Nói về sự tăng trưởng mà Nhà máy chế biến thủy sản CP Bến Tre đạt được – ông Yasuo Nishitoghe, Tổng giám đốc AEON Việt Nam – đơn vị nhập khẩu trực tiếp các sản phẩm trên – cho biết, trước năm 2018, AEON đã đặt hàng các sản phẩm cá tra đông lạnh của nhà máy này, tuy nhiên số lượng chưa nhiều và người tiêu dùng Nhật Bản chưa đánh giá cao. Sau đó, các chuyên gia kỹ thuật của AEON đã làm việc với CP, yêu cầu nhà máy phải thay đổi tất cả các tiêu chuẩn từ vùng nuôi cho đến cách thức chế biến sản xuất. Nhờ đó, sản phẩm đã đạt đến độ ngon mà người tiêu dùng Nhật Bản yêu thích, kéo theo sản lượng của nhà máy này đã tăng gấp 20 lần trong năm 2018 vừa qua.

CUỘC ĐUA “ MARATHON”
SẢN XUẤT THỰC PHẨM SẠCH CỦA CÁC NHÀ MÁY NỘI ĐỊA






Trên thực tế, sản xuất thực phẩm sạch đang được rất nhiều doanh nghiệp “mạnh tay” đầu tư. Ông Nguyễn Ngọc An, Tổng giám đốc Công ty Vissan cho biết, từ năm 2011, Vissan bắt đầu thực hiện mô hình này bằng việc xây dựng cụm công nghiệp chế biến thực phẩm ở Long An với vốn đầu tư hơn 1.500 tỷ đồng gồm 2 giai đoạn được bố trí phù hợp với các tiêu chuẩn ISO, HACCP và các tiêu chuẩn khác về vệ sinh – an toàn thực phẩm.

Trong đó, giai đoạn 1 (dự kiến hoạt động năm 2019) đầu tư hoàn chỉnh hệ thống giết mổ gia súc, gia cầm và chế biến thực phẩm như dây chuyền giết mổ, hệ thống cấp đông, trữ đông; hệ thống xử lý nước thải; các nhà máy sản xuất chế biến phụ phẩm. Giai đoạn 2 (dự kiến hoàn thành năm 2020) xây dựng các xưởng sản xuất chế biến các sản phẩm từ phó sản động vật, mở rộng ngành hàng thực phẩm cao cấp có giá trị gia tăng cao, xử lý nước thải giai đoạn 2.

Cũng trong cuộc đua marathon xây dựng mô hình chuỗi thực phẩm an toàn, ông Phạm Thanh Hùng, Phó Tổng giám đốc Công ty Ba Huân cho hay, Ba Huân đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng để xây dựng 4 nhà máy sản xuất trứng gia cầm công nghệ cao tại Bình Dương, Tp. Hồ Chí Minh, Long An và Hà Nội. Ngoài ra, các trang trại chăn nuôi gà trứng và gà thịt của Ba Huân đều theo tiêu chuẩn của Tập đoàn Hy-line (Mỹ) và toàn bộ quy trình chăn nuôi cũng được tự động hóa nhằm đảm bảo các tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm, ISO… mà người tiêu dùng có thể sử dụng và xuất khẩu.

Cuộc đua “marathon” sản xuất thực phẩm sạch của các nhà máy nội địa còn có sự tham gia của Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (Satra). Để hàng hóa đảm bảo chất lượng, ngoài việc đưa ra các tiêu chuẩn cụ thể, Satra còn thường xuyên phối hợp với các địa phương giám sát quy trình nuôi trồng của nhà sản xuất nhằm bảo đảm việc thực hiện đúng các quy định về tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm trên từng sản phẩm. “Gần đây Satra đã liên kết, hỗ trợ nông dân ở Long An, Tiền Giang, Lâm Đồng… hoàn thiện chất lượng nông sản cũng như đang tiêu thụ nông sản của các địa phương này theo phương thức sản xuất theo chuỗi kép kín, có truy xuất nguồn gốc và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm để cung cấp cho người tiêu dùng”, đại diện Công ty Satra chia sẻ thêm.

Theo AEON Việt Nam: Nhờ sự thay đổi trong quy trình sản xuất để đáp ứng với những yêu cầu ngày càng khắt khe của người tiêu dùng thế giới mà đơn hàng và giá trị gia tăng của các doanh nghiệp chế biến thực phẩm Việt đã tăng lên đáng kể như việc bán vào hệ thống AEON là một ví dụ.


Bình luận


Đăng bình luận

Bài viết liên quan