“Nếu đầu tư bài bản cho R&D thì đây sẽ là chiến lược giúp nhiều DN tạo bước đột phá trong xây dựng thương hiệu, quy trình sản xuất, củng cố năng lực cạnh tranh và thúc đẩy tăng trưởng, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch Covid-19 làm thay đổi phương thức kinh doanh và cơ cấu kinh tế như hiện nay”
Việt Nam là một trong những nước đầu tư cho R&D của DN thuộc tỷ lệ thấp. Thấp ở đây nếu so với những quốc gia trong khu vực mà chúng ta đang cạnh tranh hoặc với những quốc gia trong nhóm mà Việt Nam tham gia ký kết một số Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Nguyên nhân việc đầu tư R&D thấp là do quá trình khá dài chúng ta thực hiện kinh tế gia công cho các DN nước ngoài, dẫn đến không có sự chủ động trong việc nghiên cứu và đòi hỏi phải đầu tư cho R&D.
Tuy vậy trong 10 năm gần đây đã có nột số DN trong nước vươn lên tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu bằng việc đầu tư R&D. Ở đây có thể kể tới như Thaco, VinGroup… Hay trong lĩnh vực da giày đã có một số DN đầu tư tham gia vào chuỗi giá trị, dù sản phẩm vẫn mang thương hiệu nước ngoài, nhưng họ chủ động hơn trong vấn đề thiết kế mẫu mã, chọn công nghệ và nguồn nguyên liệu phù hợp cho sản phẩm mà đối tác cần như công ty giày TBS chẳn hạn… Ngoài ra, ở một số ngành mới xuất hiện cũng đã đầu tư khá lớn R&D kể cả cơ khí chế tạo, đặc biệt trong ngành công nghiệp chế biến lương thực thực phẩm. Dù vậy số DN tham gia đầu tư cho R&D của Việt Nam vẫn chưa thực sự nhiều.
Đây cũng là điều dễ hiểu khi chúng ta vẫn đang ở trong nhóm các nước làm kinh tế gia công, vốn là công đoạn giá trị gia tăng thấp nhất. Tuy nhiên trong nền kinh tế thị trường sắp tới, chúng ta không thể duy trì mãi tình trạng các DN gia công cho nước ngoài mà phải chuyển dần từ gia công sang sản xuất bằng cách thúc đẩy hoạt động R&D.
Tại Việt Nam dường như tất cả các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển R&D đều đã có. Chẳng hạn chúng ta ngoài luật lệ chung có luật gọi là hỗ trợ DNVVN. Hoặc Luật thuế thu nhập DN có ưu đãi nếu đầu tư vào R&D… Tuy vậy tất cả chính sách này lại không đồng bộ, không tập trung, dẫn tới hiệu quả chưa cao.
Trong khi đó với các DNVVN cái lớn nhất họ thiếu là công nghệ. Vì thế phải có chính sách liên kết giữa các Trường đại học, Viện nghiên cứu với DN trong vấn đề chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân lực. Cụ thể Nhà nước “mua” sản phẩm đầu ra, chứ không cấp tiền đầu vào cho các cơ sở nghiên cứu khoa học-công nghệ. Thêm vào đó cũng phải có ràng buộc là trừ nghiên cứu cơ bản còn các nghiên cứu ứng dụng phải có sản phẩm, có ứng dụng được mới nhận được tiền hỗ trợ.
Cùng với đó phải xây dựng các trung tâm hỗ trợ DNVVN một cách thiết thực hơn. Hỗ trợ ở đây là giúp họ kết nối đầu ra với DN lớn theo cách mà các tổ chức như Jetro (Nhật Bản), Taitra (Đài Loan), Kotra (Hàn Quốc) … đã và đang thực hiện thành công.
Hiện nay Chính phủ đưa ra mục tiêu hàng năm năng suất lao động hàng năm tăng 5-6%. Như vậy, phải tăng bằng hàm lượng khoa học công nghệ – nhưng hàm lượng này không tự có được nếu không đầu tư vào R&D. Tôi nhấn mạnh rằng trong giai đoạn tới muốn tăng năng suất phải dựa vào công nghệ chứ không thể dựa vào mở rộng quy mô lao động. Sắp tới thị trường cạnh tranh càng khốc liệt sẽ không có đất cho DN năng suất thấp, chất lượng kém. Đó là chưa kể khi Việt Nam tham gia các FTA như Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CP-TPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA); RCEP… nếu chúng ta muốn khai thác lợi thế của những FTA này thì DN trong nước, đặc biệt là DNVN phải tham gia được vào chuỗi giá trị chứ không đứng độc lập được. Thậm chí những DN không tham gia xuất khẩu, chỉ làm nội địa cũng phải thay đổi.
Với việc đầu tư cho R&D của DN sẽ có 2 trường hợp:
•Thứ nhất là định hướng của họ muốn xây dựng sản phẩm độc lập không chịu gia công và ở đây có thể kể tới một số DN dệt may chủ động tham gia chuỗi giá trị.
•Thứ hai muốn tạo ra sản phẩm mới, phương thức mới. Ở đây cũng có thể sản phẩm không mới nhưng quy trình tạo ra sản phẩm mới (còn gọi là đổi mới sáng tạo). Ví dụ như thương hiệu Ikea rất nổi tiếng của Thuỵ Điển nhờ họ rất sáng tạo khi xây dựng được quy trình tạo ra sản phẩm nên thành công.
Nhận thấy được lợi thế từ đầu tư R&D, một số DN Việt đã có đầu tư mạnh vào R&D, ví dụ như trường hợp của Thaco. Doanh nghiệp này đã tự đầu tư chuỗi sản xuất ở Chu Lai và làm chủ được khá nhiều linh kiện, phụ kiện để nâng tỷ lệ nội địa hóa. Nhưng họ vẫn gặp khó khăn, vì kinh nghiệm ở các nước thì không có một DN đầu đàn nào tự làm hết được cả mà phải có thuê bên ngoài.
Như vậy Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ cho DN “sếu đầu đàn”. Bởi họ sẽ là DN đi trước đầu tư và liên kết với các DNVVN để tạo thành chuỗi giá trị. Cùng với đó, phải đồng bộ hóa theo từng địa bàn, từng địa điểm, từng lĩnh vực, thị trường và những cái đó phải chương trình hóa. Ngoài ra, chúng ta nên thúc đẩy mô hình hợp tác công tư (PPP) trong nghiên cứu phát triển vì hiện Việt Nam mới có PPP trong hạ tầng.
Ngay cả với việc thu hút FDI cũng phải có thay đổi. Chúng ta vẫn luôn tự hào đã có hơn 30 năm thu hút FDI nhưng các DN FDI và DN trong nước lại chưa có sự liên kết mà phát triển rời rạc. Đây là điều khiến chúng ta chưa thành công trong việc thu hút FDI so với một số quốc gia khác. Một trong những nguyên nhân chưa thành công do chúng ta chưa đặt yêu cầu chuyển giao công nghệ để phát triển DN trong nước với DN FDI. Ở đây có thể nói đến câu chuyện của Tập đoàn Samsung khi họ đưa phần lớn DN của họ làm outsourcing mà ít có DN trong nước. Điều này có 3 lý do:
-
Thứ nhất do DN trong nước không có khả năng đạt chất lượng họ muốn - Thứ 2 những DN có thể đạt chất lượng nhưng không thể làm được sản lượng quy mô mà họ cần
-
Thứ 3 họ không nói ra nhưng họ thấy rằng nếu đặt hàng DN trong nước so với việc họ tạo điều kiện cho DN Hàn Quốc làm thì cũng không giúp họ có lợi hơn. Từ đó có thể rút được rằng khi kéo những tập đoàn lớn như vậy chúng ta chưa đặt yêu cầu hỗ trợ công nghệ phát triển DN mà mới chỉ nghĩ tới sử dụng lao động địa phương, đóng góp cho ngân sách…
Theo các thống kê về R&D tại Việt Nam, phần lớn các DN trong nước chủ yếu lựa chọn hình thức mua công nghệ sẵn có đã hoàn thiện từ các công ty ngoài tập đoàn hoặc các tổ chức nghiên cứu. Hình thức liên kết với các tổ chức nghiên cứu để phát triển riêng sản phẩm hoặc công nghệ cho chính DN thường ít nhận được sự quan tâm hơn. Tuy nhiên, một số DN trong cũng như ngoài nước đang bắt đầu đẩy mạnh công tác nghiên cứu phát triển tại Việt Nam nhằm tăng lợi thế cạnh tranh trong quá trình hội nhập quốc tế.
Năm 2020, sau 12 năm hoạt động tại Việt Nam, với tổng quy mô vốn đầu tư lên tới trên 17 tỷ USD, Samsung đã quyết định xây “đại bản doanh” riêng cho trung tâm R&D của mình tại Việt Nam. Đây cũng là lần đầu tiên, Samsung triển khai xây dựng một tòa nhà riêng ở nước ngoài để phục vụ hoạt động R&D. Tập đoàn này hiện có 37 trung tâm R&D, nhưng ngoài 6 trung tâm ở Hàn Quốc, thì các trung tâm còn lại đều hoạt động ở các văn phòng đi thuê. Điều này chứng tỏ, Samsung ngày càng đánh giá cao vai trò của thị trường Việt Nam đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh của mình.
Trong đợt dịch vừa qua, những DN có đầu tư cho R&D đã cho thấy sức chống chịu tốt. Điển hình như lĩnh vực sản xuất thép. Các báo cáo được đưa ra từ Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho thấy, ảnh hưởng của Covid-19 đã gây khó khăn lớn cho sản xuất và tiêu thụ sản phẩm thép, khiến nhiều DN trong nước không đạt được mức tăng trưởng như những năm trước. Tuy nhiên NS BlueScope Việt Nam là trong số ít DN của ngành này đạt tăng trưởng khả quan suốt 9 tháng đầu năm nay nhờ đẩy mạnh đầu tư cho R&D. Việc đầu tư vào phát triển công nghệ mới nhằm dẫn dắt thị trường là định hướng chiến lược hướng tới mục tiêu phát triển bền vững của DN này.
Năm 2005, BlueScope đã cho ra mắt dòng sản phẩm thép mạ nhôm kẽm đầu tiên tại thị trường Việt Nam, là một làn gió mới vào ngành thép thời bấy giờ. Tiếp đến, các năm 2007, 2012, 2014, 2017 họ lại tiếp tục cho ra đời các tính năng chống phản xạ nhiệt, chống bám bụi bẩn… Khi các doanh nghiêp cùng ngành bắt kịp công nghệ mạ nhôm kẽm thì cũng là lúc BlueScope khẳng định vị thế tiên phong của mình bằng việc cho ra đời công nghệ mạ Activate™ vào năm 2019 tích hợp trong 2 dòng sản phẩm thép COLORBOND® và ZINCALUME®.
Được biết, để ra mắt công nghệ này, đội ngũ R&D của BlueScope đã dành ra 20 năm nghiên cứu và phát triển với mức đầu tư hơn 100 triệu đô Úc và có hơn 20 bằng sáng chế bảo hộ toàn cầu, hơn 8.000 tấm mẫu được thử nghiệm phun muối trong phòng thí nghiệm, hơn 10.000 tấm mẫu khác được phơi mẫu tại 22 điểm khác nhau ở Úc và trên toàn thế giới, trong các điều kiện thực tế và môi trường khắc nghiệt. Theo tôi, chính việc đầu tư nghiêm túc và không ngừng vào con đường phát triển sản phẩm đã giúp DN luôn chứng minh được sự khác biệt từ một thương hiệu dẫn đầu, từ đó phát triển bền vững trong tương lai.
Viettel thành lập Tổng Công ty Công nghiệp Công nghệ cao Viettel (VHT), đơn vị nghiên cứu sản xuất chủ lực của Viettel trong lĩnh vực quân sự và dân sự. VHT làm chủ toàn trình từ nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, sản xuất và kinh doanh sản phẩm với tầm nhìn trở thành một công ty công nghệ hiện đại, hàm lượng tri thức cao, có thương hiệu trên thị trường quốc tế với tổng doanh thu đạt 1,5 tỷ, nằm trong top 3 đơn vị sáng chế nhiều nhất Việt Nam với phòng lab và nhà máy tiêu chuẩn quốc tế. Viettel là DN đầu tiên có sáng chế được bảo hộ tại Hoa Kỳ.
Bình luận