Để các nhà đầu tư trong và ngoài nước có thêm một góc nhìn khách quan về các công ty niêm yết nói riêng và thị trường vốn nói chung, phóng viên đã phỏng vấn ông Phạm Văn Thinh, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Deloitte Việt Nam.
Hiện đang là cao điểm của mùa đại hội đồng cổ đông thường niên, ông có nhận xét gì về chất lượng thông tin của các doanh nghiệp (DN) niêm yết trong năm 2018?
Theo kết quả khảo sát của một chương trình bình chọn DN niêm yết có hoạt động quan hệ nhà đầu tư tốt nhất năm 2018, có 266 DN niêm yết đạt chuẩn công bố thông tin theo các tiêu chí khảo sát đề ra trong tổng số 686 DN niêm yết thuộc danh sách khảo sát, chiếm 38,78%, tăng vọt so với con số 16,96% của năm 2017. Mức tăng trưởng cho thấy rằng các DN niêm yết đã có tiến bộ trong việc thực thi nghĩa vụ công bố thông tin của mình dựa trên các quy định hiện hành.
Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, số lượng DN niêm yết chưa đạt chuẩn công bố thông tin còn ở mức cao với hơn 60% số DN niêm yết chưa đáp ứng đầy đủ các quy định này, đặc biệt là các DN niêm yết có số vốn hóa nhỏ. Điều này cho thấy cần có nhiều nỗ lực hơn nữa từ cơ quan quản lý nhà nước và tự thân các DN để nâng cao chất lượng thông tin ở các DN niêm yết và cả thị trường nói chung.
Một vấn đề nữa, hiện có một lượng lớn cổ đông nước ngoài đầu tư vào các DN niêm yết. Tuy nhiên, phần lớn các báo cáo tài chính lại được chuẩn bị theo các Chuẩn mực Kế toán Việt Nam. Điều này cũng gây khó khăn cho việc thông hiểu các thông tin tài chính của DN cho các cổ đông nước ngoài.
Khối ngân hàng với hàng loạt ngân hàng đạt lợi nhuận luỹ kế 2018 tăng mạnh từ 30 – xấp xỉ 180%. Đứng ở góc độ công ty kiểm toán và tư vấn chiến lược, ông có nhận xét gì về kết quả trên?
Lợi nhuận lũy kế tăng cao thể hiện mức lãi của các ngân hàng trong năm là rất lớn, vượt xa số cổ tức chia cho cổ đông và trích lập các quỹ. Đây là một tín hiệu rất tốt thể hiện rõ các ngân hàng đã có một năm 2018 kinh doanh rất thành công, nhiều ngân hàng đã công bố mức lợi nhuận lớn trong năm vừa qua.
Chúng ta cần nhìn nhận vấn đề này trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng được kiểm soát khá tốt trong năm 2018. Số tăng trưởng tín dụng thực tế của năm 2018 chỉ là 14%, mức tăng trưởng thấp nhất trong 05 năm trở lại đây. Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, năm 2018 toàn ngành ngân hàng cũng tiếp tục xử lý được 150.000 tỷ đồng nợ xấu. Lãi suất cho vay của các ngân hàng cũng tương đối ổn định. Điều này cho thấy các ngân hàng đang làm tốt hơn việc quản lý tài sản, giảm được các khoản nợ có vấn đề, qua đó áp lực trích lập dự phòng nợ khó đòi giảm xuống. Việc quản trị hoạt động cũng được cải thiện, từng bước số hóa hoạt động… góp phần tiết giảm chi phí hoạt động của ngân hàng.
Với tình hình kinh doanh như năm 2018, các ngân hàng sẽ có nhiều cơ hội để tăng vốn, giúp cải thiện tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu khi thời điểm áp dụng Thông tư 41/2016/TT-NHNN yêu cầu bắt buộc toàn bộ các ngân hàng phải áp dụng tính vốn theo phương pháp tính của Basel II kể từ ngày 01/01/2020.
Trong 2018 và dự báo 2019 một số DN niêm yết lãi lớn chia cổ tức rất cao cho cổ đông bằng tiền mặt. Đứng ở góc độ nhà tư vấn chiến lược DN, ông có đánh giá như thế nào về việc phân chia cổ tức của DN Việt Nam? Nó có sự khác biệt như thế nào so với quốc tế?
Trên thực tế, việc chia cổ tức là hoạt động bình thường của DN. Khi DN quyết định chia cổ tức cao có nghĩa là DN đang kinh doanh có lãi cao và có dòng tiền mạnh. Bên cạnh đó, cũng có khá nhiều DN chia cổ tức bằng cổ phiếu, bản chất là chuyển lợi nhuận chia thành vốn chủ sở hữu không có ảnh hưởng đến dòng tiền lưu chuyển.
Việc chia cổ tức như thế nào hoàn toàn phụ thuộc vào chiến lược, tình hình của công ty và ý chí của cổ đông. Thông thường, các công ty đang trong giai đoạn phát triển mạnh, cần nhiều vốn đầu tư mở rộng sẽ không chia nhiều cổ tức bằng tiền. Thay vào đó, các công ty có thể lựa chọn phương án chia cổ tức bằng cổ phiếu hoặc không chia cổ tức. Giá trị đem lại cho cổ đông không phải theo phương pháp đầu tư – nhận lợi nhuận từ kinh doanh mà đến từ giá trị cổ phiếu gia tăng. Trên thế giới có nhiều trường hợp công ty lựa chọn chiến lược không chia cổ tức trong một thời gian dài, ví dụ người khổng lồ công nghệ Microsoft, thành lập năm 1975 nhưng đến tận năm 2003 mới tuyên bố chia cổ tức lần đầu tiên.
Tuy nhiên, như đã nói ở trên, việc chia cổ tức còn phụ thuộc vào ý chí của đại hội đồng cổ đông. Đặc biệt trong điều kiện của Việt Nam, rất nhiều DN niêm yết có các cố đông lớn, thậm chí nắm giữ số phần chi phối, ý chí của các cổ đông này sẽ chi phối đến quyết định chia cổ tức.
Theo ông, để thị trường vốn Việt Nam trong 2019 “hút” được nguồn vốn ngoại mạnh hơn nữa thì cần có những yếu tố nào cả từ phía Doanh nghiệp và Chính phủ?
Về phía DN, ngoài việc phải có công ty kinh doanh tốt, có lãi, có kế hoạch kinh doanh hấp dẫn và tham vọng, chúng ta đã nói nhiều đến câu chuyện quản trị công ty và minh bạch hóa thông tin. Hiện nay, thứ hạng trong thang điểm đánh giá của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đối với các DN Việt Nam trong mối tương quan với các DN ở trong khu vực còn thấp. Đây là điểm các DN của Việt Nam cần khắc phục và cũng là điểm trừ trong sự hấp dẫn đối với các nhà đầu tư. Các DN cần áp dụng phương thức quản trị công ty hiện đại và chuẩn bị kỹ cho kế hoạch huy động vốn, sẵn sàng chia sẻ thông tin trong phạm vi cho phép, điều đó giúp các nhà đầu tư có thể hiểu và đánh giá đúng công ty họ đang muốn đầu tư.
Về phía Chính phủ, việc điều hành kinh tế vĩ mô có ảnh hưởng rất lớn đến niềm tin và quyết định của các nhà đầu tư. Trong thời gian vừa qua, Chính phủ đã thể hiện tốt vai trò của mình trong việc duy trì đà tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam. Các vấn đề về lạm phát, tỷ giá, lãi suất khá ổn định. Tuy nhiên, còn nhiều vấn đề mà Chính phủ vẫn đang tiếp tục tìm cách giải quyết và cải thiện, ví dụ vấn đề nợ công, chi phí thuế tăng, đơn giản hóa các thủ tục hành chính,…Chính phủ cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, đặc biệt là hệ thống pháp luật về đầu tư, tài chính, thuế. Chúng ta cần hoàn thiện khung pháp lý về chứng khoán và thị trường chứng khoán, tiếp tục nâng cao yêu cầu về minh bạch hóa thông tin, áp dụng các Chuẩn mực Báo cáo Tài chính quốc tế (IFRS) và các thông lệ tốt trên thế giới trong công bố thông tin, quản trị công ty,… Mặt khác, Chính phủ sẽ cần cân bằng giữa việc hoàn thiện hệ thống pháp lý và ổn định của môi trường pháp lý, đây là một thách thức không nhỏ mà Chính phủ phải đương đầu.
VÝ kiến của Bond Club:
Dưới góc nhìn trên đây của người đứng đầu Delloite Việt Nam – một trong 4 công ty kiểm toán toàn cầu cho thấy: điều quan trọng nhất cho các CEO doanh nghiệp Việt hiện nay là cần thay đổi tư duy trong việc quản trị và minh bạch hoá thông tin, phù hợp với xu thế hội nhập toàn cầu. Có như vậy doanh nghiệp của họ mới thành công và bước ra thị trường thế giới.
Bình luận