Cùng với việc khống chế thành công dịch COVID-19 thì việc Quốc hội phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA) đang được cho là những lợi thế lớn cho Việt Nam trong thu hút đầu tư cũng như xuất khẩu. Tuy nhiên, ngay cả khi dịch bệnh trong nước được kiểm soát hoàn toàn thì nhiều ngành dịch vụ, sản xuất hướng ra xuất khẩu vẫn khó khăn bởi Covid-19 còn chưa hoàn toàn biến mất trên thế giới.
Để giúp doanh nghiệp (DN) bước vào cuộc đua mới sau dịch và tận dụng hiệu quả các FTA, Thời báo Kinh tế Sài Gòn, Hội doanh nhân trẻ TP.HCM đã phối hợp cùng nhãn hàng Tôn Colorbond® tổ chức buổi tọa đàm trực tuyến “Hậu Covid-19: Chuẩn bị gì để trở lại đường đua?”
Tại tọa đàm, ông Phan Hữu Thắng, Nguyên Cục trưởng Cục đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch Đầu tư nhận xét: Việc khống chế thành công dịch Covid-19 đang tạo ra lợi thế cho Việt Nam thu hút nhà đầu tư nước ngoài và họ cũng nhìn thấy cơ hội vàng tại Việt Nam nhờ có sự phát triển kinh tế liên tục trong các năm vừa qua. Họ cũng nhìn thấy sự quyết liệt trong sự chỉ đạo của Chính phủ về phòng chống dịch và khởi động lại nền kinh tế.
Dù vậy, Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, cơ hội vàng đến từ tùy nơi, tùy lĩnh vực… và nếu không cẩn thận, vàng sẽ có lẫn đất sét.
– Nguyên Cục trưởng Cục đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch Đầu tư –
Do đó, để không bỏ lỡ cơ hội vàng, ông Phan Hữu Thắng đề xuất, Việt Nam cần có nhiều chính sách, sự hỗ trợ lôi kéo nhà đầu tư nước ngoài. Cần vạch ra các kế hoạch cụ thể, từ chủ trương đến thực tế, tổ chức thực hiện hoàn thiện thể chế cơ chế chính sách.
Theo quan điểm của TS. Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Việt Nam phải có kế hoạch rõ ràng để thu hút đầu tư nước ngoài và đầu tư công. Đó là đầu tư cho những vấn đề mà nhà đầu tư nước ngoài quan tâm như cơ sở hạ tầng ví dụ đường vào cảng phải đồng bộ, phải có chính sách giảm thuế…
– Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) –
Cùng với cơ hội trong thu hút đầu tư, trong xuất khẩu – TS. Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập của VCCI khẳng định: Việt Nam vẫn có cơ hội trong xuất khẩu:
- Thứ nhất, trong thời gian dịch bệnh, Việt Nam đã nâng được uy tín của mình từ việc kiểm soát tốt dịch bệnh, có sự ứng xử nhân văn với các nước đối tác, nước bạn.
- Thứ hai, một số mặt hàng như lương thực thực phẩm, vật tư y tế, thiết bị máy tính có thế mạnh xuất khẩu thì nhu cầu trên toàn cầu cũng tăng lên.
- Ngoài ra, ở thị trường EU, việc hiệp định EVFTA đi vào thực tế cũng tạo cho Việt Nam nhiều cơ hội bởi EU là thị trường xuất khẩu lớn, trên 400 triệu dân, nhưng là khu vực có sức mua lớn thứ hai thế giới. Đặc biệt, các đối thủ cung cấp hàng hóa có tính cạnh tranh với Việt Nam tại EU như Trung Quốc đều chưa có hiệp định với nền kinh tế này.
“Nếu chỉ nhìn góc độ xuất khẩu, những hiệp định như EVFTA mang lại cơ hội lớn nhất là thuế quan, giúp hàng hoá cạnh tranh hơn về giá. Trong khi đó, khó khăn mà Covid-19 gây ra cho thương mại là làm giảm nhu cầu, tăng tính cạnh tranh ở nguồn cung. Chúng ta không nên nghĩ EVFTA là cây đũa vàng, nhưng nó sẽ là con đường hữu ích nếu chúng ta tận dụng được.”
Với những thuận lợi đan xen thách thức như trên, ngay thời điểm này mỗi DN đều phải có những chuẩn bị rõ ràng, cụ thể để nắm bắt cơ hội. Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho biết, ở phía Nam các DN đã chuẩn bị cho đường đua mới, họ thấy rằng nếu phụ thuộc quá nhiều vào một thị trường đầu vào/đầu ra sẽ thành vấn nạn cho mình, nên họ tìm mọi cách để chuyển động. Tuy nhiên chỉ mình DN không thôi rất khó để làm do vậy bà đề xuất:
- Các hiệp hội nên cùng nhau bỏ ra một khoản đầu tư cho hoạt động nghiên cứu để xem nên đi về đâu và cái gì sẽ là xu hướng trong tương lai.
- Ngoài ra, các DN cần ngồi lại với nhau, bàn lại trong phạm vi hiệp hội để xem chúng ta có thể cùng nhau làm gì chứ đừng trông chờ vào nhà nước.
Từ kinh nghiệm của mình, bà Nguyễn Thị Thu Trang cho rằng, 2 năm nữa kinh tế thế giới sẽ phục hồi, nhưng sẽ phục hồi theo trạng thái mới. Khi đó, nhu cầu về sản phẩm CNTT sẽ tăng lên để đáp ứng cho cách thức làm việc mới.
- Nhu cầu về sản phẩm xanh sẽ được thúc đẩy mạnh hơn. Có những hàng hóa nhỏ nhưng cũng làm cho chúng ta suy nghĩ về sự thay đổi. Ví dụ, tại Nhật Bản, nhu cầu tiêu thụ mỹ phẩm giảm đi.
- Về quy mô thế giới, sự cạnh tranh đã thay đổi, cách thức làm việc thay đổi. Trước dịch người ta nói nhiều chuyện căng thẳng thương mại Mỹ – Trung… giờ cả cung và cầu đều đang thay đổi. Nếu muốn nắm bắt cơ hội chúng ta cũng sẽ phải thay đổi theo.
Bà Trang cho rằng, trong giai đoạn này, DN cần nghiên cứu lại chính thị trường trong nước, ổn định hệ thống và tận dụng việc chi phí vận chuyển và vận hành đang rẻ. Các nước đang thu hút nhu cầu về mình, DN Việt Nam cũng nên chinh phục lại thị trường trong nước để đi hai chân, vừa tăng cường xuất khẩu vừa tăng cường tiêu thụ tại thị trường nội địa.
Bình luận