Trong bản báo cáo chi tiết về đánh giá tác động của dịch bệnh COVID-19 tới 23 ngành hàng sản xuất trong nước vừa được Công ty Chứng khoán SSI công bố, các ngành hàng gồm dệt may, bán lẻ, thủy sản, bia, dầu khí, chứng khoán, cảng biển – vận chuyển, hàng không và dịch vụ sân bay là những ngành chịu tác động mạnh nhất từ các chỉ thị được ban hành nhằm ngăn chặn và phòng chống dịch bệnh, gây tình trạng khủng hoảng do sản xuất đình trệ, doanh thu sụt giảm nghiêm trọng. Hàng loạt vấn đề nảy sinh về mặt pháp lý và quản lý nhân sự trong mùa dịch chính là những bài toán khó cho doanh nghiệp vào lúc này.
Trước những vấn đề sống còn của doanh nghiệp (DN) trong dịch COVID-19, Thời báo Kinh tế Sài Gòn, Hội doanh nhân trẻ TP.HCM và nhãn hàng Tôn COLORBOND® của Công ty NS BlueScope Việt Nam đã phối hợp cùng tổ chức chuỗi 5 tọa đàm trực tuyến “Cùng doanh nghiệp vượt qua đại dịch”. Hai buổi tọa đàm trực tuyến đầu tiên đã thu hút hơn 150.000 lượt xem, nhận được hàng ngàn câu hỏi gửi về cho BTC chương trình. Trong hai buổi trực tuyến này, các diễn giả đã giải đáp những thắc mắc của các doanh nghiệp trong hai lĩnh vực then chốt: “Giải pháp quản lý nhân sự trong và sau mùa dịch” và “Những vấn đề pháp lý của doanh nghiệp nhìn từ đại dịch”.
Tái sản xuất, giảm giờ làm để có thể “nuôi” lao động
Tại buổi tọa đàm “Giải pháp quản lý nhân sự trong và sau mùa dịch”, ông Phạm Văn Việt, Tổng giám đốc Việt Thắng Jean kiêm Phó Chủ tịch Hội dệt may thêu đan TP. HCM cho biết, dệt may là một trong những ngành chịu tác động nặng nhất tại Việt Nam do sử dụng lượng lao động lớn. Ngay trong tháng 3, các khách hàng ở EU và Mỹ thông báo hoãn nhận đơn hàng trong vòng 3 tuần cho đến 1 tháng. Các thị trường còn lại là Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước ASEAN cũng bị giảm sút sức mua vì dịch. Tuy nhiên, để duy trì, khoảng 50% DN đã kịp thời chuyển hướng qua sản xuất khẩu trang, đồ bảo hộ lao động để tạo thêm việc làm
Ông Phạm Văn Việt- Tổng giám đốc Việt Thắng Jean kiêm Phó Chủ tịch Hội dệt may thêu đan TP. HCM –
Chuyển hướng qua sản xuất khẩu trang, đồ bảo hộ lao động để tạo thêm việc làm cho người lao động. Nhờ đó, hoạt động sản xuất của ngành vẫn được duy trì, người lao động được trả lương tối thiểu từ 2-4 triệu đồng/tháng.
Không riêng dệt may mà rất nhiều ngành khác từ hàng không, du lịch, cho tới các ngành dịch vụ… cũng đang phải đối mặt với thách thức từ tác động của dịch COVID-19. Là một chuyên gia về nhân sự, bà Tiêu Yến Trinh đề xuất để tồn tại DN phải tư duy lại dòng tiền và chi phí nhằm ứng phó, trong đó kịch bản về nhân sự đóng vai trò rất quan trọng. Cụ thể:
- Nếu DN lỗ từ 70% trở lên thì cần cắt các khoản phúc lợi, đầu tư của công ty.
- Khi thua lỗ nhiều hơn nữa thì cần thực hiện các chính sách linh hoạt về lương, phúc lợi và công việc của người lao động.
- Giải pháp cuối cùng có thể tính đến là tạm thời cho người lao động nghỉ ở nhà trong vài tháng không hưởng lương. Việc cắt giảm lương thưởng áp dụng với cấp lãnh đạo, cấp quản lý trước sau đó mới đến các vị trí thấp hơn. Khi cắt giảm cần được thực hiện minh bạch, công bằng và có hoạt động truyền thông khéo léo.
- Kịch bản xấu nhất là đóng cửa thì DN cũng cần có ngân sách để giải quyết các chi phí có liên quan
Ở góc nhìn của một luật sư về vấn đề lao động, Luật sư Trần Ngọc Thích cho rằng trước những khó khăn do COVID-19 gây ra cho nền kinh tế, Chính phủ và các địa phương cũng có các chính sách kịp thời về hỗ trợ người lao động:
- Trong trường hợp DN gặp khó khăn không thể tiếp tục hoạt động sản xuất kinh doanh, thì có những hướng dẫn khi người lao động bị buộc phải ngừng việc. Cụ thể, về bảo hiểm xã hội của người lao động, theo Quyết định số 595/QĐ-BHXH, sẽ điều chỉnh trên mức lương ngừng việc, lúc đó DN tiến hành các thủ tục theo quy định.
- Trường hợp người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm được hỗ trợ 1 triệu đồng/người/tháng theo hằng tháng tùy theo tình hình thực tế của diễn biến dịch (nhưng tối đa không quá 3 tháng).
Linh hoạt xử lý các vấn đề pháp lý trong hợp đồng
Với tọa đàm về “Những vấn đề pháp lý của DN nhìn từ đại dịch”, các diễn giả gồm ông Trần Thanh Tùng, Luật sư thành viên Công ty Luật Global Vietnam Lawyers và Luật sư Trần Võ Quốc Sơn, Thành viên Đoàn Luật sư TPHCM, Luật sư trưởng Công ty TNHH Điện tử Samsung Việt Nam đã chia sẻ rất chi tiết về những vấn đề pháp lý mà DN gặp phải trong đại dịch.
Trong bối cảnh hàng loạt đối tác nhập khẩu xin hoãn, hủy hợp đồng hoặc giao hàng chậm bởi các nước này phong tỏa chống dịch, Luật sư Trần Thanh Tùng cho rằng, DN có thể xem COVID-19 như là điều bất khả kháng và tạm dừng hợp đồng vì ba yếu tố:
- Tác động khách quan
- Bất khả kháng
- Không thể khắc phục
Trong ba yếu tố này, chỉ tranh cãi vào yếu tố chứng minh không có khả năng khắc phục và DN phải chứng minh được để áp dụng điều khoản bất khả kháng trong hợp đồng.
Dù vậy, trong thực tế triển khai điều khoản này lại gặp vô vàn khó khăn vì phải đặt trong một hợp đồng cụ thể mới xác định được. Luật sư Trần Võ Quốc Sơn, Thành viên Đoàn Luật sư TPHCM, Luật sư trưởng Công ty TNHH Điện tử Samsung Việt Nam cho đề xuất:
- Để chứng minh được không thể thực hiện hợp đồng cũng phải là một nghệ thuật, trong đó có quyền lực mềm, cách thuyết phục.
- Phải có tính khách quan mới giải quyết được nguyện vọng của mình.
Cũng theo Luật sư Trần Võ Quốc Sơn, nhiều DN khi soạn thảo hợp đồng thường “bê nguyên” điều kiện bất khả kháng và chỉ liệt kê bất khả kháng thiên tai, dịch bệnh mà quên rằng mỗi nước quy định về bất khả kháng khác nhau và mỗi công ước, hiệp ước quốc tế quy định về việc này cũng rất khác nhau. Cụ thể thế giới hiện có Công ước riêng về mua bán hàng hóa quốc tế – CISG, có Bộ luật Thương mại Thống nhất của Mỹ về UCC và ở mỗi nước lại có những luật quốc gia khác nhau.
- Với CISG – hầu như không bàn về vấn đề bất khả kháng mà chỉ bàn về điều khoản khó khăn của hợp đồng và hoàn cảnh thay đổi.
- Còn UCC cũng không bàn về việc này nhiều mà bàn về câu chuyện sao cho kết thúc hợp đồng có hiệu quả.
“Như vậy chúng ta phải xây dựng hợp đồng về điều khoản tình huống nào là bất khả kháng và khi xảy ra thì hậu quả sẽ là cái gì?”, Luật sư Trần Võ Quốc Sơn nêu ý kiến từ kinh nghiệm của bản thân
Một vấn đề khác quan trọng mà các DN quan tâm là làm sao xử lý “bất khả kháng” nhưng vẫn duy trì mối quan hệ bạn hàng. Đối với việc này, Luật sư Luật sư Trần Thanh Tùng đề xuất, cần xem xét đến lợi ích của các bên bởi cốt lõi của một hợp đồng là lợi ích.
“Hợp đồng không tự nhiên sinh ra, mà nó được ra đời trong một bối cảnh cụ thể. Trong hoàn cảnh cơ bản thay đổi các bên có quyền thương lượng để thay đổi nội dung cho phù hợp với hoàn cảnh mới, nếu không thương lượng được mới đệ đơn ra tòa để nhờ tòa điều chỉnh lại hợp đồng và đó là trường hợp duy nhất mà tòa có thể sửa lại hợp đồng giữa các bên. Nếu tòa sửa rồi sẽ có sự công bằng để tiếp tục hợp đồng hoặc chấm dứt hợp đồng. Đó là cách pháp lý thương lượng với đối tác” – ông Tùng cho biết.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong quý I-2020, có đến 40.000 DN giải thể, đó là chưa kể DN hoạt động cầm chừng. Những con số này cho thấy tác động của đại dịch đã rất rõ rệt và ngay lúc này mỗi DN đều phải tự tìm cho mình một hướng đi phù hợp. Và vấn đề tài chính là một trong những vấn đề đau đầu nhất của những người chủ doanh nghiệp, chỉ cần mất thanh khoản, nhiều doanh nghiệp sẽ đối diện bờ vực phá sản. Chính vì vậy, trong buổi tọa đàm trực tuyến số 3 với chủ đề “QUẢN TRỊ TÀI CHÍNH TRONG & SAU MÙA DỊCH”diễn ra lúc 10h30 sáng ngày 08/05/2020 tại fanpage của Tôn colorbondvà trang báo điện tử Thời báo Kinh tế Sài Gòn cùng với 3 vị khách mời đặc biệt sẽ giải đáp chi tiết về vấn đề này.
Bình luận