CÁC “ÔNG LỚN” ĐÃ KHỞI ĐỘNG DOANH NGHIỆP CÁ TRA SẼ “ĐƯỢC MÙA” NĂM 2019?

CÁC “ÔNG LỚN” ĐÃ KHỞI ĐỘNG DOANH NGHIỆP CÁ TRA SẼ “ĐƯỢC MÙA” NĂM 2019?

Năm 2018 là năm thành công của xuất khẩu thủy sản với tổng kim ngạch đạt gần 9 tỷ USD, tăng 8,4% so với năm trước. Đặc biệt, xuất khẩu cá tra thiết lập mức cao kỷ lục 20 năm với mức tăng 27%. Diện tích nuôi trồng cá tra toàn quốc đạt 5.400 ha, tăng 3,3%; khối lượng thu hoạch đạt 1,42 triệu tấn, tăng 8,4%.

Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), tăng trưởng vượt bậc của ngành cá tra có được là nhờ sự cộng hưởng từ nhiều yếu tố như: nền tảng giá cao thiết lập sau năm 2017, nhu cầu tăng tại các thị trường lớn, doanh nghiệp nâng cao chất lượng, chủ động nguồn cung, đa dạng hoá sản phẩm…

Trong bối cảnh nhu cầu ngày càng cao, nhiều chuyên gia kỳ vọng sự phát triển của cá tra sẽ tiếp tục vào năm 2019. Đặc biệt là thị trường Trung Quốc còn nhiều dư địa hay thị trường Mỹ khi các rào cản thương mại được cắt giảm.

Chưa kể, cá tra Việt Nam còn được dự báo hưởng lợi từ làn sóng FTAs, cũng như căng thẳng thương mại Mỹ – Trung. Tổng kim ngạch xuất khẩu theo đó ước tính đạt mức 2,4 tỷ USD, tương ứng diện tích nuôi tăng lên 5,5 triệu ha với sản lượng khoảng 1,47 triệu tấn.

Đầu tiên phải kể đến Hùng Vương (HVG). Hùng Vương đang nuôi tham vọng quay lại ngôi vương ngành cá tra sau nhiều năm liền tuột dốc. Sau nhiều năm vật lộn với khó khăn, ĐHĐCĐ thường niên năm nay phía Chủ tịch Dương Ngọc Minh khẳng định mạnh mẽ kế hoạch 100 tỷ lợi nhuận năm 2019 là kịch bản tồi tệ nhất. Nếu kỳ rà soát POR14 mức thuế Mỹ áp cho Hùng Vương đúng với kỳ vọng Công ty, vị “vua cá” Dương Ngọc Minh còn thẳng thắn từ chối dòng vốn ngân hàng đã từng khiến Công ty đau đầu suốt thời gian qua.

Khi được hỏi, Hùng Vương sẽ lấy vốn ở đâu để nuôi tham vọng lớn, vua cá nói rằng Hùng Vương tự tin có thể huy động đủ từ khách hàng, đối tác.

Khởi động mùa kinh doanh năm 2019 với nhiều dự báo khả quan, Hùng Vương vẫn hoạt động với lượng cá đủ sản xuất cho đến tháng 7 nhưng tích cực để dành tiền cho đến tháng 4-5 có kết quả tốt sẽ dồn lực đẩy mạnh nuôi trồng. Hùng Vương khẳng định sẽ nhanh chóng quay lại vị trí đứng đầu ngành, doanh thu hằng năm đạt 20.000 tấn, xuất khẩu cá tra không dưới 3 triệu USD.

“Ông lớn” Vĩnh Hoàn (VHC) lại khởi động mùa kinh doanh năm 2019 với trọng tâm khá khác biệt: phát triển sản phẩm. Với lợi thế có thị trường xuất khẩu lớn, năm 2019, Công ty tập trung phát triển sản phẩm để hướng đến những phân khúc thị trường khác biệt và có mức giá bán cao hơn.

Để thực hiện chiến lược, Công ty vừa góp 45% vốn thành lập Công ty TNHH Sản xuất Giống cá tra Vĩnh Hoàn.

Về hoạt động kinh doanh, Vĩnh Hoàn đã có năm 2018 viên mãn với doanh thu 9.323 tỷ, lợi nhuận sau thuế 1.452 tỷ, gấp 2,4 lần năm trước và điểm nhấn nằm ở phụ phẩm Collagen và Gelatin với tổng giá trị xuất khẩu 11,2 triệu USD, gấp đôi năm 2017.

Một lợi thế khác mà Vĩnh Hoàn có được trong năm 2019 là công ty không thuộc diện các doanh nghiệp bị xét trong đợt POR 14 và tiếp tục được hưởng mức thuế 0%.

Một đơn vị vừa quay trở lại ngành cá tra với tốc độ rất nhanh khác là Navico (ANV) cũng đã “nhấn nút” khởi động mùa kinh doanh năm 2019 với 2 điểm chốt là mở rộng và đa dạng hoá thị trường tiêu thụ. Theo Navico, sau nhiều năm liền đầu tư ngoài ngành thua lỗ, công ty đã tái cấu trúc thành công và khởi động năm 2019 với lợi thế tự chủ vùng nuôi. Navico dự tính doanh số 6.000 tỷ, lãi sau thuế 700 tỷ cho năm 2019, tăng mạnh so với 2018 và cũng không quên ước tính con số lợi nhuận 2020 có thể chạm mốc 1.000 tỷ đồng.

Cơ sở cho kỳ vọng của Navico thứ nhất đến từ ngành cá tra tăng trưởng nói chung, đi cùng việc đầu tư sản xuất, vùng nuôi đem lại cho đơn vị này một năm kinh doanh lạc quan. Mới đây, Công ty chính thức khởi công Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nuôi trồng thuỷ sản Bình Phú có quy mô 600 ha, vốn đầu tư 4.000 tỷ đồng. Dự kiến khi đi vào hoạt động, dự án sẽ sản xuất 200.000 tấn cá tra nguyên liệu/năm, mục tiêu xuất khẩu 100%.


Bình luận


Đăng bình luận

Bài viết liên quan