Bất chấp những ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam vẫn rất tích cực. Năm 2021, con số là trên 31,15 tỷ USD, tăng 9,2% so với năm trước. Còn trong tháng đầu năm 2022, đã có 2,1 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm 2021. Trong khi đó, là một trong top 15 quốc gia đầu tư ra nước ngoài lớn nhất toàn cầu, nhưng Úc chỉ đầu tư vào Việt Nam một lượng vốn khá khiêm tốn.
Trên thực tế, nhiều dự án quy mô lớn đã được cấp chứng nhận đăng ký đầu tư ngay trong tháng đầu năm. Một trong số đó là Dự án Goertek, tăng vốn thêm 400 triệu USD, để nâng tổng vốn đầu tư dự án ở Nghệ An lên 500 triệu USD. Ngoài ra, Coca-Cola cũng đã nhận chứng nhận đầu tư dự án 136 triệu USD ở KCN Phú An Thạnh (Long An) và viết tiếp kế hoạch mở rộng đầu tư tại Việt Nam, mà lãnh đạo Tập đoàn đã cam kết từ mấy năm trước đây.
Bên cạnh đó, ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đã nhắc đến các kế hoạch mở rộng hoạt động sản xuất tại Việt Nam của các tập đoàn lớn như Apple, Samsung, Nike, Adidas, Foxconn… để khẳng định xu hướng tích cực của dòng vốn FDI vào Việt Nam. Thậm chí, các kế hoạch đầu tư 1 tỷ USD của Tập đoàn LEGO (Đan Mạch), hay kế hoạch tăng vốn thêm 2,5 tỷ USD của Intel (Mỹ), rồi dự án sản xuất chất bán dẫn của Hana Micron (Hàn Quốc) … cũng đã được nhắc đến.
“Triển vọng thu hút FDI vào Việt Nam trong năm 2022 và các năm tiếp theo sẽ rất tích cực. Sẽ có nhiều dự án quy mô lớn, chất lượng cao của các tập đoàn hàng đầu thế giới đến với Việt Nam”, ông Đỗ Nhất Hoàng nói.
Nhưng không chỉ là đánh giá chủ quan từ phía các cơ quan chức năng Việt Nam, các khảo sát từ các nhà đầu tư nước ngoài cũng cho thấy điều này. Với các nhà đầu tư châu Âu, thông tin cho biết, có 67% số doanh nghiệp châu Âu đánh giá tích cực về triển vọng môi trường kinh doanh Việt Nam. Trong khi đó, kết quả cuộc khảo sát do JETRO công bố cách đây chưa lâu cho biết, có 55,3% doanh nghiệp Nhật Bản được hỏi mong muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam, chỉ khoảng 1,9% doanh nghiệp có xu hướng thu nhỏ và khoảng 0,3% doanh nghiệp có phương án rút khỏi Việt Nam.
Năm 2022 đánh dấu gần 30 năm Tập đoàn thép BlueScope Úc đầu tư vào Việt Nam. Đến với Việt Nam từ năm 1993, tới nay NS BlueScope Việt Nam có 2 nhà máy: tại khu công nghiệp Phú Mỹ 1, BRVT và khu công nghiệp Biên Hòa 2, Biên Hòa, Đồng Nai. Theo ông Võ Minh Nhựt – tổng giám đốc NS BlueScope Việt Nam, với quy mô vốn đầu tư 130 triệu USD là không quá lớn nhưng BlueScope đã ghi dấu ấn thành công và trở thành nhà sản xuất thép mạ hàng đầu tại Việt Nam.
BlueScope không phải là nhà đầu tư thuộc làn sóng thứ nhất từ xứ sở Kangaroo tìm đến Việt Nam, song là một trong những nhà đầu tư thành công nhất. Bởi vậy, trong bất cứ bản báo cáo nào của các cơ quan chức năng Việt Nam về tình hình thu hút FDI của Úc, BlueScope Việt Nam dường như luôn được nhắc đến đầu tiên.
Trên thực tế, đầu tư của Úc tại Việt Nam không quá lớn. Số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài cho thấy, năm 2021, các doanh nghiệp từ Úc chỉ đăng ký đầu tư vào Việt Nam trên 65 triệu USD. Covid-19 có thể là lý do khiến đầu tư của đất nước này vào Việt Nam ở mức thấp trong năm 2021, nhưng kể cả tính lũy kế, thì tính tới cuối năm, tổng vốn đầu tư của Úc vào Việt Nam mới chỉ đạt trên 1,9 tỷ USD với 550 dự án.
Ngoài BlueScope Việt Nam, các dự án khác của các nhà đầu tư từ đất nước “down under” tại Việt Nam thường được nhắc đến là dự án Mỏ Nikel Bản Phúc, Foster’s Tiền Giang, Nhôm Toàn cầu, Thủy sản Việt Úc, Ngân hàng ANZ… Gần đây, cũng có một số dự án tên tuổi, như RMIT trong lĩnh vực giáo dục, Futuremilk trong lĩnh vực sữa, Sunrice trong lĩnh vực nông nghiệp… Tuy nhiên, cách đây ít năm, ANZ đã quyết định bán mảng bán lẻ tại Việt Nam cho Shinhan Bank. Trong khi đó, Foster’s cũng thất bại khi muốn đưa bia Úc tới Việt Nam…
Rõ ràng, đầu tư của Úc tại Việt Nam còn khá khiêm tốn, nếu không muốn nói là hơi ít ỏi so với các nước khác, bởi thực tế, theo số liệu được công bố tại báo cáo nghiên cứu đầu tư trực tiếp của Úc tại Việt Nam – đánh giá hiệu quả thực tế và những giải pháp chính sách, do nhóm nghiên cứu của VCCI thực hiện với sự hỗ trợ của Aus4Skills, thì trong giai đoạn 2016-2020, đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của quốc gia này tăng liên tục, với tốc độ tăng trung bình 8,6%/năm. Thậm chí, tính lũy kế đến năm 2020, Úc là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 15 trên thế giới, với quy mô 627,3 tỷ USD, chiếm 1,6% tổng lượng đầu tư toàn cầu.
Thuỷ sản Việt Úc
Nhôm Toàn cầu
Ở chiều ngược lại, Việt Nam cũng là địa điểm đầu tư được đánh giá là hấp dẫn và an toàn, thuộc top 20 nền kinh tế thu hút FDI lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, khoản đầu tư của các doanh nghiệp Úc vào Việt Nam chỉ chiếm 0,5% tổng vốn FDI vào Việt Nam. Úc chỉ đứng thứ 19 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam.
Kết quả khảo sát này có lẽ đã lý giải vì sao, thời gian qua, đầu tư của Australia vào Việt Nam còn khiêm tốn, và vì sao các nhà đầu tư Australia còn “lừng khừng” khi ra các quyết định đầu tư tại Việt Nam như vậy. Câu chuyện của ANZ hay Foster’s có thể là một ví dụ về những cơ hội chưa thật hấp dẫn ở Việt Nam, theo nhìn nhận của các nhà đầu tư Australia.
Dù đầu tư của Úc vào Việt Nam không lớn, đúng hơn là chưa lớn, song những đóng góp cho kinh tế – xã hội Việt Nam là đáng ghi nhận. Các doanh nghiệp từ quốc gia này cũng đã tạo dựng được sự liên kết với các doanh nghiệp Việt và nền kinh tế Việt Nam. Câu hỏi đặt ra là, Việt Nam có cơ hội không và làm sao để Việt Nam có thể tận dụng cơ hội để đón dòng vốn nhiều tiềm năng từ Úc?
Khá lạc quan, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập của VCCI cho rằng, cơ hội là “có”. Bà Trang đã chỉ ra 3 hiệp định thương mại tự do (FTA) chung mà cả hai bên cùng tham gia, trong đó có hai FTA thế hệ mới là Hiệp định CPTPP và Hiệp định Đối tác toàn diện khu vực (RCEP) với nhiều cam kết đáng kể của Việt Nam dành cho các nhà đầu tư Australia.
Cùng với đó, các khuyến nghị chính sách cũng đã được Nhóm nghiên cứu của VCCI đưa ra, bao gồm việc tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, tăng cường kiểm soát tham nhũng, nâng cao chất lượng nguồn lao động, thúc đẩy các hoạt động thông tin, xúc tiến đầu tư, quảng bá về điểm đến đầu tư Việt Nam, tăng cường trao đổi, đối thoại với các nhà đầu tư nước ngoài, hỗ trợ kết nối doanh nghiệp Úc với các đối tác nội địa.
Liên quan đến chuyện thu hút đầu tư, đặc biệt là đón được “đại bàng”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng đã nhấn mạnh việc cần chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện, như quỹ đất sạch, nhân lực, hạ tầng phục vụ sản xuất… cho các nhà đầu tư. Đồng thời, bám sát khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp đầu tư nước ngoài để kịp thời tháo gỡ khó khăn; đơn giản hóa quy trình, thủ tục, đẩy nhanh cấp phép đầu tư đối với các dự án đầu tư lớn.
Một việc quan trọng khác, đó là phát huy vai trò của Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ không chỉ trong tháo gỡ khó khăn cho các dự án đầu tư, mà còn trong vận động, thu hút đầu tư các dự án lớn… Cùng với đó, thực hiện các chính sách ưu đãi đầu tư đặc biệt cho các dự án quy mô lớn. Đây là những sự chuẩn bị cần thiết để đón dòng vốn FDI nói chung và các nhà đầu tư từ Úc nói riêng. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất vẫn là, các nhà đầu tư Úc và bao gồm cả các nước khác phải tìm thấy “các cơ hội đầu tư hấp dẫn” ở Việt Nam.
Bình luận