GIÁN ĐOẠN CHUỖI CUNG ỨNG – GIẢI PHÁP NÀO CHO DOANH NGHIỆP VIỆT NAM?

GIÁN ĐOẠN CHUỖI CUNG ỨNG – GIẢI PHÁP NÀO CHO DOANH NGHIỆP VIỆT NAM?

Dịch bệnh Covid-19 kéo dài ở Việt Nam khiến chuỗi cung ứng bị ảnh hưởng nặng nề. Mới đây, các nhà sản xuất ô tô tại Nhật Bản đã phải ngừng một phần dây chuyền sản xuất do không đảm bảo được nguồn cung phụ tùng từ Việt Nam. Đã có những lời cảnh báo, và thực tế đã có những đơn hàng dịch chuyển khỏi Việt Nam và điều này làm dấy lên mối lo ngại rằng, các nhà đầu tư nước ngoài có thể sẽ rời bỏ Việt Nam…

“Suốt bốn ngày, 44 chiếc xe chở theo gần 500 tấn hàng tiêu dùng của chúng tôi bị chôn chân trên đường”, ông Đỗ Thái Vương, Phó chủ tịch Unilever Việt Nam đã bắt đầu câu chuyện về những ngày vất vả vận chuyển hàng hóa trong thời điểm hàng loạt địa phương trong cả nước thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ để phòng chống dịch Covid-19.

Theo chia sẻ của ông Đỗ Thái Vương, Unilever Việt Nam có hai cụm nhà máy đặt tại TP.HCM (KCN Tây Bắc Củ Chi) và Bắc Ninh (VSIP Bắc Ninh), cùng 3 trung tâm phân phối hàng tại Bắc Ninh, Đà Nẵng và Bình Dương.

Chuyên sản xuất hàng tiêu dùng thiết yếu, các mặt hàng của Unilever, bất chấp dịch bệnh kéo dài, vẫn được tiêu thụ tốt và vì thế, đương nhiên cần được vận chuyển, phân phối đi nhiều địa phương trong cả nước. Dịch bệnh nên vận chuyển khó khăn đã đành, hiềm một nỗi, theo ông Vương, mỗi địa phương lại yêu cầu một giấy tờ, thủ tục khác nhau, nơi đòi test nhanh âm tính, nhưng nơi lại cần xét nghiệm PCR; thậm chí nơi này không công nhận giấy tờ của nơi khác cấp, xe chuyển hàng được tỉnh này cho lưu thông nhưng tỉnh kia không cho vào…

Có thời điểm, vào cuối tháng 8/2021, TP. Cần Thơ còn bắt “sang xe, đổi tài”, khiến việc vận chuyển hàng hóa bị “tắc”, chuỗi cung ứng bị đứt gãy.

Unilever Việt Nam không phải là doanh nghiệp duy nhất bị lâm vào cảnh này. Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, đã từng có lần “than thở” với Thủ tướng rằng, các biện pháp thiếu đồng bộ giữa các địa phương đã gây rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp.

“Một sản phẩm dệt may không chỉ có vải, kim, chỉ, mà còn nhiều nguyên liệu phụ trợ khác. Trong khi đó, các nguyên liệu phụ trợ này lại bị các cơ quan kiểm soát ngăn chặn dịch bệnh cho rằng không phải là hàng thiết yếu nên không cho doanh nghiệp qua chốt kiểm soát dịch”

Ông Vũ Đức Giang,

Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam

“Hàng hóa thiết yếu” chính là cụm từ gây ám ảnh nhất với các doanh nghiệp trong giai đoạn vừa qua. Lại thêm các quy định về “một cung đường hai điểm đến”, “ba tại chỗ”, rồi chuyện hàng chục ngàn lao động phải thực hiện các biện pháp cách ly, phong tỏa… đã khiến doanh nghiệp khó chồng khó.

“Việc yêu cầu các doanh nghiệp tổ chức ‘ăn, ở, ngủ’ tại chỗ khiến doanh nghiệp mất thêm rất nhiều chi phí. Chúng tôi cũng gặp khó khăn khi muốn thay thế mới số công nhân đã ở lại nhà máy trong thời gian dài”

Ông Erwin Debaere,

Giám đốc Tài chính Công ty Perfetti Van Melle Việt Nam

Doanh nghiệp chỉ sản xuất và tiêu thụ hàng hóa ở thị trường nội địa đã khó, doanh nghiệp xuất khẩu, nhất là doanh nghiệp là “đầu vào” của chuỗi cung ứng còn khó hơn. Sự đình trệ sản xuất của họ còn ảnh hưởng tới không chỉ chuỗi cung ứng trong nước, mà còn cả chuỗi cung ứng toàn cầu.

Không phải ngẫu nhiên mà cách đây ít lâu, hàng loạt doanh nghiệp Mỹ, bao gồm cả Adidas, Gap, Echo Lake, Nike…, đã cùng ký đơn đề nghị chính quyền Tổng thống Joe Biden ủng hộ thêm vaccine cho Việt Nam. Lý do mà các doanh nghiệp này đưa ra, đó là việc khôi phục nhanh chóng các ngành sản xuất công nghiệp trọng yếu của Việt Nam, thông qua chương trình cung cấp vaccine sẽ làm giảm thiểu các ảnh hưởng đang tác động trực tiếp đến nguy cơ phá vỡ chuỗi cung ứng ở những lĩnh vực, ngành hàng có liên quan đến thị trường và doanh nghiệp Mỹ nói riêng và cả thế giới nói chung.

“Việt Nam đã trở thành nhà cung cấp chính các nguyên liệu đầu vào quan trọng cho ngành sản xuất giày dép đang phát triển nhanh chóng của Mỹ. Do đó, sự thành công của chúng ta phụ thuộc trực tiếp vào sức khỏe, theo đúng nghĩa đen, của ngành công nghiệp Việt Nam”

Trích thư kiến nghị Ông Steve Lamar,

Chủ tịch Hiệp hội May mặc và giày dép Mỹ AAFA gửi cho Tổng thống Mỹ

Khi chuỗi cung ứng ở Việt Nam bị đứt gãy, chuyện các doanh nghiệp tìm nguồn cung mới là dễ hiểu. Ông Vũ Đức Giang cho biết, đã từng có một doanh nghiệp nước ngoài rút đơn hàng hơn 100 triệu ra khỏi Việt Nam, đó chính là Nike.

Trong khi đó, kết quả cuộc khảo sát gần đây của EuroCham cho biết, 18% các doanh nghiệp trong ngành sản xuất đã chuyển dịch một phần đơn hàng hoặc nhu cầu sản xuất sang các nước khác, trong khi 16% doanh nghiệp đang cân nhắc điều này.

Tất nhiên, theo ông Alain Cany, Chủ tịch EuroCham, đây chủ yếu là “chuyển các đơn đặt hàng và là quyết định tạm thời của các doanh nghiệp”, và “hiện chưa có doanh nghiệp châu Âu nào rời khỏi Việt Nam”. Tuy nhiên, các nỗi lo về việc “mất đơn hàng, mất cả nhà đầu tư” đã trở thành mối lo hiện hữu, khi mà trận chiến với đại dịch tại Việt Nam vẫn chưa có hồi kết.

Trong một cuộc đối thoại được tổ chức cách đây chưa lâu tại TP.HCM, bà Hồ Thị Thu Uyên, Giám đốc Đối ngoại Intel Việt Nam, cùng với việc nêu một loạt khó khăn của doanh nghiệp “thời giãn cách”, đã bày tỏ sự lo ngại “vốn ngoại có thể sẽ rời đi nếu giãn cách kéo dài”.

Trong khi đó, Công ty Jabil Việt Nam cũng cho biết, nhiều đối tác đã chuyển đơn đặt hàng sang các nước khác, như Trung Quốc, Singapore…, bởi Công ty đã không thể đáp ứng được tiến độ của khách hàng. “Nếu tình hình tiếp tục kép dài, chúng tôi sẽ phải thu hẹp hoạt động tại Việt Nam”, đại diện Jabil Việt Nam chia sẻ.

Và đó là một thực tế. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng là một trong những người rất thấu hiểu điều này. Trong các báo cáo gần đây lên Chính phủ, ông luôn nhấn mạnh nguy cơ nhà đầu tư sẽ chuyển sản xuất sang nước khác.

Tám tháng đầu năm, Việt Nam thu hút được trên 19 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài, giảm 2,1% so với cùng kỳ năm trước. Và nguyên nhân của sự sụt giảm, ngoài các yếu tố như như dòng đầu tư toàn cầu sụt giảm, hay chính sách thu hút đầu tư có chọn lọc…, thì việc hạn chế nhập cảnh và chính sách cách ly dài ngày làm chững lại các đoàn chuyên gia và nhóm phát triển dự án vào Việt Nam khảo sát và làm các thủ tục đầu tư, được được nhắc tới như là một trong những nguyên nhân chính.

Chưa kể, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng cho biết, việc phong tỏa nhà máy và hạn chế di chuyển của người lao động trong các khu công nghiệp làm đình trệ sản xuất, giảm công suất và sản lượng, đứt gãy chuỗi cung ứng…, cũng đã làm ảnh hưởng đến hoạt động của các dự án hiện hữu, và tác động đến tâm lý của các nhà đầu tư mới đang có kế hoạch đầu tư vào Việt Nam.

“Do đóng cửa nhà máy, thiếu hụt lao động để sản xuất nên nhiều đơn hàng phải chuyển sang các địa bàn khác trong chuỗi cung ứng. Tuy đây chỉ là giải pháp tạm thời, nhưng nếu kéo dài tình trạng này thì có khả năng nhà đầu tư sẽ chuyển sản xuất sang nước khác”.

Ông Nguyễn Chí Dũng

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Chính ông Alain Cany cũng đã nhắc tới điều đó. Rằng nếu việc giãn cách xã hội vẫn tiếp tục kéo dài tại các địa phương thêm 2-3 tháng nữa hoặc lâu hơn, cùng với việc thiếu vaccine tiêm cho người lao động, chuỗi cung ứng đứt gãy và dịch bệnh không được kiểm soát…, thì việc có doanh nghiệp nước ngoài rời đi “hoàn toàn có thể xảy ra”.

Thực tế là, cho tới thời điểm này, tuy chưa có doanh nghiệp nào rời đi nhưng các kế hoạch đầu tư mới thì đã bị trì hoãn. Exxon Mobil từng đề nghị giãn tiến độ đối với dự án khai thác mỏ Cá Voi Xanh cũng như các dự án khác của họ tại Việt Nam. Còn Apple và Google thì cũng chưa vội dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam vì dịch bệnh.

Đầu năm nay, Foxconn, nhà sản xuất gia công lớn nhất của Apple, đã tuyên bố đầu tư 270 triệu USD để xây nhà máy mới ở Bắc Giang, chuyên sản xuất Macbook và iPad. Tuy nhiên, kế hoạch này đang bị trì hoãn, vì dịch bệnh, vì chuỗi cung ứng chưa hoàn thiện.

Ngân hàng HSBC trong một báo cáo vừa được công bố đã đưa ra nhận định rằng: “Bất chấp những thách thức có thể xảy ra, Việt Nam vẫn là một điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư trong thời gian tới”.

Ông Julien Brun, Tổng giám đốc CEL Consulting, cho rằng, dù hiện tại đúng là các nhà máy ở Việt Nam đang bị kẹt cứng, nhưng khó khăn chỉ là tạm thời. Hơn nữa, hiện tại, vấn đề không chỉ ở Việt Nam, mà các nhà máy ở châu Á, đặc biệt là Đông Nam Á cũng đang bị ảnh hưởng do dịch bệnh.

Trung Quốc là cái tên được ông Julien Brun nhắc tới, nhưng đồng thời ông cũng cho rằng “không doanh nghiệp nào vào thời điểm này lại dịch chuyển chuỗi sản xuất từ Việt Nam sang Trung Quốc cả”.

“Các hãng may mặc như Nike hay Adidas cũng sẽ phải chờ đợi. Không có câu chuyện năng lực cạnh tranh của Việt Nam bị giảm, trừ khi dịch kéo dài thêm 1-2 năm”.

Ông Julien Brun,

Tổng giám đốc CEL Consulting

Bà Nguyễn Phương Linh, Phó giám đốc Công ty Tư vấn Control Risks cũng có cái nhìn tương tự. Theo bà Linh, đúng là hiện nay, các biện pháp hạn chế đang kìm hãm khả năng sản xuất của Việt Nam. Tuy nhiên, việc ngưng trệ sản xuất chỉ là vấn đề ngắn hạn và nguyên nhân là bởi “Việt Nam vẫn là một địa điểm hấp dẫn so với nhiều nước khác ở châu Á”.



Bình luận


Bài viết liên quan