KIẾN TẠO THẾ GIỚI XANH

KIẾN TẠO THẾ GIỚI XANH

Những công trình kiến trúc xanh truyền cảm hứng trên thế giới

Trước sự gia tăng đáng báo động về lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu với mức 2% trong năm 2017, chạm một mốc kỷ lục mới 37 tỷ tấn khí CO2, con người đang phải đối mặt với những nguy cơ huỷ hoại cuộc sống. Vì vậy, đứng trước nhu cầu bức thiết của con người, chưa bao giờ mà phong trào xây dựng xanh đang trở thành xu hướng chính dẫn dắt thị trường xây dựng và bất động sản như hiện nay. Và cũng chưa bao giờ mà các doanh nghiệp xây dựng và bất động sản trên toàn cầu lại cho thấy rõ ý thức của mình trong việc kiến tạo nên những công trình xanh như vậy.

Cuộc cách mạng xanh trên thế giới

Richard Fedrizzi, Chủ tịch Hội đồng Công trình xanh Hoa Kỳ, đã từng nói: “Cuộc cách mạng Công trình xanh đang diễn ra ở mọi nơi, mọi lúc, làm biến đổi thị trường nhà đất, nhà ở và lối sống của cộng đồng. Nó là một phần của cuộc Cách mạng phát triển bền vững với khả năng làm biến đổi mọi thứ bằng cách tạo ra hiệu quả sử dụng năng lượng, sức khỏe, các công trình hữu ích để giảm thiểu tác động đáng kể của công trình đối với cuộc sống đô thị, môi trường địa phương, khu vực và toàn cầu”.

Theo một khảo sát mới được công bố bởi Dodge Data & Analytics, thị trường dự án xây dựng xanh toàn cầu đã tăng trưởng đáng kể trong 10 năm qua và nhu cầu xây dựng xanh được dự đoán sẽ tăng mạnh trong ba năm tới. Báo cáo Xu hướng công trình xanh thế giới (The World Green Building Trends Report 2018) cho thấy hơn 60% trong số 2000 tổ chức đại diện từ 86 quốc gia trên toàn cầu tham gia khảo sát muốn thực hiện các dự án xanh – tức tăng từ 27% năm 2018 lên gần một nửa (47%) vào năm 2021. Khả năng tiết kiệm chi phí hoạt động 8% trong năm đầu tiên và tăng 7% giá trị tài sản xây dựng bên cạnh việc cải thiện sức khỏe và phúc lợi của con người rõ ràng là những yếu tố có tác động đến các tổ chức thực hiện công trình xanh.

Hãy cùng Colorbond điểm qua một số công trình xanh huyền thoại trên thế giới.

Ng Teng Fong General Hospital & Jurong Community Hospital

Kiến trúc: HOK, USA; CPG, Singapore;

Studio 505, Úc

Địa điểm: Singapore

Bệnh viện Đa khoa Ng Teng Fong & Bệnh viện Cộng đồng Jurong (NTFGH) là một trong những công trình kiến trúc xanh biểu tượng của thế giới nói chung và Đảo quốc sư tử nói riêng. Với thiết kế giống như một khu căn hộ độc đáo, các kiến trúc sư đã tích hợp công viên, mái nhà xanh và mô hình vườn cây thẳng đứng trong toàn bộ dự án để mang đến cho đô thị hiện đại thời bê tông hóa này một thảm thực vật nguyên bản với khả năng tái sử dụng nước mưa hoàn hảo. Trong khi nước nóng và năng lượng cho cảnh quan sẽ được cung cấp bằng năng lượng mặt trời, thì nước mưa là nguồn tưới chính cho các khu vườn trên sân thượng, và nước tinh khiết lọc từ nước thải (Newater) được sử dụng trong các tháp làm mát của hệ thống điều hòa không khí.

Ng Teng Fong General Hospital & Jurong

Community Hospital trông giống như một khu căn

hộ hạng sang phủ sắc xanh hơn là một bệnh viện.

Ba chiến lược tạo bóng râm khác biệt được sử dụng để tối đa hóa ánh sáng ban ngày, loại bỏ nhu cầu ánh sáng nhân tạo quá mức bên trong tòa nhà vào ban ngày, trong khi hệ thống thông gió tự nhiên giúp mang lại nguồn không khí mát lành. Các loại vật liệu tái chế đã được bệnh viện này sử dụng triệt để, bao gồm gạch lát sàn, gỗ composite và thép. Chính vì thế, mức tiêu thụ năng lượng của bệnh viện này thấp hơn 38% so với các bệnh viện thông thường ở Singapore và ít hơn 69% so với các bệnh viện ở Hoa Kỳ. Ước tính, nguồn năng lượng tiết kiệm của bệnh viện này có thể cung cấp cho gần 4.000 căn hộ năm phòng ngủ trong một năm, trong khi lượng nước tiết kiệm được có thể lấp đầy khoảng 27 bể bơi chuẩn Olympic.

R.W. Kern Center

Kiến trúc: Bruner/Cott & Associates

Địa điểm: Amherst, Massachusetts

Được thiết kế như một phần trong chuẩn mực The Living Building Challenge, R.W. Kern Center thuộc Đại học Hampshire là một công trình xanh độc đáo với khả năng tự tạo ra nguồn năng lượng riêng cũng như khả năng xử lý nước thải xuất sắc. Công trình này đặt mục tiêu phát triển một tòa nhà không sử dụng năng lượng trong điều kiện khí hậu lạnh, chỉ sử dụng nước mưa cũng như các vật liệu địa phương bền vững và không độc hại. Với mục tiêu tối đa hóa hiệu quả nhiệt, trung tâm đã thiết kế các khu vực một cách thông minh, theo đó, các bức tường có thể được di chuyển hoặc sắp xếp lại để sử dụng trong tương lai mà không bị gián đoạn cấu trúc nhờ kiểu khung gỗ glulam mở.

The National Oceanic and Atmospheric Administration

Kiến trúc: HOK

Địa điểm: Honolulu, Hawaii, Hoa Kỳ

Tái sử dụng hai tòa nhà chứa máy bay trong Thế chiến II, Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia tọa lạc tại hòn đảo Oahu, Ford xinh đẹp của vùng biển Hawaii, Hoa Kỳ, là một trong những công trình được cấp chứng nhận LEED Gold danh giá. Hệ thống thu dẫn nước được thiết kế để đảm bảo không có giọt nước thải nào rò rỉ khỏi cơ sở, thay vào đó, nước sẽ phân tán vào hệ thống ống nước dẫn để tưới tiêu, trong khi hệ thống làm mát trên mái nhà và hệ thống thuỷ lực hút nước từ dưới biển giúp tạo ra không khí mát mẻ tự nhiên.

Những công trình xanh hiếm hoi ở Việt Nam

Trong khi xu hướng công trình xanh đang bùng nổ mạnh trên thế giới thì tại Việt Nam, con số các công trình xanh đạt chuẩn quốc tế hiện không nhiều. Một trong những công trình xanh được tổ chức IFC – thành viên của Ngân hàng Thế giới – trao 5 chứng chỉ quốc tế về công trình xanh là Công trình tòa nhà Forest In The Sky trong khuôn viên Flamingo Đại Lải Resort (Vĩnh Phúc). Đúng như tên gọi, Forest In The Sky được bao phủ bởi hơn 50.000 cây xanh cùng hơn 180 vườn treo, và nếu nhìn từ bên ngoài, hầu như không thấy các mảng tường nào, thay vào đó là các khu vườn xanh nằm trên tất cả các mặt đứng.

Nhìn từ bên ngoài, Forest In The Sky

trông như một khu vườn xanh thẳng đứng

Toà nhà Đại học FPT của Võ Trọng Nghĩa – kiến trúc sư của các công trình xanh Made in Vietnam – cũng được Designboom vinh danh trong top 10 công trình giáo dục ấn tượng của năm 2017. Với điểm nhấn ấn tượng là kiểu thiết kế mặt tiền với những ô vuông đặc rỗng so le nhau để đón nhận ánh sáng tự nhiên và giảm nhu cầu dùng đèn điện cùng sự hiện diện của cây xanh tại ô cửa sổ như một lớp xanh bảo vệ tòa nhà khỏi ánh sáng trực tiếp từ mặt trời, toà nhà đang trở thành không gian lý tưởng truyền cảm hứng cho các kiến trúc sư cũng như các nhà phát triển dự án đang mong muốn kiến tạo nên những công trình xanh đúng nghĩa.

Phối cảnh toà nhà Đại học FPT của Võ Trọng Nghĩa,

kiến trúc sư nổi tiếng với các công trình xanh Made in Vietnam.


Bình luận


Đăng bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *