KINH DOANH XANH: THỜI CƠ ĐÃ ĐẾN!

KINH DOANH XANH: THỜI CƠ ĐÃ ĐẾN!

 

Người tiêu dùng đang sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho các sản phẩm thân thiện với môi trường cho thấy thời cơ kinh doanh xanh đã đến.

Tiêu dùng xanh là xu hướng phổ biến

Khi thu nhập và ý thức người tiêu dùng được cải thiện, xu hướng tiêu dùng xanh ngày trở nên phổ biến ở các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Một nghiên cứu năm 2017 trên Tạp chí Mechanical Design đã tiết lộ rằng mọi người sẵn sàng mua sản phẩm hơn nếu một sản phẩm làm nổi bật các tính năng bền vững, thu hút ý thức môi trường của người tiêu dùng.

Một báo cáo năm 2015 của Nielsen cho thấy 45% số người được hỏi trên toàn cầu sẵn sàng trả nhiều tiền hơn cho một sản phẩm thân thiện với môi trường và 41% sẵn sàng trả nhiều tiền hơn cho bao bì thân thiện với môi trường. Một nghiên cứu năm 2010 trên Tạp chí Kinh tế Mỹ cho thấy các tòa nhà thân thiện với môi trường có giá thuê cao hơn khoảng 3% và được bán cao hơn 16%.

Tiến sĩ William Schulze, giáo sư Đại học Cornell, cho biết các động lực thúc đẩy mua hàng bền vững đến từ lòng vị tha, hình ảnh bản thân và danh tiếng. Những người tiêu dùng thế hệ Y có xu hướng được giáo dục nhiều hơn và có thu nhập cao hơn, khiến họ trở thành mục tiêu hàng đầu của các nhà bán lẻ.

Shelton Group, một tổ chức giúp các công ty bán sản phẩm bằng cách tiếp thị các hoạt động bền vững của họ, đã thăm dò ý kiến người Mỹ trong 12 năm để giúp hiểu cảm giác của họ về tính bền vững đã cho thấy 90% thế hệ Y sẽ mua từ một thương hiệu có các hoạt động xã hội và môi trường mà họ tin tưởng và 95% trong số họ sẽ giới thiệu thương hiệu đó cho bạn bè. Xem xét thế hệ Y chi tới 600 tỷ USD mỗi năm – con số dự kiến sẽ tăng lên 1,4 nghìn tỷ USD, chiếm 30% thị trường – chắc chắn sẽ là những con số có ý nghĩa rất lớn đối với doanh nghiệp và khiến doanh nghiệp phải thay đổi phương thức sản xuất sản phẩm của mình.

Doanh nghiệp hưởng lợi nhiều
khi sản xuất sản phẩm thân thiện môi trường

Đầu tiên đó là các doanh nghiệp hưởng lợi từ hàng loạt các chính sách hỗ trợ của chính phủ các nước. Tại Việt Nam đã có chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 nhằm từng bước thay đổi mô hình sản xuất và tiêu dùng theo hướng nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn tài nguyên và năng lượng, tăng cường sử dụng các nguyên vật liệu, năng lượng tái tạo, sản phẩm thân thiện môi trường. Bên cạnh đó với Thông tư 128/2016 của Bộ Tài chính thì doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường; sản phẩm từ hoạt động tái chế, xử lý chất thải sẽ được giảm, miễn thuế xuất khẩu. Các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường được Bộ Tài nguyên và Môi trường gắn “Nhãn xanh Việt Nam”.

Không chỉ được hỗ trợ về thuế từ chính phủ, doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm thân thiện trong dài hạn sẽ có chi phí sản xuất thấp hơn. Ví dụ để sản xuất một chai nhựa doanh nghiệp cần chi phí vật liệu, chi phí thiết kế, nhân công và ghi nhãn. Nhưng vào cuối ngày, chai nhựa bị vứt bỏ gây hại cho môi trường và sức khỏe của mọi người. Theo đó doanh nghiệp có thể lựa chọn tái chế và tái sử dụng các vật liệu để giảm bớt chi phí sản xuất.

Ngoài ra với hơn 552 triệu chai dầu gội đầu kết thúc tại các bãi rác mỗi năm trên toàn cầu, và một số chai nhựa có thể tồn tại hơn một đời người, có thể bị vứt xuống biển gây hại cho các sinh vật và thậm chí ảnh hưởng gián tiếp đến sức khỏe của chúng ta. Do đó khách hàng ngày nay mong đợi tư duy sinh thái từ các doanh nghiệp. Bằng cách cung cấp hoặc bán các sản phẩm thân thiện với môi trường, khách hàng sẽ trung thành với doanh nghiệp hơn và như thế có nghĩa là doanh nghiệp sẽ có nhiều doanh thu hơn.

Cuối cùng khi các doanh nghiệp xem xét các chương trình trách nhiệm xã hội sẽ giúp hình ảnh thương hiệu của doanh nghiệp trở nên hấp dẫn đối với khách hàng trung thành và thậm chí là các nhà đầu tư tiềm năng. Cung cấp các sản phẩm thân thiện với môi trường sẽ giúp môi trường, lương tâm của doanh nghiệp và cả lương tâm của khách hàng.

Thế nào là sản phẩm
thân thiện môi trường?

Để tạo ra được một sản phẩm thân thiện với môi trường cần căn cứ vào những tiêu chí sau:


Sản phẩm được làm ra từ các nguyên liệu, vật liệu thân thiện với môi trường. Ngày nay các sản phẩm được làm từ những nguyên vật liệu tái chế được đánh giá rất cao và được coi là những sản phẩm xanh rất được ưa chuộng.


Sản phẩm đem đến những giải pháp an toàn cho môi trường, sức khỏe của con người thay cho các sản phẩm độc hại, gây ô nhiễm môi trường.


Sản phẩm trong quá trình sử dụng ít gây tác động đến môi trường và quá trình tái chế đơn giản, giảm chi phí.


Sản phẩm tạo ra một môi trường thân thiện và an toàn đối với sức khỏe của con người và cho cả cộng đồng.

Nhiều doanh nghiệp đã vào cuộc

Số lượng người sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho các sản phẩm thân thiện với môi trường cho thấy thực tế, thị trường của các sản phẩm xanh đang dần mở rộng. Đây là cơ hội cho các doanh nghiệp phát triển và đẩy mạnh hoạt động kinh doanh, nắm bắt xu hướng tiêu dùng này.

Nhanh chân nhất có lẽ phải nói đến lĩnh vực thực phẩm, bắt nhịp nhu cầu ăn uống của người tiêu dùng đã có rất nhiều doanh nghiệp nỗ lực cung cấp các sản phẩm lành mạnh và thân thiện với môi trường từ rau, củ, quả cho đến trứng, sữa, gạo, các loại nước trái cây, mỹ phẩm… từ các ông lớn như Vingroup với thương hiệu Vineco, Vinamilk, TH Truemilk, Vinatea đến các chuỗi sản xuất nhỏ lẻ như chuỗi nông sản Sài Gòn, chuỗi cửa hàng rau 3S, Nông Lâm Food, Nguyên Bảo Foods, 3F Viet Food, Anna Food House, trang trại Kỹ Việt, trang trại chùm ngây Vườn Nhà Mình, HTX chăn nuôi heo an toàn Tiên Phong OHEO, HTX rau an toàn Việt, Nấm Việt, Dalat FOODIE Việt Nam, FarmShop, An Tâm Farm, Đạt Butter, One 4 One, Midori Shop, The Organik House – Go Eco, Công ty TNHH nông nghiệp Gagaco…

Tiếp đó phải nói đến vấn đề của ngành nhựa. Rõ ràng một thực tế hiện nay, đồ dùng và sản phẩm nhựa đã trở thành vật dụng phổ biến trong gia đình người Việt. Tuy nhiên cùng với sự tăng trưởng kinh tế thì số lượng chất thải nhựa cũng tăng lên đáng kể. Nhiều báo cáo cho thấy Việt Nam đứng trong top các nước dẫn đầu về chất thải nhựa. Chất thải nhựa phổ biến thải ra sông, ao, hồ… gây ô nhiễm môi trường do đặc tính bền vững, hàng trăm năm mới bị phân hủy, còn nếu đốt thì gây ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe con người, cũng như ảnh hưởng đến hệ sinh thái.

Tiến sĩ William Schulze, giáo sư Đại học Cornell, cho biết các động lực thúc đẩy mua hàng bền vững đến từ lòng vị tha, hình ảnh bản thân và danh tiếng. Những người tiêu dùng thế hệ Y có xu hướng được giáo dục nhiều hơn và có thu nhập cao hơn, khiến họ trở thành mục tiêu hàng đầu của các nhà bán lẻ.

Theo đó tại Việt Nam hiện đã xuất hiện ngày càng nhiều các sản phẩm nhựa thân thiện môi trường, tính đến tháng 5/2018 đã có 43 sản phẩm của 38 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận túi ni lông thân thiện với môi trường. Trong đó ông lớn ngành nhựa Nhựa và Môi trường Xanh An Phát (AAA) khẳng định tầm nhìn của An Phát không chỉ dừng lại ở mức là nhà sản xuất bao bì thân thiện với môi trường hàng đầu khu vực mà còn hướng đến tạo dựng chuỗi giá trị công nghiệp và xây dựng, phát triển hệ sinh thái của ngành công nghiệp nhựa. Nhờ đảm bảo chất lượng, các sản phẩm của AAA đã chinh phục được nhiều thị trường khó tính như: Nhật, Mỹ…

Để sở hữu các sản phẩm có chất lượng và không gây hại môi trường thì rõ ràng việc lựa chọn công nghệ sử dụng là yếu tố cốt lõi. Tập đoàn Tân Á Đại Thành được đánh giá là một trong trong những doanh nghiệp Việt sở hữu hệ thống 12 nhà máy sản xuất công nghệ cao và có chiến lược đầu tư bài bản. Việc không ngại chi lớn cho đầu tư công nghệ hiện đại, máy móc tiên tiến, do các nhà sản xuất lớn trên thế giới cung cấp chính là nền tảng để sản phẩm của Tân Á Đại Thành có chất lượng tốt nhất.

Hay việc sở hữu một dây chuyền hiện đại hướng đến công nghệ 4.0 của Nhà máy sản xuất SOP Phú Mỹ đã giúp nhà máy này có một không gian sản xuất sạch sẽ, không bụi, không mùi hóa chất, không tiếng ồn, không nước thải, khí thải. Nhà máy áp dụng quy trình công nghệ theo tiêu chuẩn 4.0, tự động hóa hoàn toàn. Nhà máy đặc biệt đầu tư hệ thống xử lý bụi, nước thải tuần hoàn. Theo đó, lượng bụi và nước thải được tận thu, đưa lại vào dây chuyền tái sản xuất. Nhờ đó, “SOP Phú Mỹ không tạo ra nước thải, chất thải rắn ra ngoài môi trường”.

Tương tự một số doanh nghiệp ngành may cũng đã nhanh tay áp dụng chương trình sản xuất sạch. Tổng công ty CP dệt may Hà Nội (Hanosimex) đã đầu tư gần 223,5 triệu đồng lắp đặt thiết bị tiết kiệm điện cho máy may 3S giúp giảm công suất động cơ lúc hoạt động không tải, đồng thời động cơ luôn hoạt động trong tình trạng tối ưu, hiệu suất cao và tiết kiệm điện trong suốt quá trình thấp tải. Công ty May Tiên Hưng (Hưng Yên) đã lắp đặt 2 bơm nhiệt để thay thế lò hơi; sử dụng 35 đèn LED thay thế đèn compact; lắp đặt biến tần cho hệ thống bơm… Các thiết bị này đã giúp công ty tiết giảm được 177,6 triệu đồng/năm chi phí năng lượng.

Rõ ràng việc doanh nghiệp đầu tư cho các sản phẩm công nghệ thân thiện với môi trường có thể đòi hỏi vốn đầu tư lớn, thời gian đầu tư dài nhưng lợi ích mang lại cho doanh nghiệp là vô cùng lớn. Lợi ích này không chỉ đơn thuần giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí trong sản xuất trong dài hạn, mà còn chung tay góp phần hướng tới mục tiêu phát triển bền vững của doanh nghiệp.


Bình luận


Đăng bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *