Thế giới của các cá nhân siêu giàu (HNWI – những người sở hữu khối tài sản trị giá 30 triệu USD trở lên) cũng như các lĩnh vực đầu tư của họ luôn là đề tài hấp dẫn thu hút sự quan tâm của công chúng. Tên tuổi của họ thường gắn với sự thành công trong những lĩnh vực cơ bản như công nghệ, vận tải, bất động sản, hàng không…
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, lớp người siêu giàu này đang cho thấy xu hướng đầu tư vào các dự án bền vững (sustainable investment hoặc impact investment) như là một hành động thể hiện trách nhiệm của mình đối với môi trường bên cạnh lợi nhuận tài chính. Họ sử dụng đồng tiền của mình để thúc đẩy những thay đổi tích cực cho trái đất thông qua những hoạt động đầu tư mang tính bền vững, từ việc mua cổ phiếu trong các công ty sở hữu lực lượng lao động đa dạng cho đến việc mua trái phiếu đô thị xây trường học cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, cho đến việc đầu tư vào các dự án như công nghệ sạch, đảm bảo nguồn nước uống an toàn, thúc đẩy giao thông công cộng…
Biến đổi khí hậu đã và đang khiến môi trường sống trở nên ngột ngạt hơn bao giờ hết. Theo ước tính của UNESCO, đến năm 2030 thế giới sẽ cần thêm 30% nước, 40% năng lượng và 50% lương thực. Chi phí cho các tác động liên quan đến biến đổi khí hậu đến môi trường, sức khỏe và an ninh lương thực có thể vượt quá 4 nghìn tỷ USD vào năm 2030. Môi trường sống đang bị đe dọa, vấn đề sức khỏe của mỗi công dân trên toàn cầu đang trở thành ưu tiên cấp bách. Người tiêu dùng trên thế giới muốn các sản phẩm phản ánh giá trị của họ và tác động tích cực đến xã hội, kéo theo nhu cầu đầu tư vào các dự án mang tính bền vững với môi trường. Thị trường LOHAS (Lifestyle of Health & Sustainability) với quy mô khoảng 300 tỷ USD đã tăng trưởng hơn 10% mỗi năm kể từ đầu những năm 2000. Nếu như mảng đầu tư này theo báo cáo của Global Impact Investing Network chiếm khoảng 60 tỷ USD trong năm 2015 thì theo dự đoán của JP Morgan, lĩnh vực này sẽ đạt một nghìn tỷ USD trong năm 2020.
Thực tiễn đầu tư bền vững của các cá nhân siêu giàu là đề tài thú vị bởi hơn ai hết, họ là những nhà cách tân. Tài sản, sự giàu có thường là phương tiện giúp họ quản lý rủi ro và lợi nhuận theo cách sáng tạo thông qua việc đầu tư vào các ý tưởng và công nghệ mới cũng như vào các tài sản thay thế – những khoản đầu tư mang lại giá trị tương quan thấp so với các thị trường truyền thống.
Đầu tư bền vững và có trách nhiệm (social responsibility investment – SRI) là một kiểu đầu tư kết hợp các mục tiêu tài chính của các nhà đầu tư với mối quan tâm về các vấn đề Môi trường, Xã hội và Quản trị (ESG). Chúng bao gồm, nhưng không giới hạn, ở các tên gọi khác nhau như đạo đức (ethical), xã hội (social), xanh (green), trách nhiệm (responsible), bền vững (sustainable), tác động (impact)…
Mặc dù đầu tư bền vững bắt nguồn từ vấn đề đạo đức (tránh sử dụng một số sản phẩm cụ thể nào đó) nhưng giờ đây nó đã được mở rộng để bao gồm các khoản đầu tư nhằm đáp ứng nhu cầu của hiện tại mà không ảnh hưởng đến khả năng trong việc đáp ứng nhu cầu của các thế hệ tương lai.
Một số nhà đầu tư sẽ tìm cách tránh sử dụng các sản phẩm cụ thể, trong khi số khác sẽ đánh giá các công ty theo chuẩn mực nhất định. Một số được thúc đẩy để kết hợp các tiêu chí ESG bằng cách loại bỏ rủi ro, trong khi số khác tìm kiếm các khoản đầu tư hướng đến việc hoàn thiện thị trường bằng cách tận dụng nhu cầu đối với các sản phẩm và giải pháp bền vững. Một số nhà đầu tư theo đuổi mô hình đầu tư có tác động môi trường (impact investment/social impact); số khác tìm kiếm sự ổn định dài hạn về lợi nhuận. Tuy nhiên, điểm chung nhất của tất cả các vấn đề này là việc xem xét các mối quan tâm về môi trường, xã hội và quản trị trong quá trình đầu tư.
Với sự gia tăng số lượng quỹ đầu tư cho các dự án bền vững, báo cáo UBS Global Wealth Management đã cho thấy sự tham gia của các nhà đầu tư siêu giàu với ít nhất 1% tài sản lưu động được phân bổ cho các khoản đầu tư liên quan đến các yếu tố môi trường, xã hội và quản trị. Chỉ tính riêng BNP Paribas Wealth Management đã đầu tư 12 tỷ euro trong năm 2017 cho các dự án có trách nhiệm với môi trường, tăng 50% mỗi năm kể từ năm 2011. Hơn 60% các cá nhân siêu giàu coi việc gắn trách nhiệm môi trường với các khoản đầu tư của mình là một điều cực kỳ hoặc rất quan trọng, trong đó, lớp siêu giàu châu Á đánh giá điều này cao hơn bất kỳ khu vực nào trên thế giới.
Tại Canada, 89.8% tổng số nhà đầu tư được khảo sát thể hiện mức độ quan tâm trong đầu tư bền vững, đặc biệt là những nhà đầu tư trẻ thuộc phái nữ. Trong khi đó, 60% người siêu giàu Trung Quốc đầu tư ít nhất 1% tài sản của mình cho các quỹ đầu tư bền vững, tiếp theo là các cá nhân siêu giàu Brazil (53%), Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (53%), Anh (20%) và Hoa Kỳ (12%) so với mức trung bình 39% của lớp siêu giàu trên toàn thế giới.
Mặc dù tỷ lệ người siêu giàu Mỹ đầu tư vào các dự án bền vững – bao gồm các dự án năng lượng tái tạo và các công ty cam kết trả lương công bằng cho người lao động – chỉ ở mức 12%, tuy nhiên, con số các dự án đầu tư bền vững ước tính sẽ tăng lên 58% trong vòng 5 năm tới với 72% các nhà đầu tư trẻ tuổi thuộc thế hệ Millennials đầu tư vào các dự án bền vững so với mức chỉ 6% của các nhà đầu tư trên 65 tuổi. Mặc dù đầu tư bền vững hiện tại có thể không phải là danh mục lớn nhất đối với các nhà đầu tư giàu có Hoa Kỳ, nhưng phần lớn các nhà quản lý tài sản Hoa Kỳ được GlobalData khảo sát tin rằng các khoản đầu tư có trách nhiệm xã hội đóng vai trò quan trọng hơn đối với thế hệ tiếp theo.
Theo khảo sát The Generations Project do OppenheimerFunds thực hiện với công ty nghiên cứu CoreData, Sở thích đầu tư cũng thay đổi theo từng thế hệ các nhà đầu tư. Chẳng hạn, thế hệ Millennials (tuổi từ 22-30) quan tâm hơn cả đến các dự án có sự kết hợp giữa lợi nhuận và lợi ích lâu dài cho cộng đồng hoặc môi trường. Trong khi đó, các nhà đầu tư thế hệ Millennials trong độ tuổi 30-36 và thế hệ Baby Boomers ủng hộ các dự án công nghệ sạch, còn thế hệ Silents – thế hệ lớn tuổi nhất, tập trung vào các vấn đề như bảo toàn nguồn nước.
Là thế hệ được kết nối và có cơ hội tiếp cận nhiều thông tin hơn so với các thế hệ trước, các cá nhân giàu có thuộc thế hệ Millennials không hề ngây thơ hay viển vông. Việc chuyển giao tài sản giữa thế hệ Millennials và cha mẹ họ (trong khoảng 2 đến 3 thập kỷ) chắc chắn sẽ khiến nhu cầu đầu tư bền vững bùng nổ. Các chuyên gia dự báo rằng từ 30 đến 59 nghìn tỷ USD sẽ được nắm giữ bởi các cá nhân siêu giàu thuộc thế hệ Millennials. Theo Millennials Survey 2014 của Deloitte, gần 30% Millennials tin rằng ưu tiên số một của doanh nghiệp phải là sứ mệnh cải tiến và hoàn thiện xã hội. Họ tin rằng doanh nghiệp có thể làm nhiều hơn để giải quyết các vấn đề thách thức của xã hội về sự khan hiếm tài nguyên (56%), biến đổi khí hậu (55%) và bất bình đẳng thu nhập (49%).
Bình luận