“NÓNG” CHUỖI CUNG ỨNG LẠNH

“NÓNG” CHUỖI CUNG ỨNG LẠNH


Với quy mô dự báo có thể lên tới 1,8 tỷ đô la Mỹ trong năm nay, thị trường chuỗi cung ứng lạnh đang được đánh giá là “mỏ vàng” thu hút doanh nghiệp tham gia đầu tư, khai thác.

Từ năm 2019 trở về trước, chuỗi cung ứng lạnh là khái niệm ít được nhắc đến tại thị trường Việt Nam khi chủ yếu chỉ phục vụ ngành thủy hải sản. Tuy nhiên, Covid-19 xuất hiện đã thay đổi toàn bộ cục diện. Theo đó, tình hình dịch bệnh bất ổn thúc đẩy xu hướng đi chợ online để tránh tiếp xúc đang diễn ra nhanh chóng và mạnh mẽ. Bên cạnh đó việc Chính phủ thúc đẩy phê duyệt cho hàng loạt doanh nghiệp tham gia nhập khẩu vaccine để nhanh chóng đẩy nhanh tiến độ tiêm cho toàn dân được cho là nguyên nhân dẫn đến nhu cầu kho trữ lạnh tăng đột biến.

Dù vậy, theo một thống kê gần đây của của các cơ quan chức năng, cả nước mới có 48 kho lạnh làm dịch vụ bảo quản nông thủy sản với công suất khoảng 700.000 palet và hàng nghìn kho lạnh với tổng công suất bảo quản ước đạt 2 triệu tấn sản phẩm phục vụ cho một số thị trường nhất định (chủ yếu là xuất khẩu). Với số lượng kho lạnh hiện nay, chưa đáp ứng được nhu cầu bảo quản hàng thực phẩm, nông thủy sản.

Ông Nguyễn Đình Tùng, Chủ tịch HĐQT của Vina T&T thừa nhận, nếu trong tình hình hàng hóa cung ứng bình thường thì hệ thống kho lạnh tích hợp sẵn của các doanh nghiệp đều tự cung ứng được. Song ở giai đoạn dịch bệnh như hiện nay, chuỗi cung ứng có thể đứt gãy bất cứ lúc nào nên những doanh nghiệp không đủ cơ sở kho lạnh sẽ bị ùn ứ, buộc phải thuê ngoài.

Bà Trang Bùi – Giám đốc Cấp cao Thị trường Việt Nam của JLL nêu ví dụ như lĩnh vực xuất khẩu thủy sản, ngành cần sử dụng nhiều diện tích kho lạnh nhất trong thời kỳ cao điểm của đại dịch, có tới 30% đến 50% đơn đặt hàng xuất khẩu thủy sản đã bị hủy, dẫn đến hàng tồn kho leo thang và các kho lạnh phải hoạt động công suất tối đa.

Theo các chuyên gia, nguồn cung bị hạn chế một phần là do các cơ sở kho lạnh cần nhiều thời gian xây dựng hơn các loại bất động sản hậu cần khác. Việc xây dựng các kho bảo quản lạnh sẽ phức tạp và tốn kém hơn so với các kho tiêu chuẩn.

Đây cũng là điều dễ hiểu khi nhiều ngành công nghiệp gần như đóng băng trong đại dịch thì thời gian qua các nhà đầu tư vẫn không ngần ngại rót tiền vào phát triển và nâng cấp dịch vụ cho chuỗi cung ứng lạnh.

Cụ thể tháng 9/2020, Quỹ Khởi nghiệp Xanh Việt Nam (VGSF), sau khi nhận được nguồn vốn tài trợ từ Ủy ban FinExpro (Vương quốc Bỉ), đã khởi công xây dựng 5 kho lạnh thông minh tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nhằm khởi động dự án kết nối nguồn lực hỗ trợ nông dân khởi nghiệp. Kho lạnh đầu tiên được dự án này đầu tư có tổng vốn gần 24,5 tỷ đồng, xây dựng trên diện tích 10.000 m2 (huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh). Khi hoàn thành, kho lạnh được vận hành như một trung tâm bảo quản, trữ lạnh nông sản phục vụ các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã nông nghiệp trước khi kết nối với các nhà xuất khẩu để xuất sang thị trường EU và Trung Đông.

Cũng trong năm 2020, Tập đoàn ABA Cooltrans đã đưa vào hoạt động trung tâm phân phối lạnh (DC) miền Đông 1 ở Khu chế xuất Linh Trung II, Bình Chiểu, Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh với giá trị đầu tư 250 tỷ đồng. Đây là trung tâm phân phối lạnh thứ 3 của ABA, tiếp sau 2 DC ở TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội, nâng tổng diện tích các trung tâm phân phối lạnh hiện tại lên thêm khoảng 5.000 m2, đạt sức chứa ước tính 8.000 tấn. Ông Lương Quang Thi – Tổng Giám đốc của ABA cho biết, với DC miền Đông 1, ABA sẽ có thể chủ động đảm bảo kế hoạch kinh doanh liên tục (BCP) của khách hàng không bị gián đoạn trong thời gian khó khăn do dịch bệnh.

Ngoài các doanh nghiệp này, Tập đoàn Thaco gần đây cũng đầu tư hệ thống kho lạnh lớn tại Khu kinh tế Chu Lai với sức chứa 2.400 tấn để dự trữ, bảo quản trái cây xuất khẩu. Trong năm 2021 đơn vị này tiếp tục mở rộng và hoàn thiện hệ thống kho lạnh và trung tâm giao nhận – vận chuyển để nâng sản lượng trái cây xuất khẩu qua cảng biển Chu Lai đạt mức 120.000 tấn/năm.

Trong khi đó, Tập đoàn Thủy sản Minh Phú đã phối hợp với Hãng vận chuyển quốc tế Gemadept thành lập liên minh Mekong Logistics với mục đích đầu tư phát triển chuỗi cung ứng lạnh và xây dựng kho lạnh có sức chứa 50.000 pallets. Tập đoàn Sao Ta vừa qua cũng góp vốn thành lập Công ty CP Thực phẩm Khang An. Ngay khi đi vào hoạt động Sao Ta đã nhận được giấy phép đầu tư hệ thống kho lạnh 9.000 tấn tại các khu công nghiệp thuộc tỉnh Sóc Trăng…

Đối với hệ thống chuỗi kho lạnh phục vụ cho nhu cầu trữ vaccine, theo bà Trần Thị Trung Trinh, Giám đốc Kiểm soát chất lượng Công ty CP Vacxin Việt Nam – VNVC, ngay từ giữa năm 2020, khi dự đoán được tình hình khó khăn về vận chuyển, lưu trữ và bảo quản các loại vắc xin Covid-19, VNVC đã tiến hành nhập khẩu số lượng lớn thiết bị và triển khai xây dựng hệ thống dây chuyền bảo quản lạnh âm sâu.

VNVC hiện đang sở hữu hệ thống 49 kho vắc -xin lẻ và 2 kho tổng chuyên dụng bảo quản vắc – xin ở nhiệt độ 2 – 80C, các kho tiền lạnh và 3 kho lạnh bảo quản âm sâu, với tổng diện tích hơn 1.000m2, dung tích hơn 4.000m3, có sức chứa lên tới 170 triệu liều vaccine tại một thời điểm.

Toàn bộ hệ thống kho lạnh của VNVC được trang bị hệ thống giám sát nhiệt độ tại chỗ và trực tuyến, điều khiển từ xa, phát cảnh báo qua GSM. Ngoài ra, quy trình bảo quản, vận chuyển vaccine tại VNVC tuân thủ theo đúng GSP (thực hành tốt bảo quản thuốc), GDP (thực hành tốt phân phối thuốc) theo quy định của Bộ Y tế.

Với đà hiện tại, Ken Research (Mỹ) dự báo rằng quy mô thị trường chuỗi cung lạnh Việt Nam ước tính có thể đạt 1,8 tỷ đô la Mỹ trong năm 2021. Đặc biệt, dư địa thị trường còn có thể lớn hơn nữa vì tăng trưởng của chuỗi cung ứng lạnh thường ăn theo sự tăng trưởng của các chuỗi bán lẻ, sản xuất thực phẩm và đồ uống. Bởi theo dự báo của McKinsey trong 5 năm tới, khi thị trường bán lẻ tiếp tục tăng trưởng trung bình 7,3%/năm, như vậy các hãng đều cần đến dịch vụ kho lạnh, vận chuyển lạnh để giữ thực phẩm tươi ngon, chất lượng.

Một điểm đáng chú ý khác là các hệ thống cung ứng lạnh được doanh nghiệp đầu tư đều đáp ứng theo chuẩn an toàn quốc tế. Ông Nguyễn Đình Tùng cho biết, tại mỗi nhà máy của Vina T&T đều xây dựng hệ thống kho lạnh riêng với vốn lên tới hàng chục tỷ đồng và toàn bộ vật liệu xây dựng được chọn lựa theo tiêu chí an toàn của thế giới.

Trong khi đó, ABA Cooltrans cũng khẳng định các vật liệu để xây dựng kho lạnh được chọn lựa theo tiêu chí nhẹ, thân thiện môi trường và hàng quý doanh nghiệp này đều có báo cáo tác động môi trường của từng trung tâm phân phối lạnh.


Bình luận


Bài viết liên quan