PHÁT TRIỂN CHUỖI CUNG ỨNG BỀN VỮNG TẦM NHÌN CHIẾN LƯỢC TỪ CÁC DOANH NGHIỆP ĐẦU NGÀNH

PHÁT TRIỂN CHUỖI CUNG ỨNG BỀN VỮNG TẦM NHÌN CHIẾN LƯỢC TỪ CÁC DOANH NGHIỆP ĐẦU NGÀNH

Xu hướng phát triển bền vững xuất hiện khi các doanh nghiệp đối mặt với áp lực ngày càng tăng từ phía khách hàng buộc họ phải minh bạch và bền vững hơn về nguồn cung của mình. Với khoảng 80% những tác động về mặt môi trường của một doanh nghiệp nằm ở chuỗi cung ứng của doanh nghiệp đó, những chỉ số “xanh” của các nhà cung cấp và đối tác chiến lược là những yếu tố rất quan trọng ảnh hưởng đến danh tiếng và hoạt động của một doanh nghiệp.

Ngoài ra, ở các thị trường phát triển, các nhà điều hành chính sách và các nhà đầu tư đang đặt nhiều áp lực lên các doanh nghiệp buộc họ công khai các thông lệ mang tính bền vững của doanh nghiệp. Điều này lý giải vì sao phần lớn doanh nghiệp muốn đạt được một tiêu chuẩn bền vững được ghi nhận trong ngành hoặc trên thị trường.

Tại sự kiện về Phát triển chuỗi cung ứng bền vững được doanh nghiệp NS BlueScope Việt Nam vừa tổ chức mới đây, đại diện các doanh nghiệp trong từng lĩnh vực khác nhau như INSEE, DECATHLON, AkzoNobel… đều bày tỏ mong muốn giảm thiểu rủi ro trong chuỗi cung ứng để cùng phát triển bền vững.

Giám đốc Ecocycle và Phát triển Bền vững của INSEE Việt Nam, ông Bruno Fux chia sẻ: “INSEE Việt Nam luôn cố gắng kết hợp với các nhà máy tái chế và quản lý rác thải, đưa nền kinh tế tuần hoàn vào thực tiễn bằng cách thu thập rác thải từ các nhà máy sản xuất và sau đó tạo ra nguồn nhiên liệu thay thế. Tiếp đến, những nguồn nhiên liệu đó lại giúp vận hành trong quá trình sản xuất xi măng. Và việc tái chế rác thải chính là những nỗ lực của INSEE để xử lý vấn đề về rác cũng như các kết quả tác động đến môi trường làm giảm lượng rác thải ra đại dương. Bên cạnh đó, INSEE Việt Nam thu thập lại các dữ liệu để đưa cho công chúng biết về lượng khí thải CO2, tới các nhà thầu để họ cùng kết hợp báo cáo phát triển bền vững mỗi 2 năm, tuân theo các hiệp định quốc tế và thiết kế công nghiệp bắt đầu bằng các thiết kế xi măng bền vững”.

Chia sẻ cùng ý kiến này, bà Trịnh Anh – S.D Manager của DECATHLON Việt Nam cho biết, DECATHLON chú trọng vào rất nhiều yếu tố để phát triển chuỗi cung ứng bền vững ở từng quốc gia như: Trách nhiệm xã hội, Bảo vệ môi trường và quản lý hóa chất để phát triển sản xuất mà không làm tổn hại đến môi trường và hạn chế tối đa phát thải CO2, Thiết kế sản phẩm thân thiện với môi trường, hướng tới sản phẩm có vòng đời dài, có thể tái sử dụng để tạo sự tuần hoàn cho nền kinh tế…

Ông Melvin Spalburg, Giám đốc sản xuất AkzoNobel chia sẻ: “Yếu tố bền vững và thiết kế các quá trình sản xuất bền vững là bắt buộc trong quá trình vận hành một công ty lâu đời như AkzoNobel. Cách chúng tôi làm việc với các nhà cung ứng, các khách hàng là bất cứ khi nào có yêu cầu các quy trình cung ứng mới ở các quốc gia như Việt Nam, thì nhanh chóng thiết lập nhà máy, phân xưởng, nhà kho mới đều được làm dựa theo phương pháp bền vững”.

Ông Võ Minh Nhựt, CEO của NS BlueScope Việt Nam chia sẻ, “Các doanh nghiệp thực hiện chính sách bền vững sẽ tạo ra những ưu thế cạnh tranh cho doanh nghiệp. Nó có thể giúp DN giảm chi phí thông qua hoạt động về tiết kiệm năng lượng. Tăng năng suất lao động thông qua việc kết nối với người lao động, giúp DN đáp ứng những yêu cầu ngày càng khắt khe hơn của khách hàng của mình”.

Đặc biệt, để phát triển chuỗi cung ứng bền vững, cần phải có sự chung tay phối hợp của các nhà cung cấp, đối tác. Theo đó, nhà cung cấp phải tuân thủ các nguyên tắc như tôn trọng quyền con người, giảm thiểu tác động đến cộng đồng, cam kết với BlueScope trong tất cả các nguyên tắc, minh bạch đón nhận những đánh giá của bên thứ 3…


Bình luận