THỊ TRƯỜNG MÙA DỊCH: TRONG “NGUY” VẪN CÓ “CƠ” VÀ PHÉP THỬ ĐỐI VỚI NỀN KINH TẾ VIỆT NAM

THỊ TRƯỜNG MÙA DỊCH: TRONG “NGUY” VẪN CÓ “CƠ” VÀ PHÉP THỬ ĐỐI VỚI NỀN KINH TẾ VIỆT NAM

Kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát tới nay, nhiều hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ của DN Việt đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Thống kê từ Cơ quan quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy, khó khăn từ dịch bệnh đã khiến hơn 28.000 DN rút khỏi thị trường trong 2 tháng đầu năm nay.

Trong đó, chỉ tính riêng lĩnh vực môi giới bất động sản, theo thống kê của Hội môi giới bất động sản Việt Nam, đã có hơn 300 sàn giao dịch (chiếm 1/3 số sàn giao dịch có trên thị trường) phải đóng cửa.

Ở lĩnh vực dịch vụ, du lịch cũng ghi nhận hàng loạt khách sạn, nhà nghỉ quy mô nhỏ trên cả nước tạm ngưng hoạt động do vắng khách. Đơn cử tại Hà Nội, kể từ khi phát hiện bệnh nhân đầu tiên dương tính với Covid-19 vào ngày 6/3 cho đến nay, 8 khách sạn lớn đã phải đóng cửa “chống dịch”, nhân viên nghỉ ở nhà cách ly 14 ngày như khách sạn Sofitel Legend Metropole Hà Nội, Daewoo… Nhiều công ty du lịch phải cho nhân viên ở nhà nghỉ không lương. Chỉ riêng Sở du lịch Kiên Giang đã ước tính trong quý 1/2020, ngành du lịch tỉnh này thiệt hại trên 2.300 tỷ đồng.

Ở khía cạnh khác về giáo dục, nhiều cơ sở trường mầm non tư nhân điêu đứng bên bờ vực phá sản vì không có nguồn thu do học sinh nghỉ học. Anh P.V.D chủ một trường mầm non tư nhân tại quận Gò Vấp cho biết: Mỗi tháng chi phí cố định từ 250 – 300 triệu đồng/tháng (chưa kể trả nợ ngân hàng vay đầu tư trường). Nếu tình trạng này kéo dài vài tháng nữa là sẽ phá sản vì không thể trả nợ ngân hàng.

Đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất dệt may, da giày – ngành chiếm tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu lớn – cũng đang đối mặt với khó khăn. Mặc dù chưa ngừng sản xuất nhưng nhiều doanh nghiệp đang phải cắt chuyền, cho công nhân nghỉ luân phiên vì không thể tìm được nguyên liệu thay thế ngoài Trung Quốc. Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội dệt may thêu đan TP. Hồ Chí Minh chia sẻ, các thông tin báo cáo từ doanh nghiệp về hội cho biết, rất nhiều doanh nghiệp nhỏ chỉ có nguyên liệu đến hết tháng 2, một số còn đến tháng 3 và rất ít có đến đầu tháng 5/2020. Ngay cả doanh nghiệp tương đối lớn như May 28 cũng đang trong tình trạng thiếu nguyên liệu trầm trọng, chưa tìm được nguồn cung thay thế và khả năng thiếu hụt nguồn nguyên liệu trong quý II/2020 là điều khó tránh khỏi.

Theo đó, nhiều chuyên gia kinh tế cũng nhận định rằng, dịch Covid-19 như là một “phép thử” đối với nền kinh tế, DN, nhất là đối với những ngành, DN đang bị phụ thuộc vào một thị trường, một nguồn nguyên liệu sản xuất. Càng khó khăn thì các ngành hàng, DN càng cần thay đổi chiến lược để tự cứu mình, đẩy mạnh tái cấu trúc, triển khai thực chất hơn chủ trương đa phương hóa, đa dạng hóa, cơ cấu lại thị trường, đối tác… Qua đó mới hạn chế rủi ro, giảm bớt sự phụ thuộc vào chỉ một hoặc một vài thị trường trọng điểm. Tất nhiên, để đa dạng hóa thị trường xuất, nhập khẩu đối với nhiều DN, nhất là các DN nhỏ và vừa không hề dễ nhưng chúng ta buộc phải làm nếu không muốn bị nhấn chìm trong bối cảnh thế giới luôn tiềm ẩn nhiều bất ổn như hiện nay.

Trong khi các ngành dịch vụ, sản xuất công nghiệp đang phải đối mặt với khó khăn thì vẫn có không ít lĩnh vực phát triển mạnh mẽ giữa mùa đại dịch bởi thói quen tiêu dùng của người Việt thay đổi.

Ghi nhận thực tế từ các nhà bán lẻ, nhà sản xuất các sản phẩm trên cho thấy, bất chấp dịch Covid-19 đang tác động tiêu cực đến nhiều ngành sản xuất khác thì các DN này vẫn đạt doanh số tích cực. Cụ thể nhà bán lẻ Saigon Co.op – đơn vị sở hữu nhiều hệ thống bán lẻ từ cửa hàng tiện lợi, siêu thị, đại siêu thị cho tới trung tâm thương mại đã cho biết: Kể từ sau tết tới nay, Saigon Co.op ghi nhận người dân thường xuyên chi tiền để mua thực phẩm tươi sống, thực phẩm khô (mì ăn liền, nui, bún khô, đường), nước rửa tay… Thậm chí Saigon Co.op đang phải làm việc với nhà cung cấp để cam kết dự trữ nguồn hàng tương đương với dịp tết Nguyên đán vừa qua nhằm đảm bảo không thiếu hàng trong mọi tình huống.

Tương tự, nhà bán lẻ Emart chia sẻ, doanh số bán thực phẩm khô tại Emart đã tăng trưởng 150% trong suốt tháng 2/2020, còn giấy vệ sinh tăng tới 200%. Hiện trong kho dự trữ của Emart, các ngành hàng thiết yếu luôn được duy trì ở mức cao nhất để đảm bảo đủ cung ứng cho người tiêu dùng.

Với nhà sản xuất thực phẩm, ông Lưu Huỳnh, Trưởng Phòng Marketing Công ty TNHH MeiZan CLV khẳng định: MeiZan đã phải tăng gấp 3 – 4 lần công suất nhà máy để kịp các đơn hàng bán ra thị trường.

Còn ở VISSAN, ông Phan Văn Dũng, Phó Tổng giám đốc VISSAN khẳng định, cùng với tăng công suất, những ngày qua xưởng sản xuất thực phẩm chế biến của VISSAN phải huy động thêm khoảng 100 lao động thời vụ nhằm đảm bảo kịp cung ứng hàng hóa cho thị trường cũng như các điểm bán mà VISSAN phát triển.

Đại diện của thương hiệu gạo A An (thuộc tập đoàn Tân Long) cho biết: chỉ riêng 2 ngày cuối tuần 7 và 8/3 vừa qua, số gạo bán ra trong hệ thống cửa hàng trên toàn quốc và kênh online của công ty này đã vượt doanh số đợt cao điểm tết Nguyên đán. Đơn hàng gia tăng đột biến, rất nhiều khách đặt cả trăm ký gạo/ lần nên nhân viên chạy hết công suất để kịp giao hàng, còn 40 cửa hàng trong hệ thống mở của từ 7h sáng đến 23h đêm mỗi ngày.

Trong khi đó với chuỗi cửa hàng dược, theo đại diện của Pharmacity, kể từ khi Việt Nam xác định trường hợp đầu tiên bị nhiễm Covid-19 tới nay, mặt hàng khẩu trang y tế và các sản phẩm nước rửa tay, nước sát khuẩn luôn trong tình trạng cháy hàng. Ghi nhận từ hệ thống nhà thuốc Pharmacity đến cuối tháng 2/2020 cho thấy, các cửa hàng này đã cung ứng cho thị trường gần 10,5 triệu khẩu trang, khoảng 150.000 chai nước rửa tay và hơn 320.000 sản phẩm vitamin C các loại.

Chính sự tăng trưởng này đã giúp Pharmacity gọi vốn thành công 730 tỷ đồng (tương đương 31,8 triệu USD) – khoản đầu tiên của vòng Series C. Từ khoản vốn được đầu tư, dự kiến trong năm 2020, chuỗi bán lẻ dược phẩm này đặt mục tiêu mở mới 350 cửa hàng và đạt con số 1.000 cửa hàng trên toàn quốc vào năm 2021.

Từ bức tranh toàn cảnh trên, Covid-19 dường như là phép thử, buộc tự bản thân mỗi doanh nghiệp cần đề ra những chiến lược mới để vượt qua bối cảnh kinh doanh bất ổn, sớm phục hồi và phát triển bền vững khi kết thúc dịch.


Bình luận


Bài viết liên quan