VIỆT NAM – ĐIỂM ĐẾN TIẾP THEO CỦA NGÀNH CÔNG NGHIỆP XA XỈ

VIỆT NAM – ĐIỂM ĐẾN TIẾP THEO CỦA NGÀNH CÔNG NGHIỆP XA XỈ

Số lượng người giàu và siêu giàu của Việt Nam đã tăng lên nhanh chóng trong những năm gần đây, bất chấp những ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và biến động chính trị toàn cầu, khiến kinh tế thế giới và Việt Nam chao đảo. Vì lẽ đó, Việt Nam đang dần trở thành điểm đến hấp dẫn của các thương hiệu hạng sang.

“Với việc mở cửa Gran Melia Nha Trang lần này, chúng tôi đã đưa thương hiệu Melia tại Việt Nam lên tầm tiêu chuẩn cao hơn”, ông Andre Philippe Gerondeau, Giám đốc Điều hành (COO) của Melia Hotels International, nói.

Gran Melia Nha Trang không phải là khách sạn hạng sang duy nhất đi vào hoạt động tại Việt Nam trong thời gian gần đây. Sau một loạt thương hiệu đình đám, như InterContinental Danang Sun Peninsula Resort, hay Six Senses, rồi Amanoi…, đầu năm ngoái, bất chấp việc du lịch vẫn bị ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch, Tập đoàn IHG đã đưa thương hiệu khách sạn 6 sao Regent tới Phú Quốc. Đây cũng là resort mang thương hiệu Regent Hotels & Resort đầu tiên ở Việt Nam, với chất lượng dịch vụ được đánh giá là vượt xa những tiêu chuẩn nghỉ dưỡng sang trọng.

Năm ngoái, chính IHG cũng đã hợp tác với Sun Group để đưa thương hiệu sang trọng mới nhất của IHG là Vignette Collection đến Việt Nam. Thương hiệu mới này sẽ bắt đầu với hai dự án biệt thự nghỉ dưỡng Sun Onsen Village mà Sun Group đã đầu tư tại Quảng Ninh.

“Tôi chắc chắn rằng, khái niệm và trải nghiệm nghỉ dưỡng chăm sóc sức khỏe onsen của Vignette Collection sẽ thiết lập chuẩn mực mới cho ngành dịch vụ khách sạn trong nước”, bà Serena Lim, Phó chủ tịch phụ trách Phát triển khu vực Đông Nam Á và Hàn Quốc của IHG nói.

Ngoài những thương hiệu đình đám này, thông tin được bà Hoàng Diệu Trang, Quản lý cấp cao, Bộ phận Cho thuê Thương mại, Savills Hà Nội chia sẻ, thị trường Hà Nội sắp chào đón các khách sạn hạng sang, như Four Seasons, Fairmont, Waldorf Astoria…

“Tất cả sẽ tạo thêm các tổ hợp mua sắm hạng sang mới tại thị trường Thủ đô, thu hút các thương hiệu xa xỉ gia nhập thị trường đầy tiềm năng này”, bà Hoàng Diệu Trang nói.

Cùng với các thương hiệu khách sạn hạng sang, thì hàng loạt thương hiệu bán lẻ trang sức, đồng hồ, thời trang… sang chảnh và xa xỉ cũng đã đổ bộ vào Việt Nam, từ Dior, Louis Vuitton, tới Tiffany & Co, rồi Christian Louboutin, Tory Burch, Omega… Và không hề vắng khách, các cửa hàng này luôn đón được một lượng khách hàng không nhỏ trong thời gian qua, bất chấp những khó khăn của nền kinh tế.

Thật khó để so sánh với các thị trường hàng đầu thế giới về đồ xa xỉ, như Pháp, châu Âu, Hồng Kông, Trung Quốc…, nhưng Việt Nam đang nổi lên là điểm đến hấp dẫn của ngành công nghiệp xa xỉ. Theo dữ liệu từ Statista, ngành công nghiệp xa xỉ của Việt Nam sẽ đạt doanh thu khoảng 957,2 triệu USD trong năm 2023 và sẽ có tốc độ tăng trưởng hàng năm dự kiến là 3,23% cho đến năm 2028.

Ông Nick Bradstreet, Giám đốc Bộ phận Bán lẻ khu vực châu Á – Thái Bình Dương, Savills, cho rằng, trong hai thị trường mới nổi là Việt Nam và Thái Lan, Việt Nam là thị trường được các nhãn hàng tập trung phát triển mạnh nhờ những chuyển biến tích cực về kinh tế, sự gia tăng số lượng cá nhân có thu nhập cao, cũng như thái độ và thói quen mua sắm của tầng lớp trung cấp trẻ đối với mặt hàng xa xỉ.

Báo cáo Thịnh vượng mới nhất của Knight Frank cho biết, số lượng người siêu giàu tại Việt Nam đã tăng gần gấp đôi trong khoảng thời gian từ năm 2017 đến năm 2022. Theo Knight Frank, cuối năm ngoái, số cá nhân có tài sản ròng trên 30 triệu USD (hơn 700 tỷ đồng) đã lên đến 1.059 người. Dự báo đến năm 2027, con số này sẽ gần chạm mốc 1.300, tương đương mức tăng 122% trong vòng 10 năm. Không chỉ vậy, dân số giàu, tức là những cá nhân có tài sản từ 1 triệu USD trở lên, của Việt Nam cũng tăng 70% trong 5 năm qua, dự kiến sẽ tăng vọt 173% chỉ trong 10 năm từ 2017 đến 2027. Đây chính là những yếu tố khiến Việt Nam thời gian gần đây nhận được rất nhiều sự quan tâm của các thương hiệu xa xỉ.

Ở Việt Nam, doanh nhân Jonathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch Công ty Liên Thái Bình Dương (IPPG), chính là “ông vua” hàng hiệu. Hiện nay, IPPG đang phân phối độc quyền hơn 100 thương hiệu thời trang tại Việt Nam, như Christian Louboutin, Burbery, Dolce&Gabbana, Rolex, Cartier, Salvatore Ferragamo, Versace… Năm ngoái, dù kinh tế khó khăn, doanh thu của IPPG Fashion, đơn vị phụ trách mảng kinh doanh hàng hiệu của IPPG, vẫn tăng tới 64%, lên mức 5.132 tỷ đồng. Nhờ đó, lãi trước thuế của IPPG Fashion đạt 423 tỷ đồng, tương đương bình quân hơn 1,1 tỷ đồng mỗi ngày. Đây là mức lợi nhuận cao nhất từ trước đến nay từ mảng kinh doanh hàng hiệu.

Kết quả kinh doanh của IPPG đã phần nào cho thấy, ngành công nghiệp xa xỉ đang như một “con gà đẻ trứng vàng” cho các ông chủ biết nhanh nhạy nắm bắt thời cuộc. Ông Jonathan Hạnh Nguyễn chắc chắn không phải là người duy nhất. KDI Holdings của “đại gia” Kiều Hữu Dũng là một ví dụ.

Không chỉ là Nha Trang, cũng không chỉ là các thương hiệu trong ngành du lịch, ngày càng nhiều hơn các thương hiệu xa xỉ tìm đến Việt Nam, một thị trường đầy tiềm năng. Có thể quy mô còn chưa lớn, nhưng Việt Nam sẽ là điểm đến tiếp theo của công nghiệp xa xỉ thế giới.


Bình luận


Bài viết liên quan