VƯỢT THỦY SẢN CHẾ BIẾN GỖ ĐANG LÀ NGÀNH “HÚT” ĐẦU TƯ

VƯỢT THỦY SẢN CHẾ BIẾN GỖ ĐANG LÀ NGÀNH “HÚT” ĐẦU TƯ

Xuất khẩu liên tục tăng trưởng, thị trường rộng mở bởi hưởng lợi từ nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đã ký kết, tạo ra sức hút lớn cho lĩnh vực chế biến gỗ của Việt Nam với các doanh nghiệp trong, ngoài nước.

GẦN 70 DOANH NGHIỆP FDI ĐẦU TƯ VÀO GỖ MỖI NĂM

Nhận định về những cơ hội thúc đẩy sự tăng trưởng của ngành chế biến gỗ trong thời gian qua nhiều ý kiến cho rằng chính các hiệp định thương mại thế hệ mới mà Việt Nam ký kết đang giúp ngành có sự tăng trưởng đáng kể trong xuất khẩu.

Cụ thể ngoài thị trường Hoa Kỳ, đồ gỗ nội thất của Việt Nam đã xuất khẩu sang nhiều quốc gia khác như Canada, Hàn Quốc, Nhật Bản… tăng mạnh. Kết quả ngay các tháng đầu năm nay xuất khẩu gỗ đạt tăng trưởng bình quân khoảng 15%. Ông Nguyễn Tôn Quyền, Phó Chủ tịch Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam (VIFORES) cho biết, 3 tháng đầu năm 2019 xuất khẩu gỗ đạt bình quân 750 triệu USD/tháng, tăng bình quân 100 triệu USD/tháng so với các năm trước.

Đáng chú ý năm 2018, giá trị xuất khẩu sản phẩm gỗ và lâm sản đã đạt 9,38 tỷ USD – đưa gỗ chính thức vượt qua thủy sản trở thành mặt hàng xuất khẩu có giá trị lớn nhất trong ngành nông nghiệp. Đáng chú ý, giá trị xuất siêu của ngành gỗ cả năm đạt hơn 7 tỷ USD, đứng đầu các ngành kinh tế xuất khẩu của Việt Nam.

“Tôi cho rằng nguyên nhân chính thúc đẩy sự tăng trưởng của ngành gỗ đến từ các hiệp định thương mại như Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc (VKFTA), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)… Qua đó giúp thị trường xuất khẩu của ngành được rộng mở và hưởng lợi thuế xuất, nhập nhiều hơn”.
Ông Quyền phân tích.

Đặc biệt từ 2016 tới nay thu hút FDI vào ngành chế biến gỗ của Việt Nam đã tăng đáng kể. Từ chỗ chỉ có khoảng 600 doanh nghiệp FDI vào năm 2016 thì nay đã tăng lên 800 doanh nghiệp (bình quân mỗi năm có gần 70 doanh nghiệp FDI đầu tư). Ngoài ra, ngành gỗ không chỉ là điểm đến được các doanh nghiệp FDI Đài Loan, Trung Quốc, Hồng Kông chọn lựa mà các quốc gia đến từ châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản cũng đang đổ vốn vào Việt Nam. Đặc biệt các nước khối CPTPP như Canada, Chile… cũng đang có một số doanh nghiệp tìm cơ hội đầu tư vào – cho thấy đây sức hút của ngành với các nhà đầu tư nước ngoài là rất lớn.

CHẾ BIẾN GỖ – NHIỀU DƯ ĐỊA ĐỂ TĂNG TRƯỞNG
NẾU DOANH NGHIỆP BIẾT TẬN DỤNG ĐẦU TƯ VÀO GỖ MỖI NĂM

Nhìn về triển vọng tương lai của chế biến gỗ, ông Quyền cho rằng, hiện ngành đã đạt 70% đơn hàng của năm 2019, thậm chí có những doanh nghiệp tạo được sự tin tưởng từ đối tác với lượng đơn hàng tăng đột biến song không dám nhận vì năng lực chế biến chưa đáp ứng kịp. Vì thế cơ hội cho chế biến gỗ còn rất lớn nếu chúng ta có năng suất, công nghệ đáp ứng được yêu cầu của đối tác nhập khẩu. Do đó mục tiêu xuất khẩu đạt kim ngạch 11 tỷ USD của gỗ trong năm 2019 hoàn toàn trong tầm tay.

Ông Điền Quang Hiệp, Chủ tịch Hội chế biến gỗ Bình Dương, Giám đốc Công ty Mifaco chia sẻ, trong bối cảnh thị trường đang có nhiều triển vọng thì CPTPP giống như một chất xúc tác thêm vào cho ngành này. Vì thế không chỉ năm 2019 mà cả năm tới đơn hàng xuất khẩu gỗ sẽ ngày càng nhiều cho doanh nghiệp Việt Nam. Nguyên nhân do Việt Nam vẫn đang xuất khẩu vào các nước thành viên của CPTPP gồm 11 quốc gia, nên khi giảm thuế về 0% xuất khẩu sẽ tăng mạnh hơn.

Mặc dù cơ hội của ngành gỗ đang rộng mở nhưng các doanh nghiệp cũng thẳng thắn chỉ ra thách thức mà ngành này cần giải quyết như: cần vốn lớn để cải tiến máy móc, năng lực sản xuất để có thể đáp ứng được các đơn hàng lớn. Về phía Chính phủ cần có chính sách ưu đãi cho chế biến gỗ, cụ thể là quy hoạch một khu công nghiệp tập trung cho doanh nghiệp gỗ. Khi ở cùng một khu, sẽ giúp họ tạo sức mạnh cộng hưởng và tăng sự liên kết.

Trước thách thức đó nhiều doanh nghiệp đã tự thay đổi để nâng cao năng lực cạnh tranh. Ông Huỳnh Quang Thanh, Giám đốc Công ty TNHH gỗ Hiệp Long chia sẻ: doanh nghiệp này đặt mục tiêu tăng 15% trong 2019 và đang thay đổi thiết bị sản xuất để hình thành xu hướng tự động hóa đáp ứng nhu cầu thị trường. “Thị trường rộng, tiềm năng còn, nâng cao năng suất là cần thiết”.
Ông Thanh khẳng định.

Đồng quan điểm, bà Đỗ Thị Kim Loan, Tổng Giám đốc Công ty TNHH TM & SX Sao Nam cho biết, với mục tiêu xuất khẩu đạt 20 triệu USD trong năm 2019, công ty đã đầu tư nhiều hệ thống máy móc, thiết bị hiện đại để tăng năng suất lao động, giảm giá thành, đáp ứng yêu cầu đơn hàng của các thị trường.

Trên thực tế không chỉ công ty Sao Nam chú trọng đầu tư vào công nghệ mà đây cũng là hướng đi của nhiều doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu đồ gỗ trên khắp cả nước đang đẩy mạnh triển khai. Đơn cử như để đáp ứng các đơn hàng mang tính công nghiệp cao từ nhà nhập khẩu, Công ty CP Kiến trúc xây dựng AA cũng vừa nhập về một chiếc máy chế biến gỗ có giá lên tới hơn 1 triệu USD.

Theo đánh giá của giới chuyên môn, mặc dù so với các nhà xuất khẩu hàng đầu đến từ Đức, Ý, Ba Lan thì ngành chế biến gỗ của Việt Nam vẫn chưa thể sánh bằng bởi sản phẩm của các nước này đều ở phân khúc cao và dây chuyền sản xuất được tự động hóa gần như 100%. Song với việc nhiều doanh nghiệp đang đồng loạt mở rộng quy mô nhà xưởng, nhập về các máy móc thiết bị rất hiện đại cũng như đầu tư nhiều hơn cho quản lý, sản xuất thì tương lai không xa ngành chế biến gỗ của Việt Nam sẽ có nhiều sản phẩm cạnh tranh ở phân khúc cao cấp, sánh tầm với những nước có nền khoa học tiên tiến.


Bình luận


Đăng bình luận

Bài viết liên quan