Xu hướng mới của lớp du khách giàu có

Xu hướng mới của lớp du khách giàu có

có lẽ đối với mỗi tín đồ du ngoạn cao cấp – những người không chỉ thành đạt về tài chính, mà còn am hiểu nhiều lĩnh vực, từ văn hoá

, nghệ thuật cho đến kiến trúc cùng gu thẩm mỹ tinh tế nhưng rất khắt khe trong việc lựa chọn điểm đến – khái niệm về kỳ nghỉ hay chuyến đi thường gắn với một công thức chung.

Đó hẳn nhiên phải là nơi trú chân 5 sao với những tiện ích và dịch vụ concierge đẳng cấp – từ xe limousin đưa đón, quản gia riêng, cho đến thực đơn hoàn hảo tại nhà hàng Michelin danh giá… – giữa những kinh đô thời trang hay bên những bãi biển đẹp như tranh vẽ, đủ để chiều chuộng bản thân sau những lo toan và áp lực của nhịp sống số chốn thị thành.

Tuy nhiên, trong kỷ nguyên của du ngoạn xa xỉ kiểu mới, một kỳ nghỉ sang trọng đích thực không còn bó hẹp trong những khái niệm đó. Giờ đây, theo các chuyên gia của Skift, điều mà lớp du khách triệu đô khao khát kiếm tìm chính là những trải nghiệm độc đáo có được từ những chuyến du ngoạn khám phá thế giới, giúp họ thay đổi bản thân theo chiều hướng tích cực hơn. Chính điều đó đã tạo nên một xu hướng giải trí mới trong cộng đồng du khách giàu có – đi để thay đổi (Transformative Travel).

Theo Maslow, về căn bản, nhu cầu của con người được chia làm hai nhóm chính: nhu cầu cơ bản và nhu cầu bậc cao. Nhu cầu cơ bản liên quan đến các yếu tố thể lý của con người như mong muốn có đủ thức ăn, nước uống, nghỉ ngơi. Các nhu cầu bậc cao bao gồm nhiều yếu tố tinh thần như sự đòi hỏi công bằng, an tâm, an toàn, vui vẻ, địa vị xã hội, sự tôn trọng, tự khẳng định bản thân hay nhu cầu về tự tôn bản ngã…

Từ quan điểm tiếp thị, nền kinh tế toàn cầu đang chuyển dịch từ việc tập trung vào lòng tự trọng – tức là đạt được sự chấp nhận và chấp thuận của người khác – sang việc tự khẳng định bản thân, trong đó người tiêu dùng điều chỉnh các lựa chọn mua sắm của mình theo cách để sản phẩm hoặc dịch vụ giúp họ thể hiện bản ngã và tiềm năng của mình.

Sự tăng trưởng theo cấp số nhân trong thị trường phong cách sống xa xỉ đang tạo nên một mức độ gần như áp đảo về sự lựa chọn và cạnh tranh đối với người tiêu dùng. Ngày nay, lớp du khách triệu đô này đang ngày càng có xu hướng coi du lịch như một hình thức tự khẳng định và thay đổi bản thân. Điều họ mong muốn không chỉ là một chuyến du ngoạn đơn thuần để tham quan một địa danh mới, mà thay vào đó, họ có xu hướng tìm kiếm trải nghiệm và khám phá thế giới theo một cách sâu sắc hơn, ý nghĩa hơn, để đến một lúc nào đó, những điều mà họ thu nạp được sẽ giúp họ thay đổi nhận thức và hoàn thiện bản thân.

Theo báo cáo Personal Fulllment Is the New Ultimate Luxury của Skift, hiện nay, trong lĩnh vực xa xỉ, mặc dù từ “độc quyền” không còn quá hấp dẫn và các mô hình mới được lấy cảm hứng từ các nguyên tắc như tính bền vững đang nổi lên, nhưng lớp người tiêu dùng khó tính nhất vẫn không ngừng muốn trải nghiệm những điều đặc biệt. Mặc dù các trải nghiệm đáng nhớ và tùy biến vẫn đóng vai trò quan trọng đối với lớp du khách này, nhưng giờ đây, sự thay đổi và hoàn thiện bản thân có được từ những trải nghiệm du ngoạn là điều được họ ưu tiên hơn cả.

Theo định nghĩa của Skift, du lịch chuyển đổi là bất kỳ trải nghiệm du ngoạn nào cho phép con người thực hiện những thay đổi lâu dài có ý nghĩa trong cuộc sống của họ, dù lớn hay nhỏ. Xu hướng này bắt đầu trong lĩnh vực du lịch mạo hiểm và từ đó lan tỏa sang phân khúc cao cấp. Skift định nghĩa du lịch chuyển đổi như bất kỳ trải nghiệm du lịch nào giúp con người thay đổi theo một cách sâu sắc hơn, ý nghĩa hơn. Thuật ngữ này được phổ biến bởi Transformational Travel Council, một tổ chức do Jake Haupert và Michael Bennett lập ra vào năm 2016 với mục đích giúp người khác thay đổi cuộc sống của họ thông qua du lịch.

Transformational Travel Council đặt mục tiêu tạo ra một phong trào xoay quanh khái niệm “HERO” – chữ viết tắt của Heart, Engagement, Resolve và Open), nghĩa là, đi du lịch với Trái tim – Heart; tìm kiếm cơ hội tham gia – Engagement; có quyết tâm để vượt qua thử thách – Resolve; sẵn sàng khám phá, trải nghiệm, mở ra những điều mới mẻ bằng tất cả trái tim, lý trí và tâm hồn – Open. Cách tiếp cận du lịch như vậy làm gia tăng đáng kể khả năng có được trải nghiệm thay đổi cuộc sống.

Theo quan điểm của Beth McGroarty, giám đốc nghiên cứu và quan hệ công chúng tại Global Wellness Institute, những trải nghiệm có được từ hành trình du ngoạn sẽ kéo con người ra khỏi những suy nghĩ thông thường, giúp họ thay đổi bản thân là một hình thức “thay đổi trí não và thay đổi cuộc sống”.

Những thay đổi này có thể hiện diện dưới nhiều dạng thức khác nhau. Đó có thể là một chuyến leo núi để khám phá thiên nhiên kỳ vĩ, một chuyến lưu trú theo kiểu homestay để tìm hiểu văn hóa bản địa, một khóa thiền để tái tạo năng lượng, một lớp học với nghệ nhân thủ công địa phương để biết trân trọng hơn giá trị của truyền thống, hay một chiến dịch tình nguyện để giúp đỡ cộng đồng.

Luke Bailes, chủ sở hữu và Giám đốc điều hành của Singita, chuyên cung cấp các dịch vụ du ngoạn safari cao cấp ở châu Phi cho rằng, sự kết nối, cá nhân hóa và xác thực chính là ba yếu tố quan trọng của trải nghiệm du ngoạn biến đổi.

Ý tưởng về du lịch chuyển đổi đang diễn ra trong tất cả các phân khúc của ngành công nghiệp không khói này và ngày càng thu hút sự quan tâm của du khách. Một cuộc khảo sát được Skift thực hiện vào năm 2017 cho thấy xu hướng này đang tăng lên trong cộng đồng du khách. Trong số 1.350 du khách tham gia khảo sát, 54% số người được hỏi đánh giá tầm quan trọng của du lịch chuyển đổi ở mức 7/10 hoặc cao hơn, trong khi 52% cho biết họ ưu tiên loại hình du lịch này.
Một khảo sát tiếp theo với 500 người được thực hiện bởi Skift vào năm 2018 đã cho thấy cái nhìn sâu sắc hơn về sự cân nhắc của du khách đối với những trải nghiệm này, và do đó, đây là cơ hội lớn cho các thương hiệu và nhà cung cấp dịch vụ du lịch. Khảo sát cho thấy 32% du khách thừa nhận rằng trải nghiệm du ngoạn đã biến đổi họ theo hướng tích cực, trong khi 24% du khách chưa từng trải qua những cung bậc cảm xúc đó lại rất khao khát được một lần trải nghiệm.

Có một số yếu tố dẫn đến khoảnh khắc biến đổi đó. Gần 40% số người được hỏi nói rằng những người mà họ gặp gỡ trong chuyến đi đã làm thay đổi họ, trong khi hơn 30% nói rằng những chuyến du ngoạn phiêu lưu ngẫu hứng, ẩm thực, nghệ thuật, văn hóa hoặc giải trí là những yếu tố tác động đến sự thay đổi tư duy của họ. Thật thú vị, ẩm thực, nghệ thuật, văn hóa và giải trí được lớp du khách thuộc thế hệ Millennial đánh giá cao hơn với gần một nửa số người từ 18 đến 34 tuổi cho rằng một trong những yếu tố này làm chuyển đổi cách tư duy của họ.

Leigh Barnes – Giám đốc khu vực Bắc Mỹ của Intrepid Travel cho biết, ngày càng có nhiều người muốn đến Cuba và giao lưu với người dân bản địa để tìm hiểu cuộc sống ở đó hoặc đến Nepal để leo lên đỉnh Everest, tới Rwanda hoặc Uganda để xem khỉ đột hoặc đến Việt Nam để khám phá thế giới ẩm thực đa dạng tại đây.


Bình luận


Đăng bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết liên quan