SAIGON CO.OP VÀ THAM VỌNG LÀM CHỦ CUỘC ĐUA BÁN LẺ

SAIGON CO.OP VÀ THAM VỌNG LÀM CHỦ CUỘC ĐUA BÁN LẺ

Cuộc đua bán lẻ đang ngày càng khốc liệt hơn khi nhiều doanh nghiệp như Parkson đang phải đóng cửa gần hết các trung tâm hiện hữu, Lotte công bố lỗ 800 tỷ đồng… và gần đây là Shop&Go đã tự bán mình với giá… 1USD. Làm gì để tồn tại và không bị loại khỏi cuộc chơi đang là vấn đề mà các nhà bán lẻ quan tâm. Phóng viên đã trao đổi với ông Nguyễn Anh Đức, Phó tổng giám đốc Thường trực Saigon Co.op xung quanh vấn đề này.

Ông đánh giá thế nào về sự cạnh tranh trên thị trường bán lẻ hiện nay khi hàng loạt tên tuổi ngoại liên tục đầu tư vào Việt Nam và cũng có không ít doanh nghiệp làm ăn thua lỗ phải rời cuộc chơi?



Đầu tiên phải nói về tính tích cực của việc mở cửa thị trường bán lẻ. Theo quan sát của chúng tôi, các nhà bán lẻ ngoại tham gia thị trường đều là thương hiệu có bề dày kinh nghiệm và nguồn lực tài chính mạnh. Do đó, khi các bạn hoạt động trong cùng một lĩnh vực đến sẽ tạo sức bật cho thị trường bán lẻ Việt Nam còn các đơn vị trong nước sẽ phải chuyển mình tích cực hơn để phục vụ người tiêu dùng.

Trong cuộc đua cạnh tranh này, tôi cho rằng các doanh nghiệp bán lẻ nội địa phải có ý thức nỗ lực liên kết để tạo thế mạnh tổng hợp, kết hợp nâng cao chất lượng dịch vụ, đảm bảo các vấn đề về chất lượng, giá cả, thực hiện tốt chế độ khuyến mãi, hậu mãi… cho khách hàng. Đồng thời, chúng ta phải tận dụng tốt lợi thế cạnh tranh “sân nhà” để phát triển mạng lưới, xây dựng tính chuyên nghiệp từ khâu phân phối, chuỗi cung ứng, khả năng quản trị, chiến lược phát triển đa dạng hóa nguồn hàng, đa dạng hóa mô hình phục vụ khách hàng.

Để làm được diều này thì vai trò quy hoạch, vai trò định hướng của các ngành chức năng thông qua các chính sách rất quan trọng. Và cái đầu tiên có thể trông chờ trong thời gian ngắn đó là chiến lược phát triển thương mại Bộ Công Thương đang dự thảo, hy vọng sẽ sớm hoàn thiện để giúp doanh nghiệp bứt phá hơn trong tương lai.

Thưa ông, ngoài việc phải cạnh tranh giữa hai khối nội – ngoại thì sự bùng nổ của thương mại điện tử đang đe dọa “soán ngôi” bán lẻ truyền thống, các nhà bán lẻ sẽ phải làm gì để không nằm ngoài cuộc chơi này?



Thương mại điện tử là xu thế mà chắc chắn chúng ta phải hướng đến. Có câu nói là “đầu tư vào thương mại điện tử bây giờ thì sẽ rất lỗ” nhưng nếu mình không đầu tư vào lúc này thì sẽ “lỗ nhiều hơn nữa”. Lỗ ở đây là về mặt khách hàng vì nhà bán lẻ sẽ mất đi cơ hội phục vụ họ.

Trong xu thế này, nhà bán lẻ nào cũng sẽ đi theo hai hướng từ offline đến online hoặc từ online xuống offline. Tuy nhiên cách của mỗi nhà bán lẻ sẽ khác nhau và chúng tôi đang chọn hướng vừa sức của Saigon Co.op nhưng vẫn đáp ứng yêu cầu của người người dùng trong việc trải nghiệm online nhưng vẫn giữ truyền thống offline. Chẳng hạn, chúng tôi đã cho ra mắt 2 ứng dụng công nghệ: Co.opmart trên thiết bị di động và trang mua sắm online cải tiến. Với giao diện thân thiện cùng các thao tác đơn giản, dễ sử dụng, ứng dụng đã nhận được phản hồi tích cực từ khách hàng. Trong định hướng xa hơn, chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư vào thương mại điện tử để mang đến khách hàng những trải nghiệm tốt nhất.

Trong xu hướng làm ăn thua lỗ, nhiều doanh nghiệp bán lẻ đã tìm đến việc mua bán sáp nhập và trên thị trường chỉ còn 2 nhà bán lẻ thuần Việt là Vinmart và Saigon Co.op là đủ sức cạnh tranh. Đâu là “bí quyết” giúp Saigon Co.op tồn tại?



Thực ra đối với các đơn vị bán lẻ có 2 cách để phát triển. Cách thứ nhất được xem là tạo sự phát triển vững bền – Ở đây là sự phát triển hữu cơ – Có nghĩa là doanh nghiệp tự phát triển ra mô hình của chính mình và sở hữu làm chủ mô hình này, rồi sau đó vươn lên theo thời gian. Cách thứ hai là phát triển theo hình thức mua bán sáp nhập và để có thể làm được cách thứ hai này thì trước tiên phải mạnh về cách thứ nhất mới đủ tiềm lực thực hiện.

Với chúng tôi thì đang chọn cách phát triển thứ nhất. Cách làm này phù hợp, vừa sức hơn nhưng trong điều kiện có thể thì chúng tôi sẽ thực hiện hướng mua bán sáp nhập. Và như bạn thấy, từ chỗ chỉ đạt chưa tới 1 tỷ đồng vào thời điểm mới thành lập thì năm 2018 vừa qua doanh thu của chúng tôi đã chạm mốc hơn 30.000 tỷ đồng, tăng gấp 30.000 lần sau 30 năm. Hiện tại, mỗi ngày toàn hệ thống của chúng tôi đang thu hút hơn 1 triệu khách hàng đến tham quan mua sắm.

Trong chiến lược kinh doanh 2019, Saigon Co.op đặt mục tiêu mở rộng các điểm bán lên con số 1.000 trên toàn quốc, tham vọng này có quá sức với một nhà bán lẻ nội không, thưa ông?



Cho tới thời điểm này chúng tôi đang sở hữu gần 700 điểm bán trên khắp cả nước. Kế hoạch năm nay chúng tôi sẽ phát triển từ 700 lên con số 1.000 điểm bán là hoàn toàn khả thi bởi ngoài các mô hình hiện hữu (siêu thị Co.opmart, cửa hàng thực phẩm Co.op Food, kênh mua sắm qua truyền hình HTVCo.op, đại siêu thị Co.opXtra, trung tâm thương mại Sense City, cửa hàng bách hóa hiện đại Co.op Smiles, cửa hàng tiện lợi mở cửa suốt 24 giờ Cheers) chúng tôi vẫn sẽ phát triển thêm một số mô hình mới mang tính chất cao cấp, hiện đại hơn (mô hình Co.opmart phân khúc cao – dự kiến khai trương trong năm 2019). Việc phát triển những mô hình mới giúp Saigon Co.op có thêm lợi thế cạnh tranh về sức mua, khai thác hàng hóa tốt hơn, giá cạnh tranh hơn.

Song song đó, chúng tôi sẽ tập trung thực hiện nhiều dự án trọng điểm như dự án chuẩn hóa các mô hình bán lẻ, cải tiến năng lực logistics, xây dựng trung tâm phân phối mới, chiến lược công nghệ, hình thành bộ phận Data Mining, đánh giá công việc theo KPIs… để hoàn thiện bộ máy hoạt động theo hướng hiệu quả hơn.


Bình luận


Đăng bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *