TÍN HIỆU KHỞI SẮC CỦA NGÀNH TÔM VIỆT NAM TẠI THỊ TRƯỜNG HOA KỲ

TÍN HIỆU KHỞI SẮC CỦA NGÀNH TÔM VIỆT NAM TẠI THỊ TRƯỜNG HOA KỲ

Ông đánh giá như thế nào về kết quả của đợt POR13 mà Bộ Thương mại Mỹ (DOC) vừa công bố cho con tôm Việt Nam?

Ngày 9/4 vừa qua DOC đã công bố mức thuế chống bán phá giá (CBPG) sơ bộ đợt POR13 cho tôm Việt Nam trong giai đoạn 01/02/2017 đến ngày 31/01/2018 là 0%. Theo đó DOC tạm cho rằng các sản phẩm tôm nước ấm đông lạnh của 2 bị đơn bắt buộc là Công ty Sao Ta (Fimex VN) và Công ty Hải sản Nha Trang (Nha Trang Seaproduct Company) không bị bán phá giá vào Mỹ trong giai đoạn trên. Từ đó DOC thông báo thuế sơ bộ đối với 2 công ty là 0%. 29 doanh nghiệp còn lại cũng được hưởng mức thuế 0%.

Hy vọng kết quả sơ bộ này sẽ được giữ làm kết quả cuối cùng được phán quyết vào tháng 8/2019 bởi năm nay DOC đã quyết định chọn Ấn Độ là quốc gia thay thế để so sánh. Sự tương đồng về các số liệu sản xuất tôm với Ấn Độ có thể sẽ phản ánh đúng hơn về mức độ giá thành của sản phẩm tôm mà Việt Nam đang xuất khẩu vào thị trường Mỹ. Đó là cơ sở để chúng ta có thể hy vọng được một kết quả tốt vào kỳ xem xét hành chính lần thứ 13 trong thời gian tới.

Kết quả sơ bộ POR13 có tác động như thế nào với ngành tôm
Việt Nam, thưa ông?

Theo đánh giá của chúng tôi, dù chỉ là xem xét sơ bộ song sẽ có tác động về tâm lý mua bán giữa các doanh nghiệp tôm Việt Nam với các nhà nhập khẩu Hoa Kỳ. Tác động này sẽ thể hiện rõ hơn ở năm 2020 khi kết quả được áp dụng. Lý do là hiện sản phẩm tôm của Việt Nam ở thị trường Hoa Kỳ đang phải cạnh tranh cùng với các nước Ấn Độ, Thái Lan, Trung Quốc, Brasil và các nước này cũng đang bị áp kiện CBPG như Việt Nam. Do đó, nếu chúng ta có được mức thuế 0% thì chắc chắn khả năng cạnh tranh sẽ tốt hơn. Sở dĩ tôi có thể khẳng định tôm Việt cạnh tranh tốt hơn khi thuế suất về 0% là do tôm Việt được đánh giá có chất lượng ổn định, khả năng cung ứng tốt.

Theo ông các doanh nghiệp sẽ phải tận dụng lợi thế đó
như thế nào?

Thực tế thì các doanh nghiệp Việt Nam đã trải qua 13 kỳ xem xét hành chính về CBPG của DOC rồi nên tất cả đều có sự chuẩn bị tốt, đặc biệt về mặt chất lượng và bảo đảm các yêu cầu truy xuất nguồn gốc để có được sự tin tưởng của nhà nhập khẩu, từ đó đàm phán với khách hàng tốt hơn nhằm gia tăng lượng hàng hóa xuất khẩu trong thời gian tới.

Như các bạn thấy, xu hướng thị trường thay đổi rất nhanh, người tiêu dùng luôn đòi hỏi những sản phẩm khắt khe hơn về chất lượng. Vì vậy chất lượng là yếu tố sống còn và lâu dài mà chúng tôi xác định phải thực hiện quyết liệt, nhất là trong bối cảnh Hoa Kỳ vừa áp dụng chương trình giám sát thủy sản nhập khẩu (SIMP) từ đầu năm nay. Tôi xin nhấn mạnh rằng dù có bị áp thuế hay không áp thuế thì chất lượng vẫn phải đặt lên hàng đầu.

Không bị Hoa Kỳ áp thuế CBPG, tôm Việt Nam sẽ cạnh tranh tốt hơn tại thị trường Mỹ

Thưa ông, trong nhiều năm nay ngoài con tôm thì cá tra Việt Nam cũng bị kiện CBPG ở thị trường Mỹ, vậy ngoài hai mặt hàng này thì các mặt hàng khác có nguy cơ bị kiện CBPG hay không?

Tôi cho rằng chỉ với 2 mặt hàng này đã chiếm khoảng 70% sản lượng và giá trị xuất khẩu của ngành thủy sản rồi, nên khó có khả năng xảy ra thêm các vụ kiện CBPG khác. Bởi nhóm các mặt hàng còn lại là hải sản rất đa dạng, khối lượng khác nhau và dung lượng cho thị trường không đủ lớn để bị tác động bởi vấn đề CBPG.

Bên cạnh đó, chúng ta đã có những kinh nghiệm và có cảnh báo sớm từ các bên liên quan nên khó xảy ra các vụ kiện mới về CBPG cho thủy sản Việt Nam trong thời gian tới.

Như ông có nói ở trên là người tiêu dùng ngày càng khắt khe hơn trong vấn đề chất lượng sản phẩm, vậy việc đầu tư nhà máy, dây chuyền công nghệ có gì thay đổi so với trước đây?

Nhìn chung việc cải tiến công nghệ là việc thường xuyên phải làm để theo kịp trào lưu chung của thế giới, đặc biệt trong thời đại ứng dụng công nghệ mới rất cao.

Các doanh nghiệp Việt cũng vậy, hiện về mặt phần cứng như điều kiện nhà xưởng, an toàn vệ sinh thực phẩm, các vấn đề trang thiết bị đã đầu tư ở mức tốt nhất để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Cụ thể, nhà máy của các doanh nghiệp phải đáp ứng theo HACCP, GMP, SSOP, GAP; được cơ quan thẩm quyền Việt Nam kiểm tra, giám sát; được cơ quan thẩm quyền các nước nhập khẩu công nhận cho phép xuất khẩu; sản phẩm được kiểm tra, chứng nhận phù hợp Tiêu chuẩn, Quy chuẩn, Quy định về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, các Phòng kiểm nghiệm đạt yêu cầu quốc tế ISO17025.

Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng đang tập trung vào các thiết bị để nâng cao giá trị trong sản phẩm. Về mặt phần mềm thì công tác quản lý, truy xuất nguồn gốc, quản trị doanh nghiệp… đã được nhiều doanh nghiệp đầu tư hiện đại.

Theo tôi được biết thì hiện tại hầu hết các cơ sở, nhà máy chế biến tôm đều được các cơ quan kiểm định quốc tế cấp chứng nhận và các tổ chức này vẫn khảo sát đánh giá lại hàng năm. Do đó đây là “vé thông hành” tốt cho con tôm nói chung và thủy sản nói riêng khi xuất khẩu đi các thị trường, trong đó có Hoa Kỳ.

Với cải thiện trên, theo ông ngành tôm có đạt được mục tiêu đã đề ra trong năm 2019?

Ngay từ cuối năm 2018, VASEP đã đặt mục tiêu trong năm 2019 ngành hàng tôm xuất khẩu sẽ ở mức khoảng 4,2 tỷ USD. Tuy nhiên, trong quý 1/2019 do ảnh hưởng nhiều yếu tố khách quan và chủ quan nên xuất khẩu của mặt hàng này chưa bứt phá, thậm chí đã có sự sụt giảm khoảng 10% so với cùng kỳ năm trước.

Dù có nhiều thuận lợi nhưng chúng tôi vẫn tiếp tục khuyến cáo các doanh nghiệp phải thực hiện tốt những yêu cầu mà thị trường đưa ra, đồng thời tích cực quảng bá và tìm kiếm thị trường mới, tránh phụ thuộc vào một thị trường truyền thống.


Bình luận


Đăng bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *