XU HƯỚNG KINH TẾ VÀ CHIẾN LƯỢC NÀO CHO DOANH NGHIỆP THỜI HẬU COVID-19?

XU HƯỚNG KINH TẾ VÀ CHIẾN LƯỢC NÀO CHO DOANH NGHIỆP THỜI HẬU COVID-19?

Chỉ 4 tháng kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, IMF đã tuyên bố đây là cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất kể từ năm 1930. Vi-rút Corona đã đẩy thế giới vào tình trạng tê liệt, đóng băng gần như toàn bộ các hoạt động từ dịch vụ đến sản xuất, gây ra thiếu hụt chuỗi cung ứng dẫn đến nâng giá cơ hội, thiếu hụt nguồn vốn, điều này khiến nhiều doanh nghiệp lao đao, đứng trên bờ vực phá sản. Nhiều chuyên gia nhận định các thị trường mới nổi và những nước đang phát triển là những nền kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Vậy để vực dậy kinh tế sau đại dịch, đâu là hướng đi phù hợp cho doanh nghiệp trong tương lai? Hai lãnh đạo cấp cao của NS BlueScope Việt Nam: ông Võ Minh Nhựt – Tổng Giám đốc NS BlueScope Việt Nam và ông Nguyễn Cao Trí – Tổng Giám đốc NS BlueScope Lysaght Việt Nam đã có những tâm sự và chia sẻ quan điểm cá nhân về xu hướng kinh tế và chiến lược cho doanh nghiệp thời hậu COVID-19.

Ông Võ Minh Nhựt: Hậu COVID-19, kinh tế thế giới sẽ có thể phục hồi theo hình dạng chữ V (sau 6 tháng) hay lâu hơn (chữ U – 18 tháng hoặc chữ L – 36 tháng), điều này còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó bao gồm: Thời gian các chuyên gia và các công ty dược tìm được vaccine cho COVID-19 nhanh hay chậm. Hẳn nhiên, cho đến giai đoạn này chúng ta cũng có thể nhận thấy rằng, khả năng vaccine thành công sau khi thử nghiệm trong quý 3 năm nay là khó có thể xảy ra, vì thế, việc dự báo kinh tế có thể phục hồi sớm cần được cân nhắc kỹ.

Ngoài ra, điều quan trọng tiếp theo chính là việc các chính phủ, đặc biệt là chính phủ các nước phát triển, sử dụng các gói hỗ trợ khổng lồ như thế nào để gia tăng việc kích cầu từ tiêu dùng mà không làm xấu đi tình trạng nợ cao của chính phủ. Ở các nước phát triển như Mỹ và Châu Âu, hơn 60% GDP đến từ nhu cầu tiêu dùng của người dân. Vì thế, trong bối cảnh hạn chế và dịch bệnh thì việc chính phủ thực hiện các gói ưu đãi hoàn thuế hoặc đặc biệt như trường hợp của Mỹ với chính sách Helicopter Money

nhằm kích cầu tiêu dùng cũng có thể có những tác dụng phụ như tăng nợ công, tăng mức lạm phát hoặc thậm chí không đạt được cũng có thể có những tác dụng phụ như tăng nợ công, tăng mức lạm phát hoặc thậm chí không đạt được mong đợi tiêu dùng như kỳ vọng, vì người dân vẫn có tâm lý lo sợ về cơ hội việc làm và những khoản bù thuế khác phải đóng trong tương lai.

Yếu tố quan trọng thứ 3 chính là khả năng hợp tác, phối hợp giữa các quốc gia để cùng giải quyết khủng hoảng. Điều này cần sự đồng thuận rất cao của các nước, từ những yếu tố về y tế như hợp tác sản xuất và tự do xuất khẩu vật tư y tế, sự minh bạch chia sẻ thông tin dịch bệnh đến các vấn đề kinh tế, chính trị và những hỗ trợ đối với các quốc gia có ảnh hưởng nghiêm trọng từ COVID-19.

Và điều cuối cùng, chính là chính sách tài chính của mỗi quốc gia dành cho doanh nghiệp, trong đó tập trung vào các vấn đề thanh khoản, giãn nợ cho doanh nghiệp, quy chế bảo lãnh vay dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, để từ đó doanh nghiệp có nguồn lực quay lại và tiếp tục hoạt động.

Ông Nguyễn Cao Trí: Nói về thay đổi, điều chắc chắn là thế giới sẽ khó để quay trở lại như thời gian trước đây cho đến khi có vaccine và dịch hoàn toàn được khống chế. Và nền kinh tế thế giới sẽ đi theo xu hướng giảm thiểu các tiếp xúc trực tiếp ngay cả khi đại dịch đã qua đi. Sự thay đổi này thể hiện qua các xu hướng mới:

Xu hướng về tiêu dùng

Mua sắm online và sử dụng công nghệ có tính tiếp xúc thấp sẽ gia tăng nhanh chóng. Chúng ta có thể thấy rõ, ở Mỹ 25% số người chưa bao giờ mua hàng online đã bắt đầu mua hàng lần đầu tiên trong đại dịch COVID-19. Và ở Việt Nam, số đơn hàng online của Bách Hóa Xanh và các chuỗi siêu thị tại Việt Nam tăng gấp đôi cũng trong giai đoạn dịch COVID-19 này.


Ngoài ra, các công ty cũng đã kịp tung ra các gói dịch vụ ngay lập tức khi COVID-19 xuất hiện, điển hình như Grab Assistant của Grab hoặc dịch vụ “Đi chợ giùm bạn” của Bách Hóa Xanh, trong đó cho phép người tiêu dùng ngồi ngay tại nhà và trải nghiệm việc lựa chọn sản phẩm thông qua tương tác trực tuyến với nhân viên của nhà cung cấp và sau đó được giao sản phẩm đã chọn ngay tại nhà. Các chuyên gia cũng cho rằng xu hướng này sẽ còn tiếp tục tăng nhanh trong thời gian tới, ngay cả khi COVID-19 chấm dứt.

Trong công nghiệp

Xu hướng xây dựng chuỗi cung ứng ít phụ thuộc vào Trung Quốc, đặc biệt trong một số lĩnh vực thiết yếu như thiết bị y tế. Nhật báo Nikkei Asian Review gần đây đã đăng tải thông tin cụ thể vì xu hướng này, trong đó 2 quốc gia có số lượng nhà máy lớn đang sản xuất ở Trung Quốc là Nhật Bản và Mỹ đều có những động thái nhất định để chuẩn bị cho việc thay đổi xu hướng chuỗi cung ứng phụ thuộc vào Trung Quốc. Yếu tố “shift away from China” không chỉ thể hiện trong định nghĩa “China plus One” mà thậm chí còn xa hơn với định nghĩa “add a non-china location”.

Và chúng ta hoàn toàn có cơ sở để tin rằng đây sẽ là xu thế mạnh mẽ, khi Chính phủ của cả 2 nước Nhật và Mỹ đều sẵn lòng gánh và chi trả 1 phần chi phí cho các công ty của họ khi di dời nhà máy khỏi Trung Quốc(Nhật Bản đưa thêm vào ngân sách 2.2 tỷ USD).

Về khía cạnh xã hội

Xu hướng các chính phủ chủ động hơn trong việc thúc đẩy các hoạt động chống biến đổi khí hậu. Người tiêu dùng nhận thức rõ hơn về những tác động của việc mua bán động vật hoang dã, sự tàn phá tài nguyên, các chất thải công nghiệp… là những nguyên nhân gây ra sự lây nhiễm của các loại vi-rút tiềm ẩn trong thiên nhiên đến với con người, và từ đó sẽ có những cái nhìn thiện cảm hơn đối với những thương hiệu có trách nhiệm với môi trường. Bên cạnh đó, những nhận thức đối với các yếu tố về ngăn ngừa sự lây nhiễm, vệ sinh và hạn chế di chuyển sẽ gia tăng. Tôi cho rằng điều này hoàn toàn mang tính tự nhiên cao, tương tự như là cơ chế phản xạ có điều kiện của con người. Sự ảnh hưởng khốc liệt của đại dịch COVID-19 trong thời gian qua đã thức tỉnh một phần ý thức tự giác trong mỗi cá nhân, và cũng đang dần hình thành những thói quen mới mà sau khi dịch qua đi, tôi tin rằng mọi người cũng sẽ duy trì 1 phần nào đó.

Việc đeo khẩu trang và thói quen sát trùng tay chân khi đi ra ngoài là 1 ví dụ điển hình. Vì thế, những quy định mới hoặc những trào lưu xã hội về môi trường, về vệ sinh… chắc chắn sẽ được ủng hộ và dễ dàng thực thi hơn rất nhiều so với trước đây.

Về kinh tế vĩ mô

Tôi cho rằng dòng tiền, khả năng tiếp cận nguồn vốn của doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp vừa và nhỏ trong tình huống COVID-19 kéo dài sẽ là thách thức cho mọi nền kinh tế. Ngoài ra, những khó khăn về việc thanh toán các khoản nợ vay tồn đọng trong thời gian dịch bệnh diễn ra cũng là một gánh nặng đáng kể cho các doanh nghiệp nếu các Chính phủ không có chính sách hỗ trợ kịp thời, mà chỉ tập trung vào kích cầu ở nhóm tiêu dùng cá nhân nhân hay đầu tư.

Về chuỗi cung ứng

Gián đoạn chuỗi cung ứng cũng là 1 thách thức lớn, đặc biệt đối với các thị trường mà nguồn cung ứng phụ thuộc cao vào yếu tố Trung Quốc. Nền công nghiệp ô tô của Hàn Quốc là ví dụ điển hình, Hyundai đã phải công bố đóng cửa 1 phần hoặc toàn phần 7 nhà máy tại quê nhà vì thiếu phụ tùng từ Trung Quốc đưa sang trong giai đoạn vừa qua, và với việc công nghiệp ô tô chiếm đến 20% GDP, đây là một áp lực lớn đối với nền kinh tế Hàn Quốc.

Và thực tế tỷ trọng nhập khẩu linh kiện từ Trung Quốc trong ngành này cũng rất cao cho các quốc gia khác như Nhật, Mỹ. Như vậy, không chỉ là ảnh hưởng ngắn hạn, mà để thay đổi mô hình hoặc cơ cấu về chuỗi cung ứng, ở đó giảm thiểu tính phụ thuộc vào Trung Quốc, thì các doanh nghiệp hoặc sẽ phải chịu chi phí cao hơn hoặc chấp nhận mô hình đa dạng nguồn cung ứng. Điều này là thách thức, cả về vấn đề thời gian, nguồn lực từ phía doanh nghiệp.

Các yếu tố khác

Một yếu tố tôi cho rằng cũng rất thách thức, đó là việc hình thành các chính sách và xu hướng bảo hộ cục bộ do căng thẳng leo thang sau COVID-19. Điều này dẫn đến việc các doanh nghiệp sẽ bị hạn chế trong việc mở rộng thị trường mới, và thậm chí ảnh hưởng đến các thị trường đang kinh doanh nếu như các hàng rào kỹ thuật hoặc các biểu thuế mang tính bảo hộ cao được thiết lập (thuế chống phá giá hoặc thuế bảo hộ sản xuất trong nước). Điển hình với ngành thép, trong những năm gần đây chúng ta cũng đã chứng kiến rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp thép khi các thị trường xuất khẩu chính có biến động. Xu hướng bảo hộ sẽ là lực cản lớn cho tiến trình toàn cầu hóa mà các quốc gia đã gắng công theo đuổi trong nhiều thập kỷ qua.

Ông Nguyễn Cao Trí: Tôi cho rằng, thách thức lớn nhất của chúng ta chính là chuỗi cung ứng phụ thuộc cao vào Trung Quốc, đặc biệt cho các ngành nghề cụ thể: dệt may, giày da, điện tử… Điển hình như các doanh nghiệp dệt may, trong thời gian qua, chịu tác động kép từ việc thiếu nguyên vật liệu, và sau đó khi nguồn cung phục hồi thì lại chịu tác động về nhu cầu thấp từ phía khách hàng. Để có thể trở thành 1 thị trường hấp dẫn thu hút nhiều nhà đầu tư mới, tôi cho rằng cần có nỗ lực từ từ cả chính phủ và bản thân doanh nghiệp:

Về phía doanh nghiệp

Cần chủ động đa dạng hóa chuỗi cung ứng từ các nguồn cung ứng khác nhau, và luôn có ít nhất 2 nguồn cung ứng tại mỗi thời điểm từ 2 thị trường khác nhau.

Hơn thế nữa, các doanh nghiệp cũng có thể chủ động tìm kiếm cơ hội hợp tác phát triển để đầu tư và mở rộng chuỗi giá trị thượng nguồn, bao gồm các khâu sản xuất nguyên vật liệu để có thể chủ động trong nguồn cung. Ngoài ra, về phía thị trường, thì các doanh nghiệp cũng cần chủ động mở rộng các thị trường mới ngoài các thị trường Mỹ và Châu Âu truyền thống. Như vậy, các doanh nghiệp cần nâng cao năng lực của mình để có thể đáp ứng tốt hơn yêu cầu của những thị trường khác nhau.

Về phía chính phủ

Cần có chính sách phù hợp, ưu đãi hơn để chào đón các nguồn FDI mới mà ở đó giá trị thặng dư nằm ở xuyên suốt chuỗi cung ứng, không chỉ một khâu thành phẩm mà là cả một chuỗi sản xuất, bao gồm từ thượng nguồn nguyên vật liệu đến hạ nguồn là sản phẩm hoàn tất. Thái Lan, vào tháng 09 năm 2019 đã giới thiệu chính sách thu hút đầu tư nước ngoài đặc biệt nhắm vào các đối tượng doanh nghiệp dịch chuyển nhà máy từ Trung Quốc với việc hỗ trợ thuế lên đến 50%, xây dựng cổng thông tin tư vấn cho doanh nghiệp nước ngoài, điều chỉnh chính sách cho lao động là chuyên gia nước ngoài tay nghề cao… và chính sách này đã có những kết quả đáng khích lệ.

Tôi cho rằng, Chính phủ Việt Nam cũng cần có mục tiêu và chính sách rõ ràng trong thời gian sắp tới, cho các đối tượng doanh nghiệp khác nhau để thu hút đầu tư, đặc biệt là kích thích đầu tư R&D ngay tại Việt Nam.

Ngoài ra, khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp và nhu cầu tiêu dùng thấp do khó khăn về việc làm cũng sẽ là những thách thức lớn cho nền kinh tế nói chung. Về vấn đề này, tôi cho rằng vai trò điều tiết của chính phủ đóng vai trò thiết yếu để giúp doanh nghiệp có thể vượt qua:

Chính phủ cần có cơ chế điều tiết chính sách vốn cho các ngành 1 cách hợp lý, đặc biệt những ngành nghề có khả năng hồi phục và phát triển nhanh, nhiều tiềm năng như nông nghiệp, sản xuất chăn nuôi. Ngoài ra, cần có cơ chế bảo lãnh rủi ro vay vốn, để giúp doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận nguồn vốn dễ dàng hơn trong giai đoạn khó khăn sắp đến.

Thời gian gần đây, chúng ta cũng nghe nhiều ý kiến từ Chính phủ và các địa phương trong việc khuyến khích đầu tư các dự án công trọng điểm để kích thích nguồn vốn xã hội (1 đồng vốn công sẽ có thể thu được 4 – 5 đồng vốn xã hội) và tạo công ăn việc làm cho người lao động. Tôi hoàn toàn đồng tình với quan điểm trên, việc này không chỉ giúp huy động nguồn vốn xã hội, giải quyết thêm việc làm cho người lao động mà còn giúp hoàn thiện hơn cơ sở hạ tầng, để giúp cho Việt Nam trở nên cạnh tranh hơn trong việc thu hút các nhà đầu tư nước ngoài.

Ông Võ Minh Nhựt: Một trong những điểm nổi bật mà tôi thực sự hạnh phúc trong thời gian vừa qua chính là sự thức tỉnh về các giá trị đạo đức, tinh thần yêu nước và chủ nghĩa dân tộc của tất cả nhân dân Việt Nam, cả nước đã cùng đoàn kết, quyết tâm, chia sẻ và kể cả hy sinh để đối phó với dịch bệnh. Tôi cho rằng đây là những giá trị vô cùng to lớn mà chúng ta đã “đánh thức” được. Như vậy, tất cả doanh nhân Việt Nam chúng ta cần phải làm gì để tiếp tục phát huy tinh thần yêu nước và các giá trị đạo đức dân tộc này ra thế giới thông qua các

hoạt động kinh doanh trong tương lai? Chúng ta cần tạo dựng những giá trị cốt lõi ngay trong doanh nghiệp của mình, bao gồm cách mà chúng ta đối xử với môi trường, cách chúng ta quan tâm tới sức khỏe & an toàn của người lao động và khách hàng, cách chúng ta kiên quyết từ chối tiếp tay với tham nhũng để khỏa lấp cho những yếu kém của doanh nghiệp mình cũng như trách nhiệm xã hội và sự chia sẻ những khó khăn trong cộng đồng. Chúng ta cũng cần Chính phủ tác động mạnh mẽ trong việc xây dựng các thể chế hoàn thiện hơn mà ở đó cả Chính phủ, doanh nghiệp và mỗi cá nhân đều đồng lòng, quyết tâm và hy sinh để xây dựng một hình ảnh Việt Nam mới và vì lợi ích chung của cả một dân tộc.

Hẳn nhiên, điều này chỉ có thể làm được khi Chính phủ cho toàn xã hội thấy được sự vận hành minh bạch, đặt lợi ích nhân dân làm ưu tiên hàng đầu, giống như cách mà Chính phủ thực hiện các biện pháp và truyền thông trong cuộc chiến đấu với đại dịch COVID-19. Ngoài ra, Chính phủ cũng cần có một lộ trình và chiến lược rõ ràng trong việc làm sao phát huy những ưu thế cạnh tranh của Việt Nam với các sản phẩm chủ lực mang thương hiệu Việt Nam đối với thị trường xuất khẩu. Những sản phẩm chủ lực này

cần được đầu tư xứng đáng để có thể cạnh tranh và trở thành “Đại sứ Việt Nam” cho thị trường xuất khẩu này.

Chúng ta đều đồng thuận rằng, Việt Nam là 1 trong những quốc gia đã và đang làm rất tốt việc phòng chống dịch bệnh, và đây chính là cơ hội để chúng ta quảng bá: Việt Nam là đất nước an toàn, quan tâm đến môi trường, biết yêu thương và chia sẻ, là đích đến lý tưởng của khách du lịch cũng như các nhà đầu tư có trách nhiệm nhờ vào sự đồng lòng của cả dân tộc và sự quyết tâm của Chính phủ. Tôi cho rằng, đây là việc thực sự ý nghĩa để thay đổi những định kiến chưa tốt về hình ảnh Việt Nam, không chỉ đối với trong nước mà ngay cả ngoài nước.

Và cuối cùng, tôi cho rằng với việc leo thang căng thẳng từ nhóm các nước G7 đối với Trung Quốc, Việt Nam đang đứng trước 1 cơ hội thực sự lớn lao để mở rộng thị trường và thu hút FDI công nghệ cao. Và như tôi chia sẻ ở trên, việc quan trong trong giai đoạn này là làm sao chúng ta có chính sách phù hợp để biến các cơ hội đó thành kết quả kinh tế trong những năm tiếp theo.

Ông Võ Minh Nhựt: Tôi cho rằng điều đầu tiên doanh nghiệp cần có là bức tranh rõ nét về phân tích ảnh hưởng của COVID-19 đến ngành nghề mình đang kinh doanh (Impact analysis to the industry), và mô hình phân tích này đến từ Board of Innovation – là 1 trong những công ty tư vấn quốc tế – Trong đó, doanh nghiệp sẽ dựa vào các tình huống xảy đến của kinh tế (chữ V, U hay L) và ngành nghề mình đang kinh doanh, để từ đó có cơ sở hoạch định các chiến lược về kế hoạch dự phòng kinh doanh (business contingency) rõ ràng cho từng tình huống. Kế hoạch này bao gồm tất cả các yếu tố tài chính, chuỗi cung ứng, nhân sự…

Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần chủ động thay đổi cách thức hoạt động để hiệu quả (operating model) và có sự ưu tiên về đầu tư nguồn lực để phù hợp hơn với xu thế mới hậu COVID-19. Tôi xin phép đưa ra ví dụ điển hình, tại NS BlueScope Việt Nam, chúng tôi đã chuyển đổi cơ cấu đầu tư cho marketing, từ việc hơn 80% nguồn lực cho kênh truyền thống, ngày nay chúng tôi đã giảm xuống còn rất thấp và chuyển đầu tư đó cho các kênh digital, với những mục tiêu rõ ràng và hướng đến đối tượng khách hàng phù hợp hơn.

Tiếp đến, doanh nghiệp cũng cần đầu tư cho phát triển sản phẩm vì đây thực sự là đầu tư cho tương lai trong việc phát triển các sản phẩm và dịch vụ mới. Điều này đòi hỏi doanh nghiệp phải chủ động đầu tư R&D để chuyển từ việc thụ động cạnh tranh sang chủ động tìm kiếm giải pháp mới. Trong giai đoạn 2000 – 2003, trong khi tất cả các doanh nghiệp tập trung để tiết kiệm chi phí, Sanofi đầu tư 1.3 tỷ Euro mỗi năm cho R&D, và đã đạt những thành quả kinh doanh to lớn ngay sau đó, bao gồm cả việc thâu tóm Aventis, 1 công ty rất lớn trong cùng ngành.

Điều cuối cùng tuy nhiên tôi cho rằng quan trọng nhất, đó chính là giá trị cốt lõi và lợi thế của mỗi doanh nghiệp, đặc biệt khi mở rộng kinh doanh. Nếu doanh nghiệp có đầy đủ nội lực, là giá trị cốt lõi và lợi thế cạnh tranh, thì tôi tin rằng doanh nghiệp có thể phát triển bền vững, và ngay cả trong giai đoạn khủng hoảng thì doanh nghiệp cũng sẽ ít bị tác động nhất và có khả năng hồi phục nhanh nhất.

Xin cảm ơn ông đã chia sẻ!


Bình luận