TẬN DỤNG TỐI ĐA LỢI THẾ TỪ CÁC FTA CHO NGÀNH DỆT MAY NHƯ THẾ NÀO?

TẬN DỤNG TỐI ĐA LỢI THẾ TỪ CÁC FTA CHO NGÀNH DỆT MAY NHƯ THẾ NÀO?

 

Đây chính là nội dung quan trọng đã được các chuyên gia kinh tế quốc tế đưa ra phân tích tại buổi TƯ VẤN CHUYÊN SÂU CÙNG CHUYÊN GIA KINH TẾ QUỐC TẾ:
“TẬN DỤNG TỐI ĐA CÁC FTA MỚI NHẰM PHÁT TRIỂN NGÀNH DỆT MAY”
dành riêng cho các doanh nghiệp trong ngành, với sự đồng hành của Tôn COLORBOND® – thương hiệu tôn từ BlueScope.

Các hiệp định Thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết trong thời gian qua đều xác định ưu đãi sản phẩm dệt may dựa trên cơ sở quy tắc xuất xứ. Tuy nhiên làm cách nào để hưởng lợi từ các FTA này là điều mà các doanh nghiệp trong ngành đang quan tâm.

Tại buổi tư vấn chuyên sâu, các chuyên gia kinh tế đã mang đến những cái nhìn tổng quan về quy tắc xuất xứ cũng như cách làm thế nào để một doanh nghiệp dệt may có thể được hưởng lợi từ quy tắc xuất xứ trong các FTA, đặc biệt CPTPP.

Liên quan đến các vấn đề trên, đại diện từ các công ty cũng đã nêu ra các vướng mắc, khó khăn về chứng minh nguồn gốc xuất xứ, trong quá trình xuất khẩu mặt hàng dệt may sang các nước thành viên CPTPP hay EVFTA.

Các chuyên gia phân tích, trong CPTPP có cho ngoại lệ danh mục cho nguồn cung thiếu hụt. Đây chính là điểm các doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng. Danh mục này có 194 mã HS thì có tới 186 mã HS cho phép nhập khẩu vĩnh viễn từ bên ngoài, từ bất kỳ đâu mà vẫn được coi là xuất xứ của Hiệp định. Còn 8 mã HS khác có thời hạn 5 năm (tới 2024) sau đó sẽ không được hưởng ưu đãi nữa.

Ngoài ra, có thể có giải pháp là tự chứng nhận xuất khẩu thay vì đi xin chứng nhận từ một cơ quan từ Bộ Công Thương uỷ quyền, các nhà nhập khẩu như Canada có thể đồng ý. Theo đó, doanh nghiệp dệt may Việt Nam có thể tận dụng tối đa lợi thế của các FTA nếu biết tận dụng các quy định về nguồn cung thiếu hụt.

Trong khuôn khổ sự kiện, chuyên gia cũng chỉ ra rằng: Trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ – Trung leo thang có thể làm tăng nhu cầu của Mỹ bởi hạn chế từ các đối thủ của Trung Quốc theo trình tự có thể tiên liệu được.

Đây chính là cơ hội góp phần làm chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam trong đó có các ngành dệt may, điện tử,… thực tế hàng dệt may của Việt Nam xuất sang Mỹ luôn đứng đầu về kim ngạch, đạt 9,95 tỷ USD trong 8 tháng đầu năm 2019, chiếm 45,7% trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của cả nước, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm 2018, cho thấy thị trường này đã có sự tăng trưởng rõ rệt và còn nhiều dư địa cho xuất khẩu.