DOANH NGHIỆP VIỆT TÍCH CỰC “ĐÀO MỎ VÀNG” THỊ TRƯỜNG NỘI ĐỊA TRƯỚC THỀM CPTPP

DOANH NGHIỆP VIỆT TÍCH CỰC “ĐÀO MỎ VÀNG” THỊ TRƯỜNG NỘI ĐỊA TRƯỚC THỀM CPTPP

 

Vào thời điểm các công ty xe hơi tại các quốc gia phát triển đang phải đối mặt với tình hình lợi nhuận giảm sút do chịu sự cạnh tranh khốc liệt của các công ty công nghệ với lượng vốn khổng lồ, Việt Nam đã “đánh cuộc” vào lĩnh vực sản xuất xe hơi và coi đó như một tấm vé thông hành để gia nhập vào các quốc gia có nền kinh tế thịnh vượng hơn, giống như cách mà Nhật Bản và Hàn Quốc đã làm trước đây.

VinFast, một công ty con của Vingroup – Tập đoàn tư nhân lớn nhất tại Việt Nam (mã chứng khoán: VIC) chính thức là công ty sản xuất xe hơi nội địa đầu tiên của Việt Nam. Các mẫu xe do VinFast sản xuất sẽ lăn bánh trên khắp các nẻo đường tại Việt Nam trong năm 2019.

Cũng phải nói thêm rằng, VinFast – đúng như tên gọi của hãng – đã rất nhanh chóng tiếp cận thị trường nội địa khi nhanh chóng cho ra xe máy điện trước khi những chiếc ô tô đầu tiên kịp xuất xưởng.

Rất khó để đo đếm CPTPP sẽ tác động ra sao đến nền kinh tế Việt Nam khi tất cả mọi thứ, mọi quốc gia ký tên trong bản hiệp định này đang vần vũ dịch chuyển để nhận được nhiều lợi ích nhất từ nó. Nhưng, nếu tưởng tượng các nước tham gia CPTPP thì hàng hoá lưu thông giữa các nước sẽ kiểu như đi qua nhà không vách vậy. Rào cản thuế được gỡ bỏ hoàn toàn.

Trong khi chờ đợi những sản phẩm xe ô tô “Made in Vietnam” ra mắt thì Vinfast đã nhanh chóng chinh phục thị trường nội địa bằng sản phẩm xe máy điện

Tất nhiên, khi đã “thông vách” thì hàng hoá của mình sang các nước CPTPP hay hàng hoá của nước bạn thâm nhập thị trường Việt cũng đều dễ như nhau. Như vậy, nếu mải mê tiếp cận thị trường ngoại thì doanh nghiệp Việt cũng dễ dàng bị “qua mặt” trên chính sân nhà. Mà sân nhà là hơn 95,5 triệu con người, là dân số trẻ, là những người đang độ tuổi tiêu dùng nhiều nhất.

Chính bởi thế, “đào mỏ vàng” thị trường nội địa ngay trước thềm CPTPP có hiệu lực là điều nhiều doanh nghiệp Việt đang làm, thậm chí đặt lên làm nhiệm vụ hàng đầu.

Cách đây 2 năm, khi đã có chỗ đứng vững chắc ở thị trường quốc tế, lãnh đạo An Phát Holdings đã khẳng định không nên bỏ qua thị trường nội địa, nhất là khi sản xuất trong nước chỉ mới đáp ứng 76% nhu cầu tiêu thụ. Thời gian đó, An Phát Holdings dự tính sẽ lập liên doanh đầu tư nhà máy bao bì màng phức, với công suất 100 triệu mét dài/năm. Hoàn tất liên doanh xây nhà máy này, công ty sẽ thuận lợi hơn trong việc tấn công thị trường nội địa.

Tuy không nói ra nhưng trở về thị trường nội địa ngay lúc này chắc chắn là một toan tính cực kỳ kỹ lưỡng của ông chủ An Phát Holdings. Ngay trước thời điểm hiệp định CPTPP có hiệu lực là An Phát Holdings gấp rút tiến vào thị trường nội địa hơn 80 triệu dân. Với cách làm này, An Phát vẫn là người đi đầu ở thị trường nội địa khi mà các nhãn hàng của đối thủ chậm chân hơn mình đến gần 2 tháng. Chưa kể, An Phát không chọn cách tự xây hệ thống phân phối mà quyết định bắt tay với “người khổng lồ” Vinmart để sản phẩm nhanh chóng phủ được thị trường trước khi sản phẩm ngoại nhập kịp tìm đường vào Việt Nam.

Công trình sử dụng tấm ốp tường bằng nhựa của AnPro thuộc An Phat Holdings

Hay như trường hợp của “ông vua đá” Vicostone cũng vậy. Sau 15 năm liên tục hoạt động ở thị trường quốc tế, các sản phẩm của Công ty cổ phần Vicostone đã xuất hiện tại hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ. Hiện nay các sản phẩm của VCS tập trung xuất khẩu số lượng lớn tại những thị trường được mệnh danh là khó tính như Mỹ, Canada, Australia và châu Âu… Mặc dù thị trường xuất khẩu đang chứng kiến áp lực ngày càng gia tăng đối với các ngành hàng vật liệu xây dựng, nhưng cơ cấu hàng xuất khẩu vẫn luôn giữ tỷ trọng lớn trong chiến lược kinh doanh của VCS. Dự tính đến năm 2020, VCS vẫn xác định tập trung chủ yếu tại các thị trường Bắc Mỹ, Australia, mở rộng thêm tại các nước EU.

Ở tuổi 15, ngay trước thềm CPTPP có hiệu lực, Vicostone mới bắt đầu tiến quân khai thác thị trường nội địa sau khi đã thành công tại hơn 40 quốc gia

Đến cả những thị trường khó tính nhất, Vicostone đều đã chinh phục được nên việc băn khoăn về “tài” của công ty này có lẽ là thừa. Gặt hái được nhiều thành công trên thương trường quốc tế là thế, nhưng phải đến năm 2018 công ty này mới chính thức quay về chinh phục người tiêu dùng trong nước. Hiện tại tiêu thị nội địa của VCS chỉ chiếm khoảng 5%, doanh nghiệp này đang triển khai kế hoạch đẩy mạnh tiêu thụ thị trường trong nước với kỳ vọng tăng lên 10 – 20% doanh thu trong 5 năm tới.

Thuỷ sản là một trong số ít ngành được hưởng lợi cực nhiều từ CPTPP. Theo đại diện Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), các quốc gia thành viên CPTPP hàng năm nhập khẩu khoảng gần 2 tỷ USD hàng hóa, tương đương 23% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Trong đó, Nhật Bản, Australia, Canada, Mexico là những đối tác thương mại chính của xuất khẩu thủy sản. Riêng với thị trường Nhật, các doanh nghiệp xuất khẩu tôm, bạch tuộc, cá ngừ sẽ được hưởng lợi nhiều nhất.

Những người quan tâm đến ngành thuỷ sản chắc chắn sẽ biết đến vua cá tra Hùng Vương. Dù rằng, từ trước đến nay, Hùng Vương chủ yếu mang cá đi xuất khẩu còn kệ hàng trong nước không quá lấp đầy sản phẩm của công ty.

Những tháng ngày khốn khó tại thị trường xuất khẩu do các điều kiện thuế má từ Mỹ – nước xuất khẩu chủ lực của Hùng Vương dường như lại mở ra cho công ty một hướng đi khác: tăng cường vào thị trường nội địa. Hùng Vương không công bố chi tiết về điều này nhưng dường như, chính thị trường nội địa đã cứu công ty qua năm tháng khó khăn nhất gặp phải.

6 tháng đầu niên độ 2017-2018 (từ 1/10/2017- 31/3/2018), Hùng Vương mới đạt doanh thu nội địa của mặt hàng thủy sản gần 350 tỷ đồng. Hoạt động kinh doanh vẫn đang bế tắc không có lối thoát khi mà cả thị trường quốc tế lẫn nội địa đều sụt giảm trầm trọng.

Bắt đầu từ quý 2/2018 tức quý 3 niên độ 2017-2018 theo hoạt động của công ty, tình hình kinh doanh bất ngờ sáng sủa hơn khi thị trường nội địa bắt đầu tăng trưởng mạnh. Đến quý 3/2018 tức quý cuối cùng của niên độ 2017-2018, Hùng Vương đã chốt sổ năm tài chính của mình với 1.420 tỷ đồng doanh thu từ thị trường nội địa tức chỉ riêng một quý cuối cùng đã bằng 9 tháng đầu năm cộng lại.

Không thể dành lời ngợi khen Hùng Vương bởi đây chỉ mới những bước chân đầu tiên để vua cá tra một thời quay trở lại đường đua sau những ngày lạc lối cả vì chủ quan lẫn khách quan nhưng phải nói rằng, Hùng Vương đã chọn cho mình lối quay lại đúng đắn.

Miếng cá ngon lâu nay chỉ đem đi xuất khẩu, giờ đây chính sân nhà đã giúp Hùng Vương đứng vững lại trên đôi chân mình


Bình luận


Đăng bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết liên quan