Việc tái định hình chuỗi cung ứng sản xuất toàn cầu đi cùng khái niệm “xanh hóa” đã dẫn đến sự thay đổi đáng kể trong lĩnh vực Logistics. Được kỳ vọng là quốc gia hưởng lợi trong xu hướng này, Việt Nam hiện đang ở trong trạng thái “chuyển đổi” cho giai đoạn phát triển tiếp theo. Điều này có thể thấy rõ qua bốn xu hướng nhỏ hơn đang diễn ra.
Việt Nam được nâng thêm một bậc xếp hạng thị trường Logistics mới nổi, theo báo cáo của Agility, nhà cung cấp dịch vụ vận tải và hậu cần kho vận toàn cầu, công bố hồi tháng 5/2023. Báo cáo cũng đánh giá rằng việc lọt top 10 lần này là minh chứng cho sự thành công trong việc phát triển ngành Logistics, cũng như cho thấy Việt Nam đã được hưởng lợi từ xu hướng tìm kiếm nguồn cung ứng mới của các nhà sản xuất đa quốc gia.
Còn báo cáo của HSBC công bố hồi giữa tháng 9, cho biết đánh giá lượng vốn FDI mới vào lĩnh vực sản xuất của Việt Nam tính đến thời điểm hiện tại trong năm nay đã cao hơn mỗi năm trong ba năm gần đây. “Trong khi phần lớn khoản đầu tư ban đầu đổ vào lĩnh vực dệt may và giày dép có giá trị gia tăng thấp hơn, Việt Nam đã nhanh chóng thăng hạng trong chuỗi giá trị, phát triển thành trung tâm lắp ráp điện tử quan trọng”, báo cáo HSBC đánh giá.
Hệ quả của việc các nhà sản xuất lớn như Samsung, LG hay Apple tới thị trường Việt Nam là sự đi theo của chuỗi cung ứng hậu cần.
● Thống kê của Mordor Intelligence
Ước tính vào năm 2023, thị trường logistics của Việt Nam có giá trị khoảng
45,19
tỷ USD
Năm 2029, được kỳ vọng tăng lên mức
65,34
tỷ USD
Tương ứng với tốc độ tăng trưởng CAGR trong giai đoạn này là khoảng
6,34%
Báo cáo về ngành Logistics của VinaCapital công bố hồi giữa năm 2023, đánh giá Việt Nam là một trong những quốc gia có ngành dịch vụ logistics phát triển nhanh nhất thế giới (với tốc độ khoảng 14 – 16% trong những năm gần đây).
Đặc biệt, lĩnh vực này dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng trong nhiều năm tới nhờ sự phát triển trong lĩnh vực sản xuất, tầng lớp tiêu dùng trung lưu, thương mại điện tử cũng như nhu cầu về thực phẩm dễ hỏng và các sản phẩm khác.
Trên khắp cả nước, có nhiều dự án đường cao tốc, đường kết nối, hạ tầng cảng biển, sân bay, được đang được tập trung quy hoạch hoặc đang xây dựng.
Riêng tại khu vực phía Nam, nhiều dự án hạ tầng, đường bộ đã được thông qua, bắt đầu triển khai như sân bay quốc tế Long Thành, đường vành đai TPHCM, đường cao tốc ở khu vực miền Tây… dự kiến sẽ thay đổi đáng kể bộ mặt hạ tầng trong thời gian tới.
Hạ tầng giao thông kết nối được đẩy mạnh, thị trường cấp 2 đón dòng vốn đầu tư
Trong nhiệm kỳ này, Quốc hội đã quyết định chi 2,87 triệu tỉ đồng kế hoạch đầu tư công trung hạn, còn trong giai đoạn 2022 – 2023, có thêm hơn 143.000 tỉ đồng của Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế – xã hội để đầu tư cho các công trình, dự án quan trọng.
Một phần không nhỏ trong nguồn lực này được dành cho hạ tầng giao thông, huyết mạch của nền kinh tế và cũng là huyết mạch của ngành Logistics.
Trong bối cảnh xu hướng chuyển dịch sản xuất tiếp tục diễn ra, nhu cầu về dịch vụ và hạ tầng Logistics tại Việt Nam ngày càng tăng, nhưng nguồn cung quỹ đất, dự án hiện tại đang thiếu hụt. Ở thị trường miền Nam, nguồn cung được dự báo hạn chế trong giai đoạn 2024 – 2027, chủ yếu đến từ các nhà phát triển khu công nghiệp lớn, theo báo cáo thị trường khu công nghiệp của Công ty chứng khoán VNDirect.
Dù vậy, các địa phương trên cả nước cũng đang xuất hiện nhiều dự án bất động sản, hạ tầng logistics (kho hàng, bến bãi, nhà xe đa năng, trung tâm logistics,…). Không chỉ có những dự án đã đưa vào vận hành, nhiều kế hoạch xây dựng khác cũng đang được các doanh nghiệp đặt lên bàn thảo luận.
Một thay đổi dễ thấy nữa là về xu hướng đầu tư và sản phẩm bất động sản công nghiệp:
● Đầu tiên, các nhà sản xuất, nhà đầu tư đang dần hướng đến thị trường cấp 2, được cho là có chi phí cạnh tranh hơn. Một ví dụ là hiện có nhiều dự án đổ về Bà Rịa – Vũng Tàu hơn là thị trường truyền thống ở Đồng Nai, TPHCM, Bình Dương. Xu hướng này tiếp tục được thúc đẩy bởi sự cải thiện cơ sở hạ tầng, giúp kết nối dễ dàng hơn giữa hai thị trường với nhau.
● Xu hướng thứ hai là sự gia tăng của nhà kho đa dụng, hiện đại thay thế cho nhà kho truyền thống nhờ nhu cầu bán hàng thương mại điện tử gia tăng. Nhóm phân tích của VNDirect dẫn lại một nghiên cứu, cho thấy cứ mỗi 1 tỷ USD doanh số bán hàng TMĐT sẽ cần thêm 92.903 m2 diện tích nhà kho. Từ đó, dự kiến sẽ cần hơn 2,2 triệu m2 diện tích nhà kho dành riêng cho TMĐT cho đến năm 2026.
Mặt khác, một điểm đáng chú ý nữa trong xu hướng hiện nay là hoạt động cho thuê nhà máy xây sẵn (NXXS) và nhà kho xây sẵn (NKXS) tiếp tục phát triển cả ở khu vực miền Bắc và miền Nam trong nửa đầu năm nay.
Hoạt động sản xuất, đầu tư của Logistics còn chịu ảnh hưởng lớn bởi xu hướng phát triển bền vững, kinh tế xanh, sử dụng các loại vật liệu thân thiện với môi trường, góp phần giảm tác động của biến đổi khí hậu.
Các doanh nghiệp Logistics cũng buộc phải thay đổi để nâng cấp năng lực cạnh tranh trong bối cảnh “xanh hóa” chuỗi cung ứng được nhắc đến nhiều trong thời gian qua, bởi nếu không đáp ứng được thì doanh nghiệp Việt Nam sẽ bị đẩy ra khỏi cuộc chơi toàn cầu.
Ở lĩnh vực năng lượng tái tạo, một điểm nhấn mới là Quy hoạch điện VIII đã được thông qua, được kỳ vọng gỡ nút thắt về năng lượng dành cho sản xuất.
Mặt khác, các nhà xưởng hiện nay còn vướng câu chuyện pháp lý liên quan đến sử dụng năng lượng tái tạo ở các khu công nghiệp. Tuy nhiên, nếu câu chuyện này được tháo gỡ, xu hướng sản xuất xanh sẽ được đẩy mạnh hơn.
Trên thực tế, dù còn gặp nhiều khó khăn về công nghệ, tuy nhiên có thể thấy một vài nhà vận hành Logistics bắt đầu sử dụng xe điện để giao hàng, hay lắp ráp pin năng lượng mặt trời lên xe tải.
Một xu hướng thứ hai quan trọng không kém là định hướng phát triển thị trường trao đổi mua bán hạn ngạch phát thải, tín chỉ carbon. Dự kiến thị trường vận hành thí điểm năm 2025 và chính thức năm 2028. Hiện tại, nhiều nhà xưởng đã bắt đầu tăng cường sử dụng vật liệu xanh, cải thiện quy trình sản xuất thân thiện môi trường để giảm phát thải khí thải nhà kính.
Bình luận