CHĂN NUÔI, THỦY SẢN “TĂNG TỐC” ĐẦU TƯ TRONG ĐẠI DỊCH

CHĂN NUÔI, THỦY SẢN “TĂNG TỐC” ĐẦU TƯ TRONG ĐẠI DỊCH

Trong khi nhiều lĩnh vực đang gần như “đóng băng” trước ảnh hưởng của đại dịch thì ngành chăn nuôi và thủy sản vẫn sôi động với những dự án mới được công bố khởi động trên cả nước. Việc doanh nghiệp tăng đầu tư vào chăn nuôi, thủy sản được lý giải do các lĩnh vực này đang có tiềm năng bứt phá mạnh sau đại dịch. Đồng thời, xu hướng chuyển đổi số nhằm phát triển bền vững trong ngành chăn nuôi – thủy sản cũng được các DN đầu tư mạnh mẽ.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm thủy sản, đặc biệt là tôm, đang phát triển mạnh mẽ trên phạm vi toàn cầu. Với tốc độ tăng trưởng trung bình gần 7%/năm, dự tính đến năm 2045, tổng sản lượng tôm toàn cầu sẽ đạt 15 triệu tấn. Đáng chú ý, năm 2020 mặc dù ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng ngành tôm vẫn đạt kim ngạch xuất khẩu 3,7 tỷ USD, tăng 11% so với năm 2019. Đà tăng này vẫn tiếp tục rõ nét khi 5 tháng đầu năm 2021 xuất khẩu tôm đạt 1,34 tỷ USD, tăng 14% so với cùng kỳ.

Ông Trần Văn Lĩnh – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thủy sản Thuận Phước – phân tích: Năm 2021 niềm tin của các nhà đầu tư với ngành tôm đã gia tăng đáng kể sau đại dịch Covid-19 nhờ vào quyết sách và phương châm chống dịch của Chính phủ. Hiện nay, nhu cầu tôm trong phân khúc bán lẻ tại Mỹ vẫn tốt và các đơn đặt hàng mới đang tiếp tục được thực hiện.

“Ngay đầu năm 2021 Công ty CP Thủy sản Thuận Phước đã khai trương nhà máy chế biến tôm An An tại Tiền Giang, có công suất chế biến khoảng 50 tấn tôm thành phẩm/ngày và hệ thống kho lạnh công suất 3.000 tấn, với mức đầu tư trên 400 tỷ đồng. Doanh nghiệp chúng tôi cũng xây dựng vùng nuôi tôm 200 hecta tại Ba Tri, Bến Tre. Với sự chủ động này, năm nay chúng tôi dự kiến sẽ xuất khẩu đạt 130 triệu USD, tăng 30% so với năm 2020”

Ông Trần Văn Lĩnh
Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thủy sản Thuận Phước

Cũng như Thuận Phước, Công ty CP Tập đoàn thủy sản Minh Phú dự kiến trong quý II/2021 xây Nhà máy Chế biến thủy sản Minh Phát, đặt tại KCN Khánh An (Cà Mau), có vốn đầu tư khoảng 1.000 tỷ đồng. Được biết, Minh Phú hiện có 10 công ty thành viên, bao gồm 4 nhà máy chế biến tôm và 8 công ty trực thuộc tập đoàn. Mỗi thành viên là một mắt xích quan trọng trong toàn bộ chuỗi giá trị sản xuất tôm của Minh Phú.

Cũng trong chuỗi giá trị ngành tôm, Tập đoàn Việt Úc – một doanh nghiệp lớn chuyên cung cấp con giống tôm cho biết đang có kế hoạch xây dựng khu phức hợp nuôi/sản xuất tôm chất lượng cao tại Quảng Ninh. Không tiết lộ thời gian cụ thể song doanh nghiệp này khẳng định việc xây khu phức hợp nhằm đón đầu xu hướng tăng trưởng tích cực hiện nay của ngành tôm.

Ngoài tôm, ngành chăn nuôi heo, gia cầm của Việt Nam cũng đang được đánh giá rất tiềm năng bởi theo nghiên cứu của Oxford Economics, năm ngoái lĩnh vực nông nghiệp – thực phẩm của Việt Nam đã chứng kiến mức tăng trưởng 4%, trong khi ngành này tại Thái Lan và Philippines đồng loạt thu hẹp. Indonesia cũng ghi nhận mức tăng trưởng dương nhưng chỉ bằng một nửa của Việt Nam. Đây cũng là điều dễ hiểu khi ngành chăn nuôi Việt Nam thu hút vốn đầu tư lớn từ các doanh nghiệp trong và ngoài nước trong suốt thời gian qua.

Trong đó, với doanh nghiệp ngoại – Công ty CP chăn nuôi C.P. Việt Nam đang nằm trong top đầu có vốn đầu tư vào nông nghiệp lớn nhất. Ông Montri Suwanposri – Tổng giám đốc Công ty CP chăn C.P. Việt Nam (CPV) cho biết: CPV hiện có 12 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi, tổng công suất 4,2 triệu tấn/năm. CPV còn có 2 nhà máy chế biến thủy sản tại, 3 nhà máy chế biến thịt và cuối năm 2020 đã khánh thành Tổ hợp nhà máy chế biến thịt gà xuất khẩu tại Bình Phước đầu tư hơn 250 triệu USD, công suất tối đa 100 triệu con/năm, quy mô lớn nhất Đông Nam Á… Ngoài những nhà máy hiện hữu, CPV đang đầu tư nhà máy giết mổ và pha lóc thịt heo tại Phú Nghĩa, Hà Nội nhằm giảm bớt khâu trung gian, góp phần giảm giá thịt heo.

Với doanh nghiệp nội, hiện Masan MeatLife (thuộc Masan Group) đang đảm nhận mảng kinh doanh chế biến thịt, với các công ty chủ lực là MNS Farm Nghệ An, MNS Meat Hà Nam và MeatDeli Saigon. Trong đó MNS Meat Hà Nam là tổ hợp chế biến thịt lớn nhất với quy mô trên 10 hecta, công suất 1,4 triệu con/năm, tương đương 140.000 tấn/năm. Ngoài mảng chế biến thịt, Masan MeatLife còn hoạt động chính ở mảng thức ăn chăn nuôi với các đơn vị tiêu biểu là Anco, Proconco và Vissan. Tính đến cuối năm 2020, Masan MeatLife vận hành 13 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi với tổng công suất đạt gần 3,3 triệu tấn/năm.

Về gia cầm, hồi đầu năm nay, De Heus (Hà Lan) – nhà cung ứng thức ăn chăn nuôi hàng đầu thế giới đã cùng các đối tác như Tập đoàn Bel Gà (Bỉ) và Tập đoàn Hùng Nhơn đầu tư xây dựng một khu phức hợp chăn nuôi gà truy xuất nguồn gốc 100% tại tỉnh Tây Ninh. Khu phức hợp trên bao gồm một trang trại giống có công suất 1 triệu gà con 1 ngày tuổi/tuần, hai trang trại gà bố mẹ với tổng cộng suất 25 triệu trứng/năm. Ngoài ra, nơi này còn có 250 trang trại sản xuất gà thịt với tổng công suất 25 triệu con gà thịt/năm và một nhà máy chế biến thực phẩm.

Tập đoàn Thaifoods (Thái Lan) cũng đầu tư 23 triệu USD vào các trang trại chăn nuôi gà và một trại sản xuất giống ở nước ta với quy mô 800.000 gà con/tuần vào năm tới. Thaifoods còn có kế hoạch xây dựng một lò giết mổ và một nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi.

Trong các nghiên cứu gần đây, để đáp ứng nhu cầu lương thực cho con người, sản lượng nông nghiệp phải tăng 60% vào năm 2030. Để đáp ứng được điều đó, các DN phải bám theo các xu hướng chuyển đổi số trong nông nghiệp. Chỉ có công nghệ mới là nguồn lực bền vững và có khả năng mở rộng giúp nông nghiệp đạt tầm cao mới.

Nhiều năm nay, DN Minh Phú đã tự nghiên cứu, phát triển và thử nghiệm thành công mô hình nuôi tôm công nghệ cao 2-N-4, từ đó đưa vào vận hành hiệu quả tại 2 vùng nuôi với 900 ha; đồng thời đẩy mạnh hợp tác với một số viện nghiên cứu trong và ngoài nước để hiện đại hóa công nghệ nuôi tôm.

Trong chia sẻ gần đây, ông Lê Văn Quang – Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú cho biết, Minh Phú đã xây dựng kế hoạch về một chuỗi giá trị tôm thông minh xanh sạch, hữu cơ tuần hoàn và cân bằng carbon. Cụ thể:

Ông Nguyễn Công Cẩn – Phó Tổng giám đốc Kỹ thuật Tập đoàn Việt Úc chia sẻ, để có thể triển khai chuỗi giá trị khép kín – từ tôm bố mẹ, tôm giống, thức ăn, tôm thương phẩm đến chế biến thì mỗi phân khúc đều cần ứng dụng các công nghệ vượt trội.

Còn đối vớ CPV, theo ông Montri Suwanposri, sau 27 năm đầu tư vào Việt Nam, CPV đã và đang thực hiện quy trình sản xuất kinh doanh (chăn nuôi, trồng trọt, sản xuất, chế biến thực phẩm) theo quy trình khép kín, truy xuất nguồn gốc hiện đại theo mô hình kinh tế tuần hoàn. Cụ thể, tại C.P có các dự án về giảm thiểu rác thải nhựa, tăng lượng cây xanh, đưa các nhà máy của CPV ngày càng xanh, sạch, đẹp.

Ông Montri Suwanposri
Tổng giám đốc Công ty CP chăn nuôi C.P. Việt Nam

“Nhà máy xanh là tiêu chí quan trọng trong mỗi dự án mà C.P. đã xây dựng. Chính vì thế các nhà máy, khu chuồng trại chăn nuôi đều được xây dựng theo hướng thân thiện môi trường. Các nhà máy của chúng tôi đều áp dụng tiêu chuẩn quản lý môi trường ISO và các tiêu chuẩn, quy định về xử lý nước thải, chất thải được đầu tư đồng bộ, hiện đại. Đặc biệt, trong xây dựng nhà máy, chuồng trại CPV ưu tiên chọn các vật liệu nhẹ có thể tái chế và có hiệu suất cao”

Trong khi đó, với Masan MeatLife, các dây chuyền chế biến thịt của doanh nghiệp này được Marel – công ty hàng đầu thế giới về thiết bị chế biến thịt của Hà Lan cung cấp, ứng dụng tự động hóa với 3 robot trong hệ thống. Nhà máy được vận hành theo tiêu chuẩn BRC – tiêu chuẩn hàng đầu thế giới về An toàn Thực phẩm, đạt chứng chỉ HACCP và do chính các chuyên gia giàu kinh nghiệm của EU trực tiếp vận hành, giám sát và kiểm nghiệm. Đồng thời, thịt mát MEATDeli đáp ứng Tiêu chuẩn quốc gia (TCVN 12429:2018) về Thịt mát do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất và Bộ Khoa học Công nghệ công bố.


Bình luận


Bài viết liên quan