Điều chỉnh kịp thời cơ cấu sản phẩm, giảm mức sử dụng lao động, giảm thiểu tác động đến môi trường, nguồn nước… là những định hướng trong hành trình hướng tới phát triển bền vững và chuyển đổi từ khái niệm “sản xuất tại Việt Nam – made in Vietnam” sang “sản xuất bền vững tại Việt Nam – sustainably made in Vietnam” cho ngành dệt may Việt Nam.
Theo ông Vũ Đức Giang, chủ tịch Hiệp hội dệt may Việt Nam (VITAS) thì hiện Việt Nam có hơn 6.000 nhà máy sản xuất, giải quyết khoảng 3 triệu việc làm trên cả nước và đóng góp khoảng 15% GDP. Tuy nhiên, do phát triển nhanh trong khi công nghệ chưa bắt kịp với thế giới đã khiến ngành bộc lộ nhiều điểm yếu như: năng suất thấp, mẫu mã chưa đa dạng… Trong khi đó, nhu cầu về các sản phẩm dệt may ngày càng đa dạng hơn, công nghệ chính xác cao, cạnh tranh thị trường ngày càng khốc liệt, căng thẳng về nguồn lao động, chi phí gia tăng. Nếu các doanh nghiệp điều chỉnh kịp thời được cơ cấu sản phẩm, giảm mức sử dụng lao động, giảm thiểu tác động đến môi trường, nguồn nước… sẽ là lợi thế cạnh tranh cho ngành dệt may Việt Nam.
Trên thực tế, dệt may là một trong những ngành công nghiệp có nhu cầu sử dụng nhiều nước, đặc biệt là trong công đoạn xử lý vải, nhuộm. Song, ngành cũng là nguồn gây nhiễm bẩn môi trường nước từ việc xả thải trong quá trình sản xuất. Theo Ủy ban Kinh tế Liên hợp quốc tại châu Âu (UNECE), để sản xuất 1 chiếc áo cotton, người ta phải sử dụng tới 2,7 m3 nước sạch và 150 gram hóa chất. Để làm ra các sản phẩm thời trang, nhiều công ty trên thế giới đã đầu tư vào các nhà máy dệt, nhuộm. Chỉ tính riêng ở Việt Nam, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) đã rót gần 5 nghìn tỷ đồng vào dệt sợi, nhuộm và hạ tầng. Các nhà máy dệt, nhuộm sử dụng rất nhiều loại hóa chất như axit, dung môi hữu cơ kiềm tính, thuốc nhuộm và chất màu, các hoạt chất bề mặt.
Dù nhận thức được những tồn tại mà ngành này đang gặp phải nhưng việc đầu tư cho quá trình xử lý nước thải của các doanh nghiệp vẫn còn hạn chế, các nhà máy – khu công nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc đáp ứng tiêu chuẩn quốc gia về xả thải nước do nhiều nguyên nhân khác nhau như không đủ nguồn tài chính đầu tư cho các thiết bị công nghệ xử lý nước thải… Thêm vào đó, chất lượng nước ngầm kém có thể làm gián đoạn hoạt động sản xuất của các nhà máy dệt may hoặc buộc họ phải chuyển sang sử dụng các nguồn nước khác.
Bà Phạm Ngọc Linh, đại diện Công ty Tư vấn MCG – đơn vị tư vấn cho WWF Việt Nam – cho biết, từ năm 2004, đã có một số dự án về môi trường và bảo vệ nguồn nước tại Việt Nam được Ngân hàng Thế giới (WB) và Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ triển khai. Bên cạnh đó, nhận thức được tầm quan trọng của việc bảo vệ tài nguyên nước, các nhãn hàng trong ngành may mặc đã cùng tham gia tài trợ nhằm hỗ trợ nâng cấp cải thiện thiết bị trong ngành dệt may để sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Đặc biệt, các nhà máy tại Việt Nam còn được nhiều nhãn hàng quốc tế như Nike, Gap, Adidas… hỗ trợ nâng cấp cải tiến thiết bị.
Tuy nhiên, theo bà Linh, những tác động của các dự án này đến chuỗi giá trị ngành dệt may chưa nhiều. Nguyên nhân là do các dự án thường tập trung vào các doanh nghiệp lớn cấp 1, cấp 2 liên quan đến đầu tư nước ngoài, vẫn còn rất nhiều doanh nghiệp vừa, siêu nhỏ hay các khu công nghiệp chưa có nhà tài trợ vươn tới cấp độ này. Đơn cử như ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long hiện có hơn 130 doanh nghiệp dệt nhuộm cỡ nhỏ cấp 3-4 (thường là vệ tinh của doanh nghiệp cấp 1). Các doanh nghiệp này chưa thực sự được tác động hỗ trợ về tiết kiệm điện và nước, trong khi đó họ lại là những doanh nghiệp xả thải trực tiếp. Đây là mảng tiềm năng để hỗ trợ hiệu quả trong thời gian tới.
Một vấn đề khá quan trọng trong quá trình đầu tư cho xử lý “xanh hóa ngành dệt may” chính là nguồn tài chính. Các chuyên gia đã chỉ ra vấn đề này không phải doanh nghiệp nào cũng giải quyết được để sẵn sàng thực hiện đúng lộ trình. Đặc biệt, vấn đề tài chính không chỉ tồn tại ở cấp độ nhà xưởng mà còn cả ở cấp độ khu công nghiệp. Vì thế, ông Vũ Đức Giang nhấn mạnh rất cần nhà nước xây dựng các khu công nghiệp có xử lý nước thải, phải kêu gọi đầu tư nhà máy về sợi – dệt – nhuộm hoàn tất để giúp ngành dệt may đủ sức cạnh tranh.
Sợi Thế Kỷ (STK) có thể được coi là một hình mẫu thành công về phát triển bền vững để các doanh nghiệp trong ngành tham khảo. Công ty này ngay từ ngày đầu xây dựng nhà máy đã đầu tư hàng chục tỷ đồng cho công tác bảo vệ môi trường, thực hiện các báo cáo nghiên cứu tác động môi trường, đầu tư hệ thống xử lý nước thải, kho cất để lưu giữ tạm thời chất thải nguy hại và có hệ thống hút hơi dầu để xử lý bụi và khí thải, hệ thống phòng cháy chữa cháy, thiết bị phòng ngừa ứng phó với sự cố môi trường. Chương trình tiết kiệm năng lượng cũng được lên kế hoạch bài bản: định kỳ 3 năm một lần, công ty thực hiện việc kiểm toán năng lượng và lên kế hoạch cải tiến để tiết kiệm năng lượng; liên tục thực hiện các quy trình cải tiến chất lượng (PDCA) trong khu vực sản xuất, văn phòng để tiết kiệm nguồn tài nguyên năng lượng, nước; sử dụng hệ thống khí tuần hoàn cho nhà máy (air close system)…
Cùng với phát triển bền vững, các dây chuyền sản xuất của nhà máy được hiện đại hoá ngay từ đầu theo hướng tự động hoá, tăng năng suất. Kết quả sản phẩm của công ty này đã vào được những thị trường khó tính như Nhật Bản hay bán được cho những thương hiệu lớn như Nike. Cụ thể, năm 2018 STK ước tính đạt doanh thu 2.400 tỷ đồng với lợi nhuận ròng sau thuế 175 tỷ, tăng 76,5% so với năm trước và vượt kế hoạch lợi nhuận 31,1%. Giá trị tăng thêm cho cổ đông khi giá cổ phiếu của STK đã tăng 40% trong vòng 1 năm qua ( từ 14.000đ/cp thời điểm đầu 2018 lên trên 20.000đ/cp mức hiện tại). Giá trị vốn hoá tăng đã giúp công ty này phát hành cổ phiếu tăng vốn thành công để đầu tư mở rộng nhà máy ở Trảng Bàng, Tây Ninh.
Được biết công ty này còn đang lên kế hoạch xây dựng một nhà máy mới hiện đại để sản xuất hạt nhựa từ dầu mỏ cung ứng cho các nhà máy hiện nay.
Bình luận