DOANH NGHIỆP VIỆT VÀ BÀI TOÁN PHẢI THAY ĐỔI TRƯỚC CƠ HỘI TỪ CÁC FTA

DOANH NGHIỆP VIỆT VÀ BÀI TOÁN PHẢI THAY ĐỔI TRƯỚC CƠ HỘI TỪ CÁC FTA

Mặc dù trong 7 tháng đầu năm 2019 Việt Nam xuất khẩu đạt 145,13 tỷ USD, tăng 7,5% so với cùng kỳ năm 2018 nhưng các ngành hàng chủ lực bao gồm: dệt may, nông thủy sản lại có dấu hiệu chững lại do biến động của thị trường cũng như các rào cản thương mại khác. Trong bối cảnh đó, cộng đồng doanh nghiệp (DN) rất trông chờ vào việc thực thi các Hiệp định thương mại (FTA) để hưởng thuế quan và các ưu đãi khác để gia tăng xuất khẩu.

Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy, tính chung 7 tháng đầu năm 2019, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đạt khoảng 145,13 tỷ USD, tăng 7,5% so với cùng kỳ năm 2018 (cùng kỳ tăng 15,3%). Trong đó, hàng dệt may đạt 18,3 tỷ USD, tăng 10,5% (cùng kỳ tăng 16,2%); nông – lâm – thủy sản đạt 23,03 tỷ USD, tăng 2% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 7,8%),…

Những con số trên cho thấy, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam nói chung và các mặt hàng như dệt may, nông thủy sản nói riêng đã bắt đầu chịu tác động của chiến tranh thương mại Mỹ – Trung và các rào cản bảo hộ mậu dịch từ các thị trường. Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội dệt may Việt Nam thẳng thắn thừa nhận rằng, trong nửa đầu năm nay ngành dệt may xuất khẩu đi Trung Quốc cực kỳ khó khăn và mặt hàng sợi thậm chí không xuất được gì qua thị trường này. Tương tự, ngành thủy sản cũng phải đối mặt với những vấn đề liên quan tới việc thị trường Trung Quốc thay đổi chính sách nhập khẩu, áp lực của chống bán phá giá cá tra tại Mỹ, cũng như Hội đồng châu Âu (EC) chưa gỡ bỏ thẻ vàng cho hải sản của Việt Nam.

Theo Bộ Công Thương, trong bối cảnh tình hình thế giới đang diễn biến ngày càng phức tạp trực tiếp đe dọa đến khả năng thâm nhập thị trường của hàng hóa Việt Nam thì việc ký kết các FTA thế hệ mới được đánh giá sẽ góp phần tăng cường lợi thế, giúp hàng hóa của Việt Nam có sức cạnh tranh hơn. Với việc ký kết tham gia Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) cuối tháng 6 vừa qua thì hiện Việt Nam là một trong những nước tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do nhất thế giới với 16 FTA. Trong đó, 10 FTA đang có hiệu lực, 2 FTA đã ký kết chưa có hiệu lực, 1 FTA đã kết thúc đàm phán và 3 FTA đang trong quá trình đàm phán.

Trong số các FTA kể trên, CPTPP là FTA quan trọng nhất trong hơn hai thập kỷ qua, thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực châu Á – Thái Bình Dương, với 11 quốc gia, chiếm 11,5% tổng kim ngạch toàn cầu. CPTTP với nhiều cam kết trong cắt giảm thuế quan, nguồn gốc xuất xứ, SPS (Hiệp định về áp dụng các biện pháp kiểm dịch động thực vật) và TBT (Hiệp định về rào cản kỹ thuật trong thương mại) cũng như cam kết đầu tư, sở hữu trí tuệ và các cam kết khác.

Đối với EVFTA, được khẳng định là Hiệp định toàn diện bao trùm ở tất cả các vấn đề thương mại, thuế, rào cản kỹ thuật,… và đảm bảo lợi ích của các bên tham gia. Khi Hiệp định dự kiến có hiệu lực vào đầu năm 2020, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sau 7 năm.

Bà Nguyễn Sơn Trà, Phó Trưởng phòng WTO và đàm phán thương mại, Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) – cho biết: Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như dệt may, thủy sản, gỗ,… sẽ được giảm thuế ngay khi EVFTA có hiệu lực dự kiến vào đầu năm 2020. Chẳng hạn với thủy sản, ngay khi Hiệp định có hiệu lực sẽ có gần 50% số dòng thuế đang có thuế suất cơ sở 0 – 22%, trong đó phần lớn thuế cao từ 6 – 22%, sẽ được giảm về 0%. Đây sẽ là lợi thế rất lớn cho các DN gia tăng xuất khẩu.

Ông Hoàng Quốc Vượng, Thứ trưởng Bộ Công Thương nhìn nhận, EVFTA sẽ tạo điều kiện cho Việt Nam xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, minh bạch hơn, qua đó giúp DN nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Tuy nhiên khi EU mở cửa thị trường cho DN Việt Nam cũng đồng nghĩa với việc Việt Nam phải mở cửa cho DN EU. Như vậy, sẽ có nhiều DN vào làm ăn kinh doanh tại Việt Nam, tạo môi trường cạnh tranh hơn cho DN Việt Nam.

Theo giới chuyên gia, thuận lợi mà các FTA, đặc biệt là CPTPP và EVFTA mang lại cho DN là rất lớn. DN không chỉ được hưởng mức thuế suất về 0% mà ngay cả việc nhập khẩu máy móc, nguyên phụ liệu trong nội khối của các nước thành viên tham gia FTA cũng ở mức 0%. Đây là cơ hội giúp DN kiện toàn hoạt động sản xuất, đáp ứng các tiêu chuẩn về quy tắc xuất xứ và nâng cao chất lượng sản phẩm, gia tăng giá trị trên thị trường.

Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) khẳng định: Ngoài những lợi ích cơ bản là thuế xuất nhập khẩu, tham gia các FTA thế hệ mới như CPTPP và EVFTA, thủy sản Việt Nam sẽ có cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu, tăng khả năng cạnh tranh so với đối thủ chưa có FTA với các đối tác (Ấn Độ, Thái Lan); đa dạng hóa nguồn cung nguyên liệu từ các nước nội khối; thu hút đầu tư nước ngoài, nâng cao công nghệ sản xuất và chất lượng sản phẩm, tham gia chuỗi cung ứng khu vực nhờ sự dịch chuyển đầu tư của các tập đoàn đa quốc gia,…

Còn theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, tất cả các Hiệp định đều mang đến những cơ hội lớn nhưng thách thức luôn song hành. Đó là an toàn về sản phẩm, về môi trường, dân sinh, lao động,… Bởi đây là những thị trường rất khó tính, đòi hỏi chất lượng cao, nhất là yêu cầu bảo đảm các vấn đề trên trong quá trình sử dụng sản phẩm. Chẳng hạn với EVFTA, DN khi xuất khẩu sang EU sẽ phải tham gia vào một sân chơi với những điều luật minh bạch hơn, đòi hỏi DN phải tư duy hơn, sáng tạo hơn để có thể tìm kiếm các cơ hội hợp tác, đưa sản phẩm mang thương hiệu Việt vào EU.

Dù cơ hội là rất lớn nhưng bà Miriam Garcia Ferrer cũng chỉ ra rằng: Để hưởng các lợi thế về thuế quan cũng như gia tăng xuất khẩu, các DN của Việt Nam phải nâng cao chất lượng và đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn của thị trường theo cam kết FTA.

Ông Jean Jacques Bouflet, Phó Chủ tịch EuroCham Việt Nam cũng cảnh báo qui tắc xuất xứ hàng hóa sẽ chỉ áp dụng với các sản phẩm có nguồn gốc Việt Nam nên DN sẽ phải coi từng trường hợp cụ thể để được giảm thuế.

Ông Trần Đình Luân, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục thủy sản (Bộ NN&PTNT) – cho biết: Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo các ngành sản xuất cùng với các Hiệp hội phải phối hợp tổ chức các hội thảo, hội nghị để tìm hiểu sâu hơn nữa về CPTPP và EVFTA. Khi hiểu hết về các Hiệp định mới giúp ngành có định hướng, chiến lược phát triển, còn DN cũng sẽ có giải pháp tiếp cận thị trường hiệu quả hơn.

Với kinh nghiệm xuất khẩu đi nhiều thị trường khó tính, bà Nguyễn Ngô Vi Tâm, Tổng Giám đốc Công ty CP Vĩnh Hoàn – khẳng định: Yêu cầu của thị trường là động lực để DN thay đổi và Vĩnh Hoàn không coi tiêu chuẩn là rào cản mà là mục tiêu để vượt qua. Theo đó, Vĩnh Hoàn đã chủ động được 50% nguyên liệu chế biến và liên kết với các hộ nuôi để có nguyên liệu đạt tiêu chuẩn của chuỗi sản xuất, đáp ứng tiêu chuẩn của các thị trường.


Bình luận


Đăng bình luận

Bài viết liên quan