HÀNH TRÌNH 4P GHI TÊN VÀO DANH SÁCH NHÀ CUNG ỨNG CỦA BIG-TECH

HÀNH TRÌNH 4P GHI TÊN VÀO DANH SÁCH NHÀ CUNG ỨNG CỦA BIG-TECH

Hơn hai mươi năm trôi qua kể từ ngày đầu tiên thành lập tại Hưng Yên, công ty 4P phát triển từ một xưởng sản xuất nhỏ với 50 nhân viên trở thành một công ty lớn với hàng trăm nhân viên. 4P là một trong những nhà cung ứng Việt Nam hợp tác với nhiều thương hiệu lớn trong ngành điện tử trên thế giới như LG, Canon, General Electric.

4P có một khởi đầu tương đối thuận lợi hơn mặt bằng chung bởi lẽ ông Trí từng đảm nhận vị trí Phó tổng giám đốc của LG Electronics – công ty Điện tử LG trong vòng một thập kỷ, nhờ đó, ông Trí hiểu được nhu cầu và các yêu cầu khắt khe về chất lượng sản phẩm mà LG tìm kiếm ở một nhà cung ứng.

Nhìn thấy cơ hội, ông Trí quyết định đầu tư để thành lập 4P từ năm 2001 – khoảng thời gian Việt Nam đang đón làn sóng FDI thứ 3, nguồn vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài đổ mạnh mẽ vào các ngành công nghiệp chế biến như dệt may, da giày, dệt…. Người sáng lập 4P chia sẻ về quan điểm đầu tư của mình, đó là nếu có một đồng, hãy đầu tư vào những thứ tốt nhất với một đồng, hay diễn giải rõ hơn là đừng chạy theo số lượng, mà phải tập trung cho chất lượng. Ngành công nghiệp lắp ráp không đơn thuần như người ta vẫn nghĩ, chỉ cần dùng tay ghép các chi tiết có sẵn với nhau là được.

Có nền tảng là sự hiểu biết về những yêu cầu khắt khe từ các khách hàng lớn, ông Trí định hướng 4P sẽ chỉ tập trung đầu tư vào một số công đoạn và công nghệ sản xuất nhất định để làm nền tảng, từ đó bắt đầu tham gia vào chuỗi cung ứng. Ở thời điểm làn sóng FDI thứ ba vừa vào Việt Nam, lựa chọn đầu tư để phục vụ các sản phẩm công nghệ cao được xem là mạo hiểm. Tuy nhiên, sau hơn hai thập kỷ, những thành tựu 4P đạt được đã chứng minh họ có lựa chọn khôn ngoan.

Sau khi lựa chọn công đoạn sản xuất để đầu tư, công ty 4P đưa ra một số mục tiêu để hướng tới: Sản xuất, lắp ráp các sản phẩm công nghệ cao, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, liên tục đổi mới … Tại khu công nghiệp Tràng Duệ, Hải Phòng, nơi tổ hợp công nghệ của LG Electronics toạ lạc, 4P là doanh nghiệp Việt Nam duy nhất tham gia rất sâu vào chuỗi sản xuất, là một trong những mắt xích quan trọng của tổ hợp này.

Trong một lần xuất hiện tại sự kiện“Đón nhận làn sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng ngành điện tử”, được đồng tổ chức bởi NS BlueScope Việt Nam và Thời báo Kinh Tế Sài Gòn, ông Trí từng chia sẻ về mô hình vòng tròn khép kín, bao gồm 5 yếu tố: Tiêu chuẩn hoá, chất lượng tốt, giá thành cạnh tranh, giao hàng đúng hạn và đảm bảo dịch vụ tốt. Đây là 5 trụ cột quan trọng đã tạo nên thành công của 4P nói riêng, và có thể xem là một công thức để các doanh nghiệp Việt tham khảo, từ đó bước thêm 1 bước vào sâu hơn trong chuỗi cung ứng vốn rất cạnh tranh.

Phân tích sâu hơn, có thể chia yếu tố đầu tiên – Tiêu chuẩn hoá thành 3 trụ cột khác: quản trị con người, chất lượng sản phẩm và quá trình sản xuất. Đề cập tới tiêu chuẩn, không thể không nhắc tới các hệ thống công nghệ thông tin đứng sau, ví dụ như ISO, 5S hay 6 Sixgma, đây là những công cụ hỗ trợ nhà quản lý nâng cao năng lực quản trị của công ty, sau đó là tới bước kiểm soát tốt được chi phí và chất lượng sản phẩm.

Sau khi đã có hệ thống tiêu chuẩn là lúc tập trung vào nâng cao chất lượng sản phẩm thông qua triển khai những hệ thống quản lý thông minh, và không ngừng đầu tư công nghệ. Hai yếu tố tiếp theo gần như đứng đầu trong các mối quan tâm của những thượng đế – người mua hàng, đó là giá thành cạnh tranh và uy tín của nhà cung ứng, thể hiện qua việc đảm bảo giao hàng đúng hạn. Và cuối cùng, khi đã xây dựng được sự tin tưởng với khách hàng bởi sản phẩm tốt, giá thành cạnh tranh, đội ngũ công ty lành nghề là lúc đội ngũ chăm sóc khách hàng vào cuộc. Duy trì quan hệ chặt chẽ, kết nối và đảm bảo dịch vụ tốt sẽ là miếng ghép cuối cùng đưa những nhà cung ứng Việt Nam đặt chân vào danh sách nhà cung ứng của các tập đoàn điện tử lớn.

Ông Tuấn Anh cũng thừa nhận một thực tế, các doanh nghiệp ngành điện tử Việt Nam đang ở công đoạn lắp ráp trong chuỗi sản xuất sản phẩm điện tử. Điều này đồng nghĩa, năng lực của nhóm doanh nghiệp nội địa chưa thể đáp ứng được nhu cầu ngày một tăng của thị trường. Một trong những lý do là do các sản phẩm điện tử có tuổi thọ tương đối ngắn, thường xuyên cần cập nhật tính năng và mẫu mã, nhưng không phải doanh nghiệp nội địa nào cũng đủ nguồn lực để đầu tư vào công tác nghiên cứu phát triển sản phẩm mới và phát triển thương hiệu.

Từ góc độ doanh nghiệp nước ngoài, ông Liêu Vân Hán – chủ tịch Liên hội Công nghiệp điện tử Đài Loan tại Việt Nam đề xuất chính phủ Việt Nam nên đưa ra các chính sách hỗ trợ phù hợp và sát sao hơn với từng doanh nghiệp, bởi nhu cầu của mỗi doanh nghiệp là khác nhau, nên họ cần các chính sách khác biệt.

Là một nhà đầu tư theo sát thực tiễn, người sáng lập 4P Hoàng Minh Trí chia sẻ quan điểm, trước khi dựa vào chính sách của nhà nước, doanh nghiệp nên tự thân nỗ lực trước. Dù chính phủ đã có nhiều chính sách giúp doanh nghiệp hoạt động và phát triển, nhưng chính sách thường đi sau thực tiễn. Ngoài ra, các vấn đề vướng mắc phát sinh ở bộ, ngành, địa phương khó có thể giải quyết một sớm một chiều. Điều quan trọng nhất mà doanh nghiệp nên nắm rõ là xác định mục tiêu, công đoạn dự kiến thực hiện, từ đó chi trả khoản chi phí để đào tạo nhân lực, xây dựng hệ thống quản lý chất lượng để nâng cao năng lực cạnh tranh.


Bình luận


Bài viết liên quan