Ông đánh giá thế nào về khả năng hồi phục của ngành dệt may trong 3 tháng cuối năm 2021?
Ông Đức Giang: Theo số liệu thống kê chúng tôi có được, trong 9 tháng đầu năm nay toàn ngành dệt may đã xuất khẩu khoảng 29 tỷ USD, tăng 13% so với cùng kỳ. Nhìn chung năm 2021 số lượng đơn hàng và giá tốt hơn so với 2020 nhưng ngược lại ngành bị áp lực đóng cửa nhà máy do dịch bệnh kéo dài. Trong đó, khu vực miền Nam đóng cửa 4 tháng, miền Trung 2 tháng và miền Bắc 2 tháng... Điều này dẫn tới việc thâm hụt sản xuất lớn và nhiều đối tác đã chuyển đơn hàng sang thị trường khác để đáp ứng sức ép giao hàng của hệ thống bán lẻ cũng như tính mùa vụ của thời trang.
Mặc dù vậy, nếu tính lượng đơn hàng của toàn ngành đến cuối năm nay vẫn tương đối đầy đủ. Thậm chí đến thời điểm hiện nay có doanh nghiệp đã ký được đơn hàng đến tháng 5, tháng 6 năm 2022.
Mặt khác, để có thể phục hồi được trong 3 tháng còn lại của năm 2021 thì các địa phương cần cải thiện được vấn đề thông thương, có chính sách nhất quán trong kiểm soát dịch bệnh và phát triển kinh tế.
Xin ông nói rõ hơn về việc nhất quán trong chính sách kiểm soát dịch bệnh để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ?
Ông Đức Giang: Hiện không chỉ riêng ngành dệt may mà các ngành khác đều đang khó khăn do ách tắc trong kiểm soát giao thông giữa các địa phương, gây đứt gãy chuỗi cung ứng cũng như việc đi lại cho các chuyên gia, chủ doanh nghiệp. Chẳng hạn ở TP. Hồ Chí Minh, hầu hết doanh nghiệp đều có nhà máy đặt tại các địa phương lân cận như Bình Dương, Long An…nên cần phải thông thương giữa các tỉnh. Vì thế chúng tôi đang kiến nghị Chính phủ giao chỉ tiêu kiểm soát dịch bệnh gắn với phát triển kinh tế cho các địa phương theo hướng xuyên suốt.
Cụ thể Bộ Y tế cần phải đẩy nhanh việc phân bổ vắc xin cho các địa phương để họ tiêm cho công nhân và người thân của những đối tượng này. Khi vắc xin được phủ đầy đủ, các địa phương cũng cần mạnh dạn mở cửa thay vì yêu cầu doanh nghiệp thực hiện “3 tại chỗ” như hiện nay.
Nhìn chung, để thực hiện được các chính sách trên, Chính phủ phải đưa ra giải pháp có tính đồng bộ giống nhau để không địa phương nào làm khác. Có như vậy mới tạo được sự xuyên suốt trong vấn đề giao thông cũng như cơ chế cho doanh nghiệp cùng phát triển. Từ đó tạo uy tín và niềm tin cho doanh nghiệp cũng như khách hàng nước ngoài để họ không rút đơn hàng đi.
Ông Đức Giang: Việc người dân từ TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai.. đang về quê là thách thức cực kỳ lớn không chỉ cho doanh nghiệp dệt may. Chúng tôi cho rằng nếu mở cửa trong trạng thái bình thường mới, vừa kiểm soát dịch bệnh vừa sản xuất thì chỉ có khoảng 65% lao động đi làm trở lại vì những lao động đã về quê sẽ khó thuyết phục họ quay lại. Thêm vào đó vẫn còn nhiều lao động chưa tiêm đầy đủ vắc xin cùng với việc mở cửa của các địa phương chưa đồng bộ nên họ không kỳ vọng sẽ kiếm được việc làm. Để ứng phó, nhiều doanh nghiệp đang tính việc tuyển dụng và đào tạo mới, đồng thời đầu tư tự động hóa để giảm sử dụng lao động ở những khâu không cần thiết.
Về phía Hiệp hội, chúng tôi đã đề xuất Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) trình Quốc hội sửa Luật Lao động mới cho thời gian tới.
Nếu làm được điều đó chúng ta mới có thể đạt được các mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong 2022.
Xin cảm ơn ông Vũ Đức Giang
TS. Bùi Tất Thắng, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng cần phải thấy được cơ hội khắc phục điểm hạn chế về mặt bố trí không gian lãnh thổ, trong đó có vấn đề tương quan giữa công nghiệp hóa, hiện đại hóa với đô thị hóa, vốn được đề cập từ lâu. “Sẽ có nhiều việc phải làm, nhưng theo tôi, quan trọng nhất lúc này là sự thống nhất trong thông điệp và thực thi, giữa Trung ương và địa phương trong mọi chính sách, cần phải có những giải pháp tái cơ cấu kinh tế được tiếp cận cụ thể từ góc độ không gian phát triển thiết thực hơn. Khi đó, bên cạnh các mục tiêu đang được đặt ra là tận dụng cơ hội từ xu hướng phục hồi nhanh của các nền kinh tế lớn, thì cải cách cơ cấu, nâng cao sức chống chịu của nền kinh tế cần gắn kết với hỗ trợ việc làm, nâng cao thu nhập bền vững cho người lao động. Với cách này, không chỉ doanh nghiệp, nhà đầu tư mà cả người dânsẽ nhìn thấy cơ hội mới từ các kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế… để từ đó tự nâng cấp, chuẩn hóa mình”.
PGS. TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, chống dịch là nhiệm vụ ưu tiên nhưng vẫn phải thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, tạo động lực cho tăng trưởng. Bởi đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là một nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết, vừa góp phần kích thích tổng cầu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, vừa tạo thêm việc làm và thu nhập, nâng cao đời sống cho người lao động.
TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, cho rằng, nền kinh tế đang cần một Chương trình phục hồi và phát triển ở cấp quốc gia với sự tham gia của cả hệ thống chính trị. Doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế đang bị tác động rất nghiêm trọng, chưa từng có tiền lệ. Nhiều vấn đề rất lớn đang đặt ra, có thể sẽ phải thay đổi một số nội dung trong Kế hoạch Phát triển kinh tế-xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025 đã được thông qua. Vì vậy, cần thành lập Ủy ban Phục hồi, phát triển kinh tế để xây dựng ngay những đạo luật, chính sách cần thiết cho sự phục hồi kinh tế đất nước. Ủy ban sẽ xây dựng và triển khai Chương trình phục hồi kinh tế với mục tiêu thúc đẩy phục hồi kinh tế, sinh kế của người dân và doanh nghiệp, từ đó thúc đẩy tăng trưởng.
Ông Nguyễn Xuân Thành Chuyên gia kinh tế, Trường Chính sách cộng đồng và Quản lý Fulbright cho rằng, "Chính sách để phục hồi kinh tế trong những tháng cuối năm 2021 chỉ dựa vào các gói hỗ trợ có triển khai thì cũng đã quá muộn để có tác dụng trong năm 2021. Kinh tế quý IV phục hồi thì chỉ còn nhờ vào lộ trình mở cửa từng bước. Kiểm soát dịch và quản lý rủi ro bằng cách tuân thủ và giám sát thay vì yêu cầu doanh nghiệp phải xin cấp phép. Đã mở cửa thích ứng an toàn bền vững thì nên xóa bỏ hết các giấy phép để doanh nghiệp trở lại hoạt động, đặc biệt trong lĩnh vực vận tải, logistic”.
Bình luận