Các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA) như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) được nhận định mang lại những cơ hội vô cùng lớn cho ngành dệt may Việt Nam trong việc gia tăng xuất khẩu, mở rộng thị trường. Song các FTA này cũng đặt ra những thách thức buộc ngành dệt may phải thay đổi nhiều mặt trong đó có việc đầu tư cho sản xuất bền vững đáp ứng tiêu chuẩn của thị trường.
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội dệt may Việt Nam (VITAS) cho hay, xuất khẩu của ngành dệt may trong 7 tháng năm 2019 dù tiếp tục tăng trưởng ở mức 10,5% so với cùng kỳ và đạt 18,34 tỷ USD, nhưng mức tăng trưởng này đang chậm lại (cùng kỳ 2018 tăng trưởng trên 16%) bởi ảnh hưởng của chiến tranh thương mại Mỹ – Trung Quốc và chủ nghĩa bảo hộ, chủ nghĩa đơn phương gia tăng ở một số quốc gia.
Dự báo về tình hình xuất khẩu trong các tháng cuối năm, ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội dệt may thêu đan TP. Hồ Chí Minh tỏ ra quan ngại: Tình hình của ngành dệt may trong các tháng cuối năm 2019 rất khó dự đoán vì đang phải đối mặt chiến tranh thương mại làm thị trường sụt xuống và áp lực cạnh tranh về lao động với các ngành khác.
Trong bối cảnh đó, VITAS cho rằng các Hiệp định FTA thế hệ mới như CPTPP và EVFTA rất được doanh nghiệp trông chờ. Bởi CPTPP đã có hiệu lực từ cuối năm 2018 và theo cam kết từ hiệp định này thì các nước thành viên CPTPP như Nhật Bản, Canada, Úc,… đã xóa bỏ 95 – 98% các dòng thuế quan cho sản phẩm dệt may, các dòng thuế còn lại cắt giảm theo lộ trình 5 – 7 năm. Còn với Hiệp định EVFTA mới được ký kết gần đây và dự kiến sẽ có hiệu lực vào đầu năm 2020 cũng được đánh giá mang đến nhiều cơ hội thâm nhập vào thị trường EU cho ngành may Việt Nam.
Lý do EVFTA được trông chờ và đánh giá cao vì theo Bộ Công thương, ngay khi EVFTA chính thức có hiệu lực, dệt may sẽ là ngành hàng được hưởng lợi nhiều nhất. Theo đó, trong vòng 7 năm, mức thuế hiện hành (15%) sẽ được xoá bỏ dần về 0%. Một điều đáng chú ý là nếu như trong CPTPP quy tắc xuất xứ “từ sợi trở đi” được coi là thách thức với hàng dệt may thì tại EVFTA quy tắc này chỉ áp dụng từ vải. Tức là, vải áp dụng cho hàng dệt may xuất khẩu sang EU chỉ cần đáp ứng điều kiện sản xuất tại Việt Nam.
Trong khi hàng dệt may của Việt Nam vẫn đang chịu thuế xuất khẩu vào thị trường EU 16% thì ở thời điểm hiện tại các nước như Malaysia, Bangladesh,… chịu chỉ khoảng 4 – 5% đang có lợi thế hơn Việt Nam. Do đó, khi EVFTA có hiệu lực sẽ giúp ngành dệt may có lợi thế cạnh tranh về thuế hơn nhiều so với trước đây.
Với kinh nghiệm thực tế hội nhập từ các FTA mà Việt Nam đã ký kết, đại diện của VITAS chỉ ra rằng, các Hiệp định FTA đã đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng xuất khẩu dệt may thời gian gần đây. Cụ thể, FTA Việt Nam – Hàn Quốc (VKFTA) có hiệu lực vào năm 2015, thì ngay năm 2016, kim ngạch xuất khẩu dệt may Việt Nam sang Hàn Quốc đạt 2,6 tỷ USD, tăng 9,5% so với năm 2015. Năm 2017, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này đạt 2,9 tỷ USD, tăng 11,8% so với năm trước và năm 2018 đạt 3,3 tỷ USD, tăng 24,9%. Do đó, với hai FTA là CPTPP và EVFTA ngành dệt may hoàn toàn có cơ sở để thúc đẩy tăng trưởng hơn trong giai đoạn tới.
Đánh giá từ giới chuyên môn cho biết, hiện tại ngành dệt may phát triển khá nhanh nhưng vẫn có những điểm yếu nhất định về vấn đề bảo vệ môi trường, tuân thủ quy tắc về nguồn gốc xuất xứ sản phẩm. Do đó, muốn tận dụng được tối đa các ưu đãi thuế quan do các FTA mang lại, một trong những việc các doanh nghiệp Việt Nam cần bắt tay làm ngay là đầu tư nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm, đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn về lao động, môi trường nhằm củng cố tính cạnh tranh của sản phẩm.
Về vấn đề này, ông Vũ Đức Giang cho biết đến nay Việt Nam đã cam kết tham gia thực hiện đầy đủ 17 mục tiêu về phát triển bền vững trong Chương trình nghị sự 2030 toàn cầu; Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu tại COP 21 năm 2015. Chính vì thế, ngành dệt may sẽ không nằm ngoại lệ để thực thi các mục tiêu phát triển bền vững này. Theo kế hoạch năm 2019, ngành dệt may đặt mục tiêu xuất khẩu 40 tỷ USD, đồng thời cam kết tuân thủ thực hiện chương trình xanh hóa ngành dệt may và tiết kiệm nguồn nước. Để làm được, ngành sẽ tiếp tục xây dựng giải pháp về công nghệ và quản trị, xây dựng tầm nhìn trong chiến lược phát triển xu hướng hội nhập, phát triển trên cơ sở đánh giá nội lực của ngành dệt may Việt Nam nói riêng và nền kinh tế nói chung.
Từ phía các doanh nghiệp, ông Phạm Văn Việt – Tổng giám đốc Công ty Việt Thắng Jean chia sẻ, trong ngành sản xuất, xuất khẩu dệt may của Việt Nam hiện nay, việc đầu tư công nghệ cao từ các nước EU được cho là một lợi thế giúp doanh nghiệp tăng khả năng cạnh tranh. So với các sản phẩm truyền thống, chưa được áp dụng công nghệ cao vào sản xuất thì những sản phẩm được làm từ công nghệ của EU khách hàng rất khuyến khích và sẵn sàng chấp nhận giá cao hơn khoảng 30%. Không chỉ có giá trị gia tăng cao, sản phẩm này còn có lợi thế cạnh tranh hơn khi xuất khẩu vào EU bởi các nước trong khối luôn ưu tiên nhập hàng dệt may có công nghệ và nguyên liệu xuất xứ gắn chứng nhận ECO. “Hiện tại chúng tôi đang duy trì xuất khẩu qua EU khoảng 20 triệu USD nhưng sắp tới chúng tôi dự kiến sẽ tăng trưởng ít nhất khoảng 30%”, ông Việt tỏ ra lạc quan.
Ông Phạm Xuân Trình, Tổng giám đốc Tổng Công ty cổ phần Phong Phú cho biết, Phong Phú định hướng thu hẹp lại một số lĩnh vực không phải là thế mạnh để phản ứng nhanh với thị trường, đồng thời lấy chuỗi sản xuất cung ứng “Sợi – Dệt – Nhuộm – May hoàn tất” làm nền tảng, tập trung vào thế mạnh ngành sợi phục vụ cho ngành dệt và chỉ may,… Bên cạnh đó, Phong Phú thực hiện nhiều hoạt động củng cố nội lực thông qua công cụ quản trị nội bộ, đầu tư tự động hóa cao, ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất, thực hiện tiết kiệm chi phí, đầu tư sản xuất gắn liền với môi trường, giao hàng nhanh, giảm phụ thuộc vào lao động,…
Bình luận