Trước diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19, một số nước (bao gồm cả Việt Nam) đang thực thi các biện pháp bảo đảm nguồn cung lương thực trong nước tại thời điểm dịch COVID-19 bùng phát.
Theo đó, những nước vốn có tiềm lực xuất khẩu lương thực như Kazakhstan đã quyết định cấm xuất khẩu lúa mì cùng với một số mặt hàng nông sản khác như cà rốt, đường, khoai tây. Serbia đã ngưng xuất khẩu dầu hướng dương và sản phẩm khác. Gần đây nhất Thủ tướng Campuchia Hun Sen cũng ra lệnh tạm dừng xuất khẩu lúa, gạo ra nước ngoài để đảm bảo nhu cầu trong nước do dịch bệnh…
Trong một diễn biến khác, nhiều nước đang tìm cách chất đầy kho dự trữ chiến lược. Có thể kể tới như Trung Quốc đã cam kết tăng sản lượng mua dự trữ gạo, lúa mì đủ dùng trong một năm. Những nước nhập khẩu lúa mì chủ chốt khác như Algeria và Turkey cũng đã công bố nhiều hợp đồng mua mới, trong khi Maroc lựa chọn giải pháp miễn thuế nhập khẩu lúa mì đến giữa tháng 6…
Và Việt Nam – vốn là một trong những nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, sau khi cân đối cung – cầu, tồn kho tại nội địa, Bộ Công Thương đã kiến nghị Thủ tướng tạm dừng xuất khẩu gạo từ ngày 24/3 để đảm bảo an ninh lương thực. Việc này ngay lập tức đã vấp phải những phản hồi trái chiều của dư luận, buộc Bộ Công Thương ngay trong ngày 24/3 phải gửi kiến nghị hỏa tốc tới Thủ tướng xin cho tiếp tục xuất khẩu gạo để đánh giá lại nguồn cung rồi mới có quyết định cụ thể.
Câu chuyện xuất, cấm xuất, rồi đề xuất tạm dừng thực hiện cấm xuất khẩu gạo xảy ra chỉ trong vòng 1 – 2 ngày khiến người dân thì lo lắng, sợ thiếu gạo khi dịch bệnh kéo dài, còn nông dân, DN và cả ngân hàng cho vay đang như ngồi trên “đống lửa” vì không biết có tiêu thụ được lúa gạo, có được xuất khẩu và ngân hàng có thu hồi được nợ hay không?Vậy bản chất của câu chuyện này là gì?
Ở khía cạnh những người sản xuất lúa, DN xuất khẩu cũng như các chuyên gia nông nghiệp nhìn nhận “Việt Nam hoàn toàn đủ khả năng vừa cung ứng lúa gạo cho 100 triệu dân, vừa xuất khẩu được 6 – 7 triệu tấn gạo/năm”. Vì theo thống kê của ngành nông nghiệp, mỗi năm Việt Nam sản xuất 40 – 43 triệu tấn lúa, tức hơn 20 triệu tấn gạo. Vụ Đông – Xuân năm nay, dù hạn mặn xâm nhập các tỉnh ĐBSCL nhưng do có sự chuẩn bị từ trước nên ảnh hưởng từ hạn mặn không đáng kể, lúa vẫn được mùa.
Về lượng tồn kho, theo số liệu của Hiệp hội Lương thực Việt Nam và các thương nhân báo cáo tại buổi làm việc ngày 26/3 với đoàn kiểm tra liên ngành do Bộ Công Thương chủ trì, tổng lượng tồn kho đạt 1.574.139 tấn gạo các loại. Trong đó, lượng gạo tồn kho trong hội viên là 1.507.363 tấn, lượng gạo tồn kho ngoài hội viên là 66.776 tấn.
Ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch của Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) phân tích: Hiện chỉ có gạo xuất khẩu được với giá tốt (khoảng 475 USD/tấn) có lợi cho cả người nông dân lẫn DN. Còn các mặt hàng nông sản khác xuất khẩu rất chậm vì dịch bệnh và các chính sách phong tỏa biên giới của các nước. Từ đó, ông Nam cho rằng, Việt Nam vẫn nên cho xuất khẩu gạo sau khi đã dự trữ lương thực với số lượng cần thiết.
Theo GS Võ Tòng xuân, trong vụ Đông – Xuân vừa qua Việt Nam sản xuất được khoảng 5,5 triệu tấn gạo. Trong khi đó chỉ cần khoảng 1,5 triệu tấn đã đủ cung cấp cho thị trường trong nước trong khoảng 3 tháng tới. Điều đó đồng nghĩa Việt Nam vẫn dư thừa khoảng 4 triệu tấn để xuất khẩu. Chưa kể, chỉ còn hai tháng nữa vụ lúa Hè – Thu sẽ bắt đầu vào vụ thu hoạch. Sản lượng dự tính trong vụ này trên 5 triệu tấn, và nếu dùng 3 triệu tấn để dự trữ đến hết năm thì vẫn dư ra khoảng 2 triệu tấn để xuất khẩu.
Từ những đề xuất, tính toán của DN, sự vào cuộc liên ngành kiểm tra theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương mới đây đã kiến nghị: Sẽ tiếp tục cho xuất gạo nhưng việc xuất khẩu phải kiểm soát chặt số lượng theo từng tháng. Trước mắt là tháng 4 và tháng 5/2020 sẽ cho xuất vào khoảng 800.000 tấn, giảm 40% so với cùng kỳ năm 2019.
Trong cuộc họp Thường trực Chính phủ chiều 31/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo Bộ Công Thương phải có văn bản chính thức (có ý kiến của một số bộ liên quan, như: Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Tài chính…) báo cáo Thủ tướng Chính phủ về vấn đề xuất khẩu gạo trước ngày 5/4/2020. Thủ tướng nhấn mạnh rằng, phải bảo đảm dư lương thực cho 100 triệu dân, đảm bảo nguồn dự trữ và thực hiện các nhiệm vụ khác, như: hỗ trợ gạo để trồng rừng, hỗ trợ học sinh miền núi…
Trong những tình huống đặc biệt của đất nước, điều cần nhận thấy là câu chuyện an ninh lương thực lâu nay được mặc định là ăn gạo, nhưng lương thực không chỉ có gạo, còn gồm các cây lương thực, thực phẩm khác và phải được nhìn ở góc độ dinh dưỡng. Đảm bảo an ninh lương thực là mục tiêu chính trị – xã hội được đặt lên hàng đầu nhưng bên cạnh đó vẫn phải đảm bảo mục tiêu kinh tế, sinh kế cho nông dân. “Không thể để nông dân như những chiến sĩ tuyến đầu đảm bảo an ninh lương thực mà mãi chịu thiệt” – TS Trần Hữu Hiệp, Chuyên gia nông nghiệp Vùng ĐBSCL bày tỏ quan điểm.
Bình luận