THÁO RÀO CẢN ĐỂ ĐÓN SÓNG ĐẦU TƯ MỚI SAU DỊCH

THÁO RÀO CẢN ĐỂ ĐÓN SÓNG ĐẦU TƯ MỚI SAU DỊCH

Dịch COVID-19 đang mở ra bước ngoặt mới cho thu hút đầu tư nước ngoài cả trực tiếp (FDI) và gián tiếp (FII) vào Việt Nam. Với mục đích giảm thiểu sự đứt gãy trong chuỗi cung ứng, tránh sự phụ thuộc quá nhiều vào một quốc gia, thời gian qua rất nhiều doanh nghiệp (DN) của Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… đã lên phương án dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam.

Theo giới chuyên gia, việc Việt Nam ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do đa phương, song phương và gần đây nhất là Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư Việt Nam – EU (EVIPA) đang mở ra những cơ hội lớn trong cả xuất khẩu lẫn thu hút đầu tư.

Phân tích của Công ty CP Chứng khoán SSI cho thấy, trong 4 tháng đầu năm 2020, dòng vốn FDI vào khu công nghiệp tại Việt Nam đã có những tín hiệu khởi sắc với tổng vốn đăng ký cấp mới và vốn tăng thêm đạt 9,8 tỷ USD, tăng 32% so với cùng kỳ. Đáng mừng hơn, các DN lớn như Pegatron (Đài Loan), Amazon (Mỹ) và Home Depot (Mỹ) bắt đầu có hoạt động tuyển dụng và tìm kiếm chuỗi cung ứng.

Các chuyên gia SSI đánh giá, so sánh với Indonesia – nước cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam trong thu hút FDI thì rõ ràng chúng ta có lợi thế hơn, vì:

  • Ở gần Trung Quốc nên khoảng cách vận chuyển thuận lợi hơn.
  • Thể chế chính trị của Việt Nam rất hỗ trợ DN, có nhiều ưu đãi cho các dự án FDI lớn (quy định ưu đãi thay đổi theo từng trường hợp).
  • Việt Nam tham gia rất nhiều các FTA mà Indonesia không tham gia.
  • Về vĩ mô, gần đây VND rất ổn định so sánh với biến động của tiền Indonesia – IDR.

Dù vậy, để thu hút dòng vốn FDI này một cách hiệu quả, ông Phan Hữu Thắng, Nguyên Cục trưởng Cục đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch Đầu tư cho rằng, Việt Nam cần phải thực hiện nhiều việc:

  1. Thay đổi, điều chỉnh cơ cấu đầu tư, hệ thống luật pháp chính sách theo đúng định hướng thu hút đầu tư nước ngoài một cách có chọn lọc…
  2. Cần vạch ra các kế hoạch cụ thể, từ chủ trương đến thực tế, tổ chức thực hiện hoàn thiện thể chế cơ chế chính sách.

Theo Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan thì cơ hội không dành riêng cho Việt Nam, mà còn cả cho Ấn Độ, Indonesia… Trong khi các nước dành ưu tiên và mục tiêu rõ ràng thì Việt Nam vẫn đang đi theo chiến lược có nhiều mũi nhọn – đây cũng là nguyên nhân Việt Nam bỏ lỡ nhiều cơ hội.

Bà Phạm Chi Lan thẳng thắn chỉ ra việc Việt Nam bỏ lỡ cơ hội một phần là do vẫn còn tình trạng hô khẩu hiệu mà không chịu đánh giá thực lực và có sự nghiên cứu. Vì thế, chính sách không nên cố kiểm soát DN mà phải tháo rào cản để họ có cơ hội phát triển.

Cùng với thu hút vốn FDI, Việt Nam cũng đang có cơ hội thu hút đầu tư gián tiếp FII qua giao dịch cổ phiếu, trái phiếu hoặc đầu tư vào các công ty tư nhân, quỹ đầu tư mạo hiểm. Về vấn đề này, ông Andy Ho, Trưởng Bộ phận đầu tư của Tập đoàn VinaCapital nhận định: Các ngân hàng trung ương toàn cầu sẽ sớm phát hành nguồn tiền mới với tổng giá trị lên tới 6.000 tỷ USD, với phần lớn sẽ đổ vào thị trường vốn, với mục tiêu hỗ trợ kinh tế toàn cầu trong quá trình mở cửa trở lại sau dịch. Và chỉ cần một phần nhỏ trong số này cũng có thể giúp kinh tế Việt Nam mau chóng phục hồi và phát triển bền vững hơn trong tương lai.

Ông Andy phân tích: Các nhà đầu tư nước ngoài có thể chú ý nhiều hơn tới thị trường Việt Nam bởi nước ta mang lại cho họ lợi nhuận lớn hơn so với các lựa chọn đầu tư tại quốc gia của họ. Cụ thể, ở quốc gia của họ trái phiếu được giao dịch ở mức lãi suất âm, lãi suất tiền gửi có kỳ hạn cũng ở mức dưới 0, lãi từ chia cổ tức chỉ từ 1 – 2%. Trong khi đó ở Việt Nam có thể hưởng mức lãi từ chia cổ tức ở mức 3 – 4%, lãi suất trái phiếu ở mức 3 – 4% và tiền gửi có kỳ hạn ở mức 6 – 7%.

Trả lời cho câu hỏi này, nhóm nghiên cứu của VinaCapital chỉ ra rằng, điều các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm khi tiếp cận thị trường vốn Việt Nam là:

  1. Muốn thấy nhiều cơ hội tăng trưởng:Họ muốn thấy những DN lớn hơn niêm yết trên sàn, muốn thấy việc đẩy mạnh tiến trình cổ phần hóa các DN nhà nước. Nhà đầu tư cũng muốn có cơ hội đầu tư vào trái phiếu DN. Họ muốn có sự đa dạng với các cổ phiếu niêm yết trên sàn, thay vì chỉ có nhóm cổ phiếu bất động sản, ngân hàng thì cần có cổ phiếu viễn thông, điện, phân bón… thậm chí là y tế.
  2. Muốn giao dịch cổ phiếu của những DN không còn tỷ lệ sở hữu cho khối ngoại (FOL):Hiện nay có 30 DN niêm yết trên thị trường đang được giao dịch ở hạn định mức cổ phần dành cho khối ngoại. Vì vậy nhà đầu tư ngoại mới sẽ phải mua lại cổ phiếu từ những nhà đầu tư nước ngoài hiện hữu ở mức cao hơn giá cổ phiếu giao dịch trên thị trường. Điều này khiến chính họ phải hạ giá giao dịch 10 – 15% so với giá mua khi cần giao dịch khớp lệnh. Tình trạng này sẽ gây khó khăn cho nhà đầu tư mới khi họ muốn mua lại cổ phần của các DN.

Riêng với trái phiếu DN, để có thể được chấp nhận niêm yết chúng ta cần một quy trình đánh giá xếp hạng. Ngày nay có rất nhiều tổ chức đánh giá xếp hạng như Moody’s, S&P, Fitch và Việt Nam nên mời họ tới đánh giá xếp hạng trái phiếu DN. Rồi sau đó thông qua quy trình bão lãnh để niêm yết, từ đó tạo thanh khoản cho trái phiếu DN, khiến trái phiếu trở nên hấp dẫn hơn.

Ông Hong Sun – Phó Chủ tịch Hiệp hội DN Hàn Quốc tại Việt Nam (Korcham): Sau khủng hoảng dịch bệnh, không riêng nhà đầu tư Hàn Quốc mà rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài khác sẽ tìm đến đầu tư tại Việt Nam. Để nắm bắt cơ hội Việt Nam cần phải thực hiện mạnh mẽ hơn các biện pháp đồng bộ, thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ.

Tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với DN mới đây Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài (VAFIE) đã gửi một bản đề xuất gồm 4 điểm quan trọng để Việt Nam có thể đón đầu sự dịch chuyển của dòng vốn FDI. Cụ thể các khu kinh tế, khu công nghiệp phải chuẩn bị sẵn đất đai, hạ tầng, thông tin về giá thuê đất, cung ứng điện nước, nguồn nhân lực cho các nhà đầu tư dịch chuyển nhà máy sang Việt Nam. Ngoài ra, Việt Nam phải công khai, minh bạch, đơn giản hóa thủ tục cấp phép để đảm bảo rút ngắn thời gian thẩm định và cấp giấy chứng nhận đầu tư…


Bình luận


Bài viết liên quan