CHIẾN TRANH THƯƠNG MẠI MỸ – TRUNG CƠ HỘI 1 HẬU CHIẾN 10

CHIẾN TRANH THƯƠNG MẠI MỸ – TRUNG CƠ HỘI 1 HẬU CHIẾN 10

Việc Mỹ áp thuế 25% lên hàng loạt mặt hàng từ Trung Quốc đang mở ra cơ hội cho nhiều doanh nghiệp Việt Nam thế chân các nhà cung cấp nước láng giềng ở thị trường được đánh giá là có sức mua lớn, giá tốt như Mỹ.

Tuy nhiên, để tận dụng được cơ hội này thì doanh nghiệp cần củng cố nội lực rất nhiều.

KHÁCH HÀNG

TÌM ĐẾN

Chia sẻ tại hội thảo: “Chiến tranh thương mại: Tương lai của doanh nghiệp sản xuất?” do Nhóm Thời báo Kinh tế Sài Gòn phối hợp cùng Công ty TNHH Bluescope tổ chức mới đây, ông Hồ Đức Lam, Chủ tịch Hiệp hội Nhựa Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Nhựa Rạng Đông cho biết, trong thời gian qua đã tiếp nhiều công ty Mỹ, châu Âu. Đây là đơn vị cung cấp hàng hóa cho các nhà bán lẻ lớn như Walmart, IKEA… vốn lâu nay gia công ở Trung Quốc, nay dịch chuyển sang Việt Nam do chiến tranh thương mại bùng nổ, Mỹ đánh thuế 25% lên hàng hóa xuất đi từ Trung Quốc.

Trong khi đó, ở ngành gỗ, như chia sẻ của một số doanh nghiệp, thời gian qua cũng liên tục nhận được thư điện tử của đối tác nước ngoài hỏi thăm về hàng hóa, nhất là những mặt hàng vốn không phải là thế mạnh của Việt Nam, chẳng hạn như tủ bếp. Ngành này đang đặt mục tiêu xuất khẩu 20 tỉ đô la Mỹ vào năm 2025 và trở thành trung tâm nội thất thế giới tại Việt Nam. Chiến tranh thương mại Mỹ – Trung được xem là chất xúc tác cho mục tiêu này bởi đây là mặt hàng Trung Quốc đang xuất khẩu lớn vào Mỹ nhưng bị áp thuế ở đợt thứ ba vào tháng 9 (ngay lập tức 10% và tăng lên 25% từ đầu năm 2019).

Nhựa hay gỗ chỉ là hai trong số các mặt hàng mà Việt Nam đang có cơ hội xuất khẩu nhiều hơn vào Mỹ, thế chân hàng hóa từ Trung Quốc đang bị đánh thuế cao. Như phân tích của ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc phát triển, Trường Đại học Fulbright Việt Nam tại một hội thảo mới đây, nếu chỉ nhìn vào đợt đánh thuế thứ ba trị giá 200 tỉ đô la Mỹ thì theo cơ hội đang đến với ba nhóm mặt hàng chính.


Thứ nhất là các sản phẩm hàng tiêu dùng như gỗ nội thất. Đây là mặt hàng Trung Quốc đang xuất khẩu vào Mỹ với kim ngạch trên 32 tỉ đô la/năm còn Việt Nam hiện là 4,6 tỉ đô la. Tuy nhiên, hàng Việt Nam cũng phải cạnh tranh với hàng từ các nước khác như Đức, Ý, Canada…



Nhóm thứ hai là sản phẩm từ da nhưng chủ yếu là vali, túi xách, không có giày dép (vì Mỹ chưa đánh thuế mặt hàng này). Hiện Trung Quốc đang xuất sang Mỹ 7 tỉ đô la hàng hóa này và Ngân hàng Thế giới ước tính kim ngạch của nhóm này sẽ giảm khoảng 1,9 tỉ đô la khi việc áp thuế có hiệu lực. Trong khi đó, Việt Nam đang có được kim ngạch xuất khẩu vào Mỹ ở nhóm mặt hàng này ở mức 1,1 tỉ đô la Mỹ.



Nhóm thứ ba là sản phẩm nông nghiệp, nông sản chế biến. Các mặt hàng này từ Trung Quốc sẽ chịu thuế 10 – 25%. Trong số này thì các mặt hàng thủy sản sẽ chịu tác động mạnh nhất, giảm kim ngạch khoảng 700 triệu đô la. Việt Nam có thể khai thác được phần kim ngạch giảm ở mặt hàng tôm do tương đương về chủng loại xuất sang Mỹ (tôm thẻ chân trắng).

NHÌN XA

NGHĨ XA

Tuy nhiên, theo ông Thành, ngược lại với tiềm năng gia tăng hàng xuất khẩu thì chính các nhóm hàng trên trong thị trường nội địa lại chịu sức ép nặng nề. Đơn giản là vì Trung Quốc không xuất được sang Mỹ sẽ chuyển xuất sang các thị trường khác ở châu Á, trong đó có Việt Nam. Các doanh nghiệp ngành nội thất, nông sản, vali, túi xách, thậm chí cả hóa chất, nhựa, gia dụng ở thị trường nội địa sẽ phải cạnh tranh với hàng Trung Quốc giá rẻ.

Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Đình Thiên, nguyên viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam tại hội thảo: “Chiến tranh thương mại: Tương lai của doanh nghiệp sản xuất?” gọi tình trạng kể trên là hai mặt của vấn đề, cơ hội và bất lợi luôn đi song hành cùng nhau. Do vậy, doanh nghiệp cần nhìn cơ hội và thách thức một cách mềm dẻo, cần đánh giá đúng tầm, tránh tình trạng “kiếm ăn vặt” khi “trâu bò đánh nhau”. Nếu chỉ nhìn ngắn hạn thì cuối cùng chỉ “mãi là ruồi”.

Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập, VCCI cho rằng, với “siêu năng lực cạnh tranh” về giá, các doanh nghiệp Trung Quốc có thể khắc phục được chuyện thuế lên mức 25% như Mỹ áp. Do vậy, doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội để thế chân đưa hàng hóa vào Mỹ nhưng ở chừng mực nhất định. Và tận dụng được cơ hội hay không thì vẫn phải là nội lực của mỗi đơn vị.

Lời khuyên của các chuyên gia là để có thể tận dụng được cơ hội ngay trước mắt cũng như những cơ hội khác trong tương lai, bản thân doanh nghiệp cần phải củng cố nội lực, gia tăng sức mạnh cạnh tranh của chính mình bằng những đầu tư nghiêm túc, bài bản về nhân sự, về công nghệ… Có như vậy mới có thể vượt lên trên các đối thủ trong ngành, trở thành “người được chọn” một cách lâu bền, vững chắc, dù chiến tranh thương mại tiếp diễn hay chấm dứt. Đây cũng là cách để có thể thâm nhập và khai thác rất nhiều thị trường hấp dẫn khác đang mở ra theo các hiệp định thương mại tự do (FTA) kiểu mới mà Việt Nam đã ký kết. Bởi lẽ, về nguyên tắc, đa dạng hóa được thị trường bao nhiêu, ít phụ thuộc vào một thị trường nào bao nhiêu thì khả năng miễn nhiễm với các biến động, tự cân bằng bấy nhiêu.

“Từ trải nghiệm của doanh nghiệp mình, chúng tôi hoàn toàn đồng ý với những khuyến nghị này. Cách để chúng tôi luôn đứng vững là tập trung vào những lợi thế cốt lõi, đa dạng hóa thị trường. Quan trọng nhất, đó là nhìn xa, nghĩ rộng để có thể tiên phong và nắm bắt thời cơ khi cơ hội đến”, ông Võ Minh Nhựt, Tổng giám đốc NS Bluescope Việt Nam chia sẻ.


Bình luận


Đăng bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết liên quan