Những cuộc chiến gia tộc luôn dai dẳng, và kẻ hưởng lợi hẳn nhiên là những đối thủ truyền kiếp
Trong lịch sử, chúng ta từng chứng kiến không ít cuộc chiến gia tộc. Không chỉ quyền lực, gia sản bị phân chia, mà thế lực của gia đình cũng giảm sút rõ rệt. Đây cũng là cơ hội cho các đối thủ vươn lên.
Nhìn lại cuộc chiến dai dẳng kéo dài 60 năm giữa 2 anh em ruột, đồng thời là ông chủ của 2 thương hiệu giày nổi tiếng Adidas và Puma. Xuất phát điểm từ những tính cách trái ngược nhau trong kinh doanh, 2 anh em Adolf (Adi) Dassler và Rudolph (Rudi) đã chia đôi sản nghiệp gia đình, phát triển thành 2 thương hiệu giày riêng biệt Adidas và Puma theo tên của mỗi người.
Cuộc chiến giữa 2 anh em nhà “giày” này còn kéo theo cuộc chia cắt giữa 2 ngôi làng liền kề nơi 2 anh em sinh sống, đến nỗi thị trấn nơi đây được gọi là “thị trấn của những cái cổ cúi xuống”, vì điều đầu tiên người dân ở thị trấn làm là nhìn xuống chân của người đối diện xem người đó đi nhãn hiệu giày của bên nào trước khi quyết định có tiếp chuyện hay không.
Kẻ hưởng lợi lớn nhất trong cuộc xung đột giữa 2 anh em lại chính là đối thủ Nike. Trong lúc 2 anh em đang tranh đấu với nhau, Nike, lúc đó đang yếu thế hơn rất nhiều, đã âm thầm phát triển, thống lĩnh dần thị trường giày thể thao, bỏ xa luôn cả Adidas và Puma.
Mới gần đây, cuộc ly hôn tỷ đô của tỷ phú Jeff Bezos – ông chủ của Amazon cũng được nhắc đến không ít
Với tổng khối tài sản trị giá 137 tỷ USD, việc phân chia tài sản của cặp đôi này cũng không hề dễ dàng bởi phần lớn tài sản của ông Jeff Bezos nằm ở cổ phần tại Amazon, và Bezos không thể để mất quyền kiểm soát tại công ty. Còn nếu bán cổ phần để trả 50% số tiền cho vợ, quyền lực của Bezos cũng sẽ giảm đi đáng kể.
Cũng như những cuộc “nội chiến” gia tộc khác, vụ ly hôn đình đám của vợ chồng ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo đã kéo dài hơn 3 năm, từ năm 2015 đến nay. Và chắc chắn đã gây ra cho Trung Nguyên không ít sóng gió.
Điểm mấu chốt của vụ ly hôn kéo dài dai dẳng này là việc phân chia Tập Đoàn Trung Nguyên như thế nào. Bà Lê Hoàng Diệp Thảo từng đề nghị chia tách Tập đoàn Trung Nguyên thành 2 phần, Trung Nguyên và G7, để ông Vũ chọn một. Bà Thảo cũng yêu cầu ông Vũ cấp dưỡng cho 4 người con, mỗi người 5% cổ phần tại Trung Nguyên.
Ông Vũ thì có quan điểm không chia cắt Trung Nguyên, ông muốn nắm 70% số cổ phần để có quyền tự quyết các quyết sách của công ty, và ông có thể thanh toán giá trị số cổ phần bà Thảo nhận, để toàn quyền điều hành Trung Nguyên theo ý mình. Đi đến cùng, ông Vũ không muốn Tập đoàn Trung Nguyên bị chia cắt
Xét riêng, G7 là thương hiệu chủ yếu cho các sản phẩm cà phê hòa tan của Trung Nguyên. Còn Trung Nguyên chủ yếu gắn với các sản phẩm rang xay, hệ thống cửa hàng cũng như một số sản phẩm cà phê hòa tan. Nhận về thương hiệu nào, thì cả ông Vũ và bà Thảo đều có thể ngay lập tức tiếp tục kinh doanh với những thương hiệu đã có chỗ đứng trên thị trường trong và ngoài nước.
Nhưng nó sẽ đi kèm một hệ quả không thể tránh khỏi: làm suy yếu Trung Nguyên so với các đối thủ. Trung Nguyên hiện tại cùng với Vinacafe Biên Hòa của Masan và Nescafe của Nestle tạo thành “thế chân vạc” trên thị trường cà phê Việt Nam với quy mô tương đương nhau. Thậm chí nếu nhìn vào kết quả kinh doanh thì Trung Nguyên thậm chí vượt trội hơn hẳn so với Vinacafe Biên Hòa.
Nhưng khi tách đôi thì không những tạo thành 2 doanh nghiệp có quy mô nhỏ hơn hẳn 2 đối thủ truyền thống mà Trung Nguyên và G7 từ chỗ là người trong nhà lại trở thành đối thủ trực tiếp của nhau.
Kết quả kinh doanh của Trung Nguyên vẫn duy trì ổn định trong 4 năm qua, từ 2014 đến 2017 với mức doanh thu thuần dao động quanh mức 3.800 tỷ đồng đến 4.000 tỷ đồng. Còn doanh thu của riêng mảng cà phê của Vinacafe Biên Hòa từ mức 2.300 tỷ năm 2014 xuống còn 1.700 tỷ đồng vào năm 2017 – tương đương 1/2 tổng doanh thu.
Xét về lợi nhuận, năm 2014, Trung Nguyên ghi nhận 1.300 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế – gấp 4 lần so với năm 2013. Năm 2015 bắt đầu mâu thuẫn giữa vợ chồng ông chủ Trung nguyên, và những năm tiếp theo 2016-2017, lợi nhuận của Trung Nguyên tiếp tục suy giảm xuống còn lần lượt là 768 tỷ và 681 tỷ đồng.
Trong lúc Trung Nguyên vẫn còn bề bộn nhiều vấn đề phải giải quyết thì Vinacafe Biên Hòa đã tìm lại được động lực tăng trưởng từ dòng sản phẩm mới là nước tăng lực, qua đó thu hẹp đáng kể khoảng cách lợi nhuận giữa 2 công ty.
Về cơ cấu sản phẩm của Vinacafe Biên Hòa, báo cáo của Masan Consumer cho biết doanh thu cà phê hòa tan tăng trưởng 11%, từ 1.532 tỷ lên 1.708 tỷ đồng chủ yếu nhờ vào tăng sản lượng.
Trong khi triển vọng chung của ngành cà phê hòa tan vẫn chưa quá sáng sủa và Trung Nguyên vẫn còn loay hoay với những mâu thuẫn nội bộ của 2 lãnh đạo chủ chốt thì Vinacafe Biên Hòa đã tìm được động lực tăng trưởng mới: nước tăng lực vị cà phê Wake-up 247.
Những cuộc chiến gia tộc, những vụ ly hôn giữa những thế lực, giữa những cặp vợ chồng cùng nắm chung quyền điều hành một đế chế kinh doanh thường sẽ là những cuộc chiến dai dẳng. Và chắc chắn sẽ làm suy yếu đi chính doanh nghiệp của mình, kéo theo đó là những đối thủ được hưởng lợi không hề nhỏ.
Trên con đường cao tốc của cuộc đời, chúng ta thường nhận ra hạnh phúc từ gương chiếu hậu. Do vậy, điều quan trọng không phải ở vị trí ta đang đứng mà ở hướng ta đang đi.
Bình luận