Bà Đặng Thị Liên, Giám đốc Công ty TNHH Lương thực Thực phẩm Long An trăn trở, chưa năm nào giá xuất khẩu gạo lại thấp như năm nay. Giá gạo liên tục sụt giảm, kéo theo giá thu mua trong nước giảm, không chỉ doanh nghiệp giảm lợi nhuận mà người nông dân cũng bị giảm. Cũng vì giá thấp nên trung bình mỗi tháng công ty chỉ xuất khoảng hơn 1.000 tấn gạo, đạt tương đương so với mọi năm (dù nguồn cung dồi dào).
Với những diễn biến thị trường như trên, nhiều ý kiến cho rằng nếu ngành gạo cứ giậm chân tại chỗ, không có sự thay đổi trong cách thức sản xuất, chế biến thì sẽ khó mà cạnh tranh trên thị trường. Ông Phan Văn Có, đại diện Công ty TNHH International Vrices thừa nhận, mặt hàng gạo xuất đi các thị trường như Trung Đông, Mỹ, Châu Âu… ngày càng yêu cầu khắt khe về chất lượng và các tiêu chí khác kèm theo trong khi đa số doanh nghiệp Việt vẫn chưa đáp ứng được những tiêu chí này.
Chính vì thế rất nhiều doanh nghiệp, kể cả các doanh nghiệp chỉ làm gạo cho thị trường nội địa cũng xác định phải có sự liên kết chặt chẽ với người nông dân và có nhà máy chế biến hoàn chỉnh để có thể sản xuất ra những hạt gạo an toàn, chất lượng, vì sức khỏe người tiêu dùng.
Nhiều doanh nghiệp trong ngành gạo cho hay, năm 2018 vừa qua Chính phủ và các Bộ ngành đã thể hiện sự quan tâm tới ngành lúa gạo xuất khẩu bằng việc ra đời Nghị định 107/2018/NĐ-CP (NĐ 107) về kinh doanh xuất khẩu gạo để thay thế cho NĐ 109/2010/NĐ-CP. Với nghị định này, nhiều quy định về kho chứa, nhà xưởng đã được nới lỏng rất nhiều. Đồng thời không bắt buộc phải có dây chuyền xay lúa; không hạn chế địa bàn đầu tư; chỉ quy định kho chứa, cơ sở xay xát, chế biến lúa, gạo phải bảo đảm đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành. Tuy nhiên với những yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường nhập khẩu, nhiều doanh nghiệp xác định phải làm ăn bài bản bằng việc đầu tư kho chứa, vùng nguyên liệu cũng như đảm bảo các tiêu chuẩn quy chuẩn do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành. Bởi lẽ, theo các doanh nghiệp, dù nhà nước “cởi trói” nhưng thị trường yêu cầu ngày càng cao, doanh nghiệp muốn tồn tại phải tạo sự khác biệt,
và cho nhà nhập khẩu thấy được mình sản xuất theo quy chuẩn cũng như đầu tư cho phát triển lâu dài.
Ông Phạm Minh Thiện, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Cỏ May (Đồng Tháp)
chia sẻ, mỗi năm doanh nghiệp này đều tự nâng cấp dây chuyền, nhà xưởng theo nhu cầu từ thị trường. Ông Thiện quan niệm, hạt gạo làm ra phải vì người tiêu dùng, vì sức khỏe của họ thì mới tồn tại và có chỗ đứng vững chắc trên thị trường được.
(Theo Congthuong.vn)
Bình luận