KINH TẾ VIỆT NAM, NGUY CƠ TĂNG TRƯỞNG ÂM VÀ NỖI ÁM ẢNH MANG TÊN COVID-19

KINH TẾ VIỆT NAM, NGUY CƠ TĂNG TRƯỞNG ÂM VÀ NỖI ÁM ẢNH MANG TÊN COVID-19


Covid-19 đã tái bùng phát ở Việt Nam, cũng giống như cái cách mà đại dịch này đang gây ám ảnh cả thế giới. Cứ 15 giây, thế giới lại có 1 người chết vì Covid-19. Và vì thế, chưa bao giờ, có lẽ kể từ sau Thế chiến thứ 2, kinh tế toàn cầu bị phủ một bóng đen u ám như thế. Tờ Bloomberg đã nhận định rằng, làn sóng Covid-19 lần 2 sẽ đẩy kinh tế toàn cầu vào suy thoái sâu hơn. Còn Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thừa nhận, phục hồi kinh tế sẽ cần nhiều thời gian hơn và phụ thuộc nhiều vào diễn biến của dịch bệnh.

Kinh tế Việt Nam cũng không thể “đứng ngoài” vòng xoáy suy giảm. Trên thực tế, sau khi Việt Nam thực hiện giãn cách xã hội và chống dịch Covid-19 thành công, nền kinh tế đã bắt đầu có dấu hiệu “nhúc nhích”. Cả sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, du lịch, xuất nhập khẩu đều bắt đầu đi lên. Nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang.


Đầu năm, khi Covid-19 chỉ vừa mới bắt đầu, các kịch bản kinh tế 2020 đã được xây dựng, với kịch bản lạc quan nhất là tăng trưởng GDP năm 2020 sẽ là 6,27%.

  • Quý I kết thúc, với tăng trưởng GDP ước chỉ đạt 3,82% và con số sau đó được tính toán lại chỉ là 3,62%, thì mọi dự báo đã bị đảo lộn.
  • Quý II, nền kinh tế chỉ tăng trưởng 0,36%, và 6 tháng là 1,81%.

Dù rất nhiều ý kiến cho rằng, “kinh tế Việt Nam vẫn có tăng trưởng dương”, thì có một sự thật là, kinh tế Việt Nam đã chịu những tác động vô cùng nghiêm trọng bởi Covid-19. “Nghiêm trọng” và “khẩn cấp” là những cụm từ được Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng dùng để nói về kinh tế Việt Nam. Đấy là lúc làn sóng Covid-19 lần 2 còn chưa bùng phát.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn lời của các chuyên gia để nói rằng, năm nay tăng trưởng 2-3% đã là “tốt lắm rồi”. Thủ tướng cương quyết: “Không được để kinh tế đứt gãy. Không được để tăng trưởng âm”. Điều đó cho thấy, hơn ai hết, người đứng đầu Chính phủ hiểu rất rõ tình thế khó khăn của kinh tế Việt Nam. Nguy cơ tăng trưởng âm hiện hữu. Không có bất cứ nền kinh tế nào chỉ dựa vào thị trường nội địa mà phát triển. Kinh tế Việt Nam thậm chí còn có độ mở rất cao, thuộc diện top đầu thế giới. Vì thế, khi kinh tế toàn cầu suy thoái, Việt Nam khó có thể giao thương bình thường.

Một khi làn sóng Covid-19 lần thứ 2 bùng phát mạnh, cả trên thế giới và ở Việt Nam, tình hình sẽ còn tệ hơn nữa. “Có khả năng, nền kinh tế sẽ tăng trưởng âm khi dịch bùng phát mạnh. Dư địa để Việt Nam tăng trưởng đã không còn nữa”, ông Nguyễn Đức Thành, cựu Viện trưởng VEPR nói như vậy.

Quý II, nền kinh tế chỉ tăng trưởng 0,36%. Quý III, tình hình cũng không khả quan hơn bao nhiêu. Quý III năm ngoái, kinh tế tăng trưởng tới 7,31%, và do vậy, kỳ vọng một mức tăng trưởng cao trên nền tăng trưởng cao của năm ngoái là “bất khả thi”.

Làn sóng Covid-19 lần thứ hai đang giáng những đòn rất mạnh vào kinh tế Việt Nam. Bị ảnh hưởng rõ nhất, nhìn thấy dễ nhất, đó là ngành du lịch và vận tải hành khách. TP.HCM thông tin, chỉ trong hai ngày 26-27/7, đã có gần 21.000 khách hàng hủy tour tại Vietravel, tương đương doanh thu dự kiến 88,6 tỷ đồng. 10.000 khách cũng đã hủy tour tại Saigontourist. Và chắc chắn, còn hàng loạt doanh nghiệp du lịch khắp trên cả nước bị hủy tour như vậy.

“Sau đợt dịch thứ hai này, nhiều doanh nghiệp du lịch sẽ không gượng dậy nổi”, ông Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam dự đoán.

Trong khi đó, Vietnam Airlines vừa báo cáo với các cổ đông rằng, họ có thể sẽ lỗ 15.000 tỷ đồng trong năm nay. Lũy kế nửa đầu năm, hãng hàng không quốc gia có 24.808 tỷ đồng doanh thu, giảm 50% và lỗ sau thuế 6.642 tỷ đồng. Nhưng lỗ không phải là tất cả. Điều khiến hãng hàng không Việt Nam lo ngại nhất hiện nay chính là dòng tiền. Hãng cần khoản hỗ trợ khẩn cấp 12.000 tỷ đồng nhằm tránh tình trạng hết tiền vào cuối tháng 8 và đã bắt đầu kêu gọi sự hỗ trợ từ Chính phủ.

Bamboo cũng đã kêu gọi sự trợ giúp của Chính phủ. Các hãng hàng không đều đang bày tỏ mong muốn có được các khoản vay với lãi suất 0%, một điều chưa từng có tiền lệ ở Việt Nam.

Trong bối cảnh đó, những ngành công nghiệp có giá trị xuất khẩu hàng tỷ USD cũng đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch Covid-19. Bộ Công thương cho biết, nhiều doanh nghiệp trong các ngành dệt may, da giày cho đến thời điểm này, vẫn chưa nhận được thêm đơn đặt hàng cho những tháng cuối năm. Đây là những ngành sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn trong những tháng cuối năm.

  • Xuất khẩu dệt may của Việt Nam tiếp tục giảm 14-18% so với cùng kỳ năm trước trong những tháng cuối năm, sau khi chỉ đạt 16,18 tỷ USD trong 7 tháng, giảm 12,1%.
  • Xuất khẩu da giày sẽ tiếp tục xu hướng giảm, bất kể việc EVFTA đã có hiệu lực, có thể giúp “khơi thông” hàng hóa vào thị trường châu Âu. 7 tháng qua, xuất khẩu giày dép chỉ đạt 9,53 tỷ USD, giảm 7,9% so với cùng kỳ năm 2019.
  • Ngành hàng điện tử, nhất là điện thoại di động cũng “khó chồng khó”. 7 tháng, xuất khẩu điện thoại và linh kiện chỉ đạt 25,65 tỷ USD, giảm 6,6% so với cùng kỳ năm trước. Samsung, nhà sản xuất và xuất khẩu điện thoại di động lớn nhất tại Việt Nam hiện nay lo ngại rằng, sản xuất và xuất khẩu sản phẩm này sẽ còn giảm mạnh hơn thế, bất chấp việc hãng này vừa cho ra mắt dòng điện thoại mới Galaxy Note 20.

Không ngoa khi nói rằng, nền kinh tế Việt Nam đang mong manh như đang đi trên dây, và tất cả đang phụ thuộc vào điều hành của Chính phủ.

Hồi tháng 4, Chính phủ đã cho thực hiện “lệnh” giãn cách xã hội trên diện rộng. Và hệ lụy là, tăng trưởng GDP quý II chỉ đạt 0,36%, thấp nhất trong nhiều thập kỷ; 31 triệu người mất việc, giãn việc, giảm thu nhập. Nếu bây giờ, lệnh giãn cách xã hội một lần nữa được áp dụng, thì hệ lụy là khôn lường. Nền kinh tế, theo ông Nguyễn Đức Thành, GDP đi ngang đã là “một thành công lớn”.

Tuy nhiên, có vẻ như, sau kinh nghiệm của lần đầu, Chính phủ đã ngày càng thận trọng hơn. Thủ tướng Chính phủ nói, không vì kiềm chế lây lan dịch bệnh mà “ngăn sông, cấm chợ”, không được để “đứt gãy nền kinh tế”, không được tuyên bố giãn cách xã hội mà chưa tính toán phương án phù hợp, đặc biệt là khi chưa có ổ dịch, dẫn đến bế tắc các hoạt động kinh tế – xã hội…

Còn Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nói: “Quan điểm chung là khi phát hiện ổ dịch thì phải khoanh lại, đám lửa to khoanh to, đám lửa nhỏ khoanh nhỏ để dập tắt”.

Nghĩa là câu chuyện điều hành để thực hiện nhiệm vụ kép là vừa chống dịch vừa duy trì phát triển kinh tế đã là những tính toán thận trọng và kết hợp nhuần nhuyễn, khôn ngoan hơn. Trừ phi dịch lan quá rộng, mà điều này được các chuyên gia cho là khó xảy ra, bởi Việt Nam có kinh nghiệm và đang làm rất tốt nhiệm vụ này, sẽ không có chuyện giãn cách xã hội trên diện rộng.

Bà Stefanie Stallmeister, quyền Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, đã đưa ra tới 3 khuyến nghị giúp nền kinh tế Việt Nam bước qua khủng hoảng vì Coid-19 như sau:

  • Cân nhắc gỡ bỏ hạn chế đi lại trong nước và quốc tế, bắt đầu với các quốc gia an toàn với Covid-19, với mục tiêu là nhằm đẩy mạnh hoạt động du lịch hiện đóng góp khoảng 10% cho GDP của Việt Nam. Đó cũng là hướng hành động quan trọng nhằm thu hút các nhà đầu tư tiềm năng và chuyên gia kỹ thuật.
  • Đẩy nhanh việc triển khai chương trình đầu tư công.
  • Hỗ trợ khu vực tư nhân, đặc biệt là các doanh nghiệp tạm thời bị ảnh hưởng do khủng hoảng.

Trong 3 khuyến nghị này, xem ra, khuyến nghị đầu khó có thể thực hiện, bởi đại dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp. Đẩy mạnh đầu tư công và hỗ trợ khu vực tư nhân là giải pháp mà Việt Nam vẫn đang nỗ lực thực hiện.

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp hiện nay cho biết, họ chưa thể tiếp cận được các chính sách hỗ trợ, mặt khác, chính sách tiền tệ cũng không có nhiều dư địa, khi chính hệ thống ngân hàng lo ngại câu chuyện nợ xấu khi đẩy mạnh cho vay thời Covid-19. Vì thế, chìa khóa quan trọng nhất hiện nay, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, đó là các chính sách tài khóa. Một mặt, cần đẩy nhanh giải ngân đầu tư công, mặt khác, cần gia hạn và bổ sung các gói hỗ trợ cho doanh nghiệp, cho người dân, vừa thúc đẩy sản xuất – kinh doanh, tạo việc làm và giải quyết các vấn đề an sinh xã hội.

Ở một khía cạnh khác, các chuyên gia cho rằng, bản thân các doanh nghiệp cũng phải nỗ lực thích ứng, tìm ra giải pháp để đẩy mạnh sản xuất và tăng trưởng.

Trên thực tế, bất chấp đại dịch Covid-19 đang ảnh hưởng nghiêm trọng tới kinh tế toàn cầu và Việt Nam, nhiều lĩnh vực vẫn phát triển trong gian khó. Các lĩnh vực liên quan đến dược phẩm, y tế, hàng hoá thiết yếu, thực phẩm, giáo dục trực tuyến, công nghệ… được cho là vẫn có nhiều “cửa” để phát triển.

  • Dược Hậu Giang trong 6 tháng đầu năm vẫn đạt lợi nhuận 185,7 tỷ đồng, tăng 6,3% so với cùng kỳ.
  • Tổng công ty cổ phần y tế Danameco (DNM) trong quý II đạt doanh thu thuần 239 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế gần 17,4 tỷ đồng, tăng lần lượt 380% và 569% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân là vì, dịch Covid-19 bùng phát, DNM đã tập trung đẩy mạnh sản xuất các mặt hàng phục vụ phòng chống dịch như khẩu trang, trang phục bảo hộ, khiến doanh thu và lợi nhuận tăng mạnh.
  • Trong 6 tháng đầu năm, KIDO đạt 3.683 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 14,2% so với cùng kỳ năm 2019; lợi nhuận đạt 180 tỷ đồng, tăng 17,4% và đạt 54% mục tiêu cả năm.
  • Masan đạt doanh thu thuần hợp nhất 35.404 tỷ đồng, tăng 103,3% so với vào nửa đầu năm 2019. Riêng quý II/2020, doanh thu thuần Masan Group tăng trưởng 92%. Có mức tăng trưởng này, chủ yếu là nhờ mức tăng trưởng hai chữ số tại The CrownX (TCX) – công ty hợp nhất nắm giữ phần vốn góp tại VinCommerce (VCM) và Masan Consumer Holdings (MCH). Mảng kinh doanh thịt lợn của Masan MEAT DELI cũng rất khả quan, đạt doanh thu 1.055 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2020. Riêng doanh thu quý II của ngành hàng này đã tăng tới 32,7% so với quý I/2020.
  • Vinamilk, trong 6 tháng, đã đạt doanh thu thuần hợp nhất 29.648 tỷ đồng, tăng 6,7% so với cùng kỳ 2019 và hoàn thành 50% kế hoạch năm. Trong khi đó, lợi nhuận sau thuế hợp nhất của Vinamilk là 5.861 tỷ đồng, tăng 2,8% so với cùng kỳ 2019 và hoàn thành 55% kế hoạch năm.

Covid-19, theo các chuyên gia kinh tế, cũng đã giống như một cú hích đẩy làn sóng đầu tư đang dịch chuyển khỏi Trung Quốc tăng tốc nhanh hơn. Trong làn sóng dịch chuyển đó, Việt Nam đang nổi lên là một địa điểm đầu tư hàng đầu được lựa chọn, nhờ những thành công trong cuộc chiến chống lại Covid-19, cũng như những nỗ lực trong cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Trong vòng 7 tháng vừa qua, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký vào Việt Nam vẫn đạt 9,46 tỷ USD, tăng 14,4%so với cùng kỳ. Nếu có giảm, chủ yếu là do phần đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần. Một khi làn sóng đầu tư nước ngoài đổ vào Việt Nam ngày một mạnh, có thêm năng lực sản xuất, kinh tế Việt Nam sẽ có thêm cơ hội và động lực để vượt qua “cửa tử”, sớm phục hồi khi Covid-19 qua đi.


Bình luận


Bài viết liên quan