EVFTA – GIẤY THÔNG HÀNH CHO NGÀNH HÀNG CHỦ LỰC VIỆT NAM “CẤT CÁNH”?

EVFTA – GIẤY THÔNG HÀNH CHO NGÀNH HÀNG CHỦ LỰC VIỆT NAM “CẤT CÁNH”?


Thời điểm kết thúc năm 2019, ngành thủy sản đã đặt mục tiêu trong 2020 kim ngạch xuất khẩu vào thị trường EU sẽ đạt 2 tỷ USD với kỳ vọng EVFTA được đưa vào thực thi sớm. Tuy nhiên, dịch Covid-19 bất ngờ xảy ra đã khiến tiêu thụ bị sụt giảm và hiệp định EVFTA dù được phê chuẩn cũng cần có thời gian hiện thực hóa. Chính vì thế, ngành thủy sản buộc phải dời mục tiêu này sang năm 2021 và đang có những kế hoạch cụ thể để phát triển thị trường EU tương xứng với khả năng của DN trong ngành.

Ông Trương Đình Hòe – Tổng thư ký của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết thời điểm này cùng với tinh thần phấn khởi do Quốc hội vừa phê chuẩn EVFTA, các DN trong ngành thủy sản đang tích cực hoàn thiện những tiêu chuẩn cần thiết về tiêu chuẩn để khi EVFTA có hiệu lực sẽ tận dụng triệt để lợi thế từ FTA này.

Đối với các DN thủy sản, thời gian qua dù ít nhiều bị tác động bởi dịch bệnh khiến việc xuất khẩu sụt giảm song hầu hết vẫn tuân thủ chặt chẽ chất lượng từ vùng nuôi, từ chứng nhận an toàn thực phẩm cho tới hạ tầng logistics để đáp ứng yêu cầu của thị trường vì không chỉ tại EU mà ở các nước khác, tiêu chuẩn đặt ra cho các sản phẩm thủy sản luôn vô cùng khắt khe.

Đơn cử trong lĩnh vực cá tra, Tập đoàn Việt Úc, Công ty TNHH MTV Nam Việt, CTCP Vĩnh Hoàn, Công ty TNHH Phát triển Lộc Kim Chi đã đầu tư vùng nuôi cá tra theo Đề án liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao vùng ĐBSCL do tỉnh An Giang chủ trì triển khai. Hiện tại, các DN này đều quy hoạch vùng nuôi theo chuẩn công nghệ cao, đạt các tiêu chí khắt khe nhằm có sản phẩm cá tra xuất khẩu tốt nhất, bất kể những tác động mạnh khiến ảnh hưởng đến kinh doanh từ mùa dịch.

Xuất khẩu gỗ của Việt Nam vào EU hiện chiếm khoảng 10% trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng năm. Các chuyên gia nhận xét, khi EVFTA chính thức có hiệu lực từ 1/8 sẽ mang lại nhiều lợi thế cho xuất khẩu gỗ, giúp ngành có thêm trợ lực để bứt tốc sau dịch. Tuy nhiên, nếu như các ngành khác hưởng lợi chính về thuế suất thì DN gỗ lại hưởng lợi chính về nhập khẩu bởi hiện nay xuất khẩu gỗ vào EU đã gần như đang hưởng thuế 0%.

Ông Nguyễn Chánh Phương – Phó chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP. Hồ Chí Minh (HAWA) – phân tích, ước tính mỗi năm Việt Nam đang nhập khẩu khoảng 1 triệu m3 gỗ (tương đương 270 triệu USD) nguyên liệu từ các nước EU. Khi thuế nhập khẩu về 0% sẽ tạo thêm lợi thế để DN gỗ chuyển mạnh qua thị trường EU, đưa các sản phẩm gỗ có chất lượng, từ đó gia tăng giá trị và đáp ứng các yêu cầu trong quy tắc xuất xứ của EVFTA.

Là DN đang xuất khẩu khá thành công vào EU, ông Trần Quốc Mạnh – Chủ tịch HĐQT CTCP phát triển SXTM Sài Gòn (SADACO) cho biết, không riêng SADACO mà nhiều DN gỗ khác tại TP. Hồ Chí Minh đều đã có chuẩn bị sẵn sàng từ nguyên phụ liệu, hệ thống tiêu chuẩn, chứng nhận quốc tế… Đồng thời cập nhật toàn bộ thông tin về quá trình triển khai EVFTA nên tự tin sẽ đáp ứng được các nội dung đưa ra trong Hiệp định EVFTA. Tuy nhiên, để hiệu quả của EVFTA được phát huy tối đa, ông Mạnh đề xuất cần sự vào cuộc của các bộ ngành, hiệp hội và DN.

Ngay từ những ngày đầu đàm phán, nhiều nhận định cho rằng ngành hàng dệt may sẽ có được nhiều lợi thế nhất khi EVFTA có hiệu lực bởi lẽ dệt may đang chịu mức thuế áp lên khu vực này đang ở mức cao nhất, với thuế suất bình quân gia quyền là 9%. Trong khi với EVFTA, thuế suất giảm về 0% trong vòng 7 năm và giúp dệt may có cơ hội gia tăng thị phần tại thị trường có quy mô 250 tỷ USD kim ngạch nhập khẩu dệt may mỗi năm.

Ông Phạm Văn Việt – Chủ tịch HĐQT Công ty Việt Thắng Jean chia sẻ hiện tại công ty đang xuất phần lớn sang EU với kim ngạch 8 triệu USD/năm, trong đó mặt hàng Jean phải chịu thuế suất đến 16%.

Lợi thế đã thấy rõ nhưng vấn đề khó khăn nhất để ngành này được hưởng lợi là phải đáp ứng được quy tắc xuất xứ nguồn gốc. Trong khi đó dệt may Việt Nam từ trước vốn phụ thuộc nguyên phụ liệu từ Trung Quốc nên hiện tại nhiều DN đã có những bước chuẩn bị về nhà xưởng, nguyên liệu… để sẵn sàng “tấn công” thị trường EU ngay khi hiệp định có hiệu lực.

Ông Trần Như Tùng – Phó chủ tịch HĐQT CTCP dệt may – đầu tư – thương mại Thành Công chia sẻ: Công ty đã xây dựng một nhà máy nhuộm vải ở KCN Hòa Phú, tỉnh Vĩnh Long với hơn 1.500 lao động. Ước tính mỗi năm nhà máy này làm ra số lượng vải đủ cho nhu cầu sản xuất của Thành Công. Ngoài ra, công ty cũng dự kiến sẽ xúc tiến mở thêm một nhà máy nữa tại miền Tây để có thể tự chủ nguyên liệu trong sản xuất.

Theo nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, EVFTA sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 20% vào năm 2020 và 43% vào năm 2025. Và theo cam kết của EVFTA thì các sản phẩm như củ quả, rau củ quả chế biến, nước hoa quả khác… về cơ bản sẽ được xóa bỏ thuế quan ngay khi hiệp định có hiệu lực.

Cùng với việc hưởng lợi lớn về thuế quan thì EVFTA cũng đặt ra những thách thức không nhỏ cho nông sản khi thâm nhập vào EU. Cụ thể là DN Việt sẽ phải đáp ứng những tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm, có truy xuất nguồn gốc xuất xứ, có các chứng chỉ về môi trường, xã hội… Nhận thức rõ vấn đề này, nhiều DN lớn trong ngành này đã có chuẩn bị kỹ lưỡng từ vùng trồng để đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật khắt khe của EU, cùng với đó là đáp ứng những chứng chỉ toàn cầu, ví dụ như Vina T&T.

Mặc dù vậy, theo nhận định của các chuyên gia, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn còn chưa được khống chế trên toàn cầu như hiện nay thì chỉ những DN có công nghệ cao, có vùng trồng sẽ là DN tiên phong được hưởng lợi khi xuất khẩu vào EU. Chính vì thế để cộng đồng DN, nhất là DN vừa và nhỏ tận dụng được hết những lợi thế mà Hiệp định này mang lại rất cần sự hỗ trợ từ các cơ quan nhà nước trong việc tuyên truyền, xúc tiến thương mại để doanh nghiệp nắm bắt thông tin từ thị trường.

Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển

Do EU là thị trường khó tính với nhiều hàng rào kỹ thuật cao, nên để tận dụng được những lợi thế, tăng cường xuất khẩu DN phải xác định thế mạnh sản phẩm của mình, xác định được nhu cầu thị trường. Đồng thời nâng cao nội lực DN thông qua hệ thống máy móc, kỹ thuật, trình độ lao động và nguồn vốn. Thị trường EU rất đề cao các yếu tố về trách nhiệm xã hội, bảo vệ môi trường, quyền lợi người lao động, vì thế, các DN phải chú ý điều này.

Ở giai đoạn đầu xuất khẩu, DN có thể chưa có lợi nhuận do đơn hàng nhỏ và giá thành sản xuất cao. Tuy nhiên về lâu dài, khi DN khẳng định được chất lượng sản phẩm, có thị trường ổn định thì sẽ có điều kiện cải thiện năng suất, chất lượng. Từ đó, quy mô sản xuất sẽ tăng dần lên. Như vậy, các DN có thời gian từ 3 – 5 năm để thành công chứ không phải cứ có hiệp định là đẩy ào xuất khẩu qua.

Ông Nicolas Audier – Chủ tịch Hiệp hội DN châu Âu

tại Việt Nam (EuroCham):

Hiện nay, trong bối cảnh các cuộc chiến thương mại và đại dịch toàn cầu phá vỡ các hoạt động kinh doanh thông thường ở quy mô chưa từng có, việc thực thi Hiệp định EVFTA trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Thương mại tự do, công bằng và dựa trên nguyên tắc là lộ trình tốt nhất dành cho tăng trưởng kinh tế. Việt Nam sẽ có quyền truy cập vào thị trường tiêu dùng khoảng 500 triệu dân của EU, những người muốn kinh doanh và đầu tư vào một quốc gia an toàn và thịnh vượng ở trung tâm của châu Á.

Thỏa thuận này thể hiện lợi ích đôi bên cùng có lợi (‘win – win’) thực sự, không chỉ dành cho các DN châu Âu và Việt Nam; mà còn cho công dân của cả hai phía. EuroCham cùng với 17 tiểu ban ngành nghề, đại diện cho hơn 1.000 DN thành viên, sẵn sàng hợp tác với Việt Nam để đảm bảo tất cả các bên có thể mở khóa toàn bộ tiềm năng của EVFTA trong hiện tại và tương lai.


Bình luận


Bài viết liên quan